Điều 12 Thông tư 52/2020/TT-BTC về hướng dẫn biện pháp thực hiện Thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 12. Xác định trị giá thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
1. Trị giá thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là trị giá do cơ quan hải quan xây dựng phục vụ cho mục đích thống kê trên cơ sở trị giá khai báo và tuân theo nguyên tắc quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Trường hợp không xác định được theo điều kiện giao hàng FOB hoặc tương đương (đối với hàng xuất khẩu) và điều kiện giao hàng CIF hoặc tương đương (đối với hàng nhập khẩu) thì trị giá thống kê hàng hóa được căn cứ vào hồ sơ hải quan và các nguồn thông tin khác để quy đổi tương đương.
2. Trị giá thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng như sau:
a) Đối với hàng hóa phải nộp thuế xuất khẩu hoặc nhập khẩu và các loại thuế liên quan trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu: trị giá thống kê là trị giá tính thuế của hàng hóa;
b) Đối với hàng hóa không phải nộp thuế xuất khẩu hoặc nhập khẩu và các loại thuế liên quan trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu:
b.1) Trường hợp hàng hóa có trị giá khai báo quy đổi ra Đô la Mỹ (USD) nhỏ hơn hoặc bằng 1000 USD: trị giá thống kê là trị giá khai báo được cơ quan hải quan chấp nhận;
b.2) Trường hợp hàng hóa có trị giá khai báo quy đổi ra Đô la Mỹ lớn hơn 1000 USD: trị giá thống kê hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu được xác định như sau:
b.2.1) Hàng hóa xuất khẩu được khai báo với điều kiện giao hàng là FOB, FAS và DAF: trị giá thống kê là trị giá khai báo được cơ quan hải quan chấp nhận;
b.2.2) Hàng hóa xuất khẩu được khai báo với điều kiện giao hàng khác: Trị giá thống kê được quy đổi về trị giá theo điều kiện giao hàng FOB căn cứ vào kết quả điều tra định kỳ về phí bảo hiểm (I) và phí vận chuyển quốc tế (F) của Cơ quan Thống kê trung ương.
b.2.3) Hàng hóa nhập khẩu được khai báo với điều kiện giao hàng là CIF, DAF, CIP: trị giá thống kê là trị giá khai báo được cơ quan hải quan chấp nhận;
b.2.4) Hàng hóa nhập khẩu được khai báo với điều kiện giao hàng khác: trị giá thống kê được quy đổi về trị giá theo điều kiện giao hàng CIF căn cứ vào khai báo về phí bảo hiểm và phí vận chuyển quốc tế trên tờ khai hải quan. Nếu trên tờ khai hải quan không có khai báo các loại phí này thì trị giá thống kê được quy đổi căn cứ vào kết quả điều tra định kỳ về phí bảo hiểm và phí vận chuyển quốc tế của Cơ quan Thống kê trung ương.
3. Xác định trị giá thống kê trong những trường hợp đặc thù:
a) Trường hợp tờ khai hải quan đăng ký một lần nhưng xuất khẩu hoặc nhập khẩu nhiều lần thì trị giá thống kê là trị giá thực tế của hàng hóa khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu;
b) Trường hợp hàng hóa được phép ghi giá tạm tính khi đăng ký tờ khai hải quan thì trị giá thống kê phải điều chỉnh khi có giá chính thức trên tờ khai sửa đổi, bổ sung;
c) Đối với tiền giấy, tiền kim loại và giấy tờ có giá chưa phát hành, chưa đưa vào lưu thông thì trị giá thống kê là chi phí để sản xuất tiền giấy, tiền kim loại và giấy tờ có giá (không phải là mệnh giá của các loại hàng hóa này);
d) Đối với phương tiện trung gian dùng để chứa thông tin bao gồm: bằng từ, đĩa từ, CD-ROM, thẻ thông minh và các phương tiện trung gian khác đã hoặc chưa chứa thông tin, trừ loại được sản xuất theo yêu cầu hoặc đơn đặt hàng riêng thì trị giá thống kê là toàn bộ trị giá của các hàng hóa này (không phải chỉ là trị giá của các phương tiện trung gian chưa có thông tin);
đ) Đối với hàng gia công trong nước hoặc thuê nước ngoài gia công:
- Trị giá thống kê xuất khẩu của hàng hóa gia công tại Việt Nam xác định theo giá FOB và tương đương, theo công thức:
Giá một đơn vị hàng hóa gia công bằng (=) toàn bộ trị giá nguyên vật liệu của một sản phẩm cộng ( ) các chi phí khác (nếu có) của một sản phẩm cộng ( ) giá gia công một sản phẩm;
- Trị giá thống kê nhập khẩu của hàng hóa thuê gia công ở nước ngoài xác định theo giá CIF và tương đương, theo công thức:
Giá một đơn vị hàng hóa gia công bằng (=) toàn bộ trị giá nguyên vật liệu của một sản phẩm cộng ( ) chi phí vận chuyển quốc tế và bảo hiểm cộng ( ) các chi phí khác (nếu có) của một sản phẩm cộng ( ) giá gia công một sản phẩm;
e) Đối với hàng hóa theo hợp đồng thuê tài chính: trị giá thống kê xác định trên cơ sở giá bán của hàng hóa tương tự (loại trừ các dịch vụ cung cấp kèm theo hợp đồng cho thuê như chi phí đào tạo, bảo trì, phí tài chính);
g) Đối với hàng hóa kèm dịch vụ: trị giá thống kê xác định theo giá FOB và tương đương (đối với hàng xuất khẩu) hoặc giá CIF và tương đương (đối với hàng nhập khẩu) của hàng hóa và loại trừ các phí dịch vụ;
h) Đối với các giao dịch không khai trị giá (như: hàng đổi hàng, hàng viện trợ nhân đạo hoặc các giao dịch không khai báo trị giá khác): trị giá thống kê thực hiện theo nguyên tắc xác định trị giá hải quan;
i) Đối với hàng trả lại: trị giá thống kê là trị giá hàng hóa trả lại, được định giá theo trị giá của giao dịch xuất khẩu hoặc nhập khẩu ban đầu;
k) Đối với điện năng xuất khẩu hoặc nhập khẩu: trị giá thống kê là trị giá khai trên tờ khai hải quan;
l) Đối với dầu thô, xăng dầu và khí đốt xuất khẩu, nhập khẩu: trị giá thống kê ban đầu được xác định theo giá tạm tính, sau đó được điều chỉnh khi có giá chính thức.
Thông tư 52/2020/TT-BTC về hướng dẫn biện pháp thực hiện Thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Quản lý nhà nước về hải quan đối với thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 5. Hệ thống chỉ tiêu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 6. Hệ thống thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 7. Hệ thống thương mại sử dụng trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 8. Phạm vi thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 9. Phạm vi thống kê hàng hóa trong các trường hợp đặc thù
- Điều 10. Nguồn dữ liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 11. Kỳ báo cáo thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và thời điểm thống kê
- Điều 12. Xác định trị giá thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 13. Đơn vị tính lượng trong thống kê
- Điều 14. Đồng tiền và tỷ giá sử dụng trong thống kê
- Điều 15. Các phân tổ trong thống kê
- Điều 16. Chỉ số đơn giá và lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 17. Điều chỉnh biến động mùa vụ đối với thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 18. Cập nhật Danh mục nhóm mặt hàng chủ yếu; danh sách nước, vùng lãnh thổ và nhu cầu thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 19. Thu thập dữ liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 20. Điều tra và phối hợp điều tra thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 21. Xử lý dữ liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 22. Điều chỉnh thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 23. Báo cáo thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 24. Đối chiếu dữ liệu thống kê
- Điều 25. Phân tích và dự báo thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 26. Công bố, phổ biến thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 27. Quản lý chất lượng thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 28. Dữ liệu đặc tả thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 29. Lưu trữ dữ liệu, thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 30. Hợp tác trao đổi thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với các cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức trong nước khác
- Điều 31. Hợp tác trao đổi thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với các cơ quan, tổ chức quốc tế