Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 32/2009/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2009

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN THUỶ NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Giao thông đường thuỷ nội địa ngày 24 tháng 06 năm 2004;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải quy định chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chương trình đào tạo, bổ túc nâng hạng bằng, bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề có đăng ký đào tạo, bổ túc nâng hạng bằng, bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa trong phạm vi cả nước.

2. Thông tư này không áp dụng đối với chương trình đào tạo, bổ túc nâng hạng bằng, bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa của ngành Công an, Quân đội làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên tàu cá.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng là giấy chứng nhận đủ khả năng đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng trên phương tiện thuỷ nội địa;

2. Chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản là giấy chứng nhận khả năng của thuyền viên, người lái phương tiện xử lý các vấn đề về an toàn lao động, an toàn phương tiện, phòng chống cháy nổ, sơ cứu người bị nạn, bảo vệ môi trường;

3. Chứng chỉ nghiệp vụ là giấy chứng nhận đủ khả năng đảm nhiệm chức danh thủy thủ, thợ máy hoặc người lái phương tiện;

4. Chứng chỉ chuyên môn đặc biệt là giấy chứng nhận đủ khả năng làm việc an toàn trên phương tiện chở dầu, phương tiện chở hóa chất hoặc phương tiện chở khí hóa lỏng; giấy chứng nhận đủ khả năng điều khiển phương tiện loại I tốc độ cao, phương tiện loại II tốc độ cao hoặc phương tiện đi ven biển;

5. Phương tiện loại I tốc độ cao là phương tiện quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa và có tốc độ thiết kế từ 30 km/h trở lên;

6. Phương tiện loại II tốc độ cao là phương tiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa và có tốc độ thiết kế từ 30 km/h trở lên;

7. Phương tiện đi ven biển là phương tiện thủy nội địa được cơ quan đăng kiểm xác nhận đủ điều kiện đi ven biển thuộc tuyến đường thủy nội địa đã được công bố.

Điều 4. Chương trình đào tạo, bổ túc nâng hạng bằng và bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa

1. Chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa bao gồm:

a) Chương trình đào tạo thuyền trưởng hạng ba quy định tại Phụ lục 1;

b) Chương trình đào tạo máy trưởng hạng ba quy định tại Phụ lục 2;

c) Chương trình đào tạo thuỷ thủ quy định tại Phụ lục 3;

d) Chương trình đào tạo thợ máy quy định tại Phụ lục 4;

đ) Chương trình đào tạo người lái phương tiện quy định tại Phụ lục 5.

2. Chương trình bổ túc bao gồm:

a) Chương trình bổ túc cấp bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế quy định tại Phụ lục 6;

b) Chương trình bổ túc cấp bằng thuyền trưởng hạng ba quy định tại Phụ lục 7;

c) Chương trình bổ túc nâng hạng bằng thuyền trưởng hạng nhì quy định tại Phụ lục 8;

d) Chương trình bổ túc nâng hạng bằng thuyền trưởng hạng nhất quy định tại Phụ lục 9;

đ) Chương trình bổ túc cấp bằng máy trưởng hạng ba quy định tại Phụ lục 10;

e) Chương trình bổ túc nâng hạng bằng máy trưởng hạng nhì quy định tại Phụ lục 11;

g) Chương trình bổ túc nâng hạng bằng máy trưởng hạng nhất quy định tại Phụ lục 12.

3. Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn bao gồm:

a) Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện loại I tốc độ cao quy định tại Phụ lục 13;

b) Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện loại II tốc độ cao quy định tại Phụ lục 14;

c) Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thuỷ nội địa đi ven bờ biển trong phạm vi tuyến đường thuỷ nội địa đã được công bố quy định tại Phụ lục 15;

d) Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở xăng dầu quy định tại Phụ lục 16;

đ) Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở hoá chất quy định tại Phụ lục 17;

e) Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện chở khí hoá lỏng quy định tại Phụ lục 18;

g) Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ thuỷ thủ hạn chế quy định tại Phụ lục 19;

h) Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ thợ máy hạn chế quy định tại Phụ lục 20;

i) Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ người lái phương tiện hạn chế quy định tại Phụ lục 21;

4. Chương trình bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận học tập pháp luật quy định tại Phụ lục 22.

Điều 5. Trách nhiệm biên soạn giáo trình

Căn cứ chương trình được quy định tại Thông tư này, người đứng đầu cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề có đăng ký dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.

Điều 6. Báo cáo về công tác đào tạo

1. Định kỳ hàng tháng (trước ngày 05 của tháng sau), Sở Giao thông vận tải, cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề thực hiện báo cáo kết quả đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa về Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.

2. Định kỳ hàng năm, trước tháng 01 và tháng 07, Sở Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề báo cáo kết quả đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa của địa phương, đơn vị gửi về Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.

Điều 7. Kiểm tra, thanh tra

Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế các Quyết định số 37/2004/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2004 ban hành “Chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa”, Quyết định số 39/2006/QĐ-BGTVT ngày 03/11/2006 ban hành “Bổ sung Chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa” của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Người đứng đầu cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề có đăng ký dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 9;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
- Tổng cục Dạy nghề;
- Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 32/2009/TT-BGTVT quy định chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 32/2009/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/11/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 25 đến số 26
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản