Chương 1 Thông tư 37/2014/TT-BGTVT quy định về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
1. Thông tư này quy định về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông dọc theo tuyến, tại nhà ga, đề-pô của đường sắt đô thị (không điều chỉnh đối với loại hình đường sắt một ray tự động dẫn hướng (monorail), đường xe điện bánh sắt (tramway), đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng chạy qua khu vực đô thị).
2. Đối với hệ thống thông gió, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, công trình phục vụ phòng chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn, đường hầm lên, xuống nhà ga và các công trình, thiết bị phụ trợ khác, phạm vi bảo vệ công trình thực hiện theo các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường sắt đô thị ở Việt Nam từ bước lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng đến quản lý, bảo trì, khai thác công trình cũng như khi tham gia các hoạt động khác ở khu vực tiếp giáp với phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị, có khả năng gây mất an toàn cho công trình đường sắt đô thị.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công trình đường sắt đô thị là công trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải đường sắt đô thị, bao gồm đường, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, nhà ga, đề-pô, đường hầm lên, xuống nhà ga, hệ thống thoát nước, hệ thống thông gió, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện, công trình phục vụ phòng chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn và các công trình thiết bị phụ trợ khác của đường sắt.
2. Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị là khu vực bao quanh công trình đường sắt đô thị nhằm ngăn ngừa những hành vi xâm phạm đến ổn định, tuổi thọ của công trình và phục vụ công tác bảo trì công trình đường sắt đô thị.
3. Hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị là khoảng trống dọc theo đường ray nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
4. Đề-pô (depot) là nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác.
5. Nhà ga là nơi tàu dừng, đỗ, đón, trả khách; cung cấp các dịch vụ, tiện ích cần thiết cho hành khách đi tàu và lắp đặt các thiết bị, máy móc vận hành chạy tàu.
6. Khu gian là đoạn tuyến đường sắt nối hai nhà ga liền kề.
7. Vùng không được xây dựng công trình khác là vùng đất bao quanh hầm để bảo vệ công trình đường sắt mà trong đó không được xây dựng các công trình khác ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và an toàn công trình đường sắt đô thị.
8. Vùng kiểm soát xây dựng công trình khác là vùng đất phía trên, bên ngoài vùng không được xây dựng công trình khác mà trong đó khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình hiện hữu phải được kiểm soát chặt chẽ để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và an toàn công trình đường sắt đô thị.
1. Đối với đường sắt đô thị trên khu gian, phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông luôn nằm bên trong khu vực phạm vi bảo vệ đường sắt. Phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị có đường bao ngoài cùng trùng với đường bao ngoài của phạm vi bảo vệ đường sắt đô thị.
2. Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị được quy định khác nhau tùy thuộc đường sắt đi trên cao, đi trên mặt đất hay đi ngầm; tùy thuộc quỹ đất và do cấp quyết định đầu tư tuyến đường sắt đô thị đó phê duyệt, nhưng không nhỏ hơn trị số quy định tại Thông tư này.
3. Việc xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị phải thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn chạy tàu;
b) Thuận lợi trong công tác bảo trì và thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết;
c) Tiết kiệm không gian và quỹ đất.
4. Trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị, không được tự ý xây dựng công trình hoặc lắp đặt các thiết bị sử dụng cho mục đích khác; chiếm dụng không gian; thực hiện các hành vi xâm phạm đến sự ổn định, tuổi thọ công trình và an toàn chạy tàu.
5. Khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình hiện hữu nằm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt đô thị, chủ công trình phải thỏa thuận với cơ quan chủ quản tuyến đường sắt đô thị đó và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật.
6. Đối với trường hợp đường sắt đô thị đi trên cao, có thể cho phép sử dụng tạm thời mặt đất và không gian phía dưới gầm cầu cạn đường sắt cho mục đích giao thông đường bộ nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị; đồng thời phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.