Chương 2 Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT Quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT DƯ LƯỢNG
Điều 8. Xây dựng và thông báo kế hoạch triển khai Chương trình giám sát dư lượng
1. Điều tra, thu thập thông tin, khảo sát tình hình nuôi trồng thủy sản:
Khi kết thúc vụ nuôi cuối cùng trong năm, Cơ quan giám sát chủ trì tổ chức điều tra, thu thập thông tin, khảo sát theo các bước:
a) Thu thập, thống kê thông tin về tình hình thực tế nuôi trồng thủy sản tại địa bàn quản lý;
b) Tổ chức Đoàn khảo sát thực tế tại các địa điểm chưa đủ thông tin cần thiết.
2. Xác định đối tượng thủy sản nuôi, vùng nuôi cần giám sát:
a) Tiêu chí để xác định 01 (một) đối tượng thủy sản nuôi cần giám sát trong Chương trình giám sát dư lượng bao gồm: thông tin về sản lượng thương phẩm, giá trị kinh tế và định hướng quy hoạch phát triển của loài thủy sản nuôi này trong các năm tiếp theo;
b) Tiêu chí để xác định 01 (một) vùng nuôi trong Chương trình giám sát dư lượng là khu vực nuôi trồng thủy sản sử dụng chung nguồn nước cấp có cùng nguy cơ về ô nhiễm (kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật,…); nằm trên cùng một địa giới hành chính cấp huyện; phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cơ quan giám sát có đủ nguồn lực và bảo đảm khả thi trong việc triển khai Chương trình giám sát dư lượng tại địa phương;
c) Mã số vùng nuôi được quy định thống nhất theo Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này;
d) Vùng nuôi được giám sát phải được vẽ bản đồ, mô tả cụ thể theo Sổ tay hướng dẫn thiết lập, thực hiện Chương trình giám sát dư lượng do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành và được cập nhật khi có sự điều chỉnh, bổ sung.
3. Trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, Cơ quan giám sát xây dựng kế hoạch triển khai của năm tiếp theo tại địa bàn quản lý và báo cáo Cơ quan kiểm tra (bao gồm cả việc đề xuất bổ sung đối tượng nuôi mới, vùng nuôi mới vào Chương trình giám sát dư lượng nếu có) theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan kiểm tra tổ chức Đoàn thẩm tra thực tế các thông tin trong kế hoạch do Cơ quan giám sát báo cáo.
4. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Cơ quan kiểm tra tổng hợp và thông báo kế hoạch triển khai của năm tiếp theo trên phạm vi cả nước đến Cơ quan giám sát và các cơ quan khác có liên quan để triển khai theo Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này.
Điều 9. Tổ chức thực hiện Chương trình giám sát dư lượng
1. Giám sát tình hình nuôi trồng thuỷ sản:
Trước ngày 22 hàng tháng, Cơ quan giám sát gửi tới Cơ quan kiểm tra Báo cáo giám sát tình hình nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng nuôi thuộc Chương trình giám sát dư lượng và đề xuất kế hoạch lấy mẫu tháng tiếp theo (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu hàng tháng:
Trước ngày 26 hàng tháng, trên cơ sở Báo cáo giám sát tình hình nuôi trồng thuỷ sản do Cơ quan giám sát cung cấp, Cơ quan kiểm tra điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu giám sát (nếu có) và thông báo đến các Cơ quan giám sát để thực hiện. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan kiểm tra tiến hành thẩm tra và yêu cầu Cơ quan giám sát giải trình các nội dung không phù hợp trước khi điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu giám sát hàng tháng.
3. Quy trình lấy mẫu, bảo quản, giao nhận mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm:
a) Căn cứ vào kế hoạch lấy mẫu hàng tháng, Cơ quan giám sát ban hành Quyết định lấy mẫu, trong đó nêu rõ vùng nuôi được giám sát, đối tượng, tên cơ sở được lấy mẫu, số lượng mẫu, chỉ tiêu kiểm nghiệm, thời gian thực hiện lấy mẫu và cán bộ được phân công lấy mẫu;
b) Cán bộ được phân công lấy mẫu thực hiện theo đúng Quyết định lấy mẫu, hoàn thiện Phiếu lấy mẫu tương ứng với từng đối tượng thủy sản nuôi theo các Biểu mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này và tiến hành mã hóa mẫu. Phiếu lấy mẫu được lập thành 02 (hai) bản, 01 (một) bản lưu tại cơ sở đã lấy mẫu, 01 (một) bản lưu tại Cơ quan giám sát;
c) Mẫu thủy sản nuôi phải được niêm phong, có ký hiệu nhận biết và được bảo quản phù hợp;
d) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi lấy mẫu, Cơ quan giám sát phải gửi mẫu đến các Cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định;
đ) Yêu cầu kỹ thuật về lấy mẫu, bảo quản, giao nhận mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm được thực hiện thống nhất theo Sổ tay hướng dẫn thiết lập, thực hiện Chương trình giám sát dư lượng do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành.
4. Kiểm nghiệm và thông báo kết quả giám sát:
a) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận mẫu, Cơ sở kiểm nghiệm phải kiểm nghiệm mẫu và cung cấp kết quả tới Cơ quan kiểm tra;
b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi có đủ các kết quả kiểm nghiệm, Cơ quan kiểm tra phải gửi Thông báo kết quả giám sát hàng tháng tới các Cơ quan giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan;
c) Riêng đối với các trường hợp phát hiện dư lượng vượt mức giới hạn tối đa cho phép, thực hiện theo các nội dung quy định tại Chương III Thông tư này.
Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT Quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc, nội dung, căn cứ triển khai Chương trình giám sát dư lượng
- Điều 5. Cơ quan kiểm tra, Cơ quan giám sát
- Điều 6. Yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình giám sát dư lượng
- Điều 7. Kinh phí triển khai Chương trình giám sát dư lượng
- Điều 8. Xây dựng và thông báo kế hoạch triển khai Chương trình giám sát dư lượng
- Điều 9. Tổ chức thực hiện Chương trình giám sát dư lượng
- Điều 10. Thông báo kết quả kiểm nghiệm
- Điều 11. Cảnh báo dư lượng vượt mức giới hạn tối đa cho phép
- Điều 12. Yêu cầu điều tra xác định nguyên nhân, khắc phục sự cố
- Điều 13. Thẩm tra báo cáo khắc phục của Cơ sở
- Điều 14. Tổ chức thẩm tra việc thực hiện Chương trình giám sát dư lượng
- Điều 15. Xử lý kết quả thẩm tra việc thực hiện Chương trình giám sát dư lượng