Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Thông tư 34/2012/TT-NHNN quy định về phát triển và bảo trì phần mềm nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

MỤC 1. QUY ĐỊNH PHÁT TRIỂN PHẦN MỀM NGHIỆP VỤ

Điều 9. Lập kế hoạch phát triển phần mềm nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước

1. Thông báo yêu cầu phát triển phần mềm nghiệp vụ

a) Đơn vị sử dụng có yêu cầu phát triển phần mềm nghiệp vụ gửi yêu cầu cho đơn vị chủ trì nghiệp vụ. Yêu cầu phát triển phần mềm nghiệp vụ phải xuất phát từ nhu cầu thực tế công việc và phải đảm bảo phần mềm nghiệp vụ sau khi triển khai được sử dụng thường xuyên;

b) Đơn vị chủ trì nghiệp vụ rà soát tính hợp lý theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này của các yêu cầu nhận được và chậm nhất ngày 31/9 hàng năm, đơn vị chủ trì nghiệp vụ tổng hợp, gửi yêu cầu phát triển phần mềm nghiệp vụ (theo Mẫu 01/PTBTPM) cho đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin để lập kế hoạch phát triển phần mềm của năm tiếp theo.

2. Tiếp nhận và đánh giá yêu cầu

a) Căn cứ yêu cầu phát triển phần mềm, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thực hiện phân tích khả năng đáp ứng về mặt kỹ thuật và phối hợp với đơn vị chủ trì nghiệp vụ để hoàn thiện nếu yêu cầu có nội dung chưa phù hợp hoặc không khả thi;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ yêu cầu phát triển phần mềm của đơn vị chủ trì nghiệp vụ, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin có văn bản trả lời đơn vị chủ trì nghiệp vụ về việc tiếp nhận và đánh giá yêu cầu phát triển phần mềm.

3. Lập kế hoạch phát triển phần mềm

a) Kế hoạch hàng năm

Hàng năm, căn cứ yêu cầu phát triển phần mềm nghiệp vụ của các đơn vị chủ trì nghiệp vụ, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin phối hợp với đơn vị chủ trì nghiệp vụ thống nhất kế hoạch phát triển đối với từng phần mềm nghiệp vụ cụ thể.

Chậm nhất ngày 31/10 hàng năm, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin hoàn thành Bảng tổng hợp kế hoạch phát triển phần mềm (theo Mẫu 02/PTBTPM) trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

b) Kế hoạch đột xuất

Trường hợp đơn vị chủ trì nghiệp vụ gửi yêu cầu phát triển phần mềm nghiệp vụ đột xuất chưa có trong kế hoạch được duyệt, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin xem xét nội dung yêu cầu và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch điều chỉnh.

c) Thông báo kế hoạch được duyệt

Sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch phát triển phần mềm, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thông báo cho các đơn vị liên quan để triển khai tiếp các quy định tại Điều 10 đến Điều 25 của Thông tư này.

4. Các phần mềm nghiệp vụ thuộc dự án, đề án

Trường hợp yêu cầu trang bị phần mềm nghiệp vụ thuộc một dự án, đề án của Ngân hàng Nhà nước đã được người có thẩm quyền phê duyệt thì phần mềm đó không phải lập và phê duyệt theo các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 của Điều này nhưng đơn vị chủ trì dự án, đề án phải gửi đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các nội dung chi tiết của phần mềm (theo Mục II Mẫu 01/PTBTPM) để tổng hợp.

Điều 10. Xây dựng tài liệu yêu cu người sử dụng

1. Đơn vị chủ trì nghiệp vụ chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng nội dung tài liệu yêu cầu người sử dụng (theo Mẫu 03/PTBTPM).

2. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin có trách nhiệm hỗ trợ đơn vị chủ trì nghiệp vụ xây dựng tài liệu yêu cầu người sử dụng đảm bảo về hình thức, kết cấu và nội dung.

3. Thủ trưởng đơn vị chủ trì nghiệp vụ trình Phó Thống đốc phụ trách phê duyệt tài liệu yêu cầu người sử dụng và chuyển đơn vị chủ trì công nghệ thông tin tài liệu yêu cầu người sử dụng đã được phê duyệt.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu yêu cầu người sử dụng đã được phê duyệt, đơn vị chủ trì công nghệ thông tin lập báo cáo đề xuất phương thức phát triển phần mềm nghiệp vụ trình Phó Thống đốc phụ trách công nghệ thông tin phê duyệt.

5. Trường hợp có nhu cầu bổ sung, sửa đổi tài liệu yêu cầu người sử dụng đã được phê duyệt, đơn vị chủ trì nghiệp vụ gửi yêu cầu bổ sung, sửa đổi có phê duyệt của Phó Thống đốc phụ trách cho đơn vị chủ trì công nghệ thông tin. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với việc phát triển phần mềm của yêu cầu bổ sung, sửa đổi tài liệu yêu cầu người sử dụng, đề xuất phương án xử lý trình Phó Thống đốc phụ trách công nghệ thông tin phê duyệt.

6. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài liệu yêu cầu người sử dụng đã được phê duyệt theo yêu cầu của đơn vị chủ trì nghiệp vụ về cấp độ “mật” của tài liệu.

Điều 11. Xác định đơn vị phát triển phần mềm nghiệp v

1. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin đồng thời là đơn vị phát triển phần mềm đối với các phần mềm nghiệp vụ được trang bị theo phương thức Ngân hàng Nhà nước tự xây dựng.

2. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin thực hiện trang bị theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để lựa chọn đơn vị phát triển phần mềm đối với các phần mềm nghiệp vụ trang bị theo phương thức mua sắm.

Điều 12. Lập kế hoạch chi tiết phát triển phần mềm nghiệp v

1. Trong vòng 15 ngày làm việc sau khi được xác định, đơn vị phát triển phần mềm có trách nhiệm lập kế hoạch chi tiết phát triển phần mềm nghiệp vụ bao gồm các thông tin cơ bản: nội dung công việc; thời gian bắt đầu; thời gian kết thúc; nhân lực thực hiện và kết quả dự kiến.

2. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được kế hoạch chi tiết phát triển phần mềm nghiệp vụ, đơn vị chủ trì công nghệ thông tin có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch này và gửi đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, đơn vị chủ trì nghiệp vụ để phối hợp triển khai trong các giai đoạn tiếp theo của dự án.

Điều 13. Lập báo cáo khảo sát yêu cầu người sử dụng

1. Đơn vị phát triển phần mềm tiến hành lập báo cáo khảo sát yêu cầu người sử dụng trên cơ sở tài liệu yêu cầu người sử dụng. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị phát triển phần mềm có thể tiến hành khảo sát tại đơn vị chủ trì nghiệp vụ và các đơn vị sử dụng để thu thập thêm thông tin.

2. Đơn vị chủ trì nghiệp vụ, đơn vị sử dụng có trách nhiệm phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu theo yêu cầu khảo sát của đơn vị phát triển phần mềm và có trách nhiệm xác nhận báo cáo khảo sát yêu cầu người sử dụng trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo.

3. Đơn vị phát triển phần mềm có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài liệu yêu cầu người sử dụng và các tài liệu liên quan trong quá trình khảo sát theo yêu cầu của đơn vị chủ trì nghiệp vụ, đơn vị chủ trì công nghệ thông tin và quy định của pháp luật về bảo mật thông tin.

4. Trong quá trình khảo sát, nếu có phát sinh yêu cầu hoặc có thay đổi tài liệu yêu cầu người sử dụng đã được phê duyệt, đơn vị chủ trì nghiệp vụ và đơn vị chủ trì công nghệ thông tin thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 10 của Thông tư này.

Điều 14. Phân tích yêu cầu hệ thống

1. Căn cứ tài liệu yêu cầu người sử dụng, báo cáo khảo sát và các văn bản, tài liệu liên quan, đơn vị phát triển phần mềm thực hiện phân tích yêu cầu người sử dụng và xây dựng tài liệu phân tích yêu cầu hệ thống.

2. Đối với các phần mềm nghiệp vụ là phần mềm thương mại, tài liệu phân tích yêu cầu hệ thống là tài liệu phân tích sự khác biệt giữa yêu cầu người sử dụng và các tính năng đã có sẵn trong phần mềm nghiệp vụ.

3. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin và đơn vị chủ trì nghiệp vụ có trách nhiệm cho ý kiến, thống nhất phương án xử lý đối với các nội dung về kỹ thuật và nghiệp vụ trong quá trình phân tích yêu cầu hệ thống.

4. Tài liệu phân tích yêu cầu hệ thống phải được đơn vị chủ trì công nghệ thông tin phê duyệt.

Điều 15. Thiết kế phần mềm nghiệp vụ

1. Căn cứ tài liệu phân tích yêu cầu hệ thống và các văn bản, tài liệu liên quan, đơn vị phát triển phần mềm xây dựng tài liệu thiết kế phần mềm và thực hiện thiết kế phần mềm.

2. Đối với các phần mềm nghiệp vụ là phần mềm thương mại, tài liệu thiết kế phần mềm là các tài liệu mô tả kiến trúc hệ thống, các chức năng của phần mềm, tổ chức dữ liệu, yêu cầu cài đặt, cấu hình và các tài liệu kỹ thuật liên quan khác.

3. Tài liệu thiết kế phần mềm phải được đơn vị chủ trì công nghệ thông tin phê duyệt.

Điều 16. Lập trình phần mềm nghiệp vụ

1. Căn cứ tài liệu thiết kế phần mềm, đơn vị phát triển phần mềm thực hiện lập trình và xây dựng các tài liệu kỹ thuật liên quan.

2. Đối với các phần mềm nghiệp vụ là phần mềm thương mại, lập trình phần mềm là quá trình chỉnh sửa các chức năng có sẵn, phát triển thêm chức năng mới đáp ứng theo tài liệu thiết kế phần mềm.

3. Trong quá trình lập trình phần mềm, đơn vị phát triển phần mềm phải tự thực hiện kiểm tra, thử nghiệm nội bộ phần mềm trước khi bàn giao cho đơn vị chủ trì công nghệ thông tin thực hiện kiểm tra, thử nghiệm phần mềm. Kết quả của quá trình kiểm tra, thử nghiệm nội bộ phải được thể hiện bằng báo cáo kết quả kiểm tra, thử nghiệm nội bộ và kèm theo kịch bản kiểm tra, thử nghiệm.

4. Đơn vị phát triển phần mềm có trách nhiệm xây dựng tài liệu hướng dẫn cài đặt, tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm và các tài liệu kỹ thuật có liên quan khác phục vụ quá trình triển khai, vận hành, chuyển giao, bảo hành và bảo trì.

Điều 17. Quy trình nghiệp vụ

1. Mỗi phần mềm nghiệp vụ phải có quy trình nghiệp vụ ban hành kèm theo, quy trình nghiệp vụ phải thống nhất với tài liệu yêu cầu người sử dụng và tài liệu thiết kế đã được phê duyệt.

2. Trước thời điểm kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, đơn vị chủ trì nghiệp vụ có trách nhiệm tổ chức xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành quy trình nghiệp vụ cho phần mềm.

Điều 18. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm nghiệp vụ

1. Kịch bản kiểm tra, thử nghiệm phần mềm

a) Đơn vị phát triển phần mềm có trách nhiệm xây dựng kịch bản kiểm tra, thử nghiệm phần mềm và chuyển cho đơn vị chủ trì công nghệ thông tin xem xét, phê duyệt.

b) Kịch bản kiểm tra, thử nghiệm phần mềm ứng dụng bao gồm các loại: kịch bản kiểm tra, thử nghiệm chức năng; kịch bản kiểm tra, thử nghiệm hiệu năng; kịch bản kiểm tra, thử nghiệm an ninh bảo mật; kịch bản kiểm tra, thử nghiệm khả năng phục hồi khi có sự cố; và có thể bao gồm một số loại kịch bản kiểm tra, thử nghiệm khác căn cứ vào tính chất và đặc điểm của từng phần mềm.

2. Tổ chức kiểm tra, thử nghiệm hệ thống

Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin có trách nhiệm tổ chức, thực hiện và lập báo cáo kiểm tra, thử nghiệm hệ thống theo kịch bản kiểm tra, thử nghiệm đã được phê duyệt.

3. Tổ chức kiểm tra, thử nghiệm chấp nhận của đơn vị sử dụng

a) Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thử nghiệm chấp nhận của đơn vị sử dụng theo kịch bản kiểm tra, thử nghiệm đã được phê duyệt.

b) Đơn vị chủ trì nghiệp vụ, đơn vị sử dụng có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì công nghệ thông tin thực hiện kiểm tra, thử nghiệm chấp nhận của đơn vị sử dụng.

c) Kết quả của quá trình kiểm tra, thử nghiệm chấp nhận của đơn vị sử dụng phải được thể hiện bằng báo cáo kết quả kiểm tra, thử nghiệm chấp nhận của đơn vị sử dụng có xác nhận của đơn vị chủ trì nghiệp vụ, đơn vị sử dụng và đơn vị chủ trì công nghệ thông tin.

Điều 19. Triển khai thí điểm

1. Phần mềm nghiệp vụ áp dụng cho nhiều đơn vị sử dụng phải thực hiện triển khai thí điểm trước khi triển khai diện rộng.

2. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin tổ chức lập và thực hiện kế hoạch triển khai thí điểm. Kế hoạch triển khai thí điểm phải nêu rõ nội dung triển khai thí điểm, thời gian triển khai thí điểm và trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị liên quan trong đợt triển khai thí điểm gồm:

a) Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin;

b) Đơn vị chủ trì nghiệp vụ;

c) Đơn vị phát triển phần mềm;

d) Đơn vị sử dụng tham gia triển khai thí điểm.

3. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin có trách nhiệm tổ chức đào tạo cho các đơn vị sử dụng tham gia thí điểm.

4. Kết thúc đợt triển khai thí điểm:

a) Đơn vị sử dụng tham gia triển khai thí điểm báo cáo kết quả triển khai thí điểm và yêu cầu hiệu chỉnh (nếu có) gửi đơn vị chủ trì công nghệ thông tin;

a) Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin lập báo cáo kết quả triển khai thí điểm kèm theo tài liệu yêu cầu hiệu chỉnh (nếu có) gửi đơn vị chủ trì nghiệp vụ và đơn vị phát triển phần mềm để phối hợp. Trường hợp phát sinh vướng mắc về nghiệp vụ, đơn vị chủ trì nghiệp vụ và đơn vị chủ trì công nghệ thông tin phối hợp thống nhất phương án xử lý.

b) Đơn vị phát triển phần mềm tiến hành hiệu chỉnh phần mềm sau khi kết thúc triển khai thí điểm và tiến hành cập nhật các tài liệu chỉnh sửa liên quan (nếu có) gửi đơn vị chủ trì công nghệ thông tin kiểm tra và chấp nhận kết quả hiệu chỉnh phần mềm và tài liệu liên quan (nếu có) trước khi đào tạo, tập huấn.

Điều 20. Đào tạo, tập huấn

1. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin lập và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các đơn vị sử dụng trước khi triển khai chính thức phần mềm nghiệp vụ. Kế hoạch đào tạo, tập huấn phải nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan trong khóa đào tạo, tập huấn:

a) Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin;

b) Đơn vị chủ trì nghiệp vụ;

c) Đơn vị phát triển phần mềm;

d) Đơn vị sử dụng.

2. Đơn vị chủ trì nghiệp vụ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn bảo đảm đơn vị sử dụng có đủ kiến thức chuyên môn trong quá trình vận hành chính thức phần mềm.

3. Đơn vị sử dụng có trách nhiệm tiếp thu kiến thức chuyên môn để triển khai, vận hành phần mềm.

4. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin lập báo cáo kết quả đào tạo, tập huấn kèm theo nội dung tổng hợp ý kiến của các đơn vị tham gia đào tạo, tập huấn gửi đơn vị chủ trì nghiệp vụ và đơn vị phát triển phần mềm để phối hợp hiệu chỉnh phần mềm, tài liệu (nếu cần thiết).

Điều 21. Đóng gói, bàn giao phần mềm nghiệp vụ

1. Đơn vị phát triển phần mềm đóng gói phần mềm, bàn giao và lập biên bản bàn giao phần mềm với đơn vị chủ trì công nghệ thông tin.

2. Việc đóng gói phần mềm phải được tổ chức theo từng phiên bản, dễ tham chiếu và bao gồm các nội dung cơ bản như sau:

a) Tài liệu kỹ thuật, nghiệp vụ gồm:

- Tài liệu yêu cầu người sử dụng;

- Báo cáo khảo sát;

- Tài liệu phân tích yêu cầu hệ thống;

- Tài liệu thiết kế phần mềm;

- Tài liệu cài đặt và cấu hình hệ thống;

- Hướng dẫn sử dụng;

- Quy trình vận hành;

- Quy trình nghiệp vụ;

- Tài liệu khắc phục sự cố.

b) Bộ cài đặt phần mềm;

c) Bộ mã nguồn phần mềm trong trường hợp tự phát triển phần mềm hoặc Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu cung cấp mã nguồn trong hợp đồng với bên thứ ba;

d) Quy trình bảo trì phần mềm;

đ) Các công cụ sử dụng để phát triển, triển khai phần mềm (nếu có).

3. Đơn vị phát triển phần mềm có trách nhiệm bổ sung phiên bản đóng gói nếu có các thay đổi trong quá trình hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành và bảo trì phần mềm kể từ thời điểm bàn giao.

4. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin có trách nhiệm lưu trữ sản phẩm phần mềm đóng gói tối thiểu ở hai nơi khác nhau, đảm bảo an toàn.

Điều 22. Triển khai chính thức

1. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin lập và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai chính thức. Kế hoạch triển khai chính thức phải nêu rõ thời gian triển khai chính thức và trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị liên quan khi triển khai chính thức gồm:

a) Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin;

b) Đơn vị chủ trì nghiệp vụ;

c) Đơn vị phát triển phần mềm;

d) Đơn vị sử dụng.

2. Trách nhiệm của các đơn vị khi kết thúc đợt triển khai chính thức:

a) Đơn vị sử dụng thông báo kết quả triển khai chính thức tại đơn vị cho đơn vị chủ trì công nghệ thông tin tổng hợp và theo dõi.

b) Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin tổng hợp báo cáo triển khai chính thức gửi đơn vị phát triển phần mềm để hoàn thiện phần mềm và thông báo đơn vị chủ trì nghiệp vụ để phối hợp.

Điều 23. Nghiệm thu phần mềm nghiệp vụ

1. Tổ nghiệm thu phần mềm

a) Đối với các phần mềm trang bị theo phương thức Ngân hàng Nhà nước tự xây dựng, đơn vị chủ trì công nghệ thông tin thành lập Tổ nghiệm thu phần mềm;

b) Đối với các phần mềm trang bị theo phương thức mua sắm, chủ đầu tư hoặc đơn vị được chủ đầu tư ủy quyền thành lập Tổ nghiệm thu phần mềm;

c) Thành phần Tổ nghiệm thu phần mềm bao gồm cán bộ của đơn vị chủ trì công nghệ thông tin, đơn vị chủ trì nghiệp vụ và các đơn vị liên quan khác (nếu cần).

2. Đơn vị phát triển phần mềm có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện và hỗ trợ cho việc kiểm tra nghiệm thu.

3. Tổ nghiệm thu phần mềm xây dựng và thực hiện kiểm tra theo kịch bản nghiệm thu.

4. Kết thúc quá trình kiểm tra nghiệm thu, Tổ nghiệm thu phần mềm lập báo cáo kèm biên bản nghiệm thu phần mềm gửi đơn vị chủ trì công nghệ thông tin. Trường hợp phần mềm chưa đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ, kỹ thuật, đơn vị chủ trì công nghệ thông tin tiếp tục tổ chức chỉnh sửa, hoàn thiện phần mềm.

Điều 24. Hỗ trợ vận hành

1. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sử dụng xử lý các sự cố, vướng mắc kỹ thuật.

2. Đơn vị chủ trì nghiệp vụ có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sử dụng xử lý các vướng mắc về nghiệp vụ.

3. Đơn vị sử dụng có trách nhiệm phản ánh kịp thời các vướng mắc, đề xuất liên quan đến nghiệp vụ, kỹ thuật cho đơn vị chủ trì nghiệp vụ và đơn vị chủ trì công nghệ thông tin để tổng hợp, nghiên cứu và xử lý.

Điều 25. Báo cáo kết quả phát triển phần mềm nghiệp vụ

1. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin có trách nhiệm lập báo cáo kết quả triển khai phần mềm và gửi đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm triển khai chính thức phần mềm nghiệp vụ.

2. Báo cáo kết quả triển khai phần mềm gồm các nội dung:

a) Kết quả đạt được so với các mục tiêu đề ra;

b) Phạm vi, thời gian triển khai thực tế;

c) Các chức năng chính của phần mềm;

d) Kịch bản và các báo cáo kiểm tra, thử nghiệm;

đ) Báo cáo triển khai thí điểm, báo cáo triển khai chính thức;

e) Biên bản nghiệm thu, biên bản bàn giao phần mềm.

Thông tư 34/2012/TT-NHNN quy định về phát triển và bảo trì phần mềm nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  • Số hiệu: 34/2012/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Toàn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 19 đến số 20
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH