Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Thông tư 28/2014/TT-BCA về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Mục 2. CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA VÀ CÁC ĐƠN VỊ THUỘC CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA CÔNG AN CẤP TỈNH

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh trong hoạt động điều tra hình sự:

a) Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phân loại và chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết; trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh;

b) Tiến hành điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật Hình sự năm 1999 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh (trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân); các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra;

c) Thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện; hướng dẫn các cơ quan khác của lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra;

d) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tố tụng hình sự trong quản lý giam, giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ ở Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện;

đ) Kiến nghị với các ngành chủ quản, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội áp dụng các biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm;

e) Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an cấp tỉnh;

g) Giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng hoặc kết luận nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Điều tra viên, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

2. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh:

a) Phó Giám đốc phụ trách hệ lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh;

b) Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra là Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh; một Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra là Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh;

c) Trưởng phòng và một Phó trưởng phòng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (phụ trách tố tụng) là Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

Riêng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm Trưởng phòng và hai phó trưởng phòng (phụ trách tố tụng và trọng án) là Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh;

d) Trưởng phòng các phòng: Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh trong hoạt động điều tra hình sự

1. Tổ chức trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì xây dựng kế hoạch giải quyết báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh ra quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, thu thập tài liệu, chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì phải có biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.

2. Tiến hành điều tra các vụ án hình sự đã rõ đối tượng phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh do tự phát hiện và do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh (trừ các tội phạm về ma túy và các vụ trọng án); các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (đội Điều tra tổng hợp) nhưng Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh xét thấy cần trực tiếp điều tra.

3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

4. Theo dõi, chỉ đạo giải quyết các vụ án hình sự đã rõ đối tượng phạm tội (trừ các tội phạm về ma túy) do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện xin ý kiến.

5. Giúp Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh:

a) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện;

b) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tố tụng hình sự trong quản lý giam, giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện;

c) Hướng dẫn các cơ quan khác của lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện hoạt động điều tra;

d) Tổ chức sơ kết, tổng kết; theo dõi, thống kê định kỳ theo tháng, ba tháng, sáu tháng, một năm công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng Cảnh sát nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an);

đ) Giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng hoặc kết luận nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Điều tra viên, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

6. Quản lý con dấu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trong hoạt động điều tra hình sự

1. Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì xây dựng kế hoạch giải quyết báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh ra quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì sau khi tiếp nhận chuyển ngay cho cơ quan, đơn vị điều tra có thẩm quyền kèm theo các tài liệu có liên quan (nếu có). Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, thu thập tài liệu, chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì phải có biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.

Định kỳ hàng tháng, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh) về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

2. Tiến hành điều tra các vụ trọng án; các vụ án hình sự chưa rõ đối tượng phạm tội và các vụ án hình sự đã rõ đối tượng phạm tội do tự phát hiện về các tội phạm quy định tại các chương XII, XIII, XIV, XV, XIX, XX, XXII của Bộ luật Hình sự năm 1999 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh (trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ); các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) nhưng Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh xét thấy cần trực tiếp điều tra.

3. Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định vụ án hình sự theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

4. Theo dõi, chỉ đạo giải quyết các chuyên án, vụ án chưa rõ đối tượng phạm tội do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) xin ý kiến.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ trong hoạt động điều tra hình sự

1. Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì xây dựng kế hoạch giải quyết báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh ra quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì sau khi tiếp nhận chuyển ngay cho cơ quan, đơn vị điều tra có thẩm quyền kèm theo các tài liệu có liên quan (nếu có). Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, thu thập tài liệu, chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì phải có biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.

Định kỳ hàng tháng, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh) về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

2. Tiến hành điều tra các vụ án hình sự chưa rõ đối tượng phạm tội và các vụ án hình sự đã rõ đối tượng phạm tội do tự phát hiện về các tội phạm quy định tại Chương XVI, Chương XXI, các điều 139, 140, 141, 142, 143, 144, 145 Chương XIV (trong trường hợp đối tượng phạm tội lợi dụng tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng việc ký kết hợp đồng kinh tế để phạm tội) của Bộ luật Hình sự năm 1999 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh; các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) nhưng Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh xét thấy cần trực tiếp điều tra.

3. Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định vụ án hình sự theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

4. Theo dõi, chỉ đạo giải quyết các chuyên án, vụ án chưa rõ đối tượng phạm tội do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) xin ý kiến.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý trong hoạt động điều tra hình sự

1. Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì xây dựng kế hoạch giải quyết báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh ra quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì sau khi tiếp nhận chuyển ngay cho cơ quan, đơn vị điều tra có thẩm quyền kèm theo các tài liệu có liên quan (nếu có). Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, thu thập tài liệu, chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì phải có biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.

Định kỳ hàng tháng, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh) về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

2. Tiến hành điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XVIII của Bộ luật Hình sự năm 1999 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) nhưng Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh xét thấy cần trực tiếp điều tra.

3. Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định vụ án hình sự theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

4. Theo dõi, chỉ đạo giải quyết các chuyên án, vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) xin ý kiến.

Thông tư 28/2014/TT-BCA về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 28/2014/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/07/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Đại Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 711 đến số 712
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH