Chương 4 Thông tư 19/2013/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm do Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ ban hành
Điều 18. Nội dung, phương thức quản lý Chương trình
1. Quản lý các dự án thuộc Chương trình gồm: các hoạt động đề xuất, xây dựng và phê duyệt danh mục các dự án thực hiện Chương trình; giao chủ trì thực hiện dự án; ký hợp đồng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; quản lý kinh phí; đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án; thanh lý hợp đồng và các nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Quản lý việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động chung của Chương trình.
Điều 19. Cơ quan quản lý Chương trình
1. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, thống nhất quản lý Chương trình thông qua việc tổ chức triển khai các dự án và các hoạt động chung của Chương trình.
a) Trình Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phê duyệt chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Chương trình, chuẩn bị nội dung và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình. Tổ chức triển khai các hoạt động chung của Chương trình;
b) Đề xuất thành lập và tổ chức các cuộc họp Hội đồng thẩm định để đánh giá hồ sơ dự án; đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án thuộc Chương trình;
c) Xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí hoạt động chung hằng năm của Chương trình; tổng hợp dự toán kinh phí của Chương trình; tổng hợp quyết toán kinh phí hằng năm của Chương trình trình Ban Chỉ đạo Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ; đề xuất việc điều chỉnh nội dung, thời gian, kinh phí của các dự án, hoạt động chung của Chương trình trong trường hợp cần thiết;
d) Chuẩn bị hợp đồng thực hiện dự án và ký hợp đồng thực hiện dự án đối với các dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký hợp đồng thực hiện dự án đối với các dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền bộ, ngành, địa phương quản lý;
đ) Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý và tham gia kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất dự án đo Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền bộ, ngành, địa phương quản lý khi cần thiết;
e) Đầu mối tiếp nhận, tổng hợp đề xuất, kiến nghị từ các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án thuộc Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý và những vấn đề có liên quan đến xây dựng, quản lý, hoạt động của Chương trình.
Những quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Văn phòng Chương trình do Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.
Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Khoa học và Công nghệ
1. Chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện Chương trình theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
2. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia, thực hiện Chương trình.
3. Tổng hợp danh mục dự án, thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ dự án, quyết định phê duyệt các dự án và quyết định phân cấp quản lý dự án theo quy định tại
4. Thẩm định nội dung và dự toán kinh phí nhiệm vụ của Chương trình; phê duyệt nội dung, kinh phí hỗ trợ cho các dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý, nội dung, kinh phí cho hoạt động chung của Chương trình.
5. Thẩm định nội dung và mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương đối với các dự án ủy quyền bộ, ngành, địa phương quản lý.
6. Kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của Chương trình; phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án thuộc Chương trình.
7. Thẩm tra, quyết toán kinh phí của các dự án thuộc Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý và kinh phí hoạt động chung của Chương trình.
8. Phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị bằng kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương của các dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý theo quy định hiện hành.
9. Điều chỉnh mục tiêu, nội dung, hạng mục kinh phí và tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý đã được phê duyệt, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng khi cần thiết, xử lý các vấn đề tài chính của các dự án bị đình chỉ hoặc hủy bỏ.
11. Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả và tổng kết Chương trình.
Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Chương trình
1. Cụ thể hóa mục tiêu và nội dung của Chương trình đã được xác định tại Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ để làm căn cứ cho việc lựa chọn và bố trí các dự án thuộc Chương trình vào thực hiện trong kế hoạch hàng năm.
2. Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, tổ chức các hoạt động chung của Chương trình.
3. Tổ chức phối hợp lồng ghép các hoạt động khoa học và công nghệ thuộc phạm vi Chương trình với các chương trình và dự án khác có liên quan.
4. Chỉ đạo cơ quan chủ quản dự án tổ chức thực hiện đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ và kinh phí đã được phê duyệt.
5. Giúp Bộ Khoa học và Công nghệ đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện, đánh giá, nghiệm thu, tổng kết các dự án. Đề xuất xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Chương trình.
6. Đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ các hình thức khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích và đề xuất các biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức, quản lý và thực hiện Chương trình.
Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành
1. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ, ngành đăng ký tham gia Chương trình.
2. Tổng hợp hồ sơ dự án và danh mục các dự án đăng ký tham gia Chương trình của các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ, ngành và đề xuất được ủy quyền quản lý đối với các dự án thuộc danh mục gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ.
3. Quản lý, tổ chức thực hiện các dự án được ủy quyền quản lý theo đúng mục tiêu, nội dung của Chương trình.
4. Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án.
5. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong tổ chức, theo dõi và giám sát việc thực hiện các dự án của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ, ngành.
6. Định kỳ 6 tháng, hằng năm tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện dự án của các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ, ngành gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Tổng hợp hồ sơ dự án và danh mục các dự án tại địa phương (theo mẫu tại Phụ lục III kèm Thông tư này) và đề xuất được ủy quyền quản lý đối với các dự án thuộc danh mục gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.
2. Chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố và các sở, ban ngành có liên quan tổ chức thực hiện các dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và ủy quyền quản lý theo đúng mục tiêu, nội dung của Chương trình.
3. Bố trí kinh phí thuộc ngân sách địa phương để triển khai các dự án Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý và kinh phí cho hoạt động quản lý Chương trình ở địa phương.
4. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân thực hiện dự án thuộc Chương trình.
Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Khoa học và Công nghệ
1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố:
a) Nhận hồ sơ dự án tại địa phương; xem xét, đánh giá và tổng hợp danh mục dự án trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố;
b) Ký hợp đồng, nghiệm thu, đánh giá và thanh lý hợp đồng đối với các dự án Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền địa phương quản lý;
c) Đôn đốc và hướng dẫn xây dựng báo cáo hằng năm, báo cáo giữa kỳ và báo cáo tổng kết kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình.
2. Định kỳ 6 tháng, 01 năm chủ trì hoặc phối hợp với Văn phòng Chương trình và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền địa phương quản lý; đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện các dự án thuộc Chương trình.
3. Tổ chức sơ kết và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền địa phương quản lý.
4. Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khen thưởng đối với các tổ chức và cá nhân có thành tích nổi bật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và đề xuất biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định.
5. Phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan xây dựng các cơ chế để hỗ trợ việc duy trì, phát triển và tổ chức thực hiện nhân rộng kết quả các dự án trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.
6. Lưu giữ hồ sơ, tài liệu của các nhiệm vụ theo quy định.
Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án
1. Nhiệm vụ chung
a) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định, gồm:
- Báo cáo tình hình thực hiện dự án định kỳ 6 tháng;
- Báo cáo khối lượng công việc đã thực hiện hàng năm và quyết toán kinh phí hằng năm của dự án để làm cơ sở cho việc cấp tiếp kinh phí;
- Xây dựng hồ sơ đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện dự án theo quy định;
- Báo cáo quyết toán kinh phí của dự án.
b) Bàn giao kết quả và sản phẩm của dự án theo quy định;
c) Chịu sự giám sát và kiểm tra tình hình thực hiện dự án, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với các dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý) và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với các dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền bộ, ngành, địa phương quản lý), Ban Chỉ đạo Chương trình và Văn phòng Chương trình.
2. Nhiệm vụ cụ thể:
a) Thực hiện nội dung dự án theo đúng hợp đồng đã ký và thuyết minh được phê duyệt; thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí, vật tư, tài sản và quyết toán kinh phí của dự án theo đúng quy định;
b) Trên cơ sở kế hoạch đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện việc mua sắm vật tư, thiết bị theo đúng quy định của pháp luật;
c) Huy động các nguồn vốn khác để cùng với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước bảo đảm thực hiện dự án;
d) Đánh giá tình hình thực hiện dự án và khối lượng công việc thực hiện dự án theo định kỳ 06 tháng và hàng năm.
Điều 26. Xử lý các vấn đề phát sinh
1. Trong quá trình thực hiện, nếu xuất hiện một trong những trường hợp sau thì Bộ Khoa học và Công nghệ và các bên tham gia hợp đồng chủ trì thực hiện dự án có quyền đưa ra kiến nghị điều chỉnh, đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng:
a) Do ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh dẫn đến tổ chức, cá nhân không thể tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng;
b) Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ không bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí và các điều kiện khác để thực hiện như đã cam kết trong hợp đồng;
c) Tổ chức, cá nhân không đủ năng lực tổ chức quản lý và thực hiện các nội dung nhiệm vụ theo hợp đồng;
d) Sử dụng kinh phí của nhiệm vụ sai mục đích và không đảm bảo hiệu quả.
2. Tổ chức, cá nhân bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng phải ngừng mọi hoạt động và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ bằng văn bản về những công việc đã triển khai, kinh phí đã sử dụng, trang thiết bị máy móc đã mua sắm. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng dự án, nhiệm vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét quyết định.
Thông tư 19/2013/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm do Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 4. Phân cấp quản lý dự án thuộc Chương trình
- Điều 5. Nguyên tắc chung trong việc giao thực hiện dự án thuộc Chương trình
- Điều 6. Các dự án hỗ trợ thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ
- Điều 7. Các dự án hỗ trợ hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ
- Điều 8. Các dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
- Điều 9. Các dự án hỗ trợ tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm
- Điều 10. Các dự án phục vụ công tác quản lý Chương trình
- Điều 11. Thông báo các dự án thuộc Chương trình
- Điều 12. Đề xuất, giao và thực hiện dự án
- Điều 13. Hồ sơ dự án
- Điều 14. Đánh giá hồ sơ dự án
- Điều 15. Quyết định giao chủ trì thực hiện dự án
- Điều 16. Công bố danh sách dự án
- Điều 17. Kí hiệu dự án thuộc Chương trình
- Điều 18. Nội dung, phương thức quản lý Chương trình
- Điều 19. Cơ quan quản lý Chương trình
- Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Khoa học và Công nghệ
- Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Chương trình
- Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành
- Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Khoa học và Công nghệ
- Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án
- Điều 26. Xử lý các vấn đề phát sinh