Điều 9 Thông tư 202/2011/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
Điều 9. Xử lý về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp
1. Xử lý tài sản:
Căn cứ vào kết quả kiểm kê, phân loại tài sản, doanh nghiệp xử lý tài sản theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, trong đó:
a) Đối với tài sản thừa, thiếu, phải phân tích làm rõ nguyên nhân và xử lý như sau:
- Tài sản thiếu phải xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý bồi thường vật chất theo quy định hiện hành; giá trị tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có), doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.
- Tài sản thừa, nếu không xác định được nguyên nhân hoặc không tìm được chủ sở hữu thì xử lý tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước.
b) Đối với những tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý:
- Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hóa chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thanh lý, nhượng bán tài sản. Việc thanh lý, nhượng bán tài sản được thực hiện thông qua phương thức đấu giá công khai theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Các khoản thu và chi phí cho hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản được hạch toán vào thu nhập và chi phí của doanh nghiệp.
- Đến thời điểm tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, những tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý chưa được xử lý, ngoại trừ các trường hợp tài sản không được phép loại trừ quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa xem xét, quyết định loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp và thực hiện chuyển giao cho các cơ quan theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Cụ thể:
Công ty Mua bán nợ Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp quy định tại Điều 2 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con để xử lý theo quy định đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn do các doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ.
c) Doanh nghiệp cổ phần hoá không được loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá các tài sản đã được doanh nghiệp sử dụng để thế chấp đảm bảo cho các khoản nợ vay kể cả những tài sản doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng.
d) Các tài sản không được phép loại trừ doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 59/2011/CP-NĐ.
đ) Doanh nghiệp cổ phần hóa lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Thủ tướng Chính phủ để xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Đối với tài sản gắn liền với đất không thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
e) Tài sản là công trình phúc lợi: nhà trẻ, nhà mẫu giáo, bệnh xá và các tài sản phúc lợi khác được đầu tư bằng nguồn quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng; nhà ở của cán bộ, công nhân viên được đầu tư bằng nguồn quỹ phúc lợi và đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp được xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
g) Đối với tài sản đang dùng trong sản xuất kinh doanh được đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi, Quỹ khen thưởng của doanh nghiệp cổ phần hoá được tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần tiếp tục sử dụng trong sản xuất kinh doanh.
2. Xử lý nợ phải thu:
Việc xử lý nợ phải thu của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, trong đó:
2.1. Căn cứ kết quả đối chiếu xác nhận các khoản nợ phải thu, doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm thu hồi các khoản nợ khi đến hạn; tích cực đôn đốc và áp dụng mọi biện pháp để thu hồi các khoản nợ phải thu quá hạn có khả năng thu hồi trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
2.2. Các khoản nợ phải thu được xác định là nợ phải thu không có khả năng thu hồi khi có đủ tài liệu chứng minh, cụ thể như sau:
a) Khoản nợ phải thu phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ như: hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, bản cam kết nợ, biên bản đối chiếu công nợ và tài liệu khách quan khác chứng minh được số nợ còn tồn đọng chưa thu được.
b) Sổ kế toán, chứng từ, tài liệu chứng minh khoản nợ chưa thu hồi được đến thời điểm xử lý nợ doanh nghiệp đang hạch toán nợ phải thu trên sổ kế toán của doanh nghiệp.
c) Trường hợp đối với tổ chức kinh tế:
- Khách nợ đã giải thể, phá sản: phải có quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo Luật phá sản hoặc quyết định của người có thẩm quyền về giải thể đối với doanh nghiệp nợ, trường hợp tự giải thể thì có thông báo của đơn vị hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập đơn vị, tổ chức.
- Khách nợ đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả: là xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh về việc doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán.
- Đối với khoản nợ phải thu nhưng khách nợ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho xoá nợ theo quy định của pháp luật; khoản chênh lệch thiệt hại được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận do bán nợ phải thu: là quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho xoá nợ .
- Đối với những khoản nợ phải thu đã phát sinh trên 3 năm mà khách nợ vẫn còn tồn tại nhưng không có khả năng trả nợ, doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng không thu hồi được thì doanh nghiệp phải đưa ra các bằng chứng như: Biên bản đối chiếu công nợ với khách nợ, công văn đòi nợ, công văn đề nghị Toà án thực hiện phá sản theo Luật định. Các khoản nợ phải thu mà dự toán chi phí đòi nợ lớn hơn giá trị khoản nợ phải thu.
d) Trường hợp đối với cá nhân:
- Giấy chứng tử (bản sao) hoặc xác nhận của chính quyền địa phương đối với người nợ đã chết nhưng không có tài sản thừa kế để trả nợ.
- Giấy xác nhận của chính quyền địa phương đối với người nợ còn sống hoặc đã mất tích nhưng không có khả năng trả nợ.
- Lệnh truy nã hoặc xác nhận của cơ quan pháp luật đối với người nợ đã bỏ trốn hoặc đang bị truy tố, đang thi hành án hoặc xác nhận của chính quyền địa phương về việc khách nợ hoặc người thừa kế không có khả năng trả nợ.
đ) Đến thời điểm tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, các khoản nợ phải thu đã có đủ hồ sơ tài liệu chứng minh không có khả năng thu hồi theo quy định (không phân biệt khoản nợ đã được trích lập và chưa trích lập dự phòng), doanh nghiệp sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi để bù đắp, phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2.3. Những khoản nợ không có đủ hồ sơ pháp lý chứng minh khách nợ còn nợ hoặc không có khả năng thu hồi theo quy định thì không được loại trừ ra ngoài giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân để xử lý như sau:
- Đối với khoản nợ phải thu không có đủ hồ sơ chứng minh khách nợ còn nợ, doanh nghiệp phải xác định nguyên nhân xử lý trách nhiệm bồi thường của tập thể, cá nhân có liên quan; phần tổn thất sau khi xử lý trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có) doanh nghiệp cổ phần hóa bàn giao sang công ty cổ phần sau này để tiếp tục xử lý.
- Những khoản nợ phải thu không có tài liệu theo quy định để chứng minh là không có khả năng thu hồi thì doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần sau này có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2.4. Doanh nghiệp được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa các khoản nợ phải thu có đủ hồ sơ tài liệu chứng minh không có khả năng thu hồi theo quy định.
Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm bàn giao các khoản công nợ không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (bao gồm cả các khoản nợ khó đòi đã được xử lý bằng nguồn dự phòng trong vòng 05 năm liền kề trước khi cổ phần hóa) kèm theo đầy đủ hồ sơ, các tài liệu liên quan cho cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi tuy đã được xử lý nhưng khách nợ còn tồn tại thì các cơ quan tiếp nhận bàn giao có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi.
Trong thời gian chưa thực hiện bàn giao, chưa chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi các khoản công nợ đã được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
2.5. Đối với các khoản tiền doanh nghiệp đã trả trước cho người cung cấp hàng hoá, dịch vụ như: tiền thuê nhà, tiền thuê đất, tiền mua bảo hiểm dài hạn, tiền mua hàng, tiền công đã được hạch toán vào chi phí kinh doanh, doanh nghiệp căn cứ hợp đồng mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đối chiếu nợ để hạch toán giảm chi phí (tương ứng với phần hàng hoá, dịch vụ chưa được cung cấp hoặc thời gian thuê chưa thực hiện) và hạch toán tăng khoản chi phí trả trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
3. Xử lý nợ phải trả các tổ chức, cá nhân:
Căn cứ kết quả đối chiếu phân loại nợ, doanh nghiệp thực hiện xử lý nợ phải trả theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, trong đó:
a) Các khoản nợ phải trả nhưng không phải thanh toán khi có đủ tài liệu và làm đủ thủ tục đối với chủ nợ theo quy định tại
b) Đối với khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước: doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm kê khai nộp đầy đủ các khoản nợ thuế và nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước và gửi báo cáo quyết toán thuế thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp kèm theo văn bản đề nghị cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý để kiểm tra, xác định số thuế còn phải nộp theo quy định. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp cổ phần hóa, cơ quan thuế có trách nhiệm bố trí cán bộ thực hiện kiểm tra đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá phù hợp với thời gian xác định giá trị doanh nghiệp đã được thông báo.
Trường hợp khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp mà vẫn chưa hoàn thành kiểm tra quyết toán thuế thì doanh nghiệp cổ phần hóa được sử dụng báo cáo tài chính đã lập và số liệu thuế đã kê khai làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp (kể cả việc xác định các nghĩa vụ về thuế và phân phối lợi nhuận), nhưng phải đưa vào Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, công bố công khai về việc chưa hoàn thành việc kiểm tra quyết toán thuế khi thực hiện công bố thông tin bán cổ phần cho nhà đầu tư.
Các khoản chênh lệch về nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước (nếu có) sẽ được điều chỉnh khi lập báo cáo tài chính thời điểm doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu để bàn giao sang công ty cổ phần.
c) Đối với các khoản nợ vay Ngân hàng thương mại và Ngân hàng phát triển Việt Nam (gọi chung là ngân hàng cho vay), vay của các tổ chức, cá nhân khác doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ đến hạn trước khi xác định giá trị doanh nghiệp.
d) Trong quá trình xử lý tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp nếu doanh nghiệp cổ phần hoá có khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn của các Ngân hàng, hoặc còn lỗ luỹ kế doanh nghiệp phối hợp với Ngân hàng cho vay xử lý nợ vay như sau:
- Doanh nghiệp cổ phần hóa làm thủ tục, hồ sơ đề nghị Ngân hàng cho vay xem xét, quyết định khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ lãi vay theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong thời gian tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, ngân hàng cho vay có ý kiến xử lý bằng văn bản thông báo cho doanh nghiệp.
- Ngoài biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ lãi vay nói trên, doanh nghiệp phối hợp với ngân hàng cho vay để xử lý phần nợ gốc quá hạn còn lại theo phương thức bán nợ cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam theo giá thoả thuận. Căn cứ vào thoả thuận mua, bán nợ, doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm nhận nợ với Công ty Mua bán nợ; đồng thời phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam lập phương án cơ cấu lại nợ xử lý tài chính trình cơ quan quyết định cổ phần hoá xem xét, thoả thuận với Công ty Mua bán nợ Việt Nam về phương án chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần.
- Thoả thuận với ngân hàng cho vay để chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần. Việc chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần được thực hiện theo kết quả đấu giá thành công của ngân hàng cho vay hoặc theo giá đấu thành công thấp nhất. Trường hợp ngân hàng cho vay được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược thì việc chuyển nợ thành cổ phần được xác định theo giá quy định tại điểm đ, khoản 3 Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
- Việc xử lý chuyển nợ phải trả của các tổ chức, cá nhân cho vay ( không phải là Ngân hàng) thành vốn góp cổ phần được thực hiện theo quy định hiện hành tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
đ) Đối với các khoản nợ vay nước ngoài (có bảo lãnh và không có bảo lãnh) đã quá hạn, doanh nghiệp và người bảo lãnh phải đàm phán với chủ nợ để có phương án xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý vay nợ và trả nợ vay nước ngoài.
e) Đối với khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ cán bộ công nhân viên, doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán dứt điểm trước khi chuyển thành công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đối với khoản chi có tính đặc thù cho lao động là quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng (tiền lương thời gian chuẩn bị hưu) tại doanh nghiệp cổ phần hoá thuộc Bộ Quốc phòng nếu có phát sinh được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trước khi quyết toán tài chính bàn giao doanh nghiệp cổ phần hoá sang công ty cổ phần.
4. Các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi
Việc xử lý các khoản dự phòng, quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng, dự phòng nghiệp vụ của bảo hiểm, chênh lệch tỷ giá , Quỹ dự phòng tài chính và các khoản lãi, lỗ của doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hoá thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Trường hợp doanh nghiệp cổ phần có khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá, doanh nghiệp cổ phần hoá báo cáo nguyên nhân dẫn đến lỗ tỷ giá với cơ quan quyết định cổ phần hoá để xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa sau khi đã xử lý các khoản lỗ theo quy định tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp cổ phần hoá vẫn còn các khoản nợ đọng của các tổ chức tín dụng (bao gồm cả Ngân hàng phát triển Việt Nam) thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm làm thủ tục, hồ sơ đề nghị với Ngân hàng cho vay để xem xét xử lý xóa nợ lãi vay theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.
Các khoản lãi phát sinh của doanh nghiệp sau khi sử dụng để bù lỗ (nếu có) theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bù đắp các khoản tổn thất về tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, giảm giá tài sản, nợ không có khả năng thu hồi, số còn lại phân phối theo quy định hiện hành trước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không trùng với thời điểm báo cáo tài chính năm thì việc trích lập các quỹ của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại
5. Vốn đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp khác như góp vốn liên doanh, liên kết; góp vốn cổ phần; góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn và các hình thức đầu tư dài hạn khác được xử lý theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá không kế thừa vốn đã đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác mà bán lại cho đối tác hoặc các nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cổ phần hoá phải báo cáo, có xác nhận của cơ quan thuế về kết quả và nghĩa vụ thuế về việc chuyển nhượng vốn làm cơ sở để xác định giá trị doanh nghiệp.
6. Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi:
Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi sau khi đã bù đắp các khoản chi quá chế độ cho người lao động (nếu có) được dùng để chia cho người lao động đang làm việc tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo số năm công tác tại doanh nghiệp cổ phần hoá.
Giám đốc doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hoá, xây dựng phương án và quyết định việc phân chia số dư bằng tiền và phần giá trị tương ứng với giá trị tài sản được đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi mà công ty cổ phần tiếp tục sử dụng trong sản xuất kinh doanh cho người lao động. Số tiền được chia từ Quỹ phúc lợi, Quỹ khen thưởng và danh sách người lao động được hưởng theo quyết định của doanh nghiệp phải được thông báo công khai để người lao động biết.
Trường hợp doanh nghiệp đã chi quá nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, thì doanh nghiệp phải kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quyết định chi Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi nhưng không có nguồn và xử lý như sau:
- Đối với khoản đã chi trực tiếp cho người lao động có tên trong danh sách thường xuyên tại thời điểm có quyết định cổ phần hoá và chi cho các thành viên Ban quản lý, điều hành công ty không được khấu trừ vào phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Giám đốc doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn doanh nghiệp xử lý bằng cách thu hồi hoặc chuyển thành nợ phải thu để công ty cổ phần sau này tiếp tục xử lý.
- Đối với các khoản chi quá nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi mà không xác định được đối tượng để thu hồi (như chi cho người lao động đã nghỉ mất việc, thôi việc trước thời điểm quyết định cổ phần hoá ) thì Ban chỉ đạo cổ phần hoá báo cáo cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp xử lý như đối với khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi.
7. Quỹ thưởng Ban quản lý điều hành
Số dư bằng tiền của Quỹ thưởng Ban quản lý điều hành, doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu quyết định thưởng cho đối tượng theo quy định: Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty (đối với công ty không có Hội đồng thành viên), Ban giám đốc công ty trước khi xác định giá trị doanh nghiệp.
8. Các doanh nghiệp hình thành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, khi thực hiện cổ phần hoá số dư Quỹ đuợc chuyển sang công ty cổ phần. Công ty cổ phần có trách nhiệm quản lý, sử dụng Quỹ theo quy định tại Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 9/02/2011 của Bộ Tài chính.
9. Số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại doanh nghiệp cổ phần hóa (nếu có) được xử lý hạch toán tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Điều 20 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Thông tư 202/2011/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 202/2011/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/12/2011
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Văn Hiếu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 155 đến số 156
- Ngày hiệu lực: 15/02/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Một số nguyên tắc khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Kiểm kê, phân loại tài sản
- Điều 5. Đối chiếu, xác nhận và phân loại các khoản công nợ
- Điều 6. Đối chiếu, xác nhận các khoản đầu tư tài chính; các khoản được chia; các khoản nhận góp vốn
- Điều 7. Kiểm kê, đối chiếu, xác nhận, phân loại tài sản và các khoản nợ khi cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước
- Điều 8. Trách nhiệm trong kiểm kê tài sản, đối chiếu xác nhận tài sản, tiền vốn các loại để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp
- Điều 9. Xử lý về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp
- Điều 10. Xử lý tài chính thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá chính thức chuyển thành công ty cổ phần
- Điều 11. Bàn giao giữa doanh nghiệp cổ phần hoá và công ty cổ phần
- Điều 12. Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp
- Điều 13. Các phương pháp áp dụng để xác định giá trị doanh nghiệp
- Điều 14. Kiểm toán nhà nước đối với doanh nghiệp cổ phần hóa
- Điều 15. Công bố giá trị doanh nghiệp
- Điều 16. Điều chỉnh giá trị doanh nghiệp
- Điều 17. Giá trị thực tế doanh nghiệp cổ phần hoá
- Điều 18. Xác định giá trị thực tế các loại tài sản của doanh nghiệp
- Điều 19. Giá trị thực tế vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
- Điều 20. Giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu
- Điều 21. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Điều 22. Xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp