Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH về quy định hệ thống đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Mục 1. XÂY DỰNG, VẬN HÀNH, ĐÁNH GIÁ VÀ CẢI TIẾN HỆ THỐNG BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG

Điều 4. Quy trình xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng

1. Công tác chuẩn bị.

2. Xây dựng hệ thống tài liệu bảo đảm chất lượng.

3. Thiết lập hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng.

4. Phê duyệt và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng.

5. Đánh giá, cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng.

Điều 5. Công tác chuẩn bị

1. Hoàn thiện tổ chức và nhân sự bảo đảm chất lượng theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Đánh giá thực trạng bộ máy, nhân sự và các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

3. Lập kế hoạch xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng.

4. Tổ chức hướng dẫn về xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên.

Điều 6. Tổ chức và nhân sự bảo đảm chất lượng

1. Hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp) thành lập hoặc phân công đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là đơn vị phụ trách). Trong trường hợp cần thiết, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể thành lập các Hội đồng hoặc tổ tư vấn để tư vấn cho người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp các vấn đề về xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng.

2. Nhiệm vụ của đơn vị phụ trách:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập kế hoạch xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng và trình người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng;

c) Đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đề xuất các biện pháp thực hiện xây dựng, vận hành và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng đúng tiến độ, hiệu quả và đảm bảo chất lượng;

d) Báo cáo kết quả xây dựng, vận hành và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều 7. Xây dựng hệ thống tài liệu bảo đảm chất lượng

1. Xây dựng chính sách chất lượng:

a) Đơn vị phụ trách chủ trì tổ chức xây dựng chính sách chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt.

b) Chính sách chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các yêu cầu sau:

- Phù hợp với chính sách phát triển chung của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong từng giai đoạn cụ thể và các quy định liên quan khác;

- Cụ thể hóa chủ trương và định hướng chung của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc thực hiện bảo đảm chất lượng đào tạo;

- Được lấy ý kiến đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, đại diện các tổ chức đoàn thể, người học và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập, thực hành, làm việc;

- Được trình bày cô đọng, rõ ràng, dễ hiểu;

- Được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật phù hợp với thực tế phát triển của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sự thay đổi của các định hướng chiến lược hay các quy định khác có liên quan.

2. Xây dựng mục tiêu chất lượng:

a) Đơn vị phụ trách chủ trì tổ chức xây dựng mục tiêu chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt.

b) Mục tiêu chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các yêu cầu sau:

- Được xác định phù hợp với chính sách chất lượng;

- Được xác định theo thứ tự ưu tiên nhằm cụ thể hóa chính sách chất lượng theo từng giai đoạn cụ thể;

- Được lấy ý kiến đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, đại diện các tổ chức đoàn thể, người học và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập, thực hành, làm việc;

- Được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật phù hợp với thực tế phát triển của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sự thay đổi của các định hướng chiến lược hay các quy định khác có liên quan;

- Được trình bày cô đọng, rõ ràng, dễ hiểu, thuận tiện đánh giá.

c) Mục tiêu chất lượng của các đơn vị thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm yêu cầu tại điểm b khoản 2 Điều này và phù hợp với chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đề ra.

3. Xây dựng sổ tay bảo đảm chất lượng;

a) Đơn vị phụ trách xây dựng sổ tay bảo đảm chất lượng theo mẫu tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này trình người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt.

b) Sổ tay bảo đảm chất lượng đảm bảo các yêu cầu sau:

- Phản ánh trung thực, chính xác các quy định về hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

- Được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật phù hợp với thực tế phát triển của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sự thay đổi định hướng chiến lược hay quy định khác có liên quan.

4. Xây dựng quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng:

a) Đơn vị phụ trách chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng theo cách thức sau:

- Xác định lĩnh vực quản lý chất lượng trên cơ sở các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp hiện hành. Tùy theo điều kiện, đặc thù cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể xác định các lĩnh vực quản lý chất lượng khác nếu cần thiết;

- Căn cứ các lĩnh vực quản lý chất lượng đã được cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định, nghiên cứu, xây dựng các nội dung cụ thể của từng lĩnh vực quản lý chất lượng.

b) Xây dựng quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng cho từng nội dung cụ thể của các lĩnh vực quản lý chất lượng trình người đứng đầu cơ sở cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt. Các hoạt động bắt buộc phải xây dựng quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng, bao gồm: xây dựng, lựa chọn, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo; tuyển sinh; kiểm tra, thi, xét, công nhận tốt nghiệp; đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học: tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, phân loại nhà giáo, cán bộ quản lý; quản lý, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị; quản lý xưởng; khảo sát học sinh sau tốt nghiệp; khảo sát doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

Điều 8. Thiết lập hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng

1. Hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng gồm cơ sở dữ liệu bảo đảm chất lượng và hạ tầng thông tin:

a) Cơ sở dữ liệu bảo đảm chất lượng là: thông tin đầu vào của từng quy trình bảo đảm chất lượng hoặc từng bước thuộc một quy trình; thông tin đầu ra của từng quy trình bảo đảm chất lượng hoặc từng bước thuộc một quy trình và các thông tin liên quan đến hệ thống bảo đảm chất lượng;

b) Hạ tầng thông tin bao gồm máy móc, thiết bị, phần mềm và công nghệ phục vụ việc xây dựng, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng.

2. Nguyên tắc xây dựng cơ sở dữ liệu bảo đảm chất lượng:

a) Cơ sở dữ liệu mở, có khả năng mở rộng, cập nhật khi cần thiết;

b) Phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin phục vụ quản lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng;

c) Ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp;

d) Phân quyền truy cập hệ thống theo cấp độ quản lý phục vụ việc ra quyết định quản lý, điều hành các hoạt động bảo đảm chất lượng.

3. Hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng được định kỳ rà soát, nâng cấp.

4. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và ban hành quy chế quản lý, vận hành hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng.

Điều 9. Phê duyệt, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng

1. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt các nội dung thuộc hệ thống bảo đảm chất lượng trước khi vận hành hệ thống trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

2. Hệ thống bảo đảm chất lượng được công bố công khai để toàn thể cán bộ, nhà giáo, nhân viên và các đối tượng khác có liên quan biết và triển khai thực hiện.

Điều 10. Đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng

1. Quy trình đánh giá nội bộ hệ thống bảo đảm chất lượng:

a) Xây dựng kế hoạch;

b) Thực hiện đánh giá hệ thống;

c) Phê duyệt báo cáo, công bố và lưu trữ.

2. Xây dựng kế hoạch

a) Hằng năm, đơn vị phụ trách xây dựng kế hoạch đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt. Kế hoạch thể hiện đơn vị được đánh giá, nội dung và thời gian thực hiện đánh giá.

b) Căn cứ kế hoạch đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phê duyệt, các đơn vị thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.

3. Yêu cầu trong đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng:

a) Đảm bảo trung thực, khách quan, đầy đủ thông tin, minh chứng hợp lệ;

b) Đánh giá các nội dung của từng lĩnh vực quản lý chất lượng của các đơn vị và của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

c) Huy động sự tham gia của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập, thực hành, làm việc;

d) Kết quả đánh giá công tác bảo đảm chất lượng từng đơn vị và kết quả đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp được công bố công khai cho các đối tượng liên quan biết;

đ) Toàn bộ minh chứng, tài liệu phục vụ đánh giá được lưu trữ.

4. Thực hiện đánh giá, viết báo cáo

a) Đánh giá cấp đơn vị thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Đơn vị thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đánh giá các nội dung sau:

- Sự phù hợp và kết quả thực hiện mục tiêu chất lượng của đơn vị theo điểm c khoản 2 Điều 7 của Thông tư này;

- Sự phù hợp và kết quả vận hành các quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đánh giá và quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng liên quan đã được ban hành;

- Thực hiện quy chế quản lý, vận hành hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng tại đơn vị.

Đơn vị đánh giá viết báo cáo đánh giá công tác bảo đảm chất lượng gửi về đơn vị phụ trách để tổng hợp, báo cáo.

b) Đánh giá cấp toàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Đơn vị phụ trách chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đánh giá các nội dung sau:

- Sự phù hợp của chính sách chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;

- Sự phù hợp và kết quả thực hiện mục tiêu chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Thông tư này;

- Sự phù hợp và kết quả vận hành các quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng của các lĩnh vực quản lý chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

- Quy chế quản lý, vận hành hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng.

c) Căn cứ vào báo cáo công tác bảo đảm chất lượng cấp đơn vị và kết quả đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cấp toàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị phụ trách viết báo cáo đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cấp toàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với từng lĩnh vực quản lý chất lượng, từng đợt đánh giá hoặc toàn bộ hệ thống khi thấy cần thiết. Đơn vị phụ trách lấy ý kiến các đơn vị thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, đại diện người học và đại diện các tổ chức Đảng, đoàn thể của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với các nội dung đánh giá có liên quan; tổng hợp và hoàn thiện báo cáo đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cấp toàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trình người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt.

d) Đơn vị phụ trách thường xuyên theo dõi, kiểm tra kế hoạch đánh giá công tác bảo đảm chất lượng của các đơn vị, phát hiện kịp thời các quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng cần khắc phục. Trong trường hợp cần thiết báo cáo, đề xuất người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đánh giá độc lập.

5. Phê duyệt, công khai kết quả đánh giá

a) Đơn vị phụ trách tổ chức công bố công khai báo cáo đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cấp toàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nội bộ cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời hạn 30 ngày làm việc.

b) Báo cáo bảo đảm chất lượng của các đơn vị, báo cáo đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cấp toàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp và toàn bộ minh chứng, tài liệu liên quan được lưu trữ theo quy định.

Điều 11. Thực hiện cải tiến

1. Căn cứ các báo cáo kết quả tự đánh giá chất lượng và các báo cáo đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị phụ trách tổng hợp, phân tích, đề xuất kế hoạch cải tiến.

2. Đơn vị phụ trách lấy ý kiến kế hoạch cải tiến các đơn vị, đại diện các tổ chức Đảng, đoàn thể của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập, thực hành, làm việc; tổng hợp và hoàn thiện kế hoạch cải tiến, trình người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt.

3. Các đơn vị thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện kế hoạch cải tiến đã được người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt.

Điều 12. Thực hiện chế độ báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền

1. Đơn vị phụ trách căn cứ kết quả xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, viết báo cáo hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này, trình người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt.

2. Cập nhật vào cơ sở dữ liệu bảo đảm chất lượng của hệ thống thông tin quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; gửi báo cáo hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho cơ quan quản lý trực tiếp (nếu có), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ sở đóng trên địa bàn, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp) chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH về quy định hệ thống đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 28/2017/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 11 đến số 12
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH