Điều 4 Thông tư 193/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính, giải ngân đối với chương trình, dự án do Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế (OFID) tài trợ của Bộ Tài chính ban hành
Điều 4. Ngân hàng phục vụ và tài khoản của dự án
1.Ngân hàng phục vụ là một ngân hàng thương mại được lựa chọn trong danh sách các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn để uỷ quyền thực hiện giao dịch đối ngoại, thanh toán, cung cấp dịch vụ ngân hàng do Bộ Tài chính hoặc phối hợp với Chủ dự án lựa chọn.
2. Trách nhiệm của ngân hàng phục vụ:
a. Theo đề nghị của Bộ Tài chính, ngân hàng phục vụ mở Tài khoản tạm ứng cho dự án (sau đây viết tắt là TKTƯ) để thực hiện các giao dịch tiếp nhận tiền do OFID giải ngân và chuyển tiền từ TKTƯ về tài khoản nguồn vốn của dự án mở tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành.
b. Ngân hàng phục vụ có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp cho Bộ Tài chính và Ban quản lý dự án đầy đủ các thông tin để thực hiện các giao dịch thanh toán trong và ngoài nước qua hệ thống ngân hàng.
c. Ngân hàng phục vụ thực hiện ghi có vào TKTƯ của dự án số tiền Nhà tài trợ giải ngân trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo Có từ OFID và thông báo cho Bộ Tài chính, Chủ dự án biết số tiền nhận được.
d. Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi thực hiện chuyển tiền theo lệnh của chủ tài khoản, ngân hàng phục vụ gửi chủ tài khoản các chứng từ báo Nợ liên quan đến khoản thanh toán gồm: số tiền ngoại tệ, số tiền VNĐ, tỷ giá chuyển đổi, ngày thanh toán, người thụ hưởng để phục vụ việc hạch toán NSNN.
đ. Số dư trên TKTƯ được hưởng lãi phát sinh theo lãi suất do ngân hàng phục vụ quy định hoặc theo mức lãi suất thoả thuận giữa ngân hàng phục vụ và chủ tài khoản. Ngân hàng phục vụ mở tài khoản theo dõi riêng lãi phát sinh từ TKTƯ. Số dư trên tài khoản theo dõi lãi phát sinh từ TKTƯ cũng được hưởng lãi.
e. Ngân hàng phục vụ dự án được hưởng phí dịch vụ theo biểu phí hiện hành của ngân hàng phục vụ.
g. Định kỳ hàng tháng và khi có yêu cầu, ngân hàng phục vụ có trách nhiệm gửi cho chủ tài khoản báo cáo sao kê TKTƯ, số lãi phát sinh từ TKTƯ của các dự án; số phí phục vụ do ngân hàng phục vụ thu; số chênh lệch giữa lãi và phí; số dư đầu kỳ, cuối kỳ.
3. Các tài khoản của dự án
a. Tài khoản tại ngân hàng phục vụ:
- Căn cứ vào nhu cầu thanh toán của Dự án và trên cơ sở đề nghị của Chủ quản dự án về việc mở TKTƯ cho dự án, Bộ Tài chính sẽ gửi thư đề nghị OFID thông qua việc sử dụng TKTƯ cho dự án. OFID sẽ xem xét và gửi thư thông báo chấp thuận hay từ chối việc mở TKTƯ của Dự án.
- Căn cứ vào chấp thuận của OFID, Bộ Tài chính mở TKTƯ tại ngân hàng phục vụ theo yêu cầu thanh toán của dự án phù hợp quy định trong Hiệp định vay và thoả thuận với nhà tài trợ, và quy định hiện hành trong nước. TKTƯ là tài khoản trung gian chuyển tiền cho tài khoản nguồn vốn do Ban Quản lý Dự án mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh/thành phố.
b. Tài khoản tại hệ thống Kho bạc Nhà nước (sau đây viết tắt là KBNN):
- Tài khoản nguồn vốn để tiếp nhận vốn OFID: tuỳ theo yêu cầu tổ chức thực hiện của dự án và thoả thuận bằng văn bản với nhà tài trợ, chủ dự án mở tài khoản nguồn vốn của dự án tại hệ thống KBNN để tiếp nhận các nguồn vốn vay OFID được chuyển về từ TKTƯ của dự án, thực hiện thanh toán cho dự án sau khi có kiểm soát chi của kho bạc. Theo thiết kế của dự án, cơ quan quản lý dự án cấp dưới (huyện, xã) có thể mở tài khoản tiền gửi tại KBNN huyện để tiếp nhận vốn từ Ban quản lý dự án tỉnh chuyển về để thanh toán cho các hoạt động của dự án.
- Tài khoản thanh toán vốn đối ứng: chủ dự án mở tài khoản tại hệ thống KBNN để tiếp nhận, thanh toán vốn đối ứng do ngân sách cấp phát theo quy định hiện hành.
4. Phí dịch vụ Ngân hàng
Phí dịch vụ ngân hàng được chi trả bằng lãi phát sinh trên TKTƯ và hạch toán vào tổng chi phí của dự án. Lãi phát sinh trên các tài khoản thuộc dự án cấp phát là nguồn thu của NSNN. Đối với các dự án hỗn hợp vừa có hợp phần được NSNN cấp phát kinh phí vừa có hợp phần được NSNN cho vay lại nguồn vốn ODA cùng sử dụng chung một TKTƯ (thời điểm NSNN cho vay lại là thời điểm rút vốn từ TKTƯ), lãi phát sinh trên tài khoản là nguồn thu của NSNN. Khi kết thúc dự án, số lãi phát sinh không sử dụng hết phải nộp vào NSNN. Trường hợp lãi phát sinh không đủ để trả phí dịch vụ ngân hàng, chủ dự án được NSNN cấp phát lập kế hoạch xin vốn đối ứng để thanh toán; chủ dự án vay lại tự thanh toán bằng nguồn vốn của mình.
5. Tỷ giá chuyển đổi
Việc chuyển đổi nguồn vốn OFID bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam được áp dụng theo tỷ giá mua chuyển khoản của Ngân hàng phục vụ tại thời điểm giao dịch.
Thông tư 193/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính, giải ngân đối với chương trình, dự án do Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế (OFID) tài trợ của Bộ Tài chính ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và Đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Nguyên tắc chung
- Điều 4. Ngân hàng phục vụ và tài khoản của dự án
- Điều 5. Quản lý, sử dụng nguồn vốn vay
- Điều 6. Phương thức rút vốn nước ngoài
- Điều 7. Hạch toán Ngân sách Nhà nước nguồn vốn OFID
- Điều 8. Quyết toán dự án
- Điều 9. Kiểm toán báo cáo tài chính
- Điều 10. Chế độ báo cáo, giám sát
- Điều 11. Tổ chức thực hiện