Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 183/2013/TT-BQP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong Quân đội và vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý đầu tư vào doanh nghiệp

Chương II

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP THỰC HIỆN CÁC QUYỀN, TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ CỦA BỘ QUỐC PHÒNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP QUÂN ĐỘI LÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN 100% VỐN NHÀ NƯỚC

Mục 1. QUYỀN, TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

Điều 5. Các quyền, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Đối với Tập đoàn kinh tế nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng quản lý

a) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản. Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước; chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác;

b) Trình Chính phủ ban hành Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ;

c) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ;

d) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc công ty;

đ) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm;

e) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật thành viên Hội đồng thành viên, Phó tổng giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành và trả lương cho chức danh Kiểm soát viên chuyên ngành;

g) Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng đơn vị hàng năm, danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hằng năm và thông báo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, giám sát;

h) Phê duyệt chủ trương góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của tập đoàn kinh tế nhà nước tại các doanh nghiệp; việc tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết;

i) Phê duyệt chủ trương vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại Điều lệ tập đoàn; phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của tập đoàn kinh tế nhà nước và đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận;

k) Quyết định lương của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành, quỹ lương hằng năm của Hội đồng thành viên sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

l) Chấp thuận để Hội đồng thành viên phê duyệt báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ;

m) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đê án tổng thể sắp xếp, đổi mới tập đoàn kinh tế nhà nước.

2. Đối với công ty do Bộ Quốc phòng quyết định thành lập

a) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp quân đội;

b) Quyết định thành lập công ty sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án;

c) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác của công ty;

d) Quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và ngành, nghề kinh doanh của công ty;

đ) Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty;

e) Tổ chức thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể;

g) Quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của công ty sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính;

h) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kiểm soát viên và trả lương cho chức danh Kiểm soát viên;

i) Phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh; kế hoạch xây dựng đơn vị hàng năm; danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B;

k) Phê duyệt chủ trương góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của công ty tại các doanh nghiệp; phê duyệt việc tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết;

l) Phê duyệt chủ trương vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại Điều lệ công ty; phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của công ty và đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận;

m) Quyết định lương của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kiểm soát viên do mình bổ nhiệm; quỹ lương hằng năm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

n) Chấp thuận để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt báo cáo tài chính hằng năm, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ;

o) Thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của công ty. Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Đánh giá đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong việc quản lý, điều hành công ty.

Điều 6. Nghĩa vụ của Bộ Quốc phòng

1. Đầu tư đủ vốn điều lệ cho công ty.

2. Tuân thủ Điều lệ công ty.

3. Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty; xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu nhà nước và tài sản của công ty.

4. Tuân thủ pháp luật khi phê duyệt chủ trương đầu tư, mua, bán tài sản và hợp đồng vay, cho vay của công ty.

5. Bảo đảm quyền kinh doanh theo pháp luật của công ty.

6. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục 2. PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP THỰC HIỆN CÁC QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

Điều 7. Quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này và các quyền, trách nhiệm sau đối với công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng:

1. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kiểm soát viên và trả lương cho chức danh Kiểm soát viên.

2. Phê duyệt quy chế hoạt động của Kiểm soát viên tại công ty.

3. Quyết định lương của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kiểm soát viên do mình bổ nhiệm; quỹ lương hằng năm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trên cơ sở ý kiến thẩm định của Cục Kinh tế.

4. Chấp thuận để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt báo cáo tài chính hằng năm, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ trên cơ sở ý kiến thẩm định của Cục Tài chính.

5. Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh; kế hoạch xây dựng đơn vị hàng năm.

Điều 8. Quyền, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng

Đơn vị cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng là cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp quân đội do mình quản lý, có các quyền, trách nhiệm sau đây:

1. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định:

a) Thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;

b) Đề án thành lập công ty 100% vốn nhà nước; chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác;

c) Ban hành điều lệ, sửa đổi và bổ sung điều lệ của công ty;

đ) Mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của công ty;

đ) Phê duyệt chiến lược phát triển, xây dựng đơn vị, danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hằng năm của công ty và thông báo Cục Kinh tế, Cục Kế hoạch và Đầu tư, Cục Tài chính để tổng hợp, giám sát;

e) Việc góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của công ty tại các doanh nghiệp khác; việc tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết;

g) Thay đổi người đại diện theo pháp luật tại công ty;

h) Chủ trương vay, cho vay, mua, bán tài sản cố giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại Điều lệ công ty.

2. Phê duyệt quy chế hoạt động của Kiểm soát viên tại công ty.

3. Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị hàng năm của công ty báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Kinh tế).

4. Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành và trả lương cho chức danh Kiểm soát viên chuyên ngành.

5. Quyết định lương của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc. Giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành do cấp mình bổ nhiệm, quỹ lương hằng năm của công ty và báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Kinh tế).

6. Thẩm định và chấp thuận để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.

7. Xây dựng và báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do mình quản lý.

8. Thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của công ty do mình quản lý. Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Đánh giá đối với Chủ tịch Công ty và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên chuyên ngành, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng trong việc quản lý, điều hành công ty.

Điều 9. Quyền, trách nhiệm của Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng

1. Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp quân đội, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội. Tổng hợp và hoàn chỉnh Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chủ trương thành lập doanh nghiệp quân đội là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (bao gồm cả công ty con trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Trình Bộ Tổng tham mưu (qua Cục Quân lực) thẩm định báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản đối với doanh nghiệp quân đội là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (bao gồm cả công ty con trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con).

4. Trình Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần có vốn góp của công ty (bao gồm cả công ty con trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con).

5. Trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

a) Quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty;

b) Ban hành điều lệ công ty;

c) Ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng;

d) Quyết định việc thay đổi người đại diện theo pháp luật tại công ty;

đ) Quyết định việc bổ sung hoặc cắt giảm ngành, nghề kinh doanh của công ty;

e) Quy định chuyển công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần;

g) Quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng đối với công ty;

h) Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị hàng năm các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng;

i) Phê duyệt chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn của công ty;

k) Việc tiếp nhận công ty con, công ty liên kết của công ty;

l) Quyết định xếp hạng công ty.

6. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất theo yêu cầu, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tình hình hoạt động của công ty.

7. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao, chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng thực hiện giám sát, kiểm tra các mặt hoạt động của công ty.

8. Thẩm định báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định lương của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kiểm soát viên; quỹ lương hằng năm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty tại các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng.

9. Có ý kiến với cơ quan Bộ Quốc phòng và đơn vị cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty; việc tăng giảm vốn điều lệ, đầu tư mua, bán, thanh lý tài sản, chấp hành Điều lệ doanh nghiệp, quy chế hoạt động của Kiểm soát viên, việc tổ chức, sắp xếp lại, giải thể, phá sản và thành lập các công ty con, công ty liên kết và các vấn đề có liên quan đến tổ chức, hoạt động của công ty.

Điều 10. Quyền, trách nhiệm của Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng

1. Trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ; chế độ quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; chế độ báo cáo và công khai tài chính; cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện đối với công ty.

2. Trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc theo thẩm quyền quyết định mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của công ty sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ Tài chính.

3. Căn cứ theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, xây dựng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện Kế toán trưởng của công ty.

4. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tình hình tài chính của công ty.

5. Thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế tài chính của công ty.

6. Chủ trì công tác quyết toán tài chính hàng năm của công ty; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của công ty.

7. Thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc thanh lý tài sản, vay, cho vay, việc nắm giữ tăng, giảm, thoái vốn tại doanh nghiệp khác của công ty.

8. Chủ trì, phối hợp với Cục Kinh tế cùng với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thuộc Bộ Tài chính thực hiện các nội dung quản lý tài chính có liên quan khi bàn giao các doanh nghiệp từ Bộ Quốc phòng về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

9. Có ý kiến đối với các vấn đề:

a) Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội trước khi trình Quân ủy Trung ương và Thủ tướng Chính phủ;

b) Việc thành lập công ty con 100% vốn nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ;

c) Đề án thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý;

d) Việc đầu tư tăng năng lực của công ty, việc tiếp nhận công ty con, công ty liên kết.

Điều 11. Quyền, trách nhiệm của Cục Kế hoạch và Đầu tư/Bộ Quốc phòng

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng thực hiện hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các hoạt động đầu tư tăng năng lực và thương mại quân sự của công ty.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt danh mục các dự án nhóm A, B, các dự án đầu tư phát triển thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng tại công ty.

3. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tiến độ và kết quả thực hiện các dự án nhóm A, B và các dự án đầu tư phát triển thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã phê duyệt đối với công ty.

4. Có ý kiến tham gia đối với các vấn đề:

a) Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội trước khi trình Quân ủy Trung ương và Thủ tướng Chính phủ;

b) Việc thành lập công ty con 100% vốn nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ của các công ty;

c) Đề án thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý;

d) Chủ trương góp vốn, nắm giữ, tăng giảm vốn của Tập đoàn kinh tế giao cho Bộ Quốc phòng quản lý và các công ty;

đ) Chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị của các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng;

e) Việc đầu tư tăng năng lực của công ty, việc tiếp nhận công ty con, công ty liên kết và các nội dung quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, Điều 9 của Thông tư này.

Điều 12. Quyền, trách nhiệm của Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng những nội dung về cán bộ và công tác cán bộ. Hướng dẫn thực hiện công tác cán bộ theo Quy chế công tác cán bộ của Quân ủy Trung ương và các hướng dẫn của Tổng cục Chính trị.

2. Có ý kiến đối với các vấn đề:

a) Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội trước khi trình Quân ủy Trung ương và Thủ tướng Chính phủ;

b) Việc thành lập công ty con 100% vốn nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ của các công ty thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Đề án thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý;

d) Dự thảo điều lệ tổ chức, hoạt động và quy chế kiểm soát viên công ty.

Điều 13. Quyền, trách nhiệm của Cục Quân lực/Bộ Tổng tham mưu

1. Trình Bộ Tổng tham mưu thẩm định, báo cáo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp quân đội trình Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội thuộc khối sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị.

2. Trình Bộ Tổng tham mưu thẩm định báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định:

a) Thành lập các doanh nghiệp quân đội là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (bao gồm cả công ty con trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con) sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.

b) Tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản đối với công ty (bao gồm cả công ty con trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con) sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương.

c) Thành lập các xí nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp quân đội là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

3. Có ý kiến đối với các vấn đề:

a) Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội trước khi trình Quân ủy Trung ương và Thủ tướng Chính phủ;

b) Việc thành lập công ty con 100% vốn nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ của các công ty thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Đề án thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý;

d) Dự thảo điều lệ tổ chức, hoạt động của công ty, ngành nghề kinh doanh, việc mua, bán, thanh lý tài sản và quy chế kiểm soát viên công ty.

Điều 14. Quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty

Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty, có các quyền, trách nhiệm sau đây:

1. Tổ chức thực hiện các quyết định của chủ sở hữu, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của công ty sau khi đề nghị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm của công ty sau khi đề nghị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đề nghị cấp có thẩm quyền việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc công ty, Kế toán trưởng công ty.

5. Đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản công ty.

6. Sau khi được đồng ý về chủ trương của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền Đề án góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của công ty tại các doanh nghiệp khác; việc tiếp nhận công ty con, công ty liên kết.

7. Cử Người đại diện phần vốn góp của công ty tại doanh nghiệp khác; giao nhiệm vụ cho Người đại diện phần vốn góp của công ty theo quy định của pháp luật và của Bộ Quốc phòng.

8. Quyết định hoặc ủy quyền Tổng giám đốc, Giám đốc quyết định dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, mua, bán tài sản trong phạm vi thẩm quyền được quy định tại Điều lệ công ty, các quy định của pháp luật và của Bộ Quốc phòng.

9. Đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài.

10. Thực hiện việc thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác sau khi đề nghị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

11. Quy định các quy chế quản lý nội bộ của công ty. Phê duyệt báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

12. Quyết định lương đối với các chức danh do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm.

13. Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ của công ty.

14. Thực hiện Quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đối với công ty con 100% vốn nhà nước:

a) Quyết định mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Phê duyệt Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ;

c) Đề nghị mức vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của công ty;

d) Đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kiểm soát viên;

đ) Phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm;

e) Phê duyệt chủ trương vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ của công ty;

g) Phê duyệt báo cáo tài chính hằng năm, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.

15. Thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tổng thể.

16. Định kỳ hằng quý hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (qua Cục Kinh tế) về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hoặc những việc đột xuất xảy ra liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị.

17. Chịu trách nhiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật và các quyết định của Bộ Quốc phòng; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo kịp thời cho Bộ Quốc phòng về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không bảo đảm khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao hoặc những trường hợp sai phạm khác.

Mục 3. PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP THỰC HIỆN NGHĨA VỤ CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

Điều 15. Nghĩa vụ đầu tư đủ vốn điều lệ

1. Bộ Quốc phòng có nghĩa vụ đầu tư đủ vốn điều lệ đối với công ty. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của tập đoàn nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng quản lý.

2. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty có nghĩa vụ đầu tư đủ vốn điều lệ đối với công ty con 100% vốn do mình quản lý.

Điều 16. Nghĩa vụ tuân thủ Điều lệ công ty

Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu có nghĩa vụ tuân thủ Điều lệ công ty và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định không đúng thẩm quyền.

Điều 17. Nghĩa vụ về các khoản nợ và tài sản khác

1. Bộ Quốc phòng có nghĩa vụ về các khoản nợ và tài sản khác trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

2. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty phải quản lý và điều hành công ty bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác; xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu và tài sản của công ty.

3. Giám sát, kiểm tra, đánh giá các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của các công ty thuộc Bộ Quốc phòng. Đơn vị cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng giám sát, kiểm tra, đánh giá các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty được Bộ Quốc phòng giao quản lý. Trường hợp phát hiện công ty gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng và Đơn vị cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng yêu cầu và chỉ đạo công ty có để án khắc phục và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cục Tài chính định kỳ hằng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tình hình các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

4. Khi công ty lâm vào tình trạng phá sản, Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng, Đơn vị cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng chỉ đạo Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty thực hiện thủ tục yêu cầu phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Điều 18. Nghĩa vụ trong phê duyệt chủ trương đầu tư, mua, bán tài sản và hợp đồng vay, cho vay

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu có nghĩa vụ thực hiện đúng thẩm quyền, đúng pháp luật khi phê duyệt chủ trương đầu tư, mua, bán tài sản, hợp đồng vay, cho vay của công ty; giám sát thực hiện các quyết định và phê duyệt của mình.

2. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty phải thực hiện dự án đầu tư, mua, bán tài sản, hợp đồng vay, cho vay của công ty theo đúng chủ trương phê duyệt và quy định của pháp luật.

Điều 19. Nghĩa vụ bảo đảm quyền kinh doanh theo pháp luật của công ty

Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu có nghĩa vụ bảo đảm quyền kinh doanh theo pháp luật của công ty; bảo đảm để Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc chủ động quản lý, điều hành có hiệu quả công ty theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Thông tư 183/2013/TT-BQP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong Quân đội và vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý đầu tư vào doanh nghiệp

  • Số hiệu: 183/2013/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/10/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Hữu Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH