Chương 3 Thông tư 22/2013/TT-BYT hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
TỔ CHỨC, QUẢN LÝ ĐÀO TẠO LIÊN TỤC
Điều 10. Mã cơ sở đào tạo liên tục
1. Mã A gồm các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp/dạy nghề y tế và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo mã ngành thuộc khối ngành khoa học sức khỏe.
2. Mã B gồm các bệnh viện; viện có giường bệnh; viện nghiên cứu ở cấp Trung ương; các hội nghề nghiệp có phạm vi hoạt động cả nước và các trung tâm có đào tạo nhân lực y tế có đủ điều kiện làm công tác đào tạo liên tục.
3. Mã C gồm Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Sở Y tế; y tế các Bộ, Ngành.
Điều 11. Cấp mã cơ sở đào tạo liên tục
Bộ Y tế xem xét, quyết định cấp mã đào tạo liên tục cho các cơ sở đào tạo đủ điều kiện, cụ thể như sau:
1. Cơ sở đào tạo liên tục gửi hồ sơ đề nghị cấp mã về Bộ Y tế. Trong thời gian không quá 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ theo dấu công văn đến của Bộ Y tế, cơ sở đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế được cấp mã đào tạo liên tục tương ứng. Trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp, Bộ Y tế phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Hồ sơ đề nghị cấp mã số đào tạo liên tục gồm:
a) Thuyết minh về năng lực chuyên môn;
b) Chương trình đào tạo;
c) Tài liệu dạy - học tương ứng với chương trình đào tạo;
d) Danh sách trích ngang giảng viên, phù hợp về cơ cấu và trình độ;
đ) Phương án tổ chức và quản lý về đào tạo liên tục, trong đó chỉ rõ tên của lãnh đạo phụ trách, cán bộ chuyên trách và các hội đồng;
e) Thuyết minh cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, trang thiết bị phục vụ đào tạo liên tục.
Điều 12. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục
1. Các cơ sở đào tạo liên tục có trách nhiệm xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục:
a) Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của Bộ Y tế và của các cơ sở đào tạo liên tục trực thuộc Bộ Y tế;
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Y tế phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của tỉnh và các cơ sở đào tạo liên tục trực thuộc Sở Y tế;
c) Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, Ngành phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục
5 năm của các đơn vị đào tạo liên tục thuộc Bộ, Ngành;
d) Thủ trưởng các cơ sở đào tạo liên tục tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục hàng năm của đơn vị trên cơ sở kế hoạch 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 13. Triển khai đào tạo liên tục
1. Sau khi kế hoạch đào tạo liên tục hàng năm của đơn vị đã được phê duyệt, cơ sở đào tạo liên tục thông báo công khai, rộng rãi các khóa học do đơn vị tổ chức để người học chủ động lựa chọn, bố trí kế hoạch tham dự.
2. Cơ sở đào tạo liên tục báo cáo cấp có thẩm quyền về kế hoạch tổ chức, tên khóa học, dự kiến số học viên, chương trình và tài liệu đào tạo.
3. Các khóa đào tạo liên tục chỉ được triển khai khi có đủ chương trình, tài liệu đã phê duyệt; đủ giảng viên; cán bộ quản lý; thiết bị dạy - học đáp ứng yêu cầu của chương trình và báo cáo kế hoạch cho cơ quan có thẩm quyền.
Điều 14. Xác nhận đã tham gia đào tạo liên tục
1. Việc xác nhận đã tham gia đào tạo liên tục được thực hiện bằng một trong hai hình thức sau:
a) Chứng chỉ đào tạo liên tục được cơ sở đào tạo liên tục cấp cho học viên đáp ứng được các yêu cầu của khóa học, tại những cơ sở đào tạo liên tục được Bộ Y tế công nhận;
b) Giấy chứng nhận đã tham gia đào tạo liên tục theo các hình thức quy định tại các
2. Ban hành kèm theo Thông tư này mẫu chứng chỉ (giấy chứng nhận) đào tạo liên tục. Chứng chỉ này có giá trị chứng nhận thời gian cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
3. Bộ Y tế, Sở Y tế xem xét công nhận giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo liên tục do cơ sở nước ngoài cấp cho các cán bộ y tế thuộc quyền quản lý trên cơ sở quy định tại Thông tư này.
Điều 15. Trách nhiệm quản lý công tác đào tạo liên tục
1. Bộ Y tế thống nhất quản lý công tác đào tạo liên tục cho cán bộ y tế trên toàn quốc.
2. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm:
a) Tổ chức thẩm định phê duyệt, lưu trữ chương trình và tài liệu đào tạo của các cơ sở đào tạo liên tục quy định tại Khoản 3 Điều 8;
b) Quản lý mã số đào tạo, triển khai công tác bảo đảm chất lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đào tạo liên tục cho cán bộ y tế;
c) Quản lý công tác đào tạo liên tục, cấp chứng chỉ đào tạo liên tục do cơ quan Bộ Y tế tổ chức đào tạo.
3. Sở Y tế có trách nhiệm:
a) Giao phòng chức năng chịu trách nhiệm quản lý đào tạo liên tục của địa phương do lãnh đạo sở phụ trách và có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm;
b) Quản lý chương trình và tài liệu đào tạo liên tục do sở y tế thẩm định và phê duyệt; chương trình tài liệu dạy - học của các cơ sở đào tạo liên tục trực thuộc;
c) Quản lý mã số chứng chỉ do sở y tế cấp cho các cơ sở đào tạo;
d) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đào tạo liên tục của tỉnh và tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đào tạo liên tục của ngành y tế;
đ) Quản lý hồ sơ khóa học và cấp giấy chứng chỉ cho các khóa đào tạo do sở y tế tổ chức.
4. Cơ sở đào tạo liên tục có trách nhiệm:
a) Cử cán bộ làm công tác tổ chức và quản lý đào tạo liên tục của đơn vị do Lãnh đạo đơn vị phụ trách và các nhân viên giúp việc;
b) Tổ chức công tác đào tạo liên tục theo quy định tại Thông tư này;
c) Quản lý và lưu trữ chương trình và tài liệu các khóa đào tạo liên tục của đơn vị;
d) Quản lý hồ sơ khóa học (bao gồm cả danh sách học viên, giảng viên);
đ) Quản lý phôi và việc cấp chứng chỉ đào tạo liên tục theo đúng quy định của Thông tư này.
Điều 16. Quản lý chất lượng cơ sở đào tạo liên tục
1. Giám đốc Sở Y tế tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo liên tục của sở y tế và các đơn vị trực thuộc.
2. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo liên tục tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo liên tục do cơ sở thực hiện.
3. Bộ Y tế giao Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo tổ chức quản lý chất lượng cơ sở đào tạo liên tục cho cán bộ y tế.
Điều 17. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trong và ngoài nước về y tế.
1. Hoạt động đào tạo liên tục quy định tại Khoản 1 Điều 6 thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của ngành y tế được triển khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.
2. Các khóa đào tạo liên tục áp dụng cho 2 tỉnh/thành phố trở lên phải báo cáo Bộ Y tế để được phê duyệt chương trình, tài liệu trước khi tổ chức.
3. Các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án do cơ quan trung ương quản lý báo cáo với Bộ Y tế, dự án do tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quản lý báo cáo với sở y tế về kế hoạch đào tạo liên tục để phối hợp thực hiện.
Điều 18. Kinh phí cho đào tạo liên tục
1. Kinh phí cho đào tạo liên tục được lấy từ các nguồn sau đây:
a) Đóng góp của người học;
b) Ngân sách Nhà nước;
c) Nguồn thu hợp pháp khác.
2. Kinh phí đào tạo được tính toán dựa trên các chi phí thực tế của khóa học theo nguyên tắc thu đủ chi, không vì lợi nhuận và theo các quy định của pháp luật.
Cơ sở đào tạo phải công khai kinh phí của khóa học trước khi triển khai để người học lựa chọn.
1. Mỗi năm, cơ sở đào tạo liên tục định kỳ báo cáo 2 lần: 6 tháng đầu năm (trước ngày 15 tháng 7) và cả năm (trước ngày 15 tháng 01 năm sau).
2. Cơ sở đào tạo liên tục thuộc tỉnh báo cáo sở y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Y tế.
3. Y tế các Bộ, Ngành, cơ quan trực thuộc Bộ Y tế báo cáo Bộ Y tế.
4. Nội dung báo cáo: kết quả khóa học, số học viên, số chứng chỉ đã cấp, công tác tổ chức, quản lý, bảo đảm chất lượng đào tạo liên tục.
Thông tư 22/2013/TT-BYT hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Điều 4. Trách nhiệm trong đào tạo liên tục
- Điều 5. Thời gian đào tạo liên tục
- Điều 6. Các hình thức đào tạo liên tục và nguyên tắc quy đổi
- Điều 7. Chương trình và tài liệu đào tạo liên tục
- Điều 8. Thẩm định và ban hành chương trình, tài liệu đào tạo liên tục
- Điều 9. Giảng viên đào tạo liên tục
- Điều 10. Mã cơ sở đào tạo liên tục
- Điều 11. Cấp mã cơ sở đào tạo liên tục
- Điều 12. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục
- Điều 13. Triển khai đào tạo liên tục
- Điều 14. Xác nhận đã tham gia đào tạo liên tục
- Điều 15. Trách nhiệm quản lý công tác đào tạo liên tục
- Điều 16. Quản lý chất lượng cơ sở đào tạo liên tục
- Điều 17. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trong và ngoài nước về y tế.
- Điều 18. Kinh phí cho đào tạo liên tục
- Điều 19. Chế độ báo cáo