Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 37/2014/TT-NHNN quy định việc thiết kế mẫu tiền, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương III

CHẾ TẠO BẢN IN, KHUÔN ĐÚC TIỀN

Điều 7. Chế tạo bản in gốc, khuôn đúc tiền gốc

1. Căn cứ vào nhiệm vụ in, đúc tiền hoặc yêu cầu nâng cao chất lượng, độ tinh xảo của đồng tiền, Cục Phát hành và Kho quỹ xây dựng, trình Thống đốc phê duyệt Kế hoạch chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc của đồng tiền mới chưa phát hành hoặc Kế hoạch chế bản lại bản in gốc, khuôn đúc gốc của đồng tiền đang lưu hành. Việc chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc phải thể hiện trung thực, đầy đủ nội dung của mẫu thiết kế chính thức và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ trình duyệt mẫu thiết kế đồng tiền đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc lựa chọn cơ sở in, đúc tiền ở trong nước để chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc do Thống đốc quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục Phát hành và Kho quỹ. Trường hợp chế tạo bản in gốc, khuôn đúc tiền gốc ở nước ngoài, Cục Phát hành và Kho quỹ báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc lựa chọn cơ sở chế tạo bản in gốc, khuôn đúc tiền gốc ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng.

3. Căn cứ vào Kế hoạch chế tạo bản in, khuôn đúc đã được Thống đốc phê duyệt nêu tại Khoản 1 Điều này, Cục Phát hành và Kho quỹ ký hợp đồng với cơ sở in, đúc tiền để chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc của từng loại tiền. Trong quá trình chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc, Cục Phát hành và Kho quỹ có trách nhiệm phối hợp với cơ sở in, đúc tiền về các nội dung liên quan đến mỹ thuật, kỹ thuật và công nghệ để đảm bảo chất lượng bản in, khuôn đúc. Sau khi hoàn thành hợp đồng chế tạo bản in, khuôn đúc, cơ sở in, đúc tiền phải giao toàn bộ bản in gốc, khuôn đúc gốc và hồ sơ, dữ liệu về mẫu thiết kế đồng tiền, chế tạo bản in, khuôn đúc cho Cục Phát hành và Kho quỹ, trừ quy định tại Khoản 5 Điều này.

4. Trường hợp phải điều chỉnh, sửa đổi một số chi tiết trên bản in, khuôn đúc để phù hợp với thiết bị, công nghệ hoặc chất liệu in, đúc tiền dẫn đến việc phải điều chỉnh, sửa đổi mẫu thiết kế chính thức, cơ sở in, đúc tiền phải có văn bản đề nghị Cục Phát hành và Kho quỹ xem xét, trình Thống đốc theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

5. Nhà máy in tiền Quốc gia được lưu giữ, bảo quản: một bộ tập tin chế bản gốc, một bộ bản in gốc, một bộ khuôn đúc gốc của từng loại tiền để chế tạo bản in sản xuất, khuôn đúc sản xuất theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư này; một bộ mẫu in chuẩn đa hình, mẫu in đơn sắc, sắc biểu và tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại tiền để quản lý chất lượng tiền in, đúc.

Điều 8. In, đúc thử

1. Trong quá trình chế tạo bản in gốc, khuôn đúc gốc, cơ sở in, đúc tiền phải thực hiện in, đúc thử nhằm xác định mẫu in, đúc chuẩn có chất lượng cao nhất và hoàn thiện bản in, khuôn đúc.

2. Phương thức in, đúc thử

a) Đối với tiền kim loại: đúc, dập thử đơn hình trên phôi tiền kim loại.

b) Đối với tiền giấy: in thử đơn hình trên loại chất liệu sẽ dùng để in tiền hoặc tương tự, được thực hiện theo mẫu thiết kế chính thức, hồ sơ trình duyệt mẫu thiết kế đã được phê duyệt; và in thử đa hình trên tờ in nguyên khổ theo mẫu in chuẩn đơn hình.

3. Sau khi hoàn thành việc in, đúc thử, cơ sở in, đúc tiền phải lập và gửi Hồ sơ trình duyệt mẫu in, đúc thử theo quy định tại Điều 10 Thông tư này đến Cục Phát hành và Kho quỹ.

Điều 9. Khóa an toàn

1. Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ quyết định loại khóa an toàn và việc cài đặt khóa an toàn cho từng mẫu tiền. Người cài đặt khóa an toàn do Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ chỉ định bằng văn bản, có trách nhiệm lập, bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ ngay sau khi hoàn thành công việc.

2. Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ trực tiếp quản lý khóa an toàn và có trách nhiệm báo cáo Thống đốc bằng văn bản ngay sau khi cài đặt xong khóa an toàn.

3. Cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến việc cài đặt khóa an toàn có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước về khóa an toàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 10. Hồ sơ trình duyệt mẫu in, đúc thử

1. Hồ sơ trình duyệt mẫu in, đúc thử đơn hình

a) Văn bản đề nghị Thống đốc phê duyệt mẫu in, đúc thử đơn hình và nghiệm thu bản in gốc, khuôn đúc gốc.

b) Mẫu in, đúc thử đơn hình.

c) Tài liệu kỹ thuật về bản in, khuôn đúc.

d) Kết quả thí nghiệm, đánh giá về chất lượng kỹ thuật của mẫu in, đúc thử đơn hình.

2. Hồ sơ trình duyệt mẫu in thử đa hình

a) Văn bản đề nghị Cục Phát hành và Kho quỹ phê duyệt mẫu in thử đa hình.

b) Mẫu in chuẩn đơn hình.

c) Mẫu in thử đa hình.

d) Kết quả thí nghiệm, đánh giá về chất lượng kỹ thuật của mẫu in thử đa hình trên cơ sở mẫu in chuẩn đơn hình.

Điều 11. Thẩm định mẫu in, đúc thử

1. Sau khi nhận được Hồ sơ trình duyệt mẫu in, đúc thử của cơ sở in, đúc tiền theo quy định tạiĐiều 10 Thông tư này, Cục Phát hành và Kho quỹ có trách nhiệm tổ chức đánh giá, thẩm định các mẫu in, đúc thử, bản in, khuôn đúc trên cơ sở mẫu thiết kế chính thức và Hồ sơ trình duyệt mẫu thiết kế quy định tạiKhoản 1 Điều 6 Thông tư này. Kết quả thẩm định mẫu in, đúc thử phải được thể hiện bằng văn bản.

Trong quá trình thẩm định, trường hợp các mẫu in, đúc thử chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ theo Hồ sơ trình duyệt mẫu thiết kế quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này, Cục Phát hành và Kho quỹ có trách nhiệm yêu cầu cơ sở in, đúc tiền tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện bản in, khuôn đúc trên cơ sở mẫu thiết kế chính thức và yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng đồng tiền.

2. Trường hợp cần thuê cá nhân, tổ chức ở trong nước, nước ngoài đánh giá về các mẫu in, đúc thử, bản in, khuôn đúc tiền, Cục Phát hành và Kho quỹ trình Thống đốc xem xét, quyết định.

Điều 12. Phê duyệt mẫu in, đúc thử

1. Thống đốc phê duyệt mẫu in, đúc thử đơn hình và nghiệm thu bản in gốc, khuôn đúc gốc trên cơ sở kết quả thẩm định, đề nghị của Cục Phát hành và Kho quỹ, hồ sơ trình duyệt mẫu in, đúc thử đơn hình quy định tạiKhoản 1 Điều 10 Thông tư nàyvà hồ sơ trình duyệt mẫu thiết kế đồng tiền theo quy định tạiKhoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ phê duyệt mẫu in chuẩn đa hình trên cơ sở mẫu in chuẩn đơn hình, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng tiền, kết quả thẩm định mẫu in thử đa hình.

Điều 13. Chế bản và in, đúc thử mẫu nghiên cứu, mẫu dự phòng

1. Trường hợp cần nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng những phát triển mới trong công nghệ bảo an nhằm nâng cao khả năng chống giả, độ bền và độ sạch của đồng tiền Việt Nam, Cục Phát hành và Kho quỹ trình Thống đốc xem xét, quyết định việc chế bản và in, đúc thử mẫu nghiên cứu, mẫu dự phòng.

2. Việc chế bản và in, đúc thử mẫu nghiên cứu, mẫu dự phòng được thực hiện như đối với chế bản, in, đúc thử mẫu tiền mới theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư 37/2014/TT-NHNN quy định việc thiết kế mẫu tiền, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 37/2014/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/11/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đào Minh Tú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra