Hệ thống pháp luật

Điều 11 Thông tư 21/2014/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Điều 11. Hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối

1. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối (sau đây gọi là hồ sơ):

a) Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan có thẩm quyền công chứng theo quy định của pháp luật;

b) Đơn đề nghị cấp phép hoạt động ngoại hối, phương án kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối, quy trình nội bộ, quy trình quản lý rủi ro đối với từng hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại do người đại diện hợp pháp của ngân hàng thương mại ký;

c) Hồ sơ được gửi tới Ngân hàng Nhà nước bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước bao gồm:

a) Đơn đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối theo mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư này;

b) Phương án kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước, trong đó tối thiểu phải bao gồm các nội dung sau: Mô tả nghiệp vụ, kế hoạch kinh doanh;

c) Quy định nội bộ về quy trình thực hiện, quy trình quản lý rủi ro đối với từng hoạt động ngoại hối đề nghị thực hiện. Quy trình quản lý rủi ro tối thiểu bao gồm các nội dung: các rủi ro có thể xảy ra đối với từng hoạt động ngoại hối, quy trình quản lý và phương án xử lý đối với các rủi ro này;

d) Báo cáo về tình hình trang thiết bị và cơ sở vật chất kèm theo cam kết về việc đã đáp ứng đủ điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất;

đ) Báo cáo về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng trong năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối;

e) Danh sách cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ kèm theo văn bằng, chứng chỉ và thông tin về trình độ, năng lực đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư này;

g) Mô tả hệ thống công nghệ thông tin, các giải pháp kỹ thuật áp dụng và quy trình xử lý các hoạt động ngoại hối trong hệ thống công nghệ thông tin;

h) Thành phần hồ sơ quy định tại điểm đ khoản này không áp dụng đối với trường hợp ngân hàng thương mại đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối đồng thời đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

3. Hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế bao gồm:

a) Thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm a, c, d, đ, e, g khoản 2 Điều này;

b) Phương án kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế, trong đó tối thiểu phải bao gồm các nội dung sau: Mô tả nghiệp vụ, kế hoạch kinh doanh;

c) Quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức đối tác, hạn mức giao dịch đối với các đối tác, trong đó phải bao gồm quy định về rà soát, đánh giá lại đối tác theo định kỳ và khi có sự kiện đột xuất ảnh hưởng tới xếp hạng tín dụng của các đối tác;

d) Báo cáo tình hình hoạt động ngoại hối trong nước năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối, trong đó cam kết không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động ngoại hối;

đ) Bản sao báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm liền kề năm đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối có xác nhận của ngân hàng thương mại.

4. Hồ sơ đề nghị cho phép thực hiện có thời hạn hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và quốc tế bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư này;

b) Bản sao Giấy phép thành lập và hoạt động và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có), trong đó có ghi nội dung ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước hoặc quốc tế;

c) Báo cáo về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng trong năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cho phép thực hiện có thời hạn và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cho phép thực hiện có thời hạn;

d) Quy định nội bộ về quy trình thực hiện, quy trình quản lý rủi ro đối với từng hoạt động ngoại hối đề nghị thực hiện. Quy trình quản lý rủi ro tối thiểu bao gồm các nội dung: các rủi ro có thể xảy ra đối với từng hoạt động ngoại hối, quy trình quản lý và phương án xử lý đối với các rủi ro này;

đ) Quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn đối tác đầu tư, hạn mức giao dịch phù hợp với từng đối tác nước ngoài; Quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn công cụ được phép đầu tư (bao gồm trái phiếu hoặc các giấy tờ có giá khác) đối với hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;

e) Báo cáo tình hình hoạt động ngoại hối trong nước năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cho phép thực hiện có thời hạn, trong đó cam kết không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động ngoại hối;

g) Bản sao báo cáo tài chính đã được kiểm toán 02 (hai) năm liền kề năm đề nghị cho phép thực hiện có thời hạn có xác nhận của ngân hàng thương mại;

h) Phương án hoạt động ngoại hối, trong đó tối thiểu bao gồm các nội dung: phân tích thị trường, mục tiêu và kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động ngoại hối, dự kiến các chỉ tiêu phân bổ nguồn lực và kết quả hoạt động (bao gồm thuyết minh khả năng thực hiện).

Đối với hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, phương án tối thiểu bao gồm các nội dung sau: sự cần thiết thực hiện nghiệp vụ; mô tả cụ thể nghiệp vụ và các sản phẩm đầu tư; dự kiến quy mô, hạn mức và thời gian thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; phân tích tình hình thị trường tài chính quốc tế, cơ hội và thách thức liên quan, đánh giá tính khả thi của hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; đánh giá các rủi ro tiềm ẩn đối với việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; biện pháp quản lý, phòng ngừa và khắc phục rủi ro liên quan; phân tích tác động của hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đến việc tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; phương án cân đối nguồn vốn ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

5. Hồ sơ đề nghị cho phép gia hạn thực hiện các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế:

a) Đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư này, trong đó giải trình sự cần thiết phải gia hạn và cam kết không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động ngoại hối trong quá trình thực hiện các hoạt động ngoại hối có thời hạn;

b) Bản sao văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được thực hiện có thời hạn;

c) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động ngoại hối đã thực hiện có thời hạn;

d) Bản sao báo cáo tài chính đã được kiểm toán 02 (hai) năm liền kề năm đề nghị gia hạn có xác nhận của ngân hàng thương mại;

đ) Báo cáo về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng trong năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị gia hạn và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị gia hạn.

Thông tư 21/2014/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 21/2014/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/08/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phước Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 801 đến số 802
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH