Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 15/2022/TT-BNNPTNT quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y (sau đây viết tắt là VSTY) và an toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là ATTP) đối với nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2. Việc kiểm tra thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở nuôi ong, cơ sở thu mua mật ong thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT).

3. Việc thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở chế biến mật ong thực hiện theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với mật ong.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Mật ong thô: là mật ong thu hoạch từ đàn ong chưa qua bất kỳ một công đoạn sơ chế nào.

2. Mật ong nguyên liệu: là mật ong thô đã qua sơ chế (lọc thô để loại bỏ tạp chất) của một hay nhiều lô mật ong thô khác nhau.

3. Mật ong thành phẩm: là mật ong đã qua chế biến (lọc, phối trộn, diệt men có thể hạ thủy phần) để có thể sử dụng ngay hoặc làm nguyên liệu chế biến thực phẩm.

4. Cơ sở nuôi ong: là cơ sở thực hiện hoạt động nuôi ong và khai thác mật ong thô.

5. Cơ sở thu mua mật ong: là cơ sở thực hiện thu mua, bảo quản mật ong thô để cung cấp cho các cơ sở chế biến mật ong.

6. Cơ sở chế biến mật ong: là cơ sở thực hiện xử lý mật ong thô, mật ong nguyên liệu theo phương pháp thủ công hoặc công nghiệp để tạo thành mật ong thành phẩm.

7. Dư lượng các chất độc hại (sau đây viết tắt là dư lượng): là phần còn lại của thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng và sinh sản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất ô nhiễm có nguồn gốc từ môi trường, từ thức ăn và các chất chuyển hóa của chúng tồn lưu trong mật ong có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Điều 4. Cơ quan kiểm tra, giám sát

1. Cục Thú y tổ chức kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất mật ong (bao gồm: cơ sở nuôi ong, cơ sở thu mua, cơ sở chế biến) xuất khẩu; cơ sở hỗn hợp xuất khẩu tiêu dùng trong nước (sau đây gọi chung là cơ sở xuất khẩu).

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất mật ong không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau đây được gọi chung là Cơ quan kiểm tra, giám sát.

Điều 5. Nguyên tắc xây dựng và triển khai Chương trình giám sát

1. Căn cứ xây dựng Chương trình giám sát: thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Nội dung Chương trình giám sát: thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

3. Kinh phí triển khai Chương trình giám sát

a) Kinh phí hoạt động kiểm tra, giám sát của Cơ quan kiểm tra, giám sát thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí kiểm tra, giám sát theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Cục Thú y chủ trì xây dựng dự toán, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, bố trí kinh phí triển khai thực hiện Chương trình giám sát hằng năm đối với các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng dự toán, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt, bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Chương trình giám sát hằng năm đối với các cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

Điều 6. Yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình giám sát

1. Phòng thử nghiệm tham gia Chương trình giám sát

a) Phòng thử nghiệm trực thuộc Cục Thú y tham gia triển khai Chương trình giám sát mật ong xuất khẩu: phải được công nhận phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO 17025; sử dụng các phép thử phải được phê duyệt phương pháp theo quy định;

b) Phòng thử nghiệm không thuộc quy định tại điểm a khoản này: phải được công nhận phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO 17025; có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, lĩnh vực thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu giám sát của kế hoạch giám sát hằng năm được phê duyệt.

2. Trưởng đoàn, thành viên đoàn kiểm tra, giám sát và người lấy mẫu

a) Trưởng đoàn: là lãnh đạo cấp phòng trở lên của Cơ quan kiểm tra, giám sát hoặc Lãnh đạo đơn vị được Cơ quan kiểm tra, giám sát phân công chủ trì thực hiện Chương trình giám sát;

b) Thành viên: có ít nhất 01 thành viên có trình độ từ đại học trở lên về một trong các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, chế biến nông sản; đã tham gia tập huấn chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực kiểm tra, thẩm định và khóa tập huấn kiểm tra, thẩm định do Cục Thú y tổ chức;

c) Người lấy mẫu: có chuyên môn về một trong các lĩnh vực chăn nuôi,

thú y, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, chế biến nông sản; có giấy chứng nhận tham gia tập huấn có nội dung về lấy mẫu do Cục Thú y tổ chức.

Thông tư 15/2022/TT-BNNPTNT quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 15/2022/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/10/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phùng Đức Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra