Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 37/2010/TT-BYT quy định về quản lý đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Y tế do Bộ Y tế ban hành

Chương III

TUYỂN CHỌN, XÉT CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỦ TRÌ ĐỀ TÀI, DỰ ÁN SẢN XUẤT THỬ NGHIỆM

Điều 10. Nguyên tắc tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án SXTN

1. Việc tuyển chọn được thực hiện theo nguyên tắc khách quan, minh bạch, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia tuyển chọn. Bộ Y tế thông báo danh mục đề tài, dự án SXTN hàng năm bằng công văn và trên phương tiện thông tin đại chúng (Báo Sức khỏe và Đời sống, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc phương tiện thông tin truyền thông khác) 02 tháng trước thời điểm tuyển chọn để mọi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư này có thể đăng ký tham gia dự tuyển.

2. Việc xét chọn được thông báo bằng văn bản đến các tổ chức dự kiến giao trực tiếp chủ trì đề tài.

3. Việc tuyển chọn và xét chọn được thực hiện thông qua Hội đồng khoa học công nghệ tư vấn tuyển chọn, xét chọn do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập.

4. Việc đánh giá Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn được tiến hành bằng cách chấm điểm theo các tiêu chí cụ thể cho đề tài, dự án SXTN.

5. Mỗi đề tài đưa ra tuyển chọn theo quy định tại Điều 12 Thông tư này chỉ có nhiều nhất 01 hồ sơ được đề nghị trúng tuyển.

Điều 11. Điều kiện tham gia tuyển chọn, xét chọn

1. Tổ chức chủ trì đề tài, dự án SXTN phải có tư cách pháp nhân, có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực khoa học và công nghệ của đề tài, dự án SXTN đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết cho việc thực hiện đề tài, dự án SXTN có hiệu quả.

2. Cá nhân chủ trì đề tài, dự án SXTN phải có trình độ đại học trở lên và ít nhất ba năm hoạt động trong cùng lĩnh vực khoa học và công nghệ với đề tài, dự án SXTN đó. Mỗi cá nhân chỉ được phép đồng thời chủ trì tối đa hai đề tài, dự án SXTN từ cấp Bộ hoặc tương đương trở lên.

3. Cá nhân không được tham gia chủ trì đề tài, dự án SXTN trong các trường hợp sau:

a) Là chủ nhiệm đề tài, dự án SXTN đã được đánh giá nghiệm thu cấp Bộ hoặc tương đương trở lên ở mức “không đạt” và không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian thực hiện để hoàn chỉnh kết quả; hoặc đề tài cấp Bộ bị chuyển sang hoàn thành ở cấp cơ sở trong phạm vi hai năm tính từ thời điểm có văn bản chấp thuận của Bộ Y tế; hoặc đề tài bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định đình chỉ trong quá trình thực hiện do sai phạm trong hai (02) năm, tính từ thời điểm có kết luận của Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ, hoặc từ thời điểm có quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đề tài, dự án SXTN.

b) Vi phạm quy định hiện hành về đánh giá nghiệm thu đề tài, dự án SXTN cấp Bộ trong việc nộp Hồ sơ đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở chậm so với thời hạn kết thúc hợp đồng nghiên cứu từ sáu (06) tháng trở lên mà không có ý kiến chấp thuận của Bộ Y tế, sẽ không được tham gia tuyển chọn, xét chọn trong thời gian tương ứng như sau:

- Một (01) năm, tính từ thời điểm nộp Hồ sơ đánh giá nghiệm thu thực tế nếu nộp chậm từ sáu (06) tháng đến dưới 24 tháng;

- Hai (02) năm, tính từ thời điểm nộp Hồ sơ đánh giá nghiệm thu thực tế nếu nộp chậm từ 24 tháng trở lên.

Điều 12. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn

1. Bộ hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn gồm những văn bản, tài liệu dưới đây:

a) Đơn đăng ký chủ trì thực hiện đề tài, dự án SXTN (theo Phụ lục 2 Biểu B1 Đơn ĐK ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Thuyết minh đề tài, dự án SXTN (theo Phụ lục 2 Biểu B2 TMĐT đối với đề tài và Phụ lục 2 Biểu B3 TMDA đối với dự án SXTN ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Tóm tắt hoạt động khoa học công nghệ của tổ chức đăng ký thực hiện đề tài, dự án SXTN (theo Phụ lục 2 Biểu B4 LLTC ban hành kèm theo Thông tư này);

d) Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ trì đề tài, dự án SXTN có xác nhận của cơ quan (nơi làm việc của cá nhân đăng ký chủ trì đề tài, dự án SXTN) theo Phụ lục 2 biểu B5 LLCN ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Văn bản xác nhận của tổ chức, cá nhân đăng ký phối hợp thực hiện đề tài, dự án SXTN (theo Phụ lục 2 Biểu B6 PHNC ban hành kèm theo Thông tư này);

e) Văn bản chứng minh năng lực huy động vốn từ nguồn khác (đối với dự án SXTN) cam kết và giải trình khả năng huy động vốn từ các nguồn ngoài ngân sách sự nghiệp khoa học đạt ít nhất 70% tổng kinh phí đầu tư dự kiến cần thiết để triển khai.

g) Thông tin phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu của đối tượng nghiên cứu, bản mô tả quyền lợi và nghĩa vụ của đối tượng tham gia nghiên cứu, bản cam kết thực hiện các quy định về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của cá nhân chủ trì đề tài (Đối với các đề tài có nội dung nghiên cứu liên quan trực tiếp đến con người).

h) Mỗi cá nhân, tổ chức chỉ được tham gia với tư cách cộng tác viên, chủ nhiệm hay cơ quan phối hợp chính cho một hồ sơ đấu thầu đối với một đề tài cụ thể. Những hồ sơ vi phạm yêu cầu này sẽ bị loại.

2. Gửi hồ sơ tuyển chọn, xét chọn: bộ hồ sơ (1 bản gốc và 12 bản sao) phải được niêm phong và ghi rõ bên ngoài:

a) Tên đề tài hoặc dự án SXTN đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn (ghi rõ: tên đề tài hoặc dự án SXTN; tên, mã số của Chương trình);

b) Tên, địa chỉ của tổ chức đăng ký chủ trì và tổ chức tham gia phối hợp thực hiện đề tài, dự án SXTN (chỉ ghi danh sách tổ chức đã có xác nhận tham gia phối hợp);

c) Họ tên của cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm đề tài, dự án SXTN và danh sách những người tham gia chính thực hiện đề tài, dự án SXTN;

d) Liệt kê tài liệu, văn bản có trong hồ sơ.

3. Nơi nhận hồ sơ: Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế.

4. Thời hạn nộp hồ sơ, bổ sung hồ sơ tuyển chọn, xét chọn:

a) Hồ sơ phải nộp đúng hạn theo thông báo tuyển chọn, xét chọn của Bộ Y tế. Ngày nhận hồ sơ là ngày ghi trên dấu Bưu điện (trường hợp gửi qua bưu điện) hoặc trên dấu đến của văn thư Bộ Y tế hoặc trên dấu đến của văn thư Vụ Khoa học và Đào tạo (trường hợp gửi trực tiếp). Trong trường hợp hồ sơ được gửi đến bằng đường bưu điện bị rách hoặc hư hỏng thì người nhận hồ sơ phải lập biên bản xác nhận tình trạng Hồ sơ. Biên bản phải có xác nhận của nhân viên bưu điện giao hồ sơ.

b) Trong khi chưa hết thời hạn nộp hồ sơ, tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn có quyền rút hồ sơ thay hồ sơ mới, bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ đã gửi đến cơ quan quản lý. Mọi bổ sung, sửa đổi phải nộp trong thời hạn quy định và là bộ phận cấu thành của hồ sơ.

Điều 13. Hội đồng khoa học công nghệ tư vấn tuyển chọn, xét chọn chủ trì đề tài, dự án SXTN

1. Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, xét chọn (sau đây gọi là Hội đồng tuyển chọn, xét chọn).

2. Phương thức hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, xét chọn được thực hiện thông qua các phiên họp.

3. Hội đồng có từ 7-11 thành viên, thành phần của Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, hai ủy viên phản biện và các ủy viên Hội đồng, trong đó:

a) 2/3 là các chuyên gia có trình độ, chuyên môn phù hợp và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hoạt động gần đây trong chuyên ngành khoa học được giao tư vấn;

b) 1/3 là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức sản xuất kinh doanh thụ hưởng kết quả nghiên cứu của đề tài và các tổ chức khác có liên quan.

c) Các chuyên gia, đặc biệt là các uỷ viên phản biện đã tham gia Hội đồng xác định có thể được mời tham gia Hội đồng tuyển chọn, xét chọn chủ trì đề tài tương ứng.

d) Giúp việc Hội đồng có thư ký khoa học và các thư ký hành chính.

đ) Cá nhân không tham gia Hội đồng trong các trường hợp sau:

- Cá nhân đăng ký chủ trì và tham gia thực hiện đề tài, dự án SXTN

- Cá nhân thuộc tổ chức đăng ký chủ trì đề tài. Trong trường hợp cần thiết, thành viên Hội đồng có thể là cán bộ đang công tác tại tổ chức đăng ký chủ trì đề tài nhưng không quá 02 người và không được làm Chủ tịch, Phó chủ tịch hoặc ủy viên phản biện;

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng tuyển chọn, xét chọn.

a) Các thành viên Hội đồng thực hiện đánh giá một cách trung thực, khách quan và công bằng; Chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả đánh giá của mình, trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng và có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan đến quá trình đánh giá tuyển chọn, xét chọn.

b) Ủy viên phản biện có trách nhiệm phản biện từng nội dung và thông tin đã kê khai trong Hồ sơ đăng ký tuyển chọn, xét chọn.

Khi cần thiết, Hội đồng kiến nghị Bộ Y tế mời các chuyên gia ở ngoài Hội đồng có am hiểu sâu lĩnh vực nghiên cứu đề tài, dự án SXTN làm nhiệm vụ phản biện. Các chuyên gia này không tham gia bỏ phiếu đánh giá cho các đề tài, dự án SXTN.

c) Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích từng nội dung và thông tin đã kê khai trong Hồ sơ; viết nhận xét, đánh giá và cho điểm theo các tiêu chí tại các biểu mẫu quy định (theo Phụ lục 2 Biểu B8 PNXTMĐT đối với đề tài, Phụ lục 2 biểu B9 PNXTMDA đối với dự án SXTN ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi thư ký hành chính trước khi họp Hội đồng.

d) Phiên họp hợp lệ của Hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch và đủ các ủy viên phản biện.

đ) Chủ tịch Hội đồng (hoặc phó chủ tịch khi Chủ tịch vắng mặt) chủ trì các phiên họp Hội đồng.

e) Thư ký khoa học có trách nhiệm ghi chép các ý kiến về chuyên môn của các thành viên và các kết luận của Hội đồng trong các biên bản làm việc và các văn bản liên quan của Hội đồng.

g) Các thành viên của Hội đồng chấm điểm độc lập theo các nhóm chỉ tiêu đánh giá và thang điểm quy định. Trước khi chấm điểm, Hội đồng thảo luận chung để thống nhất quan điểm, phương thức cho điểm.

Điều 14. Tổ chức tuyển chọn, xét chọn

1. Phiên họp thống nhất phương thức làm việc và mở hồ sơ tuyển chọn.

a) Thư ký hành chính đọc quyết định thành lập Hội đồng, giới thiệu thành phần Hội đồng và các đại biểu tham dự. Đại diện Vụ Khoa học và Đào tạo nêu những yêu cầu và nội dung chủ yếu về việc tuyển chọn, xét chọn chủ trì Đề tài, dự án SXTN được quy định tại Thông tư này.

b) Hội đồng thảo luận trao đổi để quán triệt nguyên tắc, quy trình và các tiêu chí đánh giá, thang điểm đánh giá các Hồ sơ được quy định tại Thông tư này.

c) Mở hồ sơ: Hội đồng và Vụ Khoa học và đào tạo chịu trách nhiệm mở hồ sơ và đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ, trong trường hợp cần thiết Vụ Khoa học và đào tạo mời đại diện của các cơ quan chủ trì tham dự. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ được chuẩn bị theo đúng các biểu mẫu và đáp ứng được các yêu cầu quy định về hồ sơ tuyển chọn, xét chọn. Đối với những hồ sơ không hợp lệ, Hội đồng có trách nhiệm công bố ngay không chấm những hồ sơ đó. Những trường hợp chỉ có một hồ sơ tham gia tuyển chọn thì Hội đồng vẫn đánh giá tuyển chọn theo đúng các quy định tại Thông tư này.

d) Hồ sơ hợp lệ được đưa vào xem xét, đánh giá.

đ) Quá trình mở hồ sơ được ghi thành Biên bản (theo Phụ lục 2 Biểu B7 BBMHS ban hành kèm theo Thông tư này).

e) Thư ký hành chính đọc Biên bản mở hồ sơ đăng ký tuyển chọn, thông báo số lượng và danh mục hồ sơ đủ điều kiện được Hội đồng đưa vào tuyển chọn, xét chọn.

2. Phiên họp đánh giá hồ sơ tham gia tuyển chọn, xét chọn.

a) Các chuyên gia phản biện đánh giá, phân tích hồ sơ; đánh giá nhận định chung về mặt mạnh, mặt yếu của từng hồ sơ và so sánh giữa các hồ sơ đăng ký tuyển chọn cùng một (01) Đề tài.

b) Hội đồng nêu câu hỏi đối với các chuyên gia phản biện về các tiêu chí đánh giá liên quan đến hồ sơ tuyển chọn, xét chọn.

c) Thư ký khoa học đọc ý kiến nhận xét bằng văn bản của thành viên vắng mặt (nếu có) để Hội đồng nghiên cứu, tham khảo.

d) Hội đồng trao đổi, thảo luận đánh giá, so sánh giữa các hồ sơ tuyển chọn cho cùng một (01) đề tài.

đ) Các thành viên Hội đồng cho điểm độc lập theo các tiêu chí và thang điểm quy định tại các biểu mẫu tương ứng sau: Phụ lục 2 Biểu B10 CĐTMĐT đối với đề tài và phụ lục 2 biểu B11 CĐTMDA đối với dự án SXTN ban hành kèm theo Thông tư này.

e) Hội đồng bầu Ban kiểm phiếu và bỏ phiếu: Ban kiểm phiếu gồm 3 thành viên Hội đồng (trong đó bầu một trưởng ban). Phiếu đánh giá hợp lệ là phiếu thực hiện theo đúng chỉ dẫn ghi trên phiếu; Ban kiểm phiếu tổng hợp và báo cáo Hội đồng kết quả kiểm phiếu theo Phụ lục 2 Biểu B12 BBKPCĐTMĐT đối với đề tài hoặc Phụ lục 2 Biểu B13 BBKPCĐTMDA đối với dự án SXTN ban hành kèm theo Thông tư này.

g) Hồ sơ đề tài được đề nghị xem xét phê duyệt nếu có tổng số điểm trung bình của các tiêu chí đạt từ 80/100 điểm trở lên (đối với các đề tài cần xem xét các khía cạnh đạo đức) hoặc 60/80 điểm (đối với các đề tài không cần xem xét khía cạnh đạo đức) trong đó điểm trung bình của từng tiêu chí không dưới 3 điểm và phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt cho điểm từ 3 trở lên.

h) Hồ sơ dự án SXTN được đề nghị xem xét phê duyệt nếu có tổng số điểm trung bình của các tiêu chí phải đạt từ 65/100 điểm trở lên, trong đó điểm trung bình của từng tiêu chí không dưới 3 điểm và phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt cho điểm từ 3 trở lên.

i) Đối với các hồ sơ có tổng số điểm đánh giá bằng nhau thì điểm cao hơn của Chủ tịch Hội đồng được ưu tiên để xếp hạng.

k) Trường hợp điểm của Chủ tịch Hội đồng đối với các Hồ sơ cũng giống nhau, Hội đồng xếp hạng bằng nhau và kiến nghị về phương án lựa chọn.

l) Hội đồng thông qua Biên bản theo mẫu tại Phụ lục 2 Biểu B15 BBHĐTC được ban hành kèm theo Thông tư này về kết quả làm việc của Hội đồng, kiến nghị tổ chức và cá nhân trúng tuyển chủ trì đề tài, dự án SXTN:

m) Tổ chức, cá nhân được Hội đồng đề nghị trúng tuyển là tổ chức, cá nhân có Hồ sơ được xếp hạng với điểm cao nhất trong số các Hồ sơ được đề nghị xem xét phê duyệt theo các tiêu chí đánh giá tại phụ lục 2 biểu B14 THĐGĐTTC ban hành kèm theo Thông tư này.

n) Hội đồng thảo luận để thống nhất kiến nghị những điểm sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với Thuyết minh Đề tài hoặc Dự án SXTN được đề nghị xem xét phê duyệt.

Điều 15. Trình tự phê duyệt kết quả tuyển chọn, xét chọn

1. Tổ chức, cá nhân được Hội đồng đề nghị xem xét phê duyệt chủ trì thực hiện đề tài, dự án SXTN có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo kết luận của Hội đồng tuyển chọn, xét chọn.

2. Vụ Khoa học và Đào tạo chủ trì phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính thẩm định việc hoàn thiện Thuyết minh đề tài, dự án SXTN theo các nội dung sau:

a) Về nội dung khoa học: theo kiến nghị tại biên bản họp của Hội đồng tuyển chọn, xét chọn.

b) Về nội dung tài chính: Áp dụng theo Thông tư liên tịch sè 44/2007/TTLT/BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 của Bộ tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đối với đề tài và theo Thông tư liên tịch số 85/2004/TTLT/BTC-BKHCN ngày 20/8/2004 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án khoa học và công nghệ được ngân sách hỗ trợ và có thu hối kinh phí đối với dự án SXTN.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét phê duyệt tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án SXTN trên cơ sở tư vấn của Vụ Khoa học và Đào tạo.

4. Bộ Y tế ký hợp đồng với đơn vị chủ trì theo Phụ lục 2 Biểu B16 HĐĐT đối với đề tài và Phụ lục 2 Biểu B17 HĐDA đối với dự án SXTN ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 37/2010/TT-BYT quy định về quản lý đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Y tế do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 37/2010/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/08/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 614 đến số 615
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH