Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 34/2011/TT-NHNN hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. THU HỒI GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

Điều 8. Quy trình thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị thu hồi Giấy phép

a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải:

- Xây dựng Phương án thanh lý. Phương án thanh lý phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua.

- Lập một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng).

b) Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và có văn bản lấy ý kiến của:

- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh về:

(i) Thực trạng tổ chức và hoạt động và khả năng thanh toán hết nợ;

(ii) Quan điểm về việc thu hồi Giấy phép, kiến nghị các biện pháp xử lý sau khi thu hồi Giấy phép;

(iii) Danh sách Hội đồng thanh lý;

(iv) Trường hợp đồng ý việc thu hồi Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh cử cán bộ tham gia Tổ giám sát thanh lý theo quy định tại Thông tư này.

- Ủy ban nhân dân về:

(i) Ảnh hưởng của việc thu hồi Giấy phép đối với sự ổn định kinh tế xã hội trên địa bàn; và

(ii) Quan điểm về việc thu hồi Giấy phép.

- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về:

(i) Thực trạng tổ chức và hoạt động và khả năng thanh toán hết nợ;

(ii) Tình hình nộp phí Bảo hiểm tiền gửi và số dư tiền gửi được bảo hiểm theo bảng tính phí gần nhất; khả năng nguồn vốn chi trả bảo hiểm và hướng bổ sung nguồn vốn chi trả khi cần thiết;

(iii) Quan điểm về việc thu hồi Giấy phép, kiến nghị các phương thức chi trả tiền gửi được bảo hiểm sau khi thu hồi Giấy phép;

(iv) Ảnh hưởng của việc thu hồi Giấy phép đối với quyền lợi của người gửi tiền, đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

- Các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước về quan điểm thu hồi Giấy phép và kiến nghị các biện pháp xử lý sau khi thu hồi Giấy phép (nếu xét thấy cần thiết).

c) Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, các đơn vị trên đây phải có văn bản tham gia ý kiến về các nội dung đã được đề nghị, gửi Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Quá thời hạn này, các đơn vị không có ý kiến coi như đồng ý việc thu hồi giấy phép.

d) Trong thời hạn tối đa mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các đơn vị nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều này, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tổng hợp ý kiến, đề xuất quan điểm, trình Thống đốc:

- Ra quyết định thu hồi Giấy phép, yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành thanh lý tài sản; đồng thời thành lập Hội đồng thanh lý, Tổ giám sát thanh lý tài sản khi xét thấy phương án thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chứng minh được khả năng thanh toán hết nợ và đảm bảo quyền lợi cho khách nợ, chủ nợ; hoặc

- Có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, báo cáo, giải trình các nội dung có liên quan (nếu có).

đ) Trong thời hạn tối đa mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản giải trình của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, đề xuất ý kiến, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

e) Trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thống đốc xem xét, quyết định đề nghị của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tại Điểm d và Điểm đ khoản 1 Điều này.

2. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị yêu cầu thu hồi Giấy phép:

a) Căn cứ kết quả thanh tra, giám sát, hoặc đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, hoặc đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có tờ trình, đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấm dứt hoạt động và yêu cầu tiến hành xây dựng phương án thanh lý tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

b) Trong thời hạn tối đa sáu mươi (60) ngày kể từ ngày Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng xong phương án thanh lý tài sản kèm hồ sơ thu hồi Giấy phép quy định tại Điều 9 Thông tư này trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.

c) Sau khi nhận được hồ sơ thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện quy trình thu hồi Giấy phép theo quy định tại Khoản 1 Điều này (trừ Điểm a).

Điều 9. Hồ sơ thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Văn bản đề nghị thu hồi Giấy phép, trong đó nêu rõ lý do đề nghị thu hồi Giấy phép, khả năng thanh toán hết nợ và các biện pháp xử lý sau khi thu hồi giấy phép, danh sách dự kiến thành viên Hội đồng thanh lý (trừ trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị yêu cầu thu hồi Giấy phép).

2. Phương án thanh lý tài sản, trong đó bao gồm tối thiểu các nội dung:

a) Tên, địa chỉ, trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

b) Tên, địa chỉ, trang thông tin điện tử của chủ sở hữu (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

c) Tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (đối với tổ chức tín dụng); Tổng Giám đốc (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

d) Tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của các thành viên Hội đồng thanh lý.

đ) Tóm tắt tình hình tài chính và hoạt động (tình hình công nợ, các khoản phải thu, phải trả bao gồm nội bảng và ngoại bảng) đến thời điểm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động đề nghị hoặc bị yêu cầu thu hồi Giấy phép; trong đó, phải xác định rõ khả năng thanh toán các khoản nợ.

e) Lý do của việc đề nghị hoặc bị yêu cầu thu hồi Giấy phép.

g) Danh sách cổ đông lớn (đối với tổ chức tín dụng cổ phần) hoặc chủ sở hữu (đối với các tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

h) Kế hoạch xử lý quyền lợi và nghĩa vụ, trong đó nêu rõ lộ trình thanh lý. Đối với chi nhánh nước ngoài phải nêu rõ kế hoạch chuyển vốn, lợi nhuận và tài sản ra nước ngoài.

i) Phương án lưu trữ hồ sơ, tài liệu sau khi thu hồi Giấy phép.

k) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình thu hồi Giấy phép.

l) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình thanh lý tài sản.

3. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua việc thu hồi Giấy phép và phương án thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Đối với trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi Giấy phép theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 28 Luật các tổ chức tín dụng, hồ sơ phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính về việc giải thể, phá sản hoặc thu hồi Giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.

5. Đối với trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị thu hồi Giấy phép theo yêu cầu của ngân hàng mẹ, hồ sơ phải có Quyết định của ngân hàng mẹ về việc giải thể, chấm dứt hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đến thời điểm đề nghị hoặc bị yêu cầu thu hồi Giấy phép.

Điều 10. Quy trình thu hồi Giấy phép đối với văn phòng đại diện

1. Trường hợp văn phòng đại diện đề nghị thu hồi Giấy phép

a) Văn phòng đại diện phải:

- Lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định về việc thu hồi Giấy phép.

- Lập một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng).

b) Trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và có văn bản lấy ý kiến của:

- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh về việc thu hồi Giấy phép, kiến nghị các biện pháp xử lý sau khi thu hồi Giấy phép.

- Các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước về việc thu hồi Giấy phép và kiến nghị các biện pháp xử lý sau khi thu hồi Giấy phép (nếu xét thấy cần thiết).

c) Trong thời hạn tối đa bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, các đơn vị trên đây phải có văn bản tham gia ý kiến về các nội dung đã được đề nghị, gửi Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Quá thời hạn này, các đơn vị không có ý kiến coi như đồng ý việc thu hồi Giấy phép.

d) Trong thời hạn tối đa bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các đơn vị nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều này, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tổng hợp ý kiến, đề xuất quan điểm, trình Thống đốc:

- Ra quyết định thu hồi Giấy phép, yêu cầu văn phòng đại diện tiến hành các thủ tục để chấm dứt hoạt động, đóng cửa văn phòng đại diện như hoàn trả giấy đăng ký hoạt động, nộp con dấu, thanh lý hợp đồng thuê trụ sở và thanh toán các nghĩa vụ, khoản nợ khác (nếu có) với các cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật; hoặc

- Có văn bản yêu cầu văn phòng đại diện báo cáo, giải trình các nội dung có liên quan (nếu có).

đ) Trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản giải trình của văn phòng đại diện, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, đề xuất ý kiến, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

e) Trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thống đốc xem xét, quyết định đề nghị của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tại Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này.

g) Trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định thu hồi Giấy phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, văn phòng đại diện phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động.

2. Trường hợp văn phòng đại diện bị yêu cầu thu hồi Giấy phép:

a) Căn cứ kết quả thanh tra, giám sát, hoặc đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, hoặc đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có tờ trình, đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Quyết định thu hồi Giấy phép đối với văn phòng đại diện.

b) Trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định thu hồi Giấy phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, văn phòng đại diện phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động.

Điều 11. Hồ sơ thu hồi Giấy phép đối với văn phòng đại diện

1. Văn bản đề nghị thu hồi Giấy phép, trong đó nêu rõ lý do đề nghị thu hồi Giấy phép, việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu sau khi bị thu hồi Giấy phép, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình thu hồi Giấy phép.

2. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi Giấy phép đối với văn phòng đại diện.

3. Đối với trường hợp văn phòng đại diện bị thu hồi Giấy phép theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 28 Luật các tổ chức tín dụng, hồ sơ phải có văn bản theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư này.

4. Đối với trường hợp văn phòng đại diện đề nghị thu hồi Giấy phép theo yêu cầu của chủ sở hữu, hồ sơ phải có Quyết định của chủ sở hữu về việc giải thể, chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện.

Điều 12. Công bố Quyết định thu hồi Giấy phép

1. Quyết định thu hồi Giấy phép được gửi đến tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Ủy ban nhân dân, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Hiệp hội ngân hàng, Bộ Tài chính.

2. Trong thời hạn tối đa bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đăng trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước và ba (03) số liên tiếp trên một tờ báo giấy có số phát hành hàng ngày, phát hành trên toàn quốc về việc thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện.

3. Trong thời hạn tối đa bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện có trách nhiệm niêm yết Quyết định thu hồi Giấy phép tại trụ sở chính và trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng; trụ sở chính của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện.

MỤC 2. THANH LÝ TÀI SẢN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI DƯỚI SỰ GIÁM SÁT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Điều 13. Quy trình thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Trong thời hạn tối đa ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tiến hành thanh lý tài sản theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trong thời hạn tối đa ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thanh lý, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện các thủ tục kết thúc thanh lý theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

3. Trong thời hạn tối đa mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kết thúc thanh lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có tờ trình, đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định kết thúc thanh lý hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo, giải trình các vấn đề cần làm rõ liên quan đến quá trình thanh lý. Quyết định kết thúc thanh lý đồng thời là Quyết định chấm dứt hoạt động của Tổ giám sát thanh lý.

4. Trong thời hạn tối đa mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định kết thúc thanh lý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng phải tiến hành các thủ tục chấm dứt tư cách pháp nhân và đăng bố cáo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 14. Thời hạn thanh lý

1. Thời hạn thanh lý là mười hai (12) tháng kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép có hiệu lực. Quá thời hạn này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa kết thúc thanh lý, phải có văn bản trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian thanh lý (văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do đề nghị gia hạn); thời gian được gia hạn thanh lý mỗi lần không quá mười hai (12) tháng; số lần gia hạn không quá ba (03) lần.

2. Trước ngày kết thúc thời hạn thanh lý ba mươi (30) ngày, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có văn bản đề nghị gia hạn thời hạn thanh lý gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), trong đó phải nêu rõ lý do. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản nêu trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị gia hạn thời hạn thanh lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 15. Kết thúc thanh lý

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kết thúc thanh lý trong những trường hợp sau:

a) Đã thanh toán hết các khoản nợ cho các chủ nợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Thông tư này.

b) Được tổ chức tín dụng khác mua lại và chấp thuận thanh toán hết các khoản nợ cho các chủ nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

c) Không có khả năng thanh toán đủ nợ cho các chủ nợ.

d) Hết thời hạn thanh lý theo quy định, kể cả thời gian gia hạn (nếu có).

2. Khi kết thúc thanh lý theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này, Hội đồng thanh lý phải có báo cáo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đề nghị cho kết thúc thanh lý.

3. Khi kết thúc thanh lý theo quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 1 Điều này, Hội đồng thanh lý phải có báo cáo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh báo cáo kết quả thanh lý và đề nghị cho kết thúc thanh lý để tiến hành các thủ tục phá sản theo quy định.

Điều 16. Hoàn trả lại tài sản

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cho vay đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hỗ trợ tài chính phải hoàn trả lại giá trị của các khoản vay (hỗ trợ) này trước khi thực hiện quy định tại Điều 17 Thông tư này.

Điều 17. Thứ tự phân chia tài sản

1. Việc phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo thứ tự sau đây:

a) Các khoản lệ phí, chi phí theo quy định của pháp luật cho việc giải quyết thanh lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

b) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.

c) Các khoản nợ thuế.

d) Các khoản chi trả cho người gửi tiền của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các khoản tiền gửi của người gửi tiền.

đ) Các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố: Các khoản nợ này được ưu tiên thanh toán bằng chính tài sản thế chấp hoặc cầm cố đó. Nếu giá trị tài sản thế chấp hoặc cầm cố không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; nếu giá trị của tài sản thế chấp hoặc cầm cố lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản còn lại của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các chủ nợ này có quyền thỏa thuận với nhau về tỷ lệ thanh toán nợ nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

e) Các khoản nợ không có bảo đảm: phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng. Các chủ nợ này có quyền thỏa thuận với nhau về tỷ lệ thanh toán nợ nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Trường hợp giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sau khi đã thanh toán đủ các khoản theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần giá trị tài sản còn lại được chia đều cho các chủ sở hữu theo tỷ lệ góp vốn tại thời điểm thực hiện việc phân chia tài sản.

3. Trường hợp giá trị tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài sau khi đã thanh toán đủ các khoản theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần giá trị tài sản còn lại do chủ sở hữu quản lý.

Điều 18. Hội đồng thanh lý

1. Đối với tổ chức tín dụng:

a) Hội đồng thanh lý do Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng đề nghị và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định, gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, tối thiểu 01 thành viên Hội đồng quản trị độc lập (đối với tổ chức tín dụng cổ phần), Trưởng Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và một số thành viên khác được lựa chọn trong số thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát (nếu có), cổ đông lớn (đối với tổ chức tín dụng cổ phần) và 05 khách hàng có số dư tiền gửi lớn nhất tại tổ chức tín dụng tại thời điểm đề nghị thu hồi Giấy phép hoặc thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động.

b) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên là Chủ tịch Hội đồng thanh lý. Trường hợp khuyết Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên tổ chức họp để bầu một người trong số các thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên còn lại để đảm nhiệm chức danh này.

2. Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

a) Hội đồng thanh lý do đại diện có thẩm quyền của ngân hàng mẹ đề nghị và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định, gồm: Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, tối thiểu một (01) thành viên do chủ sở hữu chỉ định và năm (05) khách hàng có số dư tiền gửi lớn nhất tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị thu hồi Giấy phép hoặc thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động.

b) Tổng Giám đốc chi nhánh ngân hàng nước ngoài là Chủ tịch Hội đồng thanh lý. Trường hợp khuyết Tổng giám đốc, ngân hàng mẹ chỉ định một người trong số các thành viên Hội đồng thanh lý để đảm nhiệm chức danh này.

Điều 19. Trách nhiệm của Hội đồng thanh lý

1. Rà soát toàn bộ các khoản mục của tài sản có và tài sản nợ, các khoản mục ngoại bảng của bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lập danh sách và số tiền của các chủ nợ, khách nợ đến thời điểm thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và danh mục tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để xử lý.

2. Triển khai thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tìm mọi biện pháp để thu hồi nợ và các tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương án thanh lý đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Mọi khoản thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được sử dụng để thanh toán cho các chủ nợ theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Thông tư này.

3. Định kỳ ngày mùng năm (05) hàng tháng, Hội đồng thanh lý có trách nhiệm báo cáo Tổ giám sát thanh lý việc thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương án thanh lý đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

4. Sau khi kết thúc thanh lý, Hội đồng thanh lý có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đề nghị kết thúc thanh lý theo quy định tại Thông tư này.

MỤC 3. GIÁM SÁT THANH LÝ TÀI SẢN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Điều 20. Cơ cấu tổ chức của Tổ Giám sát thanh lý

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc thành lập Tổ giám sát thanh lý để giám sát việc thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chỉ định Tổ trưởng Tổ giám sát thanh lý và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng và các thành viên Tổ Giám sát thanh lý.

2. Tổ giám sát thanh lý có tối thiểu năm (05) thành viên, gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và đại diện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

3. Trong trường hợp cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể chỉ định một tổ chức tín dụng khác tham gia giám sát thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng và thành viên tham gia Tổ giám sát thanh lý do Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng đề nghị đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 21. Cơ chế hoạt động của Tổ giám sát thanh lý

1. Các thành viên Tổ giám sát thanh lý làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm.

2. Tổ giám sát thanh lý sử dụng con dấu của ngân hàng Nhà nước chi nhánh trong các văn bản, báo cáo do Tổ trưởng Tổ giám sát thanh lý ký.

3. Tổ trưởng Tổ giám sát thanh lý và các thành viên chịu trách nhiệm trước Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực thi nhiệm vụ của mình.

4. Phiên họp của Tổ giám sát thanh lý chỉ được tiến hành khi có sự tham gia của ít nhất 2/3 tổng số thành viên. Các quyết định của Tổ giám sát thanh lý chỉ được thông qua khi có sự đồng ý của đa số thành viên có mặt tại cuộc họp. Trường hợp có số phiếu ngang nhau thì quyền quyết định thuộc về Tổ trưởng.

5. Tổ giám sát thanh lý kết thúc nhiệm vụ khi Thống đốc có quyết định kết thúc thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Chi phí liên quan đến hoạt động của Tổ giám sát thanh lý do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chi trả. Việc hạch toán chi phí phải tuân thủ theo chế độ kế toán hiện hành.

Điều 22. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Tổ giám sát thanh lý

1. Là cán bộ tại các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; hoặc là cán bộ của tổ chức tín dụng khác được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia Tổ giám sát thanh lý.

2. Có bằng Đại học hoặc trên đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng và có ít nhất 3 năm công tác trong ngành ngân hàng hoặc bảo hiểm tiền gửi.

3. Không phải là chủ sở hữu, người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thanh lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thanh lý tài sản.

4. Tổ trưởng Tổ giám sát thanh lý là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh hoặc người được Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ủy quyền.

Điều 23. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ giám sát thanh lý

1. Chỉ đạo, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm kê toàn bộ công nợ, các khoản phải thu, phải trả; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mời các chủ nợ, khách nợ đến đối chiếu để xác định khả năng thanh toán và nguồn trả nợ.

2. Yêu cầu Hội đồng thanh lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin về thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình thanh lý tài sản, thực hiện việc chi trả cho các chủ nợ theo đúng thứ tự ưu tiên theo quy định tại Thông tư này.

3. Giám sát toàn bộ quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Báo cáo định kỳ mùng mười (10) hàng tháng hoặc đột xuất gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về diễn biến quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết có văn bản đề nghị các cơ quan có liên quan hỗ trợ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hồi các khoản phải thu, xử lý các khách hàng cố tình làm thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

5. Được quyền đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh có quyết định đình chỉ hoạt động của những thành viên Hội đồng thanh lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thanh lý, cố ý vi phạm luật pháp hoặc không thực hiện theo kế hoạch thanh lý hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, từ chối trách nhiệm, nghĩa vụ; trường hợp nghiêm trọng, trình Thống đốc có văn bản yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý các cá nhân sai phạm (nếu có).

6. Kiến nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý những vấn đề phát sinh ngoài thẩm quyền.

7. Tổ giám sát thanh lý chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh nơi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính.

8. Báo cáo việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phương án phân chia tài sản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

9. Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, tổ chức giám sát thanh lý có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chấm dứt thanh lý và yêu cầu tổ chức tín dụng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng.

Thông tư 34/2011/TT-NHNN hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 34/2011/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/10/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 585 đến số 586
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH