Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 23/2016/TT-BNNPTNT hướng dẫn nội dung quản lý công trình lâm sinh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương III

NGHIỆM THU VÀ XỬ LÝ RỦI RO DO THIÊN TAI ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH LÂM SINH

Điều 9. Quy định chung về nghiệm thu công trình lâm sinh

1. Hàng năm và khi kết thúc hoạt động công trình lâm sinh, Chủ đầu tư thành lập hội đồng, tiến hành nghiệm thu theo quy định tại Thông tư này. Thành phần hội đồng nghiệm thu gồm:

a) Đại diện chủ đầu tư: Lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, kế toán, cán bộ giám sát công trình lâm sinh.

b) Bên nhận hợp đồng.

c) Đại diện tổ chức, chính quyền xã, thôn bản, hợp tác xã (nếu có).

2. Hồ sơ nghiệm thu

a) Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu.

b) Thiết kế, dự toán công trình lâm sinh được cấp thẩm quyền phê duyệt.

c) Hợp đồng thực hiện công trình lâm sinh.

d) Báo cáo kết quả thực hiện công trình lâm sinh.

đ) Biên bản nghiệm thu theo mẫu quy định tại Phụ lục IV Thông tư này.

3. Yêu cầu đối với nghiệm thu công trình lâm sinh

a) Nghiệm thu hàng năm nhằm xác định được khối lượng, chất lượng các hạng mục công việc được thực hiện trên cơ sở kiểm tra báo cáo kết quả làm cơ sở để tạm ứng giá trị khối lượng hoặc thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành.

b) Nghiệm thu kết thúc

Xác định được khối lượng, chất lượng các hạng mục công việc hoàn thành, trên cơ sở kiểm tra báo cáo kết quả và hồ sơ nghiệm thu hàng năm, làm cơ sở để thanh toán và quyết toán công trình.

Xác định được giá trị đầu tư hình thành tài sản trên cơ sở các chi phí đã đầu tư thực tế vào công trình và giá trị tài sản hình thành sau đầu tư của công trình lâm sinh theo quy định của Chính phủ về nguyên tắc, phương pháp xác định giá rừng và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.

c) Quy trình, nội dung, phương pháp và các chỉ tiêu nghiệm thu đối với từng loại công trình lâm sinh được thực hiện theo quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14 và Điều 15 Thông tư này.

Điều 10. Nghiệm thu trồng rừng

1. Thời gian nghiệm thu được tiến hành sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh.

2. Nghiệm thu khối lượng, gồm: kiểm tra thực địa toàn bộ diện tích, xác định vị trí ranh giới, đối chiếu với bản đồ thiết kế, khoanh vẽ và xác định tỷ lệ thực hiện bằng đo đạc trực tiếp.

3. Nghiệm thu chất lượng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật trồng rừng được quy định trong hợp đồng trồng rừng, cụ thể:

a) Đối với rừng trồng toàn diện: đo đếm toàn bộ diện tích hoặc đo đếm các chỉ tiêu trong ô tiêu chuẩn với diện tích là 100 m², được lập trên tuyến đại diện của lô rừng, số lượng ô tiêu chuẩn tối thiểu được quy định như sau:

Diện tích lô dưới 3 ha: 10 ô tiêu chuẩn.

Diện tích lô từ 3 đến dưới 5 ha: 15 ô tiêu chuẩn.

Diện tích lô từ 5 ha trở lên: 20 ô tiêu chuẩn.

b) Đối với rừng trồng theo băng: dùng phương pháp rút mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra tối thiểu 10% số băng trồng rừng trong lô; đo, đếm số lượng cây trên toàn bộ băng trồng. Trường hợp số băng trong lô nhỏ hơn 10 phải kiểm tra ít nhất 01 băng.

4. Các chỉ tiêu nghiệm thu, biện pháp xử lý: thực hiện theo hướng dẫn tại Mục I, Phụ lục III Thông tư này.

Điều 11. Nghiệm thu cải tạo rừng

1. Thời gian nghiệm thu thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

2. Nội dung, phương pháp tiến hành thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư này.

3. Các chỉ tiêu nghiệm thu thực hiện theo hướng dẫn tại Mục III, Phụ lục III Thông tư này.

Điều 12. Nghiệm thu khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung cây lâm nghiệp

1. Thời gian nghiệm thu được thực hiện ngay sau khi hoàn thành xong các lần tác động kỹ thuật theo quy định trong hợp đồng và thiết kế được phê duyệt.

2. Nội dung, phương pháp tiến hành theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư này.

3. Các chỉ tiêu nghiệm thu thực hiện theo hướng dẫn tại Mục IV, Phụ lục III Thông tư này.

Điều 13. Nghiệm thu khoanh nuôi tái sinh tự nhiên

1. Thời gian nghiệm thu được tiến hành ngay sau khi thực hiện xong các lần tác động kỹ thuật theo quy định trong hợp đồng và thiết kế được phê duyệt.

2. Nội dung, phương pháp tiến hành

a) Nghiệm thu khối lượng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

b) Nghiệm thu chất lượng, gồm: kiểm tra thực địa toàn bộ diện tích, xác định vị trí, ranh giới, diện tích đã thực hiện, đối chiếu với các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, đánh giá chất lượng kết quả thực hiện.

3. Các chỉ tiêu nghiệm thu thực hiện theo hướng dẫn tại Mục V, Phụ lục III Thông tư này.

Điều 14. Nghiệm thu chăm sóc rừng

1. Thời gian nghiệm thu được tiến hành ngay sau khi thực hiện xong các lần chăm sóc theo quy định trong hợp đồng và thiết kế được phê duyệt.

2. Nội dung, phương pháp tiến hành

a) Nghiệm thu khối lượng được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

b) Nghiệm thu chất lượng thực hiện theo các chỉ tiêu kỹ thuật chăm sóc theo hướng dẫn tại Mục II, Phụ lục III Thông tư này.

Điều 15. Nghiệm thu bảo vệ rừng

1. Thời gian nghiệm thu được tiến hành vào cuối năm kế hoạch, hoàn thành chậm nhất vào tháng 01 năm sau.

2. Nội dung, phương pháp nghiệm thu: kiểm tra thực địa toàn bộ diện tích, căn cứ bản đồ thiết kế để xác định vị trí, ranh giới, tỷ lệ kết quả thực hiện, cụ thể:

a) Trường hợp 100% diện tích rừng không bị tác động phá hoại: được nghiệm thu và thanh toán 100% giá trị hợp đồng.

b) Trường hợp rừng bị phá hoại (chặt phá, xâm lấn, phát, đốt rừng làm nương, rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái pháp luật...), căn cứ tình hình cụ thể sẽ xác định thanh toán giá trị thực hiện hợp đồng theo tỷ lệ, cụ thể:

Người nhận khoán bảo vệ rừng, người nhận hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng được giao phát hiện rừng bị xâm hại và báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền (bên giao khoán hoặc chính quyền địa phương hoặc kiểm lâm địa bàn): hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và được thanh toán tiền công bảo vệ theo hợp đồng.

Người nhận khoán bảo vệ rừng, người nhận hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng được giao không phát hiện được rừng bị xâm hại, hoặc phát hiện nhưng không báo cho cơ quan có thẩm quyền: được thanh toán tiền công bảo vệ đối với diện tích rừng không bị xâm hại; đối với diện tích rừng bị xâm hại thì tùy theo mức độ, sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Xử lý rủi ro do thiên tai đối với công trình lâm sinh

1. Trường hợp công trình lâm sinh không có bảo hiểm, khi gặp rủi ro do thiên tai, chủ đầu tư lập hồ sơ gửi cơ quan quyết định đầu tư đề nghị hỗ trợ thiệt hại đối với những hoạt động tự đầu tư hoặc xử lý và hỗ trợ thiệt hại đối với những hoạt động đầu tư từ ngân sách nhà nước.

2. Việc thống kê, đánh giá và báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

3. Trường hợp địa phương không có khả năng cân đối, bố trí kinh phí xử lý thiệt hại, đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai, quy trình hỗ trợ kinh phí được áp dụng theo Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Thông tư 23/2016/TT-BNNPTNT hướng dẫn nội dung quản lý công trình lâm sinh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 23/2016/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 79 đến số 80
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra