Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 180-BT | Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 1978 |
Trong Chỉ thị 252-CP của Hội đồng Chính phủ đã nói rõ những việc phải làm của các ngành và các địa phương trong cuộc vận động đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Hội đồng Chính phủ đã phân công một số thành viên của Hội đồng đi các địa phương để truyền đạt nội dung của chỉ thị và hướng dẫn công tác cho các ngành và địa phương bị bão lụt.
Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về huy động một phần ba (1/3) cán bộ, công nhân, nhân viên đi tham gia sản xuất lương thực và giúp địa phương khắc phục hậu quả sau bão lụt; Phủ thủ tướng hướng dẫn một số vấn đề như sau:
- Các cơ quan, đơn vị ở trung ương cần sắp xếp lại bộ máy bảo đảm công việc, đồng thời rút được cán bộ tăng cường cho ngành mình ở cấp huyện; các Bộ cần làm việc trực tiếp với các tỉnh để có thể đưa một số cán bộ ở Bộ về làm việc ở tỉnh để tỉnh rút được cán bộ có năng lực và am hiểu tình hình địa phương đưa về huyện công tác.
- Các cơ quan thuộc các ngành ở trung ương và địa phương cũng như các đơn vị sản xuất ở cơ sở cần cải tiến cách làm việc, giảm giấy tờ, bớt hội họp, bỏ những thủ tục gây phiền hà, tăng hiệu suất công tác để bảo đảm cả phần việc của những người về địa phương công tác hoặc đi tham gia sản xuất. Ở mỗi cơ quan cần chọn một số người hiểu biết sản xuất nông nghiệp, có tổ chức đứng ra liên hệ với địa phương nào thuận tiện nhất để mượn đất làm rau, màu. Mỗi cơ quan cần có kế hoạch bố trí cán bộ, công nhân, viên chức cho thích hợp, vừa tận dụng được lao động để sản xuất lương thực, rau màu có kết quả, vừa bảo đảm công việc cơ quan; có thể phân công một số người trông nom, chăm sóc thường xuyên nơi sản xuất và huy động cán bộ, công nhân, viên chức đi làm đất, trồng cấy, thu hoạch theo mùa vụ; nơi có điều kiện rút ra được nhiều người có thể tổ chức khai hoang ở xa, lập trại, tăng gia cố định để sản xuất rau màu, chăn nuôi gia súc. Các cơ quan, đơn vị cũng có thể liên hệ với các hợp tác xã, nông trường để sử dụng nhân lực có thể động viên được của cơ quan, đơn vị mình vào việc mở rộng thêm diện tích gieo cấy của hợp tác xã, nông trường.
Đối với các hình thức tham gia sản xuất của công nhân, viên chức, kết quả sản xuất được coi như phần tự cải thiện của đơn vị, góp phần giảm bớt khó khăn về lương thực, thực phẩm, Nhà nước không thu mua. Trường hợp thu hoạch được nhiều lương thực, thì động viên anh chị em tự nguyện rút bớt một phần lương thực do Nhà nước cung cấp. Các gia đình hay cá nhân cán bộ, công nhân, viên chức tận dụng đất đai tại nơi ở hoặc nơi làm việc để sản xuất rau, màu đều được khuyến khích và được hưởng toàn bộ kết quả lao động của mình.
– Qua phong trào tham gia lao động sản xuất nếu địa phương có yêu cầu, bản thân cán bộ, nhân viên muốn chuyển về địa phương thì cơ quan, đơn vị cần tạo mọi điều kiện dễ dàng để anh chị em về cơ sở công tác; tiền lương, các khoản phụ cấp và các chế độ khám và chữa bệnh, nghỉ phép… của anh chị em vẫn được giữ nguyên.
Các cơ quan Nhà nước theo chức năng của mình phối hợp với các tỉnh mà kiện toàn tổ chức bộ máy cũng như công tác chuyên môn ở các huyện kể trên, đặc biệt là các cơ quan sau đây cần tập trung cán bộ và chỉ đạo thật tốt công việc của ngành mình ở cấp huyện:
- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước,
- Bộ Tài chính,
- Ngân hàng Nhà nước,
- Bộ Nông nghiệp,
- Bộ Thủy lợi,
- Bộ Lâm nghiệp,
- Bộ Hải sản,
- Bộ Vật tư,
- Bộ Nội thương,
- Bộ Lương thực và thực phẩm,
- Bộ Giao thông vận tải,
- Bộ Xây dựng.
Các Bộ và Tổng cục cần phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh sắp xếp tổ chức bảo đảm kiện toàn bộ máy Nhà nước ở các huyện kể trên để có điều kiện hoạt động được tốt; chú ý bố trí cán bộ có năng lực vào các cương vị chủ tịch, phó chủ tịch thường trực, các phó chủ tịch phụ trách kế hoạch, nông nghiệp, công nghiệp và tài chính, thương nghiệp.
Ngoài số cán bộ được chọn ở cơ quan trung ương đi, các ngành cần sắp xếp lại các cơ quan của mình tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại Quảng Nam – Đà Nẵng (hiện nay quá đông và gây thêm phiền hà, cách bức trong công việc), kiên quyến rút bớt và chuyển hẳn một số cán bộ đưa về tăng cường cho các địa phương và cơ sở để cho sự chỉ đạo của ngành được thông suốt, tránh quan liêu, lãng phí. Những cơ quan nào của các ngành trung ương cần đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và Quãng Nam – Đà Nẵng phải báo cáo được Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho phép và tổ chức phải hợp lý, gọn nhẹ.
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chỉ giải quyết nhà ở và cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, nhiên liệu cho những cơ quan nào của các ngành ở trung ương được phép của Thường vụ Hội đồng Chính phủ đặt tại đó.
Các đồng chí thủ trưởng các ngành ở trung ương cần trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp lại tổ chức theo nghị quyết trung ương lần thứ IV và chỉ thị số 33 về xây dựng cấp huyện của Bộ Chính trị kế hợp với việc thi hành chỉ thị của Hội đồng Chính phủ lần này, động viên nhiệt tình cách mạng của anh chỉ em trước khi đưa đi sản xuất và công tác ở địa phương, đồng thời liên hệ chặt chẽ với các tỉnh đề theo dõi kết quả và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong khi thực hiện.
Văn phòng Phủ thủ tướng sẽ chủ trì cùng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế và Ban tổ chức của Chính phủ tổ chức việc theo dõi cải tiến tổ chức, tinh giản biên chế ở các cơ quan cũng như việc đưa cán bộ về giúp các địa phương.
BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG |
Thông tư 180-BT-1978 hướng dẫn việc đưa cán bộ, công nhân, nhân viên về giúp địa phương kiện toàn tổ chức và tham gia sản xuất nông nghiệp theo Chỉ thị 252-CP-1978 do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 180-BT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 14/10/1978
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Vũ Tuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: 29/10/1978
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra