Chương 3 Thông tư 17/2019/TT-BYT hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
ĐÁP ỨNG VỚI BỆNH, DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Điều 8. Phòng bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm
Khi chưa có ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm, các đơn vị chịu trách nhiệm đáp ứng trên địa bàn quản lý hành chính được phân công thực hiện các hoạt động dự phòng chủ động như sau:
1. Xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
2. Đánh giá và dự báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm.
3. Kiểm soát nguy cơ.
4. Kiểm tra, giám sát.
Điều 9. Các bước điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm
Trình tự các bước điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm có thể linh hoạt tùy theo tính chất ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm:
1. Chuẩn bị điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm.
2. Xác minh chẩn đoán.
3. Khẳng định sự tồn tại của ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm.
4. Định nghĩa trường hợp bệnh, căn cứ tiêu chuẩn chẩn đoán về lâm sàng, dịch tễ và xét nghiệm để xác định người mắc bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh và trường hợp mắc bệnh đầu tiên.
5. Tiến hành mô tả ổ dịch theo 3 yếu tố thời gian, địa điểm và con người.
6. Xây dựng giả thuyết về ổ dịch, dịch, nguồn lây và tác nhân, phương thức, đường lây truyền, yếu tố trung gian truyền bệnh hoặc véc tơ, sự phơi nhiễm, các yếu tố nguy cơ.
7. Đánh giá và kiểm định giả thuyết.
8. Hoàn thiện giả thuyết và thực hiện nghiên cứu bổ sung.
9. Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát.
10. Thông báo kết quả điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm.
Điều 10. Xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm
Khi có ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm, các đơn vị chịu trách nhiệm đáp ứng trên địa bàn quản lý hành chính được phân công xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, chuẩn bị và tiến hành xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm như sau:
1. Chuẩn bị xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm
a) Nhân lực;
b) Đề xuất hỗ trợ phòng, chống dịch (nếu cần): xác định tuyến sẽ hỗ trợ, cơ sở, phương thức, thời gian, nội dung hỗ trợ của tuyến trên và liên ngành;
c) Thuốc, vắc xin, hoá chất, sinh phẩm, vật tư thu thập đóng gói, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm, trang thiết bị xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm; trang thiết bị cấp cứu và các dụng cụ y tế khác;
d) Chuẩn bị điều kiện đảm bảo phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế, cán bộ tham gia phòng, chống dịch và người tiếp xúc;
đ) Dự toán kinh phí cho điều tra và các hoạt động xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm.
2. Hoạt động xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm
Dựa trên kết quả điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm để lựa chọn các biện pháp xử lý dịch, ổ dịch sau:
a) Xử lý nguồn bệnh: thu dung, điều trị và quản lý các trường hợp mắc bệnh; cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế; điều trị người lành mang mầm bệnh truyền nhiễm; xử lý chất thải của người, động vật, các nguồn truyền nhiễm khác;
b) Xử lý đường truyền bệnh: thực hiện các biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh; vệ sinh môi trường, khử trùng tẩy uế khu vực có ổ dịch, dịch;
c) Bảo vệ người lành tại cộng đồng và người phơi nhiễm tại bệnh viện: vệ sinh, trang bị bảo vệ cá nhân; bảo đảm an toàn thực phẩm; điều trị dự phòng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tiêm vắc xin phòng bệnh; truyền thông nguy cơ và truyền thông giáo dục sức khoẻ cộng đồng;
d) Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch theo quy định hiện hành;
đ) Điều tra dịch tễ và xử lý các trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm.
Điều 11. Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế
Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế bao gồm:
1. Bệnh bạch hầu.
2. Bệnh ho gà.
3. Bệnh sởi.
4. Bệnh rubella.
5. Bệnh than.
6. Bệnh viêm màng não do não mô cầu.
7. Bệnh tay chân miệng.
8. Bệnh thủy đậu.
9. Bệnh quai bị.
Điều 12. Phân công trách nhiệm đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm của các cơ sở y tế
1. Đối với tất cả bệnh truyền nhiễm nhóm C; bệnh truyền nhiễm nhóm B có số mắc thấp (thấp hơn số mắc trung bình của tuần hoặc tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất không tính số liệu của năm có dịch) và chưa có tử vong: Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) chủ động và chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
2. Đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B có số mắc của xã hoặc huyện cao (số mắc vượt quá số mắc trung bình của tuần hoặc tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất, không tính số liệu của năm có dịch) hoặc có trường hợp tử vong: Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) chủ động và chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
3. Đối với tất cả các bệnh truyền nhiễm nhóm A; bệnh truyền nhiễm nhóm B có từ 2 trường hợp tử vong trở lên nghi do cùng một bệnh hoặc cùng một tác nhân gây bệnh trên cùng địa bàn huyện trong vòng một tháng: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) chủ động và chịu trách nhiệm đề nghị Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
4. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có chức năng kiểm dịch y tế quốc tế chịu trách nhiệm điều tra, báo cáo và thực hiện các biện pháp đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực cửa khẩu.
5. Đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát, điều tra, báo cáo, nhận định tình hình, đánh giá nguy cơ bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị và phối hợp với mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng, đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; đồng thời hỗ trợ tuyến dưới trong công tác đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
6. Trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng của đơn vị, địa phương với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, các đơn vị, địa phương báo cáo và đề nghị tuyến trên và cấp quản lý trực tiếp để được hỗ trợ và huy động nguồn lực cho hoạt động phòng, chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
7. Các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thường xuyên theo dõi, nhận định tình hình, đánh giá nguy cơ bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm để kịp thời hỗ trợ tuyến dưới đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng, các Viện, bệnh viện báo cáo Bộ Y tế để chỉ đạo và huy động nguồn lực từ các địa phương, các Ban, ngành, đơn vị khác của Trung ương hoặc các tổ chức quốc tế hỗ trợ.
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; Thông tư số 15/2014/TT-BYT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế; Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Thông tư 17/2019/TT-BYT hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 17/2019/TT-BYT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/07/2019
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Trường Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/09/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 3. Đối tượng giám sát
- Điều 4. Loại hình giám sát
- Điều 5. Địa điểm giám sát
- Điều 6. Nội dung giám sát
- Điều 7. Quy trình giám sát
- Điều 8. Phòng bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm
- Điều 9. Các bước điều tra ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm
- Điều 10. Xử lý ổ dịch, dịch bệnh truyền nhiễm
- Điều 11. Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế
- Điều 12. Phân công trách nhiệm đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm của các cơ sở y tế
- Điều 13. Thông tin, báo cáo
- Điều 14. Trách nhiệm của Cục Y tế dự phòng
- Điều 15. Trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm
- Điều 16. Trách nhiệm của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
- Điều 17. Trách nhiệm của các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế
- Điều 18. Trách nhiệm của Sở Y tế
- Điều 19. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Sở Y tế
- Điều 20. Trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng, cơ sở xét nghiệm
- Điều 21. Trách nhiệm của y tế các Bộ, ngành