Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 25/2010/TT-BKHCN hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là chất ôxy hóa, hợp chất ô xít hữu cơ và chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương IIII

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNG NGUY HIỂM BẰNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Điều 7. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền thẩm xét hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp và cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho doanh nghiệp cần vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ kèm theo báo hiệu nguy hiểm.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

Doanh nghiệp có hàng nguy hiểm cần vận chuyển hoặc doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lập 01 bộ hồ sơ gửi về Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục I Thông tư này (tên hàng nguy hiểm phải được ghi theo đúng tên gọi, mã số Liên hợp quốc UN theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 104/2009/NĐ-CP) kèm theo bản sao hợp lệ giấy đăng ký kinh doanh.

2. Danh sách phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện, người áp tải theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.

3. Danh mục lịch trình vận chuyển, loại hàng nguy hiểm vận chuyển, tổng trọng lượng hàng nguy hiểm cần vận chuyển theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.

4. Bản cam kết của doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.

5. Lệnh điều động vận chuyển (đối với giấy phép cho vận chuyển nhiều chuyến hàng, nhiều loại hàng nguy hiểm) theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này.

6. Bản cam kết của người vận tải (trong trường hợp doanh nghiệp thuê phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp khác).

7. Phiếu an toàn hóa chất quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư này.

8. Các tài liệu liên quan đến yêu cầu của người điều khiển phương tiện, người áp tải:

a) Bản sao hợp lệ thẻ an toàn lao động của người điều khiển phương tiện, người áp tải được cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước kèm theo chứng chỉ chứng nhận đã được huấn luyện an toàn hóa chất do Bộ Công Thương cấp;

b) Bản sao hợp lệ giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện phù hợp với phương tiện vận chuyển.

8. Bảo sao hợp lệ giấy đăng ký phương tiện vận chuyển kèm theo giấy chứng nhận kiểm định phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cấp. Trường hợp doanh nghiệp có hàng nguy hiểm cần vận chuyển phải thuê phương tiện vận chuyển, doanh nghiệp phải nộp kèm theo bản sao hợp lệ hợp đồng thuê vận chuyển trong đó nêu chi tiết các thông tin về phương tiện vận chuyển (loại phương tiện, biển kiểm soát, trọng tải).

9. Bảo sao hợp lệ giấy chứng nhận kiểm định bao bì, thùng chứa hàng nguy hiểm cần vận chuyển còn thời hạn hiệu lực (đối với các dụng cụ chứa chuyên dụng). Trường hợp sử dụng các dụng cụ chứa khác, doanh nghiệp phải nộp kèm theo hồ sơ bản sao hợp lệ các tài liệu sau:

a) Tiêu chuẩn áp dụng đối với dụng cụ chứa hàng nguy hiểm do doanh nghiệp công bố ;

b) Phiếu kết quả thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng của dụng cụ chứa hàng nguy hiểm do tổ chức thử nghiệm đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp cấp.

Điều 9. Trình tự cấp Giấy phép vận chuyển

1. Trong thời hạn bảy ngày (07) làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức thẩm xét hồ sơ và cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này.

2. Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng các yêu cầu quy định, trong thời hạn ba ngày (03) làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Điều 10. Hiệu lực của Giấy phép vận chuyển

Giấy phép vận chuyển được cấp theo hồ sơ đăng ký cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm của doanh nghiệp. Thời hạn hiệu lực của giấy phép vận chuyển không quá 12 tháng, kể từ ngày cấp.

Thông tư 25/2010/TT-BKHCN hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là chất ôxy hóa, hợp chất ô xít hữu cơ và chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 25/2010/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 69 đến số 70
  • Ngày hiệu lực: 12/02/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra