Điều 7 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Điều 7. Thực hiện kiểm tra, đánh giá xe cơ giới
1. Nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới khi kiểm định được quy định tại Bảng 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Các khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới trong kiểm định được phân thành 3 mức như sau:
a) Khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (MINOR DEFECTS - MiD) là hư hỏng không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới vẫn được cấp Giấy chứng nhận kiểm định;
b) Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MAJOR DEFECTS - MaD) là hư hỏng có thể gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại;
c) Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm (DANGEROUS DEFECTS - DD) là hư hỏng gây nguy hiểm trực tiếp và tức thời khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, không được tham gia giao thông và phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại.
3. Xe cơ giới đồng thời có những hư hỏng ở các mức khác nhau sẽ bị đánh giá ở mức hư hỏng cao nhất trong các hư hỏng.
4. Xe cơ giới có nhiều hư hỏng cùng một mức sẽ bị đánh giá vào mức hư hỏng cao hơn kế tiếp nếu như sự kết hợp các hư hỏng gây nguy hiểm hơn cho xe cơ giới.
6. Việc kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới phải do các đăng kiểm viên thực hiện; mỗi xe cơ giới có thể phân công một hoặc nhiều đăng kiểm viên. Việc kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới được chia làm 05 công đoạn, nội dung kiểm tra của mỗi công đoạn được quy định tại Bảng 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, 05 công đoạn bao gồm:
a) Công đoạn 1: kiểm tra nhận dạng, tổng quát;
b) Công đoạn 2: kiểm tra phần trên của phương tiện;
c) Công đoạn 3: kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang;
d) Công đoạn 4: kiểm tra môi trường;
đ) Công đoạn 5: kiểm tra phần dưới của phương tiện.
7. Xe cơ giới vào kiểm định phải được chụp ảnh tại đơn vị đăng kiểm, cụ thể như sau.
a) Chụp ảnh tổng thể xe và ảnh biển số đăng ký của xe cơ giới để in trên Phiếu kiểm định: Ảnh chụp thể hiện được tổng thể xe và biển số xe, phần ảnh xe cơ giới chiếm khoảng 75% diện tích của ảnh.
b) Chụp ảnh xe cơ giới để in trên Giấy chứng nhận kiểm định: Ảnh chụp ở góc chéo khoảng 45 độ từ phía sau bên phải theo chiều tiến của xe, thể hiện được tổng thể xe và biển số xe, phần ảnh xe cơ giới chiếm khoảng 75% diện tích của ảnh.
c) Chụp ảnh khoang hành lý (hầm hàng); chụp ảnh khoang hành khách từ đầu xe và từ cuối xe đối với ô tô chở người trên 09 chỗ kể cả người lái.
d) Ảnh chụp rõ nét (độ phân giải tối thiểu 1280 x 720), thể hiện thời gian chụp đầy đủ về ngày, tháng, năm, giờ và phút chụp ảnh.
8. Đăng kiểm viên tự lái xe khi kiểm tra xe. Trường hợp đối với tổ hợp xe (đầu kéo và sơ mi rơ moóc; xe thân liền và rơ moóc), ô tô chở người trên 30 chỗ nếu không lái được xe thì đăng kiểm viên có thể đề nghị chủ xe thực hiện lái xe.
Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới
- Điều 5. Địa điểm thực hiện kiểm định
- Điều 6. Giấy tờ cần thiết khi lập Hồ sơ phương tiện và kiểm định
- Điều 7. Thực hiện kiểm tra, đánh giá xe cơ giới
- Điều 8. Trình tự, cách thức thực hiện
- Điều 9. Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định
- Điều 10. Cấp phát ấn chỉ kiểm định
- Điều 11. Báo cáo công tác kiểm định
- Điều 12. Lưu trữ hồ sơ, dữ liệu kiểm định