Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THUỶ LỢI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 28-TL-ĐĐ | Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 1964 |
Điều lệ bảo vệ đê điều đã ban hành là văn bản của Nhà nước có tính chất pháp lý, quy định những điểm cơ bản nhất trong công tác bảo vệ đê điều.
Trong khuôn khổ một bản điều lệ không thể nói hết được các điểm chi tiết. Chiếu theo điều 2 của nghị định và điều 16 của điều lệ, Bộ Thủy lợi giải thích và hướng dẫn một số điểm cụ thể để Ủy ban hành chính, Ty Thủy lợi các tỉnh có đê, các thành phố trực thuộc trung ương và các ngành có liên quan nghiên cứu thi hành đúng với tinh thần của bản điều lệ.
Đây là phần cơ sở của bản điều lệ, nêu lên tác dụng của đê điều đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Khảng định ý nghĩa cực kỳ quan trọng và tính chất quần chúng của công tác bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão cần phải quán triệt trong toàn dân.
Miền Bắc nước ta hàng năm phải phòng chống thiên tai lũ bão. Dưới chế độ đế quốc phong kiến, nhân dân ta chịu xiết bao thảm họa vỡ đê do lũ gây ra.
Từ hòa bình lập lại đến nay, đê điều của ta không ngừng được củng cố tăng cường, do đó đã góp phần tích cực bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, việc bảo vệ đê điều còn bị xem nhẹ. Trong cán bộ và nhân dân còn nhiều người chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác này, còn có nhiều hành động làm tổn hại đến đê kè cống như: tự ý cuốc xé đê, đóng mở cống, đào hầm trú ẩn trên đê, chân đê, đào ao, giếng, kênh, mương, xây nhà kho sát chân đê, găm đậu ca-nô, thuyền, bè tại mái kè gây sạt lở, chưa tích cực đề phòng âm mưu phá hoại của địch đối với đê, kè, cống.
Điều lệ này quy định chế độ bảo vệ đê điều phòng, chống lụt bão, ngăn ngừa những hành động gây tổn hại cho đê, kè, cống, nhằm bảo vệ và phát triển sản xuất, bảo vệ thành quả lao động của nhân dân ta.
NỘI DUNG CÔNG TÁC BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU
Hiện nay có nhiều loại đê: đê sông, đê biển, đê nông trường, đê đồng muối, đê khai hoang v.v... do nhiều ngành, nhiều cấp quản lý. Theo phân loại và phân cấp thì có hai khu vực đê: khu vực đê thuộc trung ương quản lý (Bộ Thủy lợi) và khu vực đê thuộc địa phương quản lý (Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Điều lệ này chỉ áp dụng đối với đê thuộc trung ương quản lý.
1. Đê thuộc phạm vi trung ương quản lý bao gồm:
a) Đê sông chính là những đê có tác dụng bảo vệ cho một khu vực rộng lớn, bảo vệ những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, những cơ sở sản xuất quan trọng trong lưu vực sông chính như đê sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc, sông Trà Lý, đê sông Thái Bình, sông Văn Úc, sông Lạch Tray, sông Kinh Thầy, đê sông Chu, sông Mã, sông Cả, sông La, v.v... Nếu vỡ đê sông chính thì nước lũ có thể tràn ngập gây thiệt hại cho một hoặc nhiều huyện, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến một hoặc nhiều tỉnh, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, của cải của nhân dân và tài sản của Nhà nước.
Trường hợp đê dọc theo sông chính, nhưng có tác dụng bảo vệ ít thì cũng không thuộc phạm vi trung ương quản lý, như một số đê khoanh vùng ở thượng du, một số đê bối ở trung du và đồng bằng, những đê này do địa phương quản lý.
b) Đê sông nhánh: Đê nằm dọc theo những sông có lưu lượng tương đối nhỏ so với sông chính gọi là đê sông nhánh như: đê sông Hóa, sông Kinh Thày, sông Phó đáy, đê sông Cầu chầy.
c) Đê biển là những đê đắp dọc theo bờ biển; có tác dụng chắn sóng, ngăn mặn tràn vào đồng ruộng. Cũng có nhiều đê biển không ở dọc bờ biển mà nằm sâu trong nội địa hoặc nằm dọc các cửa sông có tác dụng ngănmặn, chống sóng nên còn gọi là đê ngăn mặn.
Đê biển thuộc phạm vi trung ương quản lý là những đê ngăn mặn, chống bão, bảo vệ làng mạc, đồng ruộng trên một phạm vi rộng lớn. Trường hợp đê chỉ bao quanh một vùng nhỏ; có tính chất lấn dần ra biển, những đê biển đó không thuộc trung ương quản lý.
d) Đê bao thành phố: Một số thành phố quan trọng đã được bảo vệ bằng tuyến đê chính, còn có một tuyến đê thứ 2 đề phòng lũ ở các nơi khác do vỡ đê chảy về tập hậu. Tuyến đê thứ 2 đó gọi là đê bao thành phố, có thể ví dụ như đê bao Hà Nội.
2. Ngoài những loại đê thuộc phạm vi trung ương quản lý còn lại là đê thuộc địa phương quản lý. Trong phạm vi phân cấp, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành có đê căn cứ vào nội dung điều lệ và tình hình cụ thể của địa phương mà quy định việc bảo vệ.
1. Đối với đê:
a) Đê song chính thường đắp cao và to, nên phạm vi bảo vệ quy định từ chân đê phía sông (tức là chỗ giáp giới của mái đê với đất thiên nhiên) trở ra 20 thước, từ chân đê phía đồng trở vào 20 thước.
b) Đê sông nhánh là những đê tuy cũng quan trọng nhưng thông thường nhỏ và thấp hơn đê sông chính đầu nước và áp lực nước cũng thấp hơn, nên phạm vi bảo vệ quy định là 10 thước từ chân đê phí sông trở ra và 10 thước từ chân đê phía đồng trở vào.
Khoảng cách quy định này là dựa vào nghiên cứu sự ổn định của đê, tình hình đất đai hai bên đê, tình hình thực tế của đê hiện nay và yêu cầu cần thiết của công tác phòng chống lụt, bão. Khoảng cách hẹp hơn sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của đê và gây trở ngại cho việc kiểm tra quan sát trong mùa lụt, bão. Nếu rộng quá sẽ chiếm mất nhiều đất, ảnh hưởng đến sản xuất.
c) Đê biển phần lớn nằm ở những vùng bãi rộng ven biển: Vì gió bão ở biển thổi mạnh, sóng to hơn ở sông và điều kiện đất đai ven biển cho phép nên quy định phạm vi bảo vệ đê về phía biển là 100 thước để tăng khả năng chống đỡ của đê đối với sóng biển, phạm vi nàhy là kể cả khu vực trồng rừng cây chắn sóng, mà rừng cây muốn có tác dụng ngăn và cắt sóng phải rộng ít nhất từ 50 thước trở lên.
Phạm vi bảo vệ đê biển về phía đồng phải bảo đảm theo yêu cầu cấu tạo nên chỉ cần 20 thước, kể cả rãnh ngăn mặn (nếu có). Biện pháp làm rãnh ngăn nước mặn không cho chảy vào đồng là cần thiết để chống mặn cho lúa và hoa màu phía trong đê.
d) Đối với đê bao thành phố: Vì thành phố ít đất bỏ không, vì tính chất của đê bao la tuyến phòng ngự thứ hai chống ảnh hưởng tập hậu của lũ do vỡ đê ở nơi khác tràn tới, hơn nữa điều kiện đất đai xây dựng ở thành phố khác với ở nông thôn, nên điều lệ quy định phạm vi bảo vệ mỗi bên là 5 thước.
2. Về phạm vi bảo vệ kè bờ sông.
Đầu kè ở phía thượng lưu, cuối kè ở phía hạ lưu sông. Kè nằm nghiêng theo bờ sông, chân kè sát lòng sông, còn đỉnh kè (hay mép kè) là phần cao nhất của kè nhô khỏi mắt nước có khi tới mặt đất bằng ở bờ sông. Đầu kè trở ngược tức là đầu kè dọc theo bờ sông ngược lên thượng lưu và cuối kè trở xuôi tức là từ cuối kè xuôi theo dòng nước về hạ lưu mỗi phía 100 thước là phạm vi bảo vệ cho đầu kè và cuối kè. Chân kè nằm sát đáy sông, chịu sức nặng của kè dồn xuống, nếu lòng sông sát chân kè bị đào sâu (như khi nạo vét lòng sông) thì chân kè bị sạt lở và mái kè cũng đổ theo. Vì vậy quy định phạm vi bảo vệ chân kè 20 thước là kể từ chỗ giới hạn cuối cùng của chân kè trở ra và theo đáy sông.
Phạm vi bảo vệ đính kè quy định 50 thước là tính từ đỉnh kè trở vào phía chân đê nếu là kè bảo vệ đê, hoặc là trở vào đất liền nếu là kè bảo vệ bờ sông.
Tóm lại, điều lệ quy định bốn phía bao quanh kè (đầu kè, cuối kè, chân kè, đỉnh kè) đều có phạm vi bảo vệ rộng, hẹp khác nhau.
3. Về phạm vi bảo vệ cống, điều lệ quy định kể từ giới hạn xây dựng cuối cùng ở thượng và hạ lưu cống trở ra mỗi phía 50 thước giới hạn xây dựng cuối cùng của cống là chỗ giáp giới giữa vật liệu làm cống (bê-tông, gạch, đá xây, đát lát, đất sét làm sân, cống chống thấm…) với đất thiên nhiên.
Trên đây là quy định chung phạm vi bảo vệ của từng loại công trình đê, kè, cống. Trong những trường hợp cá biệt cần thiết hay gặp những nơi đất quá xấu, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi có thể nghiên cứu rút bớt hoặc tăng thêm những phạm vi bảo vệ nói trên cho thích hợp với điều kiện cụ thể. Những thay đổi cá biệt này, sau khi Bộ Thủy lợi loan báo, chính quyền địa phương phải công bố cho nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp hữu quan biết.
a) Cấm xây dựng bất kỳ công trình gì trên mặt đất hoặc đào sâu xuống đất trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ trường hợp đặc biệt phải được Bộ Thủy lợi cho phép. Những trường hợp đặc biệt này là quá cần thiết không thể tránh được như: xây cột điện cao thế vượt sông, xây cống, xây trạm bơm, làm mổ cầu hoặc đường giao thông qua đê. Đứng về nguyên tắc thì đây là những vi phạm điều lệ và ảnh hưởng đến an toàn của đê điều. Nhưng vì lý do quá cần thiết, Bộ Thủy lợi sẽ căn cứ vào đồ án thiết kế kỹ thuật các công trình của từng trường hợp mà xét về mặt an toàn đối với chống lụt, bão và có thể cho phép xây dựng với một số điều kiện nhất định.
b) Phần b điều 3 của điều lệ nói rõ: ngoài phạm vi bảo vệ, muốn đào ao, giếng, kênh, mương… ở phía trong đê (phía đồng) thì cứ đào sâu một thước phải cách xây dựng lán trại và kho thêm 10 thước, đào sâu hai thước phải cách xa thêm 20 thước, v.v... Đây là những số liệu đã tính toán để đảm bảo an toàn cho đê điều khi nước lũ lên cao. Vì địa chất vùng gần đê phần lớn là đất cát, nếu đào sâu xuống mà không tôn trọng phạm vi đã quy định ấy thì có thể tạo điều kiện phát sinh thẩm lậu hoặc vòi nước nghiêm trọng khi có lũ lớn. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết phải đào công trình tương đối sâu mà vị trí lại nằm trong phạm vi nguy hiểm như đào móng một số công trình, đào giếng lấy nước cung cấp cho thành phố, công trường, xí nghiệp lớn… thì Bộ Thủy lợi sẽ căn cứ vào đồ án thiết kế của từng công trình và các biện pháp xử lý có thể dự kiến đối phó được mà cho phép thực hiện với một số điều kiện nhất định.
Trong trường hợp đào sâu và tôn trọng điều lệ chung mà khi đào gặp điều kiện địa chất xấu như bùn, cát cháy… thì phải đình chỉ việc đào để báo cáo Bộ Thủy lợi xét. Nếu muốn tiếp tục đào thêm thì phải được sự đồng ý của Bộ Thủy lợi, nếu không có thể gây trượt lún các tầng lớp đất phía dưới làm mất thế ổn định tự nhiên của vùng này, ảnh hưởng đến an toàn của đê điều ở gần đấy.
Điểm C của điều 3 quy định biện pháp giải quyết đối với những công trình (nhà cửa, kho tàng, hàng quán, ao giếng) của các cơ quan và nhân dân đã sẵn có trong phạm vi bảo vệ. Nói chung, những công trình này đều ít nhiều gây trở ngại cho việc bảo vệ đê điều, nhưng hiện nay chưa thể ngay trong một lúc di chuyển đi hết được, trừ một số trường hợp thật cần thiết. Điêu lệ quy định như sau:
1. Điểm C – 1 của điều 3 quy định:
- Loại xây dựng đã lâu mà xét không ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ đê điều như: đình chùa, miếu, di tích lịch sử v.v... có móng vững chắc thì Ủy ban hành chính các tỉnh, thành sẽ xét lập danh sách theo thứ tự vị trí để đề nghị Bộ Thủy lợi cho phép được giữ nguyên như cũ.
- Đối với nhà cửa, hàng quán, tài sản sẵn có của nhân dân nằm trong phạm vi bảo vệ đê điềum, nói chung, chưa đặt thành vấn đề di chuyển, trừ những trường hợp quy định ở điểm C – 2, C – 3, C – 4 của điều 3 sẽ nói rõ sau đây.
2. Điểm C – 2 của điều 3 quy định cho loại xét có ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ đê điều trừ những loại có thể gây sạt lở, lún, tổn hại đến tính ổn định của đê, kè, cống hoặc trở ngại lớn cho việc phòng chống lụt, bão như những nhà cửa, đồn vọng gác, trạm bơm, cột điện, công sự cũ, v.v... xây dựng trên mặt đê, mái đê, cơ đê, thì phải di chuyển dần đi nơi khác trong thời hạn không quá ba năm, tính từ khi ban hành thông tư này. Trong khi thi hành, Ủy ban hành chính tinh thần nghiên cứu cụ thể để xét châm chước cho một số ít trường hợp cá biệt có thể để lại, di chuyển sau, như trạm bơm, cột điện, các công trình nhả cửa kiên cố của Nhà nước và của nhân dân, v.v... với một số điều kiện nhất định.
3. Điểm C – 3 của điều 3 quy định cho những loại trực tiếtp gây nguy hiểm cho việc bảo vệ đê điều như: những nhà cửa, công trình, kho tàng ở gần đê, kè, cống; có loại xây bằng gạch đá nhưng bị nứt thành vết to ở tường, ở nền, móng, v.v... có loại bằng gỗ, tre, nứa bị mối mọt đục khoét, loại ở gần đê kè xung yếu đang sạt lở, hay những cây cối sắp đổ ngã. Những loại này có thể đột biến gây sạt lở nguy hiểm cho đê, kè, cống nên hàng năm phải kiểm tra lại kỹ và nếu có diễn biến thì phải nhanh chóng di chuyển đi nơi khác trước mua lụt, bão hàng năm.
4. Điểm C – 4 của điều 3 đã quy định rõ những trường hợp cần phải di chuyên để bảo vệ đê, kè, cống, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước. Thông tư này không phát triển thêm.
Việc di chuyển những công trình của Nhà nước thuộc cơ quan hay ngành nào, địa phương nào thi do cơ quan hay ngành đó, địa phương đó đảm nhận và phải liên hệ với Ủy ban hành chính tỉnh nơi có công trình và nơi sẽ di chuyển đến để được giúp đỡ và bố trí sắp xếp. Nếu là những công trình mang tính chất lịch sử thì phải báo cáo và có ý kiến của Bộ Văn hóa.
Việc lấp hồ, ao ở gần đê của địa phương nào sẽ do địa phương đó đảm nhận.
Việc di chuyển tài sản của nhân dân, của cá nhân, của hợp tác xã thì do nhân dân, hợp tác xã đảm nhận, không có trợ cấp đền bù, nhưng chính quyền địa phương có trách nhiệm giúp đỡ về tổ chức, liên hệ sắp xếp với Ủy ban hành chính nơi di chuyển đến, động viên hợp tác xã và nhân dân địa phương giúp đỡ một phần về nhân lực và phương tiện.
Trên đây là một số điểm cơ bản về việc di chuyển các công trình, nhà cửa, kho tàng trong phạm vi bảo vệ đê điều. Ủy ban hành chính tỉnh và Ty Thủy lợi dựa và đây mà nghiên cứu kế hoạch, biện pháp thực hiện cho từng trường hợp cụ thể phù hợp với tình hình địa phương và nếu gặp khó khăn trở ngại gì thì báo cáo lên Bộ Thủy lợi góp thêm ý kiến.
Điều 4 quy định việc trồng cây, cỏ trên đê và trong phạm vi bảo vệ đê điều.
Trên mặt đê, mái đê, cơ đê chỉ được trồng cỏ vì cỏ là lớp áo khoác ngoài có tác dụng bảo vệ đê chống xói mòn. Không được trồng bất cứ loại cây gì khác, nhất là cây có rễ ăn sâu vào thân đê, dễ bị bão đánh gãy đổ gây hư hại cho đê và cản trở dòng nước lũ. Cỏ trên đê cần được gây trồng và bảo vệ cho tốt, đi đôi với khai thác có kế hoạch. Vì vậy cấm cuốc, nhổ cỏ trên đê, bờ kè, máng, cống. Việc cắt cỏ cho trâu, bò ăn cần chia khoảnh cắt lượt để nuôi dưỡng cỏ, nhưng cũng không nên để cỏ mọc quá cao trở ngại cho việc kiểm tra đê, kè, cống, việc phát hiện các hư hỏng, nứt nẻ, rò rỉ, nhất là trong mùa mưa, bão.
Trâu bò thả rong trên đê là điều cần tránh. Cấm cột và thả trâu bò đàn trên đê để tránh gây sạt lở đê và dẫm chết cỏ. Tuyệt đối cấm trâu bò ăn cỏ trên những đê mới đắp chưa qua mùa mưa bão, vì đây là những đê chưa qua thử thách, đất mới đắp có thể còn nhiều kẻ hở chưa dính chặt dễ sạt lở. Những nơi thiếu chỗ chăn dắt trâu, bò thì Ủy ban hành chính tỉnh tạm thời có thể cho phép chăn trâu, bò ăn lẻ trên đê, nếu đoạn đê đó không phải là đường giao thông.
Trồng cây chắn sóng, ngăn gió bão là biện pháp bảo vệ đê có nhiều hiệu quả nhất đối với những quãng đê xung yếu, trong mùa lũ thường bị dòng nước thúc mạnh hoặc gió bão gây sóng lớn vỗ vào gây sạt lở đê. Vì vậy, Bộ Thủy lợi chủ trương trồng tre chắn sóng ven đê sông và nhiều hàng cây nước mặn ven đê biển. Hàng tre gần nhất nên cách chân đê sông 2 mét, và hàng cây nước mặn gần nhất nên cách chân đê biển 10 mét để cắt sóng trước khi sóng vỗ vào đê. Những nơi đã trồng vào sát chân đê thì vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng cần trồng thêm những hàng cây mới cách chân đê đúng theo quy định trên, đến khi hàng cây mới lớn lên đủ sức cắt sóng, ngăn gió bão thì có thể đẵn những hàng cây cũ ở sát đê.
Điều 6 của điều lệ quy định việc giao thông đi lại trên đê.
Nguyên tắc chung là cấm xe cộ đi lại trên đê (nếu đê đó không phải là đường giao thông, mặt đê, cơ đê chưa được rải đá, rãi nhựa nhằm bảo đảm cho đê khỏi bị hư hỏng, nứt lún, sạt lở. Những xe cấm là những xe ô tô, máy kéo, xe xúc vật kéo, xe ba gác, nhất là các loại xe bánh xích.
Nhưng điều lệ có châm chước cho một số xe trong một vài trường hợp thật cần thiết được đi lại một vài lần trên đê trong mùa khô mà không phải xin phép, như: xe quân sự, máy cày, máy kéo, xe bánh xích, xe vận tải, nếu trọng lượng của những xe này không quá sức chịu đựng của cống, không gây hư hỏng cho cống dưới đê, nhưng khi đi phải có ý thức và trách nhiệm bảo vệ đê như xe bánh xích cần có vật chắn xích tránh làm hỏng mặt đê, xe trọng tải nặng không được leo lên mái con chạch, không được đi ra mép đê để tránh gây sạt lở cho đê, v.v... Nếu gây sạt lở, hư hỏng tổn hại đến đê thì cơ quan có xe đi phải chịu mọi chi phí tu sửa, đắp lại theo đúng kỹ thuật.
Nếu muốn đi thường xuyên thì: đối với ô tô, máy kéo xe bánh xích phải được phép của Ủy ban hành chính cấp tỉnh, đối với xe súc vật kéo, xe ba-gác phải được phép của Ủy ban hành chính cấp huyện. Những giấy phép này chỉ có giá trị trong phạm vi tỉnh, huyện đã cấp giấy phép, nếu không thi chính quyền địa phương các cấp có quyền địa phương các cấp có quyền bắt giữ lập biên bản báo cáo lên trên.
Để thi hành khoản này của điều 6, Ty Thủy lợi và Ty Giao thông các tỉnh cần thống nhất nghiên cứu lý lịch đê, kè, cống trong tỉnh, trọng tải các loại xe, trên cơ sở đó mà đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh quy định những loại xe nào được phép đi trên từng con đê cho phù hợp với sức chịu đựng của đê và các loại cống dưới đê. Nếu xét cần thiết cho giao thông đi lại thường xuyên thì phải nghiên cứu mọi biện pháp ngăn ngừa gây hư hỏng sạt lở đê, nghiên cứu lát đá, rải nhựa, biến đê thành đường giao thông.
Đối với những đê là đường giao thông đã lát đá, rải nhựa thì Ủy ban hành chính tỉnh cũng dựa vào cơ sở thống nhất nghiên cứu giữa Ty Thủy lợi và Ty Giao thông mà quy định những loại xe nào được đi lại trên đê, quy định trọng tải và tốc độ cho phù hợp với sức chịu đựng của đê theo quy tắc chung của giao thông.
Trong mùa mưa, lụt phải hạn chế xe cộ đi lại trên đê. Một số xe nếu thấy cần thiết đi thì phải có giấy phép của Ban chỉ huy chống lụt bão cấp tỉnh trở lên. Các giấy phép của Ủy ban hành chính tỉnh, huyện chỉ được sử dụng khi nước sông không lên tới mức báo động và không có tin bão. Khi có báo động II và có báo bão gần thì các giấy phép không được đi nữa, chỉ còn lại có các xe ô-tô làm việc hộ đê chống lụt, bão, cứu thương, cứu hỏa và xe quân sự khẩn cấp.
Ở nhiều nơi, nhân dân thưòng hạ thấp con chạch làm lối đi lại cho người và súc vật trong phạm vi hợp tác xã, thôn xóm, khu phố. Trường hợp này chỉ cho phép hạ thấp con chạch ở những đoạn đê ít quan trọng, không được cuốc hạ cấp đê.
Ủy ban hành chính tỉnh xét tình hình cụ thể cần thiết mà cho phép và quy định nội quy bảo vệ, cùng khối lượng đất dự trữ, số lượng dụng cụ, nhân lực sẵn sàng để lấp bịt khi cần thiết.
Ở những quãng sông bị thắt hẹp, nước chảy xiết, tốc độ dòng chảy mạnh, nên quy định hai bên bờ sông không được đắp đê bồi, không được làm đường giao thông cao, không được làm nhà, không được xây dựng những công trình kiên cố và không được trồng cây lâu năm mục đích là để khai thông dòng chảy và vấn đề phòng sạt lở nguy hiểm cho đê.
Việc đắp thêm đê bồi ở quãng sông bị thắt hẹp là tuyệt đối cấm. Đối với đê bồi ở các đoạn sông khác nói chung chỉ được đắp tới mức bảo đảm chống được mức nước báo động II. Nếu lũ vượt báo động II, đê bồi bị uy hiếp thì phải sẵn sàng chủ động mở đê bồi cho nước vào thử thách và bảo vệ quãng đê chính phía trong là hết sức cần thiết, nếu không đê bồi có thể bị phá vỡ bất thần làm cho đê chính cũng bị phá vỡ theo, nhất là ở chỗ giáp với đê bồi.
Việc xây dựng các mổ cầu, trụ cầu qua sông cần được sự thỏa thuận trước của cơ quan quản lý đê điều.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP
Điều 12 nói về nhiệm vụ Ủy ban hành chính các cấp.
Khi thi hành điều khoản này, cần chú ý mấy việc dưới đây:
1. Căn cứ vào điều lệ và thông tư đã ban hành, Ủy ban hành chính, Ty Thủy lợi và Ty Công an các tỉnh, thành cùng với các ngành có liên quan thống nhất nghiên cứu những điều khoản và nội quy bảo vệ đê điều áp dụng cụ thể trong tỉnh.
Ty Thủy lợi giúp Ủy ban hành chính tỉnh xây dựng, sưu tầm hồ sơ lý lịch đê, kè, cống trong tỉnh, thường xuyên theo dõi nắm vững tình hình đê, kè, cống và tinh hình bảo vệ đê điều ở địa phương, có kế hoạch thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiên điều lệ trong phạm vi tỉnh.
2. Trên cơ sở nghiên cứu đề nghị của Ty Thủy lợi và các Ty có liên quan và dựa vào tình hình cụ thể của địa phương, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành có đê nghiên cứu ban hành thể lệ thực hiện điều lệ bảo vệ đê điều trong tỉnh, có kế hoạch giáo dục, động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh chấp hành, tích cực giúp đỡ cơ quan quản lý đê điều các cấp, và có kế hoạch biện pháp chỉ đạo phối hợp với các ngành để đảm bảo thực hiện đầy đủ điều lệ trong tỉnh.
Ở những công trình lớn và xung yếu, Ủy ban hành chính tỉnh, huyện cần đặt những bản niêm yết nội quy bảo vệ để cho cán bộ và nhân dân thực hiện. Bản niêm yết nội quy bảo vệ các công trình và các đoạn đê xung yếu cần căn cứ vào bản điều lệ chung của Nhà nước mà quy định. Các thể lệ thực hiện điều lệ bảo vệ đê điều của các tỉnh phải có các nội dung chính sau đây:
- Mục đích ý nghĩa (nét lớn);
- Phạm vi bảo vệ và điều lệ áp dụng đối với từng loại công trình đê, kè, cống;
- Quy định việc giải quyết những công trình sẵn có và việc xây dựng công trình trong và ngoài phạm vi bảo vệ, trên và dưới mặt đất;
- Vấn đề giao thông đi lại của các loại xe cộ, thuyền bè và quy định những loại xe được phép và không được phép đi lại trên công trình;
- Việc trồng cây, cỏ, sản xuất, trồng trọt, chăn dắt trâu, bò;
- Trách nhiệm, quyền hạn các ngành, các cấp;
- Khen thưởng, kỷ luật.
3. Để đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ đã ban hành, biện pháp đầu tiên là phải tổ chức học tập, phổ biến sâu rộng trong cán bộ và nhân dân.
Ủy ban hành chính các tỉnh, thành có đê, các cơ quan, đơn vị và các ngành có liên quan cần có kế hoạch học tập cụ thể: học tập trong cán bộ từ tỉnh xuống huyện, xã, hợp tác xã, nghiên cứu thảo luận trong các ngành có liên quan như nông nghiệp, nông trường, công nghiệp, công an, giao thông, kiến trúc, v.v... học tập, thảo luận riêng đối với cán bộ, nhân viên ngành thủy lợi. Sau đó sẽ tổ chức học tập, phổ biến rộng rãi trong nhân dân thành thị, nông thôn, xã, hợp tác xã. Thông tư này chỉ giải thích và nói rõ những phần mà điều lệ nói quá cô đọng. Những phần mà điều lệ nói đã đầy đủ thì thông tư không nhắc lại, nên khi học tập và thực hiện cần nghiên cứu cả hai (điều lệ và thông tư).
Trong quá trình học tập, thảo luận, các nơi ghi chú những điểm nào xét thấy chưa rõ, yêu cầu giải thích thêm, hoặc những ý kiến cụ thể đề nghị bổ sung để báo cáo phản ánh lên Bộ Thủy lợi.
Với tinh thần quyết tâm phấn đấu chống lụt, bão của nước ta. Bộ Thủy lợi rất mong các tỉnh, thành có đê và các ngành có liên quan ra sức thực hiện đầy đủ điều lệ và thông tư này, gây một biến chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ đê, kè, cống, góp phần tích cực bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI |
Thông tư 28-TL-ĐĐ-1964 giải thích và hướng dẫn Nghị định 173-CP-1963 ban hành Điều lệ bảo vệ đê điều do Bộ Thủy lợi ban hành
- Số hiệu: 28-TL-ĐĐ
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 29/09/1964
- Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi
- Người ký: Trần Quý Kiên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 34
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra