Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Thông tư 16/2011/TT-NHNN quy định về kiểm soát, kiểm toán nội bộ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Mục 2. Tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ

Điều 22. Tổ chức, bộ máy kiểm toán nội bộ

Vụ Kiểm toán nội bộ là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm toán nội bộ mọi hoạt động tại các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thống đốc về những kết luận và kiến nghị trong báo cáo kết quả kiểm toán.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Kiểm toán nội bộ đối với hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ

1. Nhiệm vụ:

a) Lập kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm và thực hiện kế hoạch kiểm toán nội bộ theo kế hoạch đã được Thống đốc phê duyệt, đảm bảo chất lượng, hiệu quả;

b) Thực hiện kiểm toán, đánh giá một cách độc lập, khách quan đối với tất cả các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước phù hợp với kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu của Thống đốc dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động Ngân hàng Nhà nước của các đơn vị;

c) Đánh giá về tính đầy đủ, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán;

d) Kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục những sai sót; kiến nghị xử lý các vi phạm; đề xuất các biện pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ. Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các kiến nghị của kiểm toán nội bộ cũng như kiến nghị của các đoàn kiểm toán bên ngoài đối với tất cả các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước;

đ) Phát triển, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện phương pháp kiểm toán và phạm vi hoạt động của kiểm toán nội bộ để cập nhật theo kịp sự phát triển của hoạt động ngân hàng và phù hợp với thông lệ quốc tế;

e) Thiết lập hồ sơ về trình độ năng lực và các yêu cầu đối với kiểm toán viên nội bộ để làm cơ sở tuyển dụng, đề bạt, luân chuyển cán bộ và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Lập kế hoạch và tổ chức đào tạo nhằm nâng cao và đảm bảo năng lực chuyên môn cho kiểm soát viên, kiểm toán viên nội bộ;

g) Duy trì việc tham vấn, trao đổi thường xuyên với tổ chức kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, nhằm đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả; là đơn vị điều phối, phối hợp với các cơ quan có liên quan đối với những công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ;

h) Tư vấn cho Thủ trưởng các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước trong việc áp dụng mới hoặc sửa đổi những quy trình nghiệp vụ quan trọng; quy trình nhận dạng, đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro; hệ thống thông tin, hạch toán, kế toán với điều kiện không ảnh hưởng tới tính độc lập của kiểm toán nội bộ.

2. Quyền hạn:

a) Được trang bị đầy đủ các nguồn lực (nhân lực, tài chính và các phương tiện cần thiết khác);

b) Được chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình theo kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt;

c) Được cung cấp đầy đủ, kịp thời tất cả các thông tin, tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ công tác kiểm toán nội bộ. Yêu cầu đơn vị được kiểm toán báo cáo, giải trình (nếu cần thiết);

d) Được tiếp cận tài liệu, hồ sơ và các tài liệu khác của đơn vị được kiểm toán để thực hiện mục tiêu kiểm toán;

đ) Được tiếp cận và phỏng vấn tất cả các cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị được kiểm toán về các vấn đề liên quan đến nội dung kiểm toán;

e) Được tham dự và xem xét các biên bản họp của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có liên quan đến công việc của kiểm toán nội bộ;

g) Được giám sát, đánh giá và theo dõi các hoạt động sửa chữa, khắc phục, hoàn thiện của lãnh đạo các đơn vị, bộ phận đối với các vấn đề mà kiểm toán nội bộ đã kiến nghị và khuyến nghị;

h) Được tham gia các khóa đào tạo, khảo sát trong nước và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực của kiểm toán nội bộ.

Điều 24. Trách nhiệm, quyền hạn của Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ đối với hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ

1. Trách nhiệm:

a) Quản lý và điều hành Vụ Kiểm toán nội bộ thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Thống đốc và các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ;

b) Tổ chức quản lý và sử dụng các nguồn lực của Vụ Kiểm toán nội bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả;

c) Ký quyết định thành lập các Đoàn kiểm toán, báo cáo kiểm toán và các văn bản hành chính của Vụ Kiểm toán nội bộ liên quan đến hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, chịu trách nhiệm trước Thống đốc và trước pháp luật về nội dung văn bản;

d) Xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về báo cáo kiểm toán nội bộ của đơn vị được kiểm toán; xem xét, giải quyết các kiến nghị bảo lưu về kết luận kiểm toán của thành viên Đoàn kiểm toán;

đ) Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đào tạo và huấn luyện cán bộ làm công tác kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ nhằm không ngừng nâng cao trình độ và năng lực của cán bộ và bộ máy kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ;

e) Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán nội bộ; chống các biểu hiện tiêu cực của cán bộ làm công tác kiểm toán;

g) Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính độc lập trong hoạt động kiểm toán nội bộ;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thống đốc liên quan đến hoạt động kiểm toán nội bộ.

2. Quyền hạn:

a) Đề xuất với Thống đốc ban hành quy chế, quy trình và các quy định về phương pháp nghiệp vụ kiểm toán nội bộ;

b) Kiến nghị với Thống đốc giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm toán nội bộ;

c) Kiến nghị với Thống đốc xem xét trách nhiệm, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và các quy định của cơ quan, tổ chức;

d) Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư 16/2011/TT-NHNN quy định về kiểm soát, kiểm toán nội bộ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 16/2011/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/08/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 467 đến số 468
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH