Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 180/2019/TT-BQP quy định về trình tự, thủ tục đề xuất, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng trong Bộ Quốc phòng

Chương IV

XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ ĐẶT HÀNG CẤP BỘ QUỐC PHÒNG

Điều 15. Trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ Quốc phòng

1. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, kế hoạch công tác khoa học và công nghệ (hoặc hướng dẫn của Cục Khoa học quân sự), các cơ quan, đơn vị gửi công văn đề nghị kèm theo đề xuất nhiệm vụ đặt hàng năm sau về Bộ Quốc phòng (qua Cục Khoa học quân sự) trước ngày 01 tháng 01 hằng năm. Đề xuất đặt hàng được thực hiện theo mẫu quy định kèm theo Thông tư này như sau:

a) Đề xuất nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ Quốc phòng của các cơ quan, đơn vị trực tiếp ứng dụng kết quả nghiên cứu (gọi tắt là đề xuất ứng dụng), gồm: Đề tài khoa học và công nghệ theo Mẫu M1-ĐXƯD; dự án sản xuất thử nghiệm theo Mẫu M2-ĐXƯD; đề án khoa học hoặc dự án khoa học và công nghệ theo Mẫu M3-ĐXƯD.

b) Đề xuất nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ Quốc phòng của các cơ quan, đơn vị không trực tiếp ứng dụng kết quả nghiên cứu (gọi tắt là đề xuất nghiên cứu), gồm: Đề tài khoa học và công nghệ theo Mẫu M4-ĐXNC; dự án sản xuất thử nghiệm theo Mẫu M5-ĐXNC; đề án khoa học hoặc dự án khoa học và công nghệ theo Mẫu M6-ĐXNC.

2. Cục trưởng Cục Khoa học quân sự có trách nhiệm tham mưu đề xuất nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ Quốc phòng theo chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và yêu cầu thực tiễn của Quân đội.

3. Đề xuất nhiệm vụ đặt hàng quy định tại Điểm b Khoản 1, Khoản 2 của Điều này được Cục Khoa học quân sự gửi đến các cơ quan, đơn vị có khả năng ứng dụng và nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu để lấy ý kiến, cam kết chịu trách nhiệm ứng dụng.

4. Trên cơ sở đề xuất quy định tại Điểm a Khoản 1 và kết quả xin ý kiến quy định tại Khoản 3 của Điều này, Cục Khoa học quân sự lựa chọn, tổng hợp lập danh sách các nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ Quốc phòng đáp ứng căn cứ quy định tại Điều 4, nguyên tắc quy định tại Điều 5, các yêu cầu quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Thông tư này.

5. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có cam kết của đơn vị ứng dụng, Cục Khoa học quân sự tổ chức Hội đồng tư vấn đối với các nhiệm vụ trong danh sách đã được tổng hợp để xây dựng Danh mục nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ Quốc phòng, gửi xin ý kiến cơ quan chức năng và hội đồng khoa học chuyên ngành trước khi trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

6. Danh mục nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ Quốc phòng được trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt để giao trực tiếp hoặc tuyển chọn các cơ quan, đơn vị có đủ năng lực triển khai thực hiện.

Điều 16. Nội dung đề xuất nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ quốc phòng

1. Nội dung đề xuất nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ Quốc phòng được thể hiện tại các mẫu biểu quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Thông tư này gồm: Tên gọi, và 02 mục: “Mục tiêu” và “Yêu cầu đối với kết quả”, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quy định tại các Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Thông tư này.

2. Mục “Mục tiêu” nêu rõ các mục tiêu cần đạt được của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

3. Mục “Yêu cầu đối với kết quả” tùy theo từng loại hình nhiệm vụ khoa học và công nghệ các yêu cầu này được thể hiện như sau:

a) Đối với đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ: Các yêu cầu về thông số kỹ thuật, số lượng, chất lượng hoặc chỉ tiêu định lượng, định tính cụ thể của sản phẩm tạo ra; về công nghệ hoặc sản phẩm ở giai đoạn tạo sản phẩm mẫu; về phương án phát triển công nghệ hoặc sản phẩm khoa học công nghệ trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm.

b) Đối với đề tài nghiên cứu về Khoa học nghệ thuật quân sự, Khoa học xã hội và nhân văn quân sự: Kết quả đảm bảo tạo ra được luận cứ khoa học, giải pháp kịp thời để giải quyết vấn đề thực tiễn về nghệ thuật quân sự; hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội; hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối quân sự của Đảng, chính sách quốc phòng - an ninh của Nhà nước.

c) Đối với dự án sản xuất thử nghiệm: Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cần đạt của sản phẩm và quy mô sản xuất thử nghiệm.

d) Đối với đề án khoa học, dự án khoa học và công nghệ: Các sản phẩm khoa học công nghệ cùng với các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương ứng đảm bảo sự gắn kết và tính đồng bộ theo quy trình sản xuất hoặc chuỗi thời gian.

Điều 17. Hội đồng tư vấn

1. Cục trưởng Cục Khoa học quân sự quyết định thành lập Hội đồng tư vấn theo chuyên ngành khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực nhiệm vụ đặt hàng.

2. Hội đồng tư vấn có từ 07 đến 09 thành viên, gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, ít nhất 02 ủy viên phản biện và các thành viên là các chuyên gia khoa học và công nghệ, hoặc cán bộ quản lý có kinh nghiệm thực tiễn thuộc các ngành, lĩnh vực đề xuất. Ủy viên phản biện là những chuyên gia có chuyên môn sâu cho mỗi đề xuất nhiệm vụ đặt hàng. Cục Khoa học quân sự cử một cán bộ quản lý làm thư ký hành chính để giúp Hội đồng tư vấn chuẩn bị tài liệu và tổ chức các phiên họp Hội đồng.

3. Đối với nhiệm vụ đặt hàng phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, đơn vị, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự có thể quyết định số lượng, thành phần Hội đồng tư vấn nhiều hơn quy định tại Khoản 2 Điều này đảm bảo phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể.

4. Hội đồng có thể tư vấn cho một hoặc một số đề xuất nhiệm vụ đặt hàng trong cùng lĩnh vực hoặc chuyên ngành khoa học và công nghệ.

Điều 18. Phương thức làm việc của Hội đồng tư vấn

1. Hội đồng tư vấn làm việc bằng các phiên họp. Phiên họp của Hội đồng tư vấn phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên, trong đó phải có chủ tịch hoặc phó chủ tịch được chủ tịch Hội đồng tư vấn ủy quyền, 01 ủy viên phản biện.

2. Trước phiên họp Hội đồng tư vấn ít nhất 07 ngày làm việc, thư ký hành chính phải gửi tài liệu đến các thành viên Hội đồng tư vấn. Tài liệu gồm:

a) Đề xuất nhiệm vụ đặt hàng.

b) Trích lục quy định tại các Điều 9, 10, 11 và 16 của Thông tư này.

c) Các biểu mẫu, phụ lục cần thiết.

d) Kết quả tra cứu thông tin của các đề tài, dự án có liên quan đã và đang thực hiện theo Mẫu M8-KQTrC ban hành kèm theo Thông tư này.

đ) Tài liệu chuyên môn liên quan khác (nếu có).

3. Các thành viên Hội đồng tư vấn chuẩn bị ý kiến nhận xét, đánh giá đề xuất nhiệm vụ đặt hàng theo mẫu quy định ban hành kèm theo Thông tư này, gửi về thư ký hành chính trước phiên họp của Hội đồng tư vấn một ngày làm việc (đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm: Mẫu M8-TVHĐ; đề án khoa học theo Mẫu M9-TVHĐ; dự án khoa học và công nghệ theo Mẫu M10-TVHĐ).

4. Các ý kiến của thành viên của Hội đồng tư vấn được thư ký hành chính tổng hợp để Hội đồng tư vấn thảo luận. Sau khi thảo luận, Hội đồng tư vấn kết luận. Thành viên Hội đồng tư vấn có thể yêu cầu bảo lưu ý kiến trong trường hợp ý kiến đó khác với kết luận của Hội đồng tư vấn. Thành viên Hội đồng tư vấn chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến của mình và chịu trách nhiệm tập thể về ý kiến kết luận của Hội đồng tư vấn.

5. Hội đồng tư vấn làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Kết luận của Hội đồng tư vấn được thông qua khi trên 3/4 số thành viên có mặt nhất trí bằng hình thức bỏ phiếu kín.

6. Đại diện các cơ quan, đơn vị có đề xuất nhiệm vụ đặt hàng được mời tham dự phiên họp của Hội đồng tư vấn.

Điều 19. Trình tự, thủ tục phiên họp của Hội đồng tư vấn

1. Thư ký hành chính công bố quyết định thành lập Hội đồng tư vấn.

2. Đại diện Cục Khoa học quân sự nêu tóm tắt các yêu cầu đối với Hội đồng tư vấn.

3. Chủ tịch Hội đồng tư vấn chủ trì các phiên họp. Trường hợp chủ tịch Hội đồng tư vấn vắng mặt, ủy quyền bằng văn bản cho phó chủ tịch chủ trì phiên họp.

4. Hội đồng bầu thư ký khoa học, biểu quyết bằng phương pháp giơ tay. Thư ký khoa học được bầu phải có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt tín nhiệm. Thư ký khoa học ghi chép ý kiến thảo luận, kết luận và lập biên bản làm việc của Hội đồng tư vấn theo Mẫu M15-BBHĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Chuyên gia phản biện và Hội đồng tư vấn thảo luận theo các nội dung tương ứng với hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Thông tư này.

6. Hội đồng tư vấn bầu ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên là các thành viên của Hội đồng tư vấn.

7. Các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá đề xuất nhiệm vụ đặt hàng và bỏ phiếu theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu M11-PĐG đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu M12-PĐG đối với đề án khoa học; Mẫu M13-PĐG đối với dự án khoa học và công nghệ. Phiếu đánh giá được đánh dấu “Đề nghị thực hiện” khi tất cả các nội dung trong phiếu đánh giá “đạt yêu cầu” và đánh dấu “Đề nghị không thực hiện” khi một trong các nội dung trong phiếu đánh giá “không đạt yêu cầu”.

8. Ban kiểm phiếu tổng hợp kết quả đánh giá của các thành viên Hội đồng tư vấn theo Mẫu M14-BBKP ban hành kèm theo Thông tư này và công bố công khai kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn. Đề xuất nhiệm vụ đặt hàng được đề nghị thực hiện khi có ít nhất 3/4 số phiếu của thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá “Đề nghị thực hiện”.

9. Đối với đề xuất nhiệm vụ đặt hàng được đề nghị thực hiện, Hội đồng tư vấn kết luận những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các mục của nhiệm vụ đặt hàng theo các nội dung quy định tại Điều 16 của Thông tư này.

10. Đối với đề xuất nhiệm vụ đặt hàng đề nghị không thực hiện, Hội đồng tư vấn thống nhất ý kiến đánh giá về lý do đề nghị không thực hiện.

11. Kết luận của phiên họp Hội đồng tư vấn thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau: Kết quả đánh giá của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng cấp Bộ Quốc phòng Phụ lục 1-BBHĐ; tổng hợp kiến nghị của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng đối với đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm Phụ lục 2-BBHĐ; tổng hợp kiến nghị của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng đối với đề án khoa học và công nghệ Phụ lục 3-BBHĐ; kiến nghị của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng đối với dự án khoa học và công nghệ Phụ lục 4-BBHĐ.

Điều 20. Nội dung thảo luận của Hội đồng tư vấn xác định đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm đặt hàng

1. Tính cấp thiết của việc đề xuất nhiệm vụ.

2. Đóng góp mới; quy mô và tầm quan trọng của vấn đề khoa học đặt ra trong đề xuất nhiệm vụ.

3. Sự trùng lặp của đề tài, dự án với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang thực hiện.

4. Nhu cầu huy động nguồn lực khoa học và công nghệ trong Bộ Quốc phòng cho việc thực hiện.

5. Khả năng huy động được nguồn kinh phí ngoài ngân sách để thực hiện đối với dự án.

6. Khả năng ứng dụng, quản lý kết quả thực hiện.

Điều 21. Nội dung thảo luận của Hội đồng tư vấn xác định đề án khoa học, dự án khoa học và công nghệ đặt hàng

1. Tính cấp thiết và mục tiêu của đề xuất nhiệm vụ đặt hàng.

2. Nhu cầu cần thiết phải huy động nguồn lực của nhà nước và trong Bộ Quốc phòng cho việc thực hiện đề xuất nhiệm vụ đặt hàng.

3. Tính khả thi của đề án khoa học, dự án khoa học và công nghệ thể hiện qua các nội dung đặt ra trong đề xuất nhiệm vụ đặt hàng.

4. Khả năng ứng dụng, quản lý kết quả khi hoàn thành dự án, đề án.

Điều 22. Phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả làm việc của Hội đồng tư vấn, Cục Khoa học quân sự rà soát kết luận đối với nhiệm vụ Hội đồng tư vấn nhất trí đề xuất nhưng các thành viên Hội đồng còn ý kiến chưa thống nhất về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và sản phẩm nghiên cứu. Trường hợp cần thiết Cục Khoa học quân sự có thể lấy ý kiến của 02 đến 03 chuyên gia tư vấn độc lập hoặc thành lập Hội đồng tư vấn khác để xem xét về ý kiến chưa thống nhất.

2. Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng theo từng lĩnh vực được gửi xin ý kiến các hội đồng khoa học quân sự chuyên ngành và cơ quan chức năng trước khi trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Điều 23. Thông báo danh mục nhiệm vụ đặt hàng

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng, Cục Khoa học quân sự thông báo cho các cơ quan, đơn vị có đề xuất đặt hàng và được công bố trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, trừ những nhiệm vụ có độ mật để các cơ quan, đơn vị có đủ năng lực tổ chức triển khai tham gia tuyển chọn.

Thông tư 180/2019/TT-BQP quy định về trình tự, thủ tục đề xuất, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng trong Bộ Quốc phòng

  • Số hiệu: 180/2019/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/12/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bế Xuân Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 983 đến số 984
  • Ngày hiệu lực: 20/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN