Hệ thống pháp luật

Điều 52 Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Điều 52. Phương pháp kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất trong trường hợp công ty mẹ thoái một phần vốn đầu tư tại công ty con dẫn đến mất quyền kiểm soát

1. Trường hợp công ty con trở thành công ty liên doanh, liên kết

1.1. Trường hợp thời điểm thoái vốn cách xa thời điểm lập báo cáo, kế toán chỉ hợp nhất kết quả kinh doanh từ đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn mà không hợp nhất toàn bộ tài sản thuần của công ty con, công ty mẹ thực hiện các bút toán điều chỉnh như sau:

a) Căn cứ vào thay đổi lũy kế trong vốn chủ sở hữu của công ty con kể từ ngày kiểm soát đến thời điểm đầu kỳ, kế toán điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết theo tỷ lệ nắm giữ còn lại tại công ty liên kết, ghi:

- Trường hợp điều chỉnh tăng khoản đầu tư vào công ty liên kết, ghi:

Nợ Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ trước

Có các chỉ tiêu khác thuộc vốn chủ sở hữu

- Trường hợp điều chỉnh giảm khoản đầu tư vào công ty liên kết, ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ trước

Nợ các chỉ tiêu khác thuộc vốn chủ sở hữu

Có Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

b) Căn cứ vào kết quả kinh doanh của công ty liên kết từ thời điểm thoái vốn đến thời điểm cuối kỳ, kế toán điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết phát sinh trong kỳ theo tỷ lệ nắm giữ còn lại tại công ty liên kết, ghi:

- Trường hợp công ty liên kết có lãi, kế toán điều chỉnh tăng khoản đầu tư vào công ty liên kết, ghi:

Nợ Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

Có Phần lãi, lỗ trong công ty liên doanh, liên kết

- Trường hợp công ty liên kết lỗ, kế toán điều chỉnh giảm khoản đầu tư vào công ty liên kết, ghi:

Nợ Phần lãi, lỗ trong công ty liên doanh, liên kết

Có Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

c) Hợp nhất kết quả kinh doanh từ thời điểm đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn và loại bỏ lãi, lỗ trên Báo cáo tài chính riêng để ghi nhận lãi, lỗ trên Báo cáo tài chính hợp nhất

c1) Trường hợp kết quả kinh doanh của công ty con từ đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn là lãi:

- Trường hợp mức lãi trên Báo cáo tài chính riêng cao hơn mức lãi xác định trên cơ sở hợp nhất, ghi:

Nợ các khoản mục chi phí (từ đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn)

Nợ Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát (BCKQKD)

Nợ Đầu tư vào công ty liên kết (số điều chỉnh tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết từ đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn)

Nợ Doanh thu hoạt động tài chính (chi tiết phần lãi từ việc thoái vốn)

Có các khoản mục doanh thu, thu nhập khác (từ đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số lãi thoái vốn phải được điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của kỳ trước trên BCTC hợp nhất)

- Trường hợp mức lãi trên Báo cáo tài chính riêng thấp hơn mức lãi xác định trên cơ sở hợp nhất, ghi:

Nợ các khoản mục chi phí (từ đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn)

Nợ Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát (BCKQKD)

Nợ Đầu tư vào công ty liên kết (số điều chỉnh tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết từ đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn)

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số lãi thoái vốn phải được điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của kỳ trước trên BCTCHN)

Có Doanh thu hoạt động tài chính (chi tiết lãi thoái vốn trong kỳ)

Có các khoản mục doanh thu, thu nhập khác (từ đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn)

c2) Trường hợp kết quả kinh doanh của công ty con từ đầu kỳ đến thời điểm thoái vốn là lỗ: Kế toán thực hiện các bút toán tương tự như trường hợp trên nhưng ghi Có chỉ tiêu “Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết”

1.2. Trường hợp thời điểm thoái vốn gần thời điểm lập báo cáo, kế toán hợp nhất toàn bộ tài sản thuần của công ty con và thực hiện các bút toán hợp nhất như sau:

a) Điều chỉnh lại Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ như chưa thoái vốn tại công ty con;

b) Cộng ngang Báo cáo tài chính của công ty mẹ và công ty con bị thoái vốn;

c) Thực hiện các bút toán hợp nhất thông thường theo quy định tại Thông tư này, như: Loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con; Phân bổ lợi thế thương mại, tách lợi ích cổ đông không kiểm soát, Loại trừ lãi, lỗ chưa thực hiện và số dư các khoản mục nội bộ...

d) Thực hiện bút toán thoái vốn để ghi nhận kết quả thoái vốn trên Báo cáo tài chính hợp nhất, ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết; Xóa sổ lợi thế thương mại và lợi ích cổ đông không kiểm soát; loại bỏ toàn bộ tài sản và nợ phải trả của công ty con bị thoái vốn khỏi BCTC hợp nhất.

- Trường hợp thoái vốn có lãi, ghi:

Nợ số tiền thu từ việc thoái vốn

Nợ Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (theo phương pháp vốn chủ)

Nợ Lợi ích cổ đông không kiểm soát

Nợ các khoản mục nợ phải trả

Có các khoản mục tài sản

Có Lợi thế thương mại (số chưa phân bổ hết)

Có Doanh thu hoạt động tài chính (chi tiết lãi thoái vốn)

- Trường hợp thoái vốn lỗ, ghi:

Nợ số tiền thu từ việc thoái vốn

Nợ Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (theo phương pháp vốn chủ)

Nợ Lợi ích cổ đông không kiểm soát

Nợ Chi phí tài chính (Lỗ thoái vốn)

Nợ các khoản mục nợ phải trả

Có các khoản mục tài sản

Có Lợi thế thương mại (số chưa phân bổ hết)

e) Loại trừ phần doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh kể từ thời điểm thoái vốn đến thời điểm báo cáo:

Nợ các khoản doanh thu, thu nhập (từ thời điểm thoái vốn đến cuối kỳ)

Nợ Lợi nhuận sau thuế (điều chỉnh giảm lãi)

Có các khoản mục chi phí (từ thời điểm thoái vốn đến cuối kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế (điều chỉnh giảm lỗ)

2. Trường hợp công ty con trở thành khoản đầu tư thông thường (nhà đầu tư không có ảnh hưởng đáng kể hoặc quyền đồng kiểm soát):

Việc thoái vốn thực hiện tương tự như nguyên tắc tại khoản 1 Điều này. Tuy nhiên do khoản đầu tư thông thường được ghi nhận theo phương pháp giá gốc, kế toán không điều chỉnh giá trị khoản đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu, vì vậy các bút toán điều chỉnh như tại tiết a,b điểm 1.1 khoản 1 Điều này không phải thực hiện.

3. Trường hợp trước đây công ty mẹ đã thoái một phần vốn tại công ty con và đã ghi nhận kết quả từ việc thoái phần vốn đó trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Bảng cân đối kế toán hợp nhất, nay thoái thêm một phần vốn đầu tư tại công ty con dẫn đến mất quyền kiểm soát thì công ty mẹ phải kết chuyển phần lãi, lỗ đã ghi nhận trước đây trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, ghi:

- Trường hợp kết chuyển lãi

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước

Có Doanh thu hoạt động tài chính

- Trường hợp kết chuyển lỗ

Nợ Chi phí tài chính

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước

Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 202/2014/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/12/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 271 đến số 272
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH