Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 40/2015/TT-BLĐTBXH Quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và chế độ làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Chương III

NHIỆM VỤ VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA NHÀ GIÁO DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP

Điều 9. Nhiệm vụ

1. Công tác giảng dạy, bao gồm:

a) Chuẩn bị giảng dạy: soạn giáo án, lập đề cương bài giảng, chuẩn bị tài liệu, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy mô-đun, môn học, học phần được phân công giảng dạy;

b) Giảng dạy mô-đun, môn học, học phần được phân công theo kế hoạch và quy định của chương trình;

c) Đánh giá kết quả học tập của học sinh: Soạn đề thi, kiểm tra; coi thi, kiểm tra; chấm thi, kiểm tra.

2. Biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy; góp ý kiến xây dựng chương trình, nội dung mô-đun, môn học, học phần được phân công giảng dạy;

3. Tham gia thiết kế, xây dựng phòng học chuyên môn; thiết kế, cải tiến, tự làm đồ dùng, trang thiết bị giáo dục nghề nghiệp.

4. Tổ chức các hoạt động giáo dục và rèn luyện học sinh.

5. Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; thực tập tại doanh nghiệp, tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

6. Tham gia bồi dưỡng cho nhà giáo theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.

7. Tham gia công tác quản lý đào tạo, quản lý học sinh.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định và yêu cầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều 10. Giờ chuẩn, thời gian giảng dạy, định mức giờ giảng, quy mô lớp học

1. Giờ chuẩn là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ lao động cần thiết trước, trong và sau giờ giảng để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy gồm: chuẩn bị giảng dạy, giảng dạy và kiểm tra định kỳ kết quả học tập của mô-đun, môn học, học phần.

2. Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn, trong đó:

a) Một giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn;

b) Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn;

c) Một giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn.

3. Định mức giờ giảng được xác định là số giờ chuẩn cho mỗi nhà giáo phải giảng dạy, được quy định theo năm học.

4. Quy mô lớp học: Lớp học lý thuyết không quá 35 học sinh. Lớp học thực hành, tích hợp không quá 18 học sinh đối với nghề bình thường; không quá 10 học sinh đối với nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định số học sinh cụ thể của lớp học, đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng nghề.

Điều 11. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm

1. Thời gian làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp là 46 tuần/năm học theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, trong đó:

a) Thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học sinh: 42 tuần;

b) Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; thực tập tại doanh nghiệp, tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ: 04 tuần.

Trường hợp nhà giáo sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; thực tập tại doanh nghiệp, tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định thì Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy đổi thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.

2. Thời gian nghỉ hằng năm của nhà giáo là 6 tuần; của viên chức quản lý có tham gia giảng dạy được quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Thông tư này là 5 tuần, bao gồm: nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ, trong đó:

a) Thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép hằng năm, được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có);

b) Các chế độ nghỉ khác thực hiện theo quy định của Pháp luật hiện hành.

Căn cứ kế hoạch năm học và điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp bố trí cho nhà giáo nghỉ vào thời gian thích hợp.

Điều 12. Định mức giờ giảng của nhà giáo

1. Định mức giờ giảng của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp trong một năm học: Từ 500 đến 580 giờ chuẩn.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng mô-đun, môn học, học phần, trình độ và kinh nghiệm giảng dạy của nhà giáo để quyết định định mức giờ giảng của mỗi nhà giáo trong một năm học cho phù hợp.

2. Định mức giờ giảng cho viên chức quản lý đủ tiêu chuẩn, tham gia giảng dạy trong năm học được quy định như sau:

a) Giám đốc: 30 giờ/năm;

b) Phó giám đốc: 40 giờ/năm;

c) Trưởng phòng đào tạo hoặc tương đương: 60 giờ/năm;

d) Phó trưởng phòng đào tạo hoặc tương đương: 70 giờ/năm;

đ) Viên chức phòng đào tạo: 80 giờ/năm.

Điều 13. Chế độ dạy thêm giờ đối với nhà giáo

1. Trong năm học, nhà giáo, viên chức quản lý tham gia giảng dạy có số giờ giảng dạy vượt định mức giờ giảng quy định tại Khoản 1, 2 Điều 12 của Thông tư này thì được tính là dạy thêm giờ.

2. Đối với nhà giáo: Số giờ dạy thêm không vượt quá 200 giờ trong một năm học.

3. Đối với viên chức quản lý tham gia giảng dạy: Số giờ dạy thêm không vượt quá 1/2 định mức giờ giảng.

4. Cách tính trả lương dạy thêm giờ theo quy định hiện hành.

Điều 14. Chế độ giảm giờ giảng đối với nhà giáo

1. Nhà giáo làm công tác quản lý:

a) Chủ nhiệm lớp: được giảm 15% định mức giờ giảng/1 lớp;

b) Nhà giáo phụ trách phòng học chuyên môn/xưởng: có nhân viên chuyên trách được giảm 10% định mức giờ giảng/1 phòng, xưởng; không có nhân viên chuyên trách được giảm 15% định mức giờ giảng/1 phòng, xưởng;

c) Không giảm trừ giờ giảng đối với viên chức quản lý quy định tại Khoản 2, Điều 11.

2. Nhà giáo kiêm công tác Đảng, đoàn thể:

a) Nhà giáo kiêm Bí thư Chi bộ cơ sở, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giảm 20-30% định mức giờ giảng; nhà giáo kiêm cấp phó các chức danh nêu trên được giảm 15-20% định mức giờ giảng;

b) Nhà giáo kiêm công tác Bí thư Đoàn, Phó Bí thư Đoàn được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 06/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

c) Nhà giáo kiêm nhiều chức vụ được giảm tối đa không quá 45% định mức giờ giảng. Tuỳ theo quy mô của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, số lượng các thành viên trong từng tổ chức, sau khi thoả thuận với các tổ chức đoàn thể, thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định tỷ lệ giờ giảm cho các chức danh quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này.

3. Chế độ giảm giờ giảng khác:

a) Nhà giáo trong thời gian tập sự, thử việc được giảm 30% định mức giờ giảng;

b) Nhà giáo là nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được giảm 15% định mức giờ giảng.

Điều 15. Quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra giờ chuẩn

1. Giảng dạy:

a) Giảng dạy song song nhiều lớp cùng chương trình, trình độ, từ lớp thứ 3 trở đi: 1 giờ lý thuyết được tính bằng 0,75 giờ chuẩn;

b) Thời gian thiết kế, cải tiến, tự làm các trang thiết bị giáo dục nghề nghiệp (cấp tổ môn trở lên phê duyệt) được tính quy đổi ra giờ chuẩn; Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ điều kiện cụ thể để quy định số giờ chuẩn quy đổi cho phù hợp;

c) Giảng dạy, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo khác trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 1 giờ được tính bằng 1,5 giờ chuẩn.

2. Soạn đề kiểm tra, coi kiểm tra, chấm kiểm tra kết thúc mô-đun, môn học, học phần:

a) Soạn đề kiểm tra: một đề kiểm tra viết tự luận kèm theo đáp án được tính bằng 1 giờ chuẩn; một đề kiểm tra trắc nghiệm kèm theo đáp án được tính bằng 1,5 giờ chuẩn; một đề kiểm tra vấn đáp kèm theo đáp án được tính bằng 0,25 giờ chuẩn; một đề kiểm tra thực hành kèm theo đáp án được tính bằng 0,5 giờ chuẩn;

b) Coi kiểm tra: 1 giờ coi kiểm tra được tính bằng 0,3 giờ chuẩn;

c) Chấm kiểm tra: Kiểm tra viết tự luận, kiểm tra trắc nghiệm: 0,1 giờ chuẩn/bài; Kiểm tra vấn đáp: 0,2 giờ chuẩn/học sinh; Kiểm tra thực hành: 0,2 giờ chuẩn/học sinh.

3. Soạn đề thi, kiểm tra; coi thi, kiểm tra; chấm thi, kiểm tra kết thúc khóa học

a) Soạn đề thi, kiểm tra: một đề thi, kiểm tra viết tự luận kèm theo đáp án được tính bằng 2 giờ chuẩn; một đề thi, kiểm tra trắc nghiệm kèm theo đáp án được tính bằng 2,5 giờ chuẩn; một đề thi, kiểm tra vấn đáp kèm theo đáp án được tính bằng 0,5 giờ chuẩn; một đề thi, kiểm tra thực hành kèm theo đáp án được tính bằng 1,5 giờ chuẩn;

b) Coi thi, kiểm tra: 1 giờ coi thi, kiểm tra được tính bằng 0,5 giờ chuẩn;

c) Chấm thi, kiểm tra: Thi, kiểm tra viết tự luận, trắc nghiệm: 0,2 giờ chuẩn/bài; thi, kiểm tra vấn đáp: 0,4 giờ chuẩn/học sinh; thi, kiểm tra thực hành: 0,4 giờ chuẩn/học sinh.

4. Hướng dẫn thực tập, thực tập kết hợp với lao động sản xuất: 1 ngày làm việc (8 giờ) được tính bằng 2,5 - 3 giờ chuẩn tuỳ theo tính chất công việc và điều kiện làm việc cụ thể.

5. Một giờ luyện thi cho học sinh tham gia kỳ thi tay nghề các cấp được tính là 1,5 giờ chuẩn.

6. Biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy: 1 trang tác giả được tính bằng 1 giờ chuẩn đối với loại biên soạn mới, 1 trang tác giả được tính bằng 0,5 giờ chuẩn đối với loại biên soạn lại hoặc ký hợp đồng, thanh toán theo chế độ quy định hiện hành.

7. Thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định việc quy đổi các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ khác ra giờ chuẩn để tính khối lượng giảng dạy cho từng nhà giáo.

Thông tư 40/2015/TT-BLĐTBXH Quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và chế độ làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 40/2015/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/10/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Huỳnh Văn Tí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1107 đến số 1108
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra