BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2023/TT-BNNPTNT | Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2023 |
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Thời gian thực hiện phương án quản lý rừng bền vững tối đa là 10 năm kể từ ngày phương án được phê duyệt. Trường hợp rừng thuộc sở hữu của chủ rừng theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Lâm nghiệp thì thời gian thực hiện phương án quản lý rừng bền vững do chủ rừng quyết định.”.
b) Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 3 như sau:
“4. Điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững:
a) Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định điều chỉnh diện tích rừng, đất lâm nghiệp có ảnh hưởng lớn đến mục đích sử dụng của khu rừng và chủ rừng có nhu cầu điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững để phù hợp với yêu cầu quản lý, sản xuất, kinh doanh thì chủ rừng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với những nội dung phải điều chỉnh. Trình tự, thủ tục điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng thực hiện tương ứng theo quy định tại Điều 11, Điều 12a, Điều 13 Thông tư này;
b) Trường hợp chủ rừng có nhu cầu điều chỉnh kế hoạch quản lý rừng bền vững hàng năm thuộc phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, sản xuất, kinh doanh thì chủ rừng tự phê duyệt kế hoạch điều chỉnh đó nhưng không làm thay đổi mục tiêu quản lý rừng bền vững của phương án. Ngay sau khi phê duyệt điều chỉnh kế hoạch quản lý rừng bền vững, chủ rừng phải gửi 01 bản chính tới cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt phương án của chủ rừng.”.
2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 4 như sau:
“a) Các loại bản đồ gồm: bản đồ hiện trạng rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11565:2016; bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; bản đồ quản lý rừng bền vững được áp dụng theo tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 11566:2016 thể hiện diện tích các loại rừng được quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng, bảo tồn đa dạng sinh học; cơ sở hạ tầng lâm sinh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo kế hoạch quản lý rừng bền vững của chủ rừng.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư
1. Khuyến khích chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác tự nguyện xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
2. Trường hợp chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái thì chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đề nghị cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 12a Thông tư này phê duyệt để tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Quy chế quản lý rừng.
3. Nội dung phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác quy định tại Điều này thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 như sau:
“2. Nội dung phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng thực hiện theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 và khoản 3 Điều 8 Thông tư này. Mẫu phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là tổ chức thực hiện theo Phụ lục II và chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là tổ chức quản lý rừng đặc dụng trực thuộc các Bộ, ngành
1. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là Bộ, ngành chủ quản hoặc đơn vị, cơ quan chuyên môn có chức năng trực thuộc được Bộ, ngành ủy quyền.
2. Hồ sơ:
a) Hồ sơ phê duyệt phương án:
- Tờ trình đề nghị phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
- Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản sao các loại bản đồ: Hiện trạng rừng, hiện trạng sử dụng đất và bản chính bản đồ quản lý rừng bền vững theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
b) Hồ sơ điều chỉnh phương án:
- Tờ trình đề nghị điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
- Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung;
- Bản sao các loại bản đồ: Hiện trạng rừng, hiện trạng sử dụng đất và bản chính bản đồ quản lý rừng bền vững theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
3. Cách thức nộp hồ sơ: Chủ rừng nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ cho chủ rừng;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho chủ rừng và nêu rõ lý do;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo cho chủ rừng và nêu rõ lý do. Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
4. Trình tự thực hiện:
a) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với phương án của chủ rừng trực thuộc các Bộ, ngành khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi chủ rừng được nhà nước giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng và các cơ quan, đơn vị có liên quan về nội dung phương án;
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các cơ quan, đơn vị, địa phương được lấy ý kiến theo quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản;
c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, địa phương theo quy định tại điểm b khoản này, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá, hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 03 hoặc phê duyệt điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 05 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và trả kết quả cho chủ rừng trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử. Trường hợp không phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là tổ chức kinh tế
1. Chủ rừng là tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang được nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn tự đầu tư; chủ rừng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất thì chủ rừng tự phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 03 hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 05 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này để tổ chức thực hiện.
2. Sau khi phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phê duyệt, chủ rừng phải gửi 01 bản chính Quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững hoặc Quyết định phê duyệt điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi chủ rừng được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất.”.
7. Bổ sung Điều 12a vào sau Điều 12 như sau:
“Điều 12a. Phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình cá nhân liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác trường hợp có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái
1. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng hoặc người đại diện nhóm hộ, tổ hợp tác là Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Hồ sơ:
a) Hồ sơ phê duyệt phương án:
- Đơn đề nghị phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
- Phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản sao các loại bản đồ: Hiện trạng rừng, hiện trạng sử dụng đất và bản chính bản đồ quản lý rừng bền vững theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
b) Hồ sơ điều chỉnh phương án:
- Đơn đề nghị phê duyệt điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
- Phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung;
- Bản sao các loại bản đồ: Hiện trạng rừng, hiện trạng sử dụng đất và bản chính bản đồ quản lý rừng bền vững theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
3. Cách thức nộp hồ sơ: Chủ rừng hoặc người đại diện nhóm hộ, tổ hợp tác nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này.
4. Trình tự thực hiện:
a) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này, lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan về nội dung phương án quản lý rừng bền vững;
b) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến theo quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản;
c) Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của các cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến theo quy định tại điểm b khoản này, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá, hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 03 hoặc phê duyệt điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 05 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và trả kết quả cho chủ rừng hoặc người đại diện nhóm hộ, tổ hợp tác trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử. Trường hợp không phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
“Điều 13. Phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là tổ chức không thuộc đối tượng quy định tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư này
1. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.
3. Cách thức nộp hồ sơ: Chủ rừng nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ cho chủ rừng;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, phải thông báo bằng văn bản cho chủ rừng và nêu rõ lý do;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, phải thông báo cho chủ rừng và nêu rõ lý do. Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
4. Trình tự thực hiện:
a) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, lấy ý kiến bằng văn bản các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chủ rừng được nhà nước giao đất, giao rừng hoặc cho thuê đất, cho thuê rừng về nội dung phương án;
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, các cơ quan, đơn vị, địa phương được lấy ý kiến theo quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản;
c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị, địa phương được lấy ý kiến theo quy định tại điểm b khoản này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá, hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 03 hoặc phê duyệt điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững theo Mẫu số 05 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và trả kết quả cho chủ rừng trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử. Trường hợp không phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”.
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều 14. Tiêu chí quản lý rừng bền vững
Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững gồm 07 nguyên tắc, 36 tiêu chí và 139 chỉ số. Chi tiết Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.”.
10. Sửa đổi, bổ sung tên khoản 1, điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều 18 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên khoản 1 như sau:
“1. Cục Lâm nghiệp:”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 như sau:
“c) Hằng năm trước ngày 25 tháng 12, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Lâm nghiệp) kết quả xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh.”.
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác để tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững;
b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc nhóm hộ, tổ hợp tác có hoạt động du lịch sinh thái phải xây dựng, đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Thông tư này.”.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 19 như sau:
“3. Hằng năm, trước ngày 20 tháng 12, chủ rừng là tổ chức báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị chủ quản (nếu có) và chủ rừng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.”.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 như sau:
“3. Có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 29 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Lâm nghiệp.”.
13. Bổ sung quy định về chuyển tiếp tại Điều 21 như sau:
“Đối với phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc thẩm định nhưng chưa phê duyệt; phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng đã nộp hồ sơ nhưng chưa thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.”.
1. Thay thế Phụ lục I. Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Thay thế Phụ lục II. Mẫu phương án quản lý rừng bền vững (áp dụng đối với chủ rừng là tổ chức) bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Thay thế Phụ lục III. Mẫu phương án quản lý rừng bền vững (áp dụng đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư) bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Thay thế Phụ lục VI bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Thay thế Phụ lục VII bằng Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Thay thế Phụ lục VIII. Mẫu báo cáo kết quả thực hiện phương án quản lý rừng bền vững (áp dụng đối với chủ rừng) bằng Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
7. Thay thế cụm từ “bảo tồn cao theo quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này” bằng cụm từ “về sinh thái” tại điểm c khoản 4 Điều 5 và điểm b khoản 3 Điều 7.
8. Thay thế cụm từ “tại Phụ lục V” bằng cụm từ “của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản” vào sau cụm từ “Cách tính sản lượng gỗ khai thác rừng theo quy định” tại điểm c khoản 4 Điều 6 và điểm d khoản 3 Điều 7.
9. Bãi bỏ Phụ lục IV. Rừng có giá trị bảo tồn cao và Phụ lục V. Cách tính sản lượng khai thác gỗ ban hành kèm theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2024.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
BỘ TIÊU CHÍ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG CỦA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững)
Nguyên tắc/Tiêu chí | Chỉ số |
NGUYÊN TẮC 1: TUÂN THỦ CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ CÁC ĐIỀU ƯỚC, HIỆP ƯỚC QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM THAM GIA | |
1.1. Chủ rừng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất và rừng | 1.1.1. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, giao rừng hoặc hợp đồng thuê đất, thuê rừng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; |
1.1.2. Trường hợp đất được sử dụng theo quyền phong tục hoặc truyền thống đảm bảo không có tranh chấp; | |
1.1.3. Ranh giới đất và rừng phải được xác định rõ trên bản đồ và trên thực địa. | |
1.2. Chủ rừng phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật | 1.2.1. Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật; |
1.2.2. Trường hợp chưa trả hết các khoản phải nộp thì chủ rừng phải có kế hoạch hoàn trả; | |
1.2.3. Lưu trữ, cập nhật hồ sơ, chứng từ liên quan đến hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của chủ rừng theo quy định của pháp luật; | |
1.2.4. Thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. | |
1.3. Chủ rừng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý rừng bền vững và nguồn gốc gỗ hợp pháp | 1.3.1. Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; |
1.3.2. Công khai tóm tắt các nội dung chính của phương án quản lý rừng bền vững, nhưng có thể không công bố thông tin cá nhân và kinh doanh cần giữ bí mật của chủ rừng và các thông tin khác cần bảo mật theo quy định của pháp luật; | |
1.3.3. Nội dung phương án quản lý rừng bền vững phải theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp và phù hợp với thực tiễn hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của chủ rừng; | |
1.3.4. Có biện pháp ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp; | |
1.3.5. Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để xác định, kiểm soát và ngăn chặn hành vi bị cấm trong các hoạt động lâm nghiệp; | |
1.3.6. Tuân thủ quy định về nuôi, trồng, khai thác, sử dụng, buôn bán động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật; | |
1.3.7. Tuân thủ quy định về hồ sơ, trình tự, quy trình khai thác và quản lý lâm sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; | |
1.3.8. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về các vụ việc vi phạm có liên quan đã được giải quyết trong thời gian tối thiểu 5 năm gần nhất. | |
1.4. Chủ rừng phải đáp ứng những yêu cầu trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia | 1.4.1. Hiểu và tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, bao gồm: các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Công ước về quyền của người dân tộc (ILO 169), Công ước đa dạng sinh học 1992 (CBD), Công ước về các chất ô nhiễm hữu cơ khi phân hủy (POP Stockholm), Công ước buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Công ước sa mạc hóa (1992) và các điều ước khác có liên quan. |
NGUYÊN TẮC 2. CHỦ RỪNG TÔN TRỌNG QUYỀN CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VÀ NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG | |
2.1. Chủ rừng đảm bảo quyền sử dụng đất và rừng hợp pháp hoặc theo phong tục, truyền thống của cộng đồng dân cư và người dân địa phương | 2.1.1. Tôn trọng quyền quản lý, sử dụng đất và rừng thuộc quyền sử dụng hợp pháp hoặc quyền theo phong tục/truyền thống của cộng đồng dân cư và người dân địa phương; cùng cộng đồng dân cư, người dân địa phương và các bên liên quan khác xác định trên bản đồ và ngoài thực địa những khu vực có liên quan đến hoạt động sinh kế theo tập quán của họ như khai thác lâm sản ngoài gỗ, cung cấp nguồn nước sản xuất, sinh hoạt...; có kế hoạch quản lý cho những khu vực đã được xác định trong phương án quản lý rừng bền vững; |
2.1.2. Việc phân định ranh giới đất và rừng giữa cộng đồng dân cư, người dân địa phương với chủ rừng phải được thống nhất giữa các bên; | |
2.1.3. Tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư và người dân địa phương thực hiện các hoạt động hợp pháp trên đất và rừng của họ mà liên quan đến diện tích của chủ rừng. | |
2.2. Chủ rừng có trách nhiệm giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng rừng và đất rừng theo quy định của pháp luật | 2.2.1. Phải có cơ chế và biện pháp phù hợp để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất và rừng (không bắt buộc phải thực hiện đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân); |
2.2.2. Lưu trữ hồ sơ các vụ tranh chấp chưa được giải quyết và đã được giải quyết trong thời gian tối thiểu 5 năm gần nhất. | |
2.3. Chủ rừng tạo cơ hội việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư và người dân địa phương | 2.3.1. Tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư và người dân địa phương tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp và cải thiện sinh kế (không bắt buộc đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư). |
2.4. Chủ rừng cần đáp ứng nhu cầu cơ bản về văn hóa, tín ngưỡng và giải trí của cộng đồng dân cư và người dân địa phương liên quan đến đất và rừng mà chủ rừng đang quản lý theo quy định của pháp luật | 2.4.1. Cùng cộng đồng dân cư, người dân địa phương và các bên liên quan xác định những khu vực có ý nghĩa về văn hóa, tín ngưỡng và giải trí trên bản đồ, ngoài thực địa thuộc phạm vi quản lý của chủ rừng; Có kế hoạch quản lý được đưa vào phương án quản lý rừng bền vững trên cơ sở tham vấn cộng đồng địa phương và các bên liên quan; |
2.4.2. Có quy định quản lý, bảo vệ và sử dụng những khu vực đã được xác định có ý nghĩa về văn hóa, tín ngưỡng và giải trí với sự tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, người dân địa phương và các bên liên quan. | |
2.5. Chủ rừng phải thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết đền bù khi hoạt động lâm nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế, sức khỏe, đất, rừng và tài sản khác của cộng đồng dân cư và người dân địa phương | 2.5.1. Xác định các tác động tiêu cực có thể xảy ra của từng hoạt động lâm nghiệp đến sinh kế, sức khỏe, đất, rừng và tài sản khác của cộng đồng dân cư và người dân địa phương; |
2.5.2. Phải có biện pháp phòng ngừa thiệt hại cho cộng đồng dân cư và người dân địa phương khi thực hiện các hoạt động lâm nghiệp; | |
2.5.3. Có cơ chế và biện pháp giải quyết khiếu nại và đền bù thiệt hại cho cộng đồng dân cư và người dân địa phương theo quy định của pháp luật; | |
2.5.4. Thực hiện bồi thường các thiệt hại cho cộng đồng dân cư và người dân địa phương theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận; | |
2.5.5. Có trách nhiệm bảo trì công trình hạ tầng kỹ thuật cho địa phương khi sử dụng cho các hoạt động lâm nghiệp và hỗ trợ nâng cấp khi có điều kiện; | |
2.5.6. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về khiếu nại, bồi thường thiệt hại chưa được giải quyết và đã được giải quyết trong thời gian tối thiểu 5 năm gần nhất. | |
NGUYÊN TẮC 3. CHỦ RỪNG ĐẢM BẢO QUYỀN VÀ ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG | |
3.1. Chủ rừng phải đảm bảo công bằng, quyền và lợi ích của người lao động (kể cả lao động của nhà thầu) theo quy định của pháp luật | 3.1.1. Có và thực hiện đúng hợp đồng lao động/thỏa thuận lao động với người lao động hoặc đại diện của họ theo quy định của pháp luật; |
3.1.2. Tuân thủ pháp luật và các quy định của pháp luật về sử dụng lao động vị thành niên, người khuyết tật và người quá tuổi lao động; | |
3.1.3 Không tham gia hoặc không cưỡng bức lao động đối với người lao động dưới bất kỳ hình thức nào; | |
3.1.4. Thực hiện bình đẳng giới trong tuyển dụng, đào tạo và trả tiền lương. | |
3.2. Chủ rừng bảo đảm điều kiện làm việc cho người lao động (kể cả lao động của nhà thầu) theo quy định của pháp luật | 3.2.1. Người lao động phải được trang bị và hướng dẫn sử dụng các dụng cụ bảo hộ an toàn lao động phù hợp với điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật; |
3.2.2. Người lao động phải được hướng dẫn sử dụng và bảo quản các loại vật tư, trang thiết bị dễ gây tai nạn, nguy hiểm; | |
3.2.3. Người lao động phải được hướng dẫn sử dụng hóa chất đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật; | |
3.2.4. Người lao động phải được tập huấn an toàn lao động theo quy định của pháp luật. | |
3.3. Chủ rừng tôn trọng quyền tham gia tổ chức Công đoàn và các quyền thỏa thuận khác giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy định | 3.3.1. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia tổ chức Công đoàn (không áp dụng với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư); |
3.3.2. Xây dựng và thực hiện đầy đủ các quy định về dân chủ ở cơ sở, lấy ý kiến của người lao động về những vấn đề liên quan đến đời sống và việc làm của người lao động (không áp dụng với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư). | |
3.4. Chủ rừng phải có và duy trì các cơ chế giải quyết khiếu nại và thực hiện bồi thường cho người lao động khi xảy ra tổn thất hoặc thiệt hại về tài sản và sức khỏe trong khi làm việc cho chủ rừng | 3.4.1. Phải có cơ chế và biện pháp để giải quyết khiếu nại và đền bù những tổn thất, thiệt hại về tài sản và sức khỏe cho người lao động theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận giữa các bên; |
3.4.2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại và tổn thất về tài sản và sức khỏe cho người lao động khi thực hiện các hoạt động lâm nghiệp; | |
3.4.3. Bồi thường thiệt hại về tài sản và sức khỏe cho người lao động theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận giữa các bên; | |
3.4.4. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về khiếu nại và bồi thường của chủ rừng trong thời gian tối thiểu 5 năm gần nhất. | |
NGUYÊN TẮC 4. QUẢN LÝ, BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG RỪNG | |
4.1. Chủ rừng phải thực hiện các hoạt động lâm nghiệp theo phương án quản lý rừng bền vững | 4.1.1. Các hoạt động lâm nghiệp được thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững và kế hoạch hoạt động hàng năm; |
4.1.2. Cập nhật, điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững định kỳ hoặc khi có những thay đổi về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, tiến bộ khoa học công nghệ, từ kết quả đánh giá, giám sát và các thay đổi về chính sách, quy định của nhà nước, nhưng phải đảm bảo mục tiêu quản lý rừng bền vững; | |
4.1.3. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về việc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững trong thời gian tối thiểu 5 năm gần nhất. | |
4.2. Chủ rừng sản xuất và sử dụng giống cây trồng phải theo quy định của pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp | 4.2.1. Khảo nghiệm và công nhận giống mới phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; |
4.2.2. Sản xuất giống phải tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh giống, nguồn gốc, xuất xứ giống, quy trình kỹ thuật sản xuất giống và các tiêu chí về bảo vệ môi trường. | |
4.2.3. Sử dụng giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc giống theo quy định của pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; | |
4.2.5. Tuân thủ các quy định về xuất khẩu và nhập khẩu giống. | |
4.3. Chủ rừng phải áp dụng các biện pháp lâm sinh phù hợp với mục tiêu trong phương án quản lý rừng bền vững | 4.3.1. Chọn loài cây trồng phù hợp điều kiện lập địa và mục tiêu quản lý rừng bền vững; |
4.3.2. Các biện pháp lâm sinh áp dụng phù hợp với đặc điểm loài cây trồng và điều kiện lập địa; | |
4.3.3. Áp dụng các biện pháp quản lý lập địa phù hợp trong quản lý rừng trồng; | |
4.3.4. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng, nuôi dưỡng và khai thác rừng tự nhiên phù hợp với từng trạng thái rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. | |
4.4. Chủ rừng thực hiện đa dạng các hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh nhằm nâng cao các lợi ích của rừng | 4.4.1. Thực hiện đa dạng các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh dựa trên thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường về các sản phẩm từ rừng như gỗ, lâm sản ngoài gỗ và dịch vụ môi trường rừng; |
4.4.2. Đa dạng nguồn thu từ rừng và dịch vụ môi trường rừng; | |
4.4.3. Khuyến khích phát triển các loài cây bản địa, đa mục đích và lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao; | |
4.4.4. Khuyến khích hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiếp thị và tiêu thụ các sản phẩm từ rừng và dịch vụ môi trường rừng. | |
4.5. Chủ rừng phải có biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại rừng | 4.5.1. Có kế hoạch và thực hiện các biện pháp quản lý và phòng trừ sâu, bệnh hại tổng hợp; ưu tiên các biện pháp lâm sinh, sinh học nhằm hạn chế sử dụng thuốc hóa học trong bảo vệ thực vật; |
4.5.2. Kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng khi phát hiện sâu bệnh gây hại rừng có khả năng lây lan để phối hợp xử lý; | |
4.5.3. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về sâu bệnh hại rừng trong thời gian tối thiểu 5 năm gần nhất. | |
4.6. Chủ rừng phải thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng | 4.6.1. Có phương án và thực hiện kiểm soát phòng cháy và chữa cháy rừng; |
4.6.2. Có và duy trì hệ thống phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định; | |
4.6.3. Kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng khi xảy ra cháy rừng để phối hợp xử lý; | |
4.6.4. Có hoạt động nâng cao năng lực của người lao động và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư và người dân địa phương trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng; | |
4.6.5. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về các vụ cháy rừng trong thời gian tối thiểu 5 năm gần nhất. | |
4.7. Chủ rừng phải khai thác hợp lý các sản phẩm từ rừng để duy trì tài nguyên rừng được ổn định lâu dài | 4.7.1. Phương thức khai thác lâm sản đối với mỗi loại rừng phải tuân thủ theo Quy chế quản lý rừng và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; |
4.7.2. Sản lượng khai thác lâm sản hàng năm không được vượt quá mức tăng trưởng của rừng và được xác định trong phương án quản lý rừng bền vững. | |
4.8. Chủ rừng phải xây dựng và bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với mục tiêu quản lý và hạn chế ảnh hưởng môi trường | 4.8.1. Có kế hoạch và thực hiện xây dựng và bảo trì đường, cầu, cống, đường vận xuất, đường trượt gỗ và bãi gỗ theo quy định; các công trình được thể hiện trên bản đồ (không bắt buộc đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng) |
4.8.2. Việc xây dựng và bảo trì đường, cầu cống, đường vận xuất, đường trượt gỗ và bãi gỗ đảm bảo không gây tác động tiêu cực tới môi trường. | |
NGUYÊN TẮC 5. QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG LÂM NGHIỆP | |
5.1. Chủ rừng phải thực hiện đánh giá tác động của các hoạt động lâm nghiệp tới môi trường. | 5.1.1. Đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực có thể xảy ra đối với môi trường của tất cả các hoạt động lâm nghiệp; |
5.1.2. Có kế hoạch và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trước khi thực hiện hoạt động lâm nghiệp; | |
5.1.3. Khuyến khích thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; biện pháp quản lý nhằm tăng cường hấp thụ, lưu giữ các bon rừng và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên trong các hoạt động lâm nghiệp. | |
5.2. Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp bảo vệ đất và nguồn nước trong các hoạt động lâm nghiệp | 5.2.1. Xác định các khu vực có chức năng bảo vệ đất và nguồn nước, như vùng đệm ven sông suối, ao hồ, vùng đất ngập nước, nơi có độ dốc cao và khu vực sản xuất nông nghiệp trên thực địa và bản đồ; |
5.2.2. Có kế hoạch và thực hiện các biện pháp bảo vệ, phục hồi thảm thực vật tại các khu vực có chức năng bảo vệ đất và nguồn nước đã được xác định; | |
5.2.3. Xác định các tác động tiêu cực có thể xảy ra tới đất và nguồn nước khi thực hiện các hoạt động lâm nghiệp; | |
5.2.4. Có kế hoạch và thực hiện các biện pháp khắc phục tác động tiêu cực tới đất và nguồn nước; | |
5.2.5. Ưu tiên trồng và phục hồi rừng trên đất trống, đất dễ bị xói mòn và đất bị thoái hóa thông qua kỹ thuật bảo vệ đất phù hợp. | |
5.3. Chủ rừng phải quản lý và sử dụng hóa chất, xăng, dầu và phân bón hóa học đảm bảo an toàn đối với môi trường và con người | 5.3.1. Chỉ sử dụng những hóa chất có thành phần được phép sử dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế; |
5.3.2. Không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh lục 1A và 1B của WHO và các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng theo quy định của pháp luật; | |
5.3.3. Vận chuyển, lưu trữ, bảo quản hóa chất, xăng, dầu và phân bón hóa học đảm bảo an toàn đối với môi trường và con người; | |
5.3.4. Hướng dẫn sử dụng hóa chất, xăng, dầu và phân bón hóa học đảm bảo an toàn cho môi trường và con người theo quy định của pháp luật; | |
5.3.5. Hạn chế sử dụng phân bón hóa học khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ và sinh học để tăng độ phì của đất; | |
5.3.6. Lưu trữ và cập nhật danh mục các hóa chất (thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích ra rễ, chất điều hòa sinh trưởng, chất bảo quản...) bị cấm sử dụng bởi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế; | |
5.3.7. Ghi chép, lưu trữ thông tin về chủng loại, liều lượng, thời gian và địa điểm sử dụng hóa chất và phân bón hóa học. | |
5.4. Chủ rừng phải quản lý chất thải nguy hại đảm bảo an toàn đối với môi trường và con người | 5.4.1. Hạn chế chất thải nguy hại tạo ra từ các hoạt động lâm nghiệp; |
5.4.2. Quản lý, thu gom bao bì và chất thải nguy hại sau khi sử dụng về nơi an toàn đối với môi trường và con người theo quy định của pháp luật; | |
5.4.3. Xử lý bao bì và chất thải nguy hại đúng quy định. | |
NGUYÊN TẮC 6. DUY TRÌ, BẢO TỒN VÀ NÂNG CAO ĐA DẠNG SINH HỌC | |
6.1. Chủ rừng phải xác định và bảo vệ các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái | 6.1.1. Điều tra, lập bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu và tham vấn các bên liên quan các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái, bao gồm: a) Hệ sinh thái rừng quý, hiếm, dễ bị tổn thương hoặc hệ sinh thái đặc trưng như các vùng cửa sông, ven biển, vùng đất ngập nước khác, núi đá; b) Khu vực có các loài đặc hữu và môi trường sống của các loài bị đe dọa theo quy định; c) Các nguồn gen tại chỗ đang bị nguy cấp và cần được bảo vệ; d) Các khu vực cảnh quan có tầm quan trọng trên thế giới, trong khu vực và quốc gia đã được xác định. |
6.1.2. Có kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo vệ hoặc bảo tồn các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái được xác định trong chỉ số 6.1.1 và đưa vào phương án quản lý rừng bền vững; | |
6.1.3. Có kế hoạch và thực hiện giám sát hoạt động bảo vệ, bảo tồn các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái; | |
6.1.4. Cập nhật, điều chỉnh kế hoạch dựa trên kết quả giám sát. | |
6.2. Chủ rừng phải có kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo vệ các loài thực vật rừng, động vật rừng theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế | 6.2.1. Lập danh mục và tham vấn các bên liên quan về các loài thực vật, động vật cần được bảo vệ theo quy định; |
6.2.2. Công khai và thực hiện các biện pháp bảo vệ các loài cần được bảo vệ đã được xác định và sinh cảnh của chúng; | |
6.2.3. Cập nhật và lưu trữ hồ sơ các loài cần được bảo vệ đã xác định; | |
6.2.4. Có biện pháp ngăn chặn và giám sát các hoạt động săn bắt và khai thác trái phép; | |
6.2.5. Giữ lại số lượng và sự phân bố cần thiết cây gỗ chết và cây đổ, cây rỗng ruột, rừng già và các loài cây quý hiếm để bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì sức khỏe và sự ổn định của rừng và các hệ sinh thái xung quanh. | |
6.3. Chủ rừng phải bảo vệ, bảo tồn các diện tích rừng có tầm quan trọng về sinh thái theo quy định của Việt Nam và Quốc tế | 6.3.1. Có biện pháp và công khai các biện pháp bảo vệ, bảo tồn các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái; |
6.3.2. Cập nhật và lưu trữ hồ sơ về các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái; | |
6.3.3. Tuân thủ quy định về bảo vệ, bảo tồn các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái theo quy định; | |
6.3.4. Nâng cao năng lực cho người lao động có liên quan và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và người dân địa phương về bảo vệ và bảo tồn các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái. | |
6.4. Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp duy trì và nâng cao giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của rừng | 6.4.1. Áp dụng biện pháp lâm sinh phù hợp, ưu tiên sử dụng các loài cây bản địa trong phục hồi, làm giàu rừng và trồng rừng; |
6.4.2. Ưu tiên trồng rừng hỗn loài để tăng cường đa dạng sinh học và tính bền vững của rừng; | |
6.4.3. Không sử dụng thực vật biến đổi gen trong trồng rừng, trừ trường hợp có đủ dữ liệu khoa học cho thấy những tác động của chúng đối với sức khỏe con người, động vật và môi trường là tương đương hoặc tích cực hơn những cây cải thiện di truyền bằng các phương pháp truyền thống; | |
6.4.4. Phải thực hiện các biện pháp cụ thể và thỏa thuận với cộng đồng dân cư và người dân địa phương để giảm thiểu ảnh hưởng của chăn thả gia súc đến tái sinh, sinh trưởng và đa dạng sinh học của rừng; | |
6.4.5. Chỉ trồng rừng trên diện tích đất trống theo đúng quy hoạch lâm nghiệp; đất có rừng tự nhiên phải áp dụng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc trồng làm giàu rừng. | |
6.5. Chủ rừng phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loài nhập nội để tránh những tác hại cho hệ sinh thái rừng | 6.5.1. Không sử dụng các loài nhập nội có tác động tiêu cực tới môi trường và những loài xâm lấn theo quy định; |
6.5.2. Việc nhập nội các loài động vật, thực vật, nguồn gen và vi sinh vật phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; | |
6.5.3. Nơi nuôi trồng các loài nhập nội phải có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, tránh xâm lấn ra bên ngoài; | |
6.5.4. Lưu trữ hồ sơ về nguồn gốc, sử dụng các loài nhập nội. | |
6.6. Chủ rừng không tự chuyển đổi đất có rừng tự nhiên và những diện tích rừng có tầm quan trọng về sinh thái, kể cả các khu rừng bị suy thoái nghiêm trọng thành rừng trồng hoặc vào mục đích sử dụng khác. | 6.6.1. Không chuyển rừng tự nhiên và những khu vực rừng có tầm quan trọng về sinh thái sang các mục đích sử dụng đất khác. Trường hợp khu vực được phép chuyển đổi, phải đảm bảo đáp ứng đồng thời tất cả các điều kiện sau: a) Tuân thủ chính sách, luật pháp quốc gia liên quan đến sử dụng đất và quản lý rừng, quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc vùng đã được phê duyệt, bao gồm cả việc tham vấn các bên liên quan bị ảnh hưởng bởi hoạt động chuyển đổi; b) Tỷ lệ diện tích chuyển đổi không vượt quá 5 % diện tích rừng được cấp chứng chỉ; c) Không có tác động tiêu cực đến các khu vực rừng quan trọng về sinh thái, các khu vực có ý nghĩa văn hóa và xã hội hoặc các khu vực được bảo vệ khác; d) Không gây tác động tiêu cực đến các khu vực có trữ lượng carbon cao; đ) Đóng góp cho các lợi ích lâu dài về bảo tồn, kinh tế và xã hội của địa phương. e) Diện tích rừng trồng chuyển đổi từ rừng tự nhiên sau ngày 31 tháng 12 năm 2010 không được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; ngoại trừ trường hợp phần diện tích chuyển đổi đáp ứng tất cả các điều kiện từ điểm a đến điểm đ nêu trên. |
6.6.2. Không được phép chuyển đổi những khu vực không phải là rừng nhưng có tầm quan trọng về sinh thái để trồng rừng. Trường hợp khu vực được phép chuyển đổi, phải đáp ứng đồng thời tất cả các điều kiện sau: a) Tuân thủ chính sách, luật pháp quốc gia liên quan đến sử dụng đất và quản lý rừng, quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc vùng đã được phê duyệt, bao gồm cả việc tham vấn các bên liên quan bị ảnh hưởng bởi hoạt động chuyển đổi; b) Không có tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái không phải là rừng đang bị đe dọa (bao gồm các hệ sinh thái dễ bị tổn thương, quý hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng), các khu vực có ý nghĩa văn hóa và xã hội, môi trường sống quan trọng của các loài bị đe dọa hoặc các khu vực bảo tồn khác; c) Chiếm một tỷ lệ nhỏ trong khu vực không phải là rừng nhưng có tầm quan trọng về sinh thái do một tổ chức quản lý; d) Không gây tác động tiêu cực đến các khu vực có trữ lượng carbon cao; đ) Đóng góp vào các lợi ích lâu dài về bảo tồn, kinh tế và xã hội. e) Diện tích rừng trồng được chuyển đổi ở những khu vực không có rừng nhưng có tầm quan trọng cao về sinh thái sau ngày 31 tháng 12 năm 2010 không được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, ngoại trừ trường hợp việc chuyển đổi này đáp ứng tất cả các điều kiện từ điểm a đến điểm đ nêu trên. | |
6.6.3. Lưu trữ tài liệu mô tả và đánh giá giá trị bảo tồn của những diện tích chuyển đổi (nếu có). | |
NGUYÊN TẮC 7. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG | |
7.1. Chủ rừng phải xây dựng kế hoạch giám sát và đánh giá các hoạt động lâm nghiệp | 7.1.1. Xác định chỉ số giám sát, đánh giá; xác định tiến độ và nguồn lực thực hiện giám sát, đánh giá hàng năm cho các hoạt động lâm nghiệp; |
7.1.2. Có quy trình, mẫu biểu ghi chép và chỉ số giám sát và đánh giá phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững; | |
7.1.3. Có phân công thực hiện việc giám sát, đánh giá và báo cáo; | |
7.1.4. Có kế hoạch và thực hiện đánh giá nội bộ định kỳ bao gồm tần suất, phương pháp, trách nhiệm, các yêu cầu về kế hoạch và báo cáo đánh giá; việc đánh giá nội bộ phải bao gồm cả việc rà soát lại các quy trình có liên quan đến hệ thống quản lý và kết quả của các cuộc đánh giá trước đó; | |
7.1.5. Phải xác định các tiêu chí và phạm vi đánh giá cho từng cuộc đánh giá nội bộ; | |
7.1.6. Có nhân sự phù hợp và đủ năng lực cho đánh giá nội bộ; | |
7.1.7. Thông báo kết quả đánh giá nội bộ tới các bộ phận có liên quan; | |
7.1.8. Lưu giữ hồ sơ dạng văn bản về việc thực hiện đánh giá và kết quả đánh giá nội bộ. | |
7.2. Chủ rừng phải thực hiện kế hoạch giám sát và đánh giá các hoạt động lâm nghiệp | 7.2.1. Có số liệu theo dõi hàng năm các thông số: sản lượng khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ, diễn biến diện tích, sinh trưởng rừng trồng; |
7.2.2. Có số liệu theo dõi định kỳ 5 năm các thông số: sinh trưởng, tái sinh, tổ thành loài của rừng tự nhiên; | |
7.2.3. Có số liệu và báo cáo về bảo vệ hoặc bảo tồn các khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái và các loài cần được bảo vệ; | |
7.2.4. Có hoạt động theo dõi tình hình sâu, bệnh hại và các hiện tượng bất thường khác; | |
7.2.5. Có hoạt động giám sát tác động môi trường và xã hội của các hoạt động lâm nghiệp; | |
7.2.6. Có số liệu theo dõi hàng năm chi phí và thu nhập của các hoạt động lâm nghiệp; | |
7.2.7. Lập báo cáo và công bố công khai kết quả giám sát và đánh giá thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; | |
7.2.8. Điều kiện làm việc phải được giám sát định kỳ và điều chỉnh khi cần thiết. | |
7.3. Xây dựng hệ thống quản lý và lưu trữ hồ sơ quản lý rừng, kinh doanh rừng và hệ thống bản đồ theo dõi diễn biến rừng. | 7.3.1. Có hệ thống quản lý hồ sơ tài nguyên rừng, bản đồ hiện trạng rừng; |
7.3.2. Có hệ thống quản lý hồ sơ các hoạt động lâm nghiệp; | |
7.3.3. Có hệ thống quản lý hồ sơ lâm sản từ khâu khai thác, vận chuyển, chế biến (nếu có) và bán sản phẩm để đảm bảo có thể truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. | |
7.4. Chủ rừng phải thực hiện rà soát và cải thiện hệ thống quản lý | 7.4.1. Thực hiện rà soát hệ thống quản lý hàng năm, ít nhất bao gồm các nội dung sau: a) Tình trạng của các hành động cải tiến từ lần rà soát hệ thống quản lý gần nhất; b) Những thay đổi bên trong và bên ngoài có liên quan tới hệ thống quản lý; c) Thông tin về kết quả thực hiện của tổ chức, gồm: - Các điểm không phù hợp và các hành động khắc phục; - Kết quả giám sát; - Kết quả đánh giá. d) Cơ hội cải tiến của hệ thống quản lý. |
7.4.2. Kết quả của hoạt động rà soát hệ thống quản lý phải bao gồm các quyết định liên quan đến các cơ hội cải tiến và bất kỳ nhu cầu thay đổi nào đối với hệ thống quản lý; | |
7.4.3. Lưu giữ hồ sơ, tài liệu dạng văn bản liên quan đến kết quả rà soát hệ thống quản lý hàng năm. | |
7.5. Chủ rừng phải thực hiện hành động khắc phục đối với các hoạt động không phù hợp | 7.5.1. Khi phát hiện sự không phù hợp xảy ra, chủ rừng phải: a) Khắc phục sự không phù hợp, bằng cách: - Thực hiện hành động để kiểm soát và khắc phục sự không phù hợp; - Khắc phục hậu quả của sự không phù hợp. b) Phân tích, đánh giá nhu cầu hành động để loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của sự không phù hợp, để không tái diễn hoặc xảy ra ở nơi khác, thông qua: - Rà soát các điểm không phù hợp; - Xác định nguyên nhân của sự không phù hợp; - Xác định xem có sự không phù hợp tương tự đang tồn tại hoặc có khả năng tái diễn trong tương lai hay không; - Xem xét hiệu quả của hành động khắc phục đã thực hiện. c) Điều chỉnh hệ thống quản lý, nếu cần thiết. |
7.5.2. Hành động khắc phục phải tương xứng với tác động của sự không phù hợp đã xảy ra; | |
7.5.3 Lưu trữ thông tin, tài liệu dạng văn bản về: a) Bản chất của sự không phù hợp và hành động khắc phục sẽ được thực hiện tiếp theo; b) Kết quả của hành động khắc phục. |
MẪU PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
(áp dụng đối với chủ rừng là tổ chức)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững)
Phần 1
NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
MỞ ĐẦU
1. Khái quát chung về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng đảm bảo mục đích sử dụng rừng
2. Sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững (sau đây viết tắt là phương án)
3. Các nội dung khác có liên quan (nếu có).
Chương 1
CĂN CỨ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN
I. CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC
1. Văn bản quy phạm pháp luật của trung ương
2. Văn bản của địa phương
II. CAM KẾT QUỐC TẾ
III. TÀI LIỆU SỬ DỤNG
1. Tài liệu dự án, đề án, quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cho chủ rừng
2. Các tài liệu điều tra chuyên đề của khu rừng
3. Bản đồ: bản đồ hiện trạng rừng và hiện trạng sử dụng đất, bản đồ giao đất, giao rừng, các loại bản đồ chuyên đề khác có liên quan
4. Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh
5. Số liệu hiện trạng tài nguyên rừng, kế hoạch sử dụng đất của đơn vị
Chương 2
ĐẶC ĐIỂM HIỆN TRẠNG CỦA ĐƠN VỊ
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên đơn vị (chủ rừng):……………………………………………………….........................
2. Địa chỉ (trụ sở làm việc của chủ rừng): xã ...............; huyện ................; tỉnh ................;
3. Quyết định thành lập, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chủ rừng hoặc Giấy đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật
4. Cơ cấu tổ chức của đơn vị
Nhận xét: Đặc điểm chung của đơn vị.
II. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐỊA HÌNH, KHÍ HẬU, THỦY VĂN VÀ THỔ NHƯỠNG
1. Vị trí địa lý (tiếp giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc); Tọa độ: kinh độ; vĩ độ), địa hình
2. Khí hậu
3. Thủy văn
4. Địa chất và thổ nhưỡng
Nhận xét: Những thuận lợi, khó khăn; nội dung cần quan tâm, chú ý khi xây dựng và thực hiện phương án.
III. DÂN SINH, KINH TẾ, XÃ HỘI
1. Dân số, dân tộc, lao động
2. Kinh tế: Những hoạt động kinh tế chính, thu nhập đời sống của dân cư
3. Xã hội: Thực trạng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa
Nhận xét: Những thuận lợi, khó khăn; nội dung cần quan tâm, chú ý khi xây dựng và thực hiện phương án.
IV. GIAO THÔNG
1. Hệ thống giao thông đường bộ trong khu vực
2. Hệ thống giao thông đường thủy
Nhận xét: Những thuận lợi, khó khăn; nội dung cần quan tâm, chú ý khi xây dựng và thực hiện phương án.
V. DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG
1. Những loại dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí mà đơn vị đang triển khai, thực hiện
2. Đánh giá tiềm năng cung cấp các loại dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
Nhận xét: Những thuận lợi, khó khăn; nội dung cần quan tâm, chú ý khi xây dựng và thực hiện phương án.
VI. HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT
1. Thống kê hiện trạng sử dụng đất của đơn vị chủ rừng
2. Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tình hình quản lý, sử dụng đất
Nhận xét: Những thuận lợi, khó khăn; nội dung cần quan tâm, chú ý khi xây dựng và thực hiện phương án.
VII. HIỆN TRẠNG TÀI NGUYÊN RỪNG
1. Hiện trạng diện tích, trạng thái, chất lượng các loại rừng thuộc phạm vi quản lý của chủ rừng
2. Tổng trữ lượng, trữ lượng bình quân các loại rừng
3. Hiện trạng phân bố lâm sản ngoài gỗ (bao gồm cây dược liệu)
Nhận xét: Hiện trạng tài nguyên rừng có những ảnh hưởng thuận lợi, khó khăn đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
VIII. HIỆN TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐÃ THỰC HIỆN
1. Thống kê số lượng, diện tích văn phòng, nhà, xưởng, trạm... hiện có của đơn vị theo các nguồn vốn đầu tư
2. Thống kê số lượng phương tiện, thiết bị...của chủ rừng
3. Kết quả các chương trình, dự án đã và đang thực hiện
Nhận xét: Thực trạng cơ sở hạ tầng có những thuận lợi, khó khăn đối với công tác quản lý và các hoạt động của đơn vị
IX. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG, BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC
1. Quản lý rừng tự nhiên
2. Quản lý rừng trồng
3. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và sâu bệnh gây hại rừng
4. Quản lý lâm sản ngoài gỗ
5. Quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học
a) Đa dạng thực vật rừng
b) Đa dạng động vật rừng
c) Cứu hộ, phát triển sinh vật
d) Danh lục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; những loài đặc hữu
6. Công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học
Nhận xét: Những ưu điểm, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
IX-A. PHÂN KHU CHỨC NĂNG CỦA KHU RỪNG ĐẶC DỤNG (áp dụng đối với chủ quản lý rừng đặc dụng)
1. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt
2. Phân khu phục hồi sinh thái
3. Phân khu dịch vụ, hành chính
4. Vùng đệm: Diện tích, hiện trạng vùng đệm ngoài, vùng đệm trong (nếu có)
Nhận xét: Thực trạng phân khu, vùng đệm có những thuận lợi, khó khăn đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các hoạt động của đơn vị.
IX-B. XÁC ĐỊNH CHỨC NĂNG PHÒNG HỘ CỦA RỪNG (áp dụng đối với chủ rừng quản lý rừng phòng hộ)
Căn cứ tiêu chí rừng phòng hộ, chủ rừng xác định chứng năng phòng hộ của rừng và xác định diện tích của từng loại rừng được giao, gồm:
1. Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn...ha (rừng tự nhiên...ha; rừng trồng...ha)
2. Diện tích rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư... ha (rừng tự nhiên ...ha; rừng trồng...ha)
3. Diện tích rừng phòng hộ biên giới ... ha (rừng tự nhiên… ha; rừng trồng...ha)
4. Diện tích rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay... ha (rừng tự nhiên ...ha; rừng trồng...ha)
5. Diện tích rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển ... ha (rừng tự nhiên...ha; rừng trồng...ha)
Nhận xét: Những thuận lợi, khó khăn.
IX-C. KẾT QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA CHỦ RỪNG TRONG BA (03) NĂM LIÊN TIẾP LIỀN KỀ (áp dụng đối với chủ rừng quản lý rừng sản xuất)
Nhận xét: Những thuận lợi, khó khăn.
IX-D. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG ÍCH CỦA CHỦ RỪNG TRONG BA (03) NĂM LIÊN TIẾP LIỀN KẾ (áp dụng đối với chủ rừng quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ)
1. Về thực hiện phân loại đơn vị sự nghiệp công.
2. Hạng mục các nguồn kinh phí của chủ rừng: Nguồn từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ phí, lệ phí, nguồn thu từ liên kết, liên doanh, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, nguồn thu khác...
3. Hạng mục các nguồn chi của chủ rừng: chi lương, chi cho các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng...chi khác theo quy định.
Chương 3
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ HIỆU QUẢ PHƯƠNG ÁN
I. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
1. Mục tiêu chung
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu về kinh tế
b) Mục tiêu về môi trường
c) Mục tiêu về xã hội
II. KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
Mô tả kế hoạch sử dụng đất của chủ rừng.
III. XÁC ĐỊNH KHU VỰC LOẠI TRỪ VÀ KHU VỰC TỔ CHỨC SẢN XUẤT, KINH DOANH RỪNG (áp dụng đối với chủ quản lý rừng sản xuất)
1. Khu vực loại trừ (khu vực rừng cần đưa vào quản lý, bảo vệ, hạn chế hoặc không khai thác lâm sản).
2. Khu vực rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (nếu có).
3. Khu vực rừng, đất lâm nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh rừng hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
IV. KẾ HOẠCH KHOÁN RỪNG, VƯỜN CÂY VÀ DIỆN TÍCH MẶT NƯỚC CHO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN ĐANG CƯ TRÚ HỢP PHÁP TẠI ĐỊA PHƯƠNG; CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ
1. Kế hoạch khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước.
a) Khoán ổn định.
b) Khoán công việc, dịch vụ…vv.
2. Kế hoạch, nội dung thực hiện đồng quản lý (nếu có).
V. KẾ HOẠCH QUẢN LÝ, BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN, SỬ DỤNG RỪNG BỀN VỮNG, BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC
1. Kế hoạch bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
a) Bảo vệ rừng: bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có: .... ha, trong đó:
- Rừng đặc dụng: ...ha (rừng tự nhiên...ha; rừng trồng...ha).
- Rừng phòng hộ (nếu có): ...ha (rừng tự nhiên ...ha; rừng trồng ...ha).
- Rừng sản xuất (nếu có): ...ha (rừng tự nhiên ...ha; rừng trồng ...ha).
b) Kế hoạch xây dựng phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.
c) Kế hoạch phòng trừ sinh vật gây hại rừng.
d) Kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, cứu hộ, tái thả động vật rừng và khu rừng có giá trị về sinh thái, môi trường, ý nghĩa về văn hóa, xã hội.
2. Kế hoạch phát triển rừng.
a) Kế hoạch phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ.
- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung.
- Làm giàu rừng.
- Trồng rừng mới, chăm sóc rừng.
b) Kế hoạch phát triển rừng sản xuất.
- Phát triển rừng tự nhiên.
+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung;
+ Nuôi dưỡng, làm giàu rừng;
- Phát triển rừng trồng.
+ Lựa chọn loài cây trồng;
+ Sản xuất cây con;
+ Trồng rừng mới;
+ Trồng lại rừng sau khai thác;
+ Chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng.
3. Khai thác lâm sản.
a) Kế hoạch khai thác lâm sản rừng đặc dụng.
- Khai thác rừng trồng thực nghiệm, nghiên cứu, khoa học.
- Khai thác tận dụng, tận thu lâm sản.
b) Kế hoạch khai thác lâm sản rừng phòng hộ.
- Khai thác tận dụng, tận thu gỗ.
- Khai thác gỗ rừng trồng.
- Khai thác lâm sản ngoài gỗ.
c) Kế hoạch khai thác lâm sản rừng sản xuất.
- Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
+ Khai thác tận dụng, tận thu gỗ rừng tự nhiên.
+ Khai thác lâm sản ngoài gỗ.
- Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng.
+ Khai thác gỗ rừng trồng.
+ Khai thác tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng.
+ Khai thác lâm sản ngoài gỗ.
d) Những cơ sở và kỹ thuật xây dựng kế hoạch khai thác.
- Xác định chu kỳ khai thác theo loài cây.
- Chọn đối tượng rừng đưa vào khai thác.
- Tỷ lệ lợi dụng gỗ, củi.
- Loại sản phẩm, quy cách sản phẩm.
- Kỹ thuật và công nghệ theo tiêu chuẩn khai thác tác động thấp.
- Xây dựng kế hoạch cho một chu kỳ: trình tự đưa các lô rừng vào khai thác bảo đảm ổn định trong chu kỳ, xác định cụ thể địa danh, diện tích, sản lượng khai thác.
đ) Công nghệ khai thác: công nghệ sử dụng, kỹ thuật mở đường vận xuất, vận chuyển (chiều rộng đường, mật độ đường, cự ly giữa các tuyến), kỹ thuật khai thác, an toàn lao động theo kỹ thuật khai thác tác động thấp.
e) Tổ chức khai thác, tiêu thụ sản phẩm.
- Tự tổ chức khai thác hoặc bán cây đứng cho đơn vị khai thác.
- Tiêu thụ gỗ (tiêu thụ trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh), hoặc tự tổ chức chế biến.
4. Nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, đào tạo nguồn nhân lực.
a) Danh mục, kế hoạch triển khai các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học.
b) Nhu cầu và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
5. Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
a) Dự kiến các địa điểm, khu vực tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
b) Các phương thức tổ chức thực hiện bao gồm: tự tổ chức; liên kết với các tổ chức, cá nhân và cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
c) Khu vực dự kiến xây dựng, bố trí các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được thể hiện trên bản đồ.
6. Sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp (áp dụng đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất).
a) Dự kiến khu vực tổ chức sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, bao gồm: tên địa danh, diện tích, loài cây trồng, vật nuôi sản xuất nông lâm kết hợp.
b) Dự kiến hình thức tổ chức sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp: chủ rừng tự tổ chức sản xuất; tổ chức, cá nhân nhận khoán ổn định sản xuất.
7. Xây dựng hạ tầng phục vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng.
- Duy tu bảo dưỡng đường, tên tuyến, thời gian thực hiện.
- Mở đường mới, đường nhánh, tên tuyến, giá trị sử dụng, thời gian thực hiện.
- Hệ thống bãi gỗ, số lượng, địa điểm, diện tích (chỉ áp dụng cho rừng trồng phòng hộ và rừng sản xuất).
- Xây dựng các công trình phúc lợi (nếu có) như nhà làm việc, câu lạc bộ, trạm quản lý bảo vệ, chòi canh, chỉ rõ mục đích, số lượng, thời gian thực hiện.
- Xây dựng vườn ươm, mục đích, địa điểm, diện tích, công suất, thời gian thực hiện.
8. Hoạt động dịch vụ cho cộng đồng.
a) Dự kiến các dịch vụ cho cộng đồng.
b) Hình thức tổ chức thực hiện.
9. Hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, thuê môi trường rừng.
a) Các dịch vụ được tiến hành.
b) Tổ chức triển khai, thực hiện.
10. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng.
11. Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; điều tra, kiểm kê rừng.
a) Thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, giám sát đa dạng sinh học.
b) Điều tra, kiểm kê rừng.
12. Chế biến, thương mại lâm sản: vị trí nhà xưởng, công nghệ, thiết bị, máy móc, sản phẩm, thị trường tiêu thụ... (áp dụng cho chủ quản lý rừng sản xuất hoặc phòng hộ (nếu có)).
VI. KHÁI TOÁN, DỰ KIẾN NHU CẦU VỐN VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ
1. Tổng hợp khái toán, dự kiến nhu cầu vốn cho kế hoạch quản lý rừng bền vững.
a) Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
b) Bảo vệ rừng.
c) Phát triển rừng.
d) Nghiên cứu khoa học, cứu hộ động vật rừng, thực vật rừng, đào tạo, tập huấn.
đ) Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
e) Ổn định dân cư.
g) Xây dựng cơ sở hạ tầng.
h) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
i) Chế biến, thương mại lâm sản (chỉ áp dụng cho chủ rừng có hoạt động này).
...............................................
2. Nguồn vốn đầu tư.
a) Vốn tự có.
b) Vốn liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư.
c) Vốn vay các tổ chức tín dụng.
d) Ngân sách nhà nước (nhiệm vụ công ích, khoa học công nghệ...).
đ) Dịch vụ môi trường rừng.
e) Khai thác lâm sản.
g) Hỗ trợ quốc tế.
h) Các nguồn khác....
VII. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp về công tác quản lý, nguồn nhân lực.
2. Giải pháp về phối hợp với các bên liên quan.
3. Giải pháp về khoa học, công nghệ.
4. Giải pháp về nguồn vốn, huy động nguồn vốn đầu tư.
5. Giải pháp về thị trường (chỉ áp dụng với chủ rừng có sản xuất kinh doanh).
6. Giải pháp khác.
VIII. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG ÁN
1. Hiệu quả về kinh tế.
a) Giá trị sản phẩm thu được.
b) Sản phẩm từ các hoạt động lâm sinh.
c) Tăng vốn rừng (tăng về diện tích, trữ lượng rừng trồng).
d) Giá trị kinh tế thu từ các dịch vụ: cây con, môi trường rừng, chế biến, thương mại lâm sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ...vv
2. Hiệu quả về xã hội.
Đối tượng bị tác động và mức độ ảnh hưởng, bao gồm cả tác động tích cực và tác động tiêu cực (giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập của người dân, nâng cao năng lực, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng).
3. Hiệu quả về môi trường.
Tiên lượng các tác động tích cực, tiêu cực đối với môi trường, về bảo tồn đa dạng sinh học và các mẫu sinh thái có giá trị bảo tồn; tăng độ che phủ của rừng, phát triển các loài cây bản địa, tác dụng của việc bảo vệ các khu vực loại trừ và thực hiện khai thác tác động thấp.
Chương 4
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
Mô tả và phân nhiệm vụ cụ thể đối với từng vị trí, bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ đã xác định trong Phương án.
II. KẾ HOẠCH KIỂM TRA, GIÁM SÁT
Mô tả được mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát phải đạt được. Xác định cụ thể các chỉ tiêu kiểm tra, giám sát đối với từng nhiệm vụ.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Những nội dung cơ bản có tính chất tổng hợp nhất đã được xác định trong phương án. Việc thực hiện phương án sẽ đạt được những kết quả nổi bật so với phương thức trước đó.
2. Để thực hiện phương án đạt mục tiêu đề ra, những vấn đề khó khăn phải kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ hoặc cần phải bổ sung cơ chế, chính sách./.
Phần 2
HỆ THỐNG CÁC LOẠI BẢN ĐỒ VÀ BIỂU KÈM THEO PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
I. CÁC LOẠI BẢN ĐỒ
1. Bản đồ hiện trạng rừng năm 202.., tỷ lệ 1/……;
2. Bản bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 202..,tỷ lệ 1/...;
3. Bản đồ quản lý rừng bền vững, giai đoạn 202…- 202…, tỷ lệ 1/…;
II. HỆ THỐNG CÁC BIỂU
Biểu số 01 | Thống kê dân sinh, kinh tế - xã hội. |
Biểu số 02 | Hiện trạng các công trình hạ tầng về giao thông. |
Biểu số 03 | Thống kê hiện trạng sử dụng đất của chủ rừng theo đơn vị hành chính cấp xã. |
Biểu số 04 | Thống kê hiện trạng rừng năm 20... |
Biểu số 05 | Thống kê trữ lượng các loại rừng năm 20... |
Biểu số 06 | Danh lục các loài thực vật rừng chủ yếu. |
Biểu số 07 | Danh lục các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. |
Biểu số 08 | Danh lục các loài động vật rừng chủ yếu. |
Biểu số 09 | Danh lục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. |
Biểu số 10 | Tổng hợp kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 20..- 20... |
Biểu số 11 | Tổng hợp kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 20..- 20... |
Biểu số 12 | Tổng hợp kế hoạch khai thác lâm sản giai đoạn 20..- 20... |
Biểu số 13 | Tổng hợp kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 20..- 20... |
Biểu số 14 | Kết quả sản xuất, kinh doanh của chủ rừng. |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững)
Đơn đề nghị phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững | |
Phương án quản lý rừng bền vững | |
Quyết định Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng (nhóm hộ, tổ hợp tác) có hoạt động du lịch sinh thái | |
Đơn đề nghị điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững | |
Quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số…./QĐ-UBND ngày…/…/20…của Ủy ban nhân dân huyện….về phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng (nhóm hộ, tổ hợp tác) có hoạt động du lịch sinh thái |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
(tên xã)…., ngày …. tháng ……. năm 202…
Phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững
(Chỉ áp dụng đối với chủ rừng hoặc nhóm hộ, tổ hợp tác có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái)
Kính gửi: Ủy ban nhân dân huyện (tên huyện)………
Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững; Thông tư số /2023/TT-BNNPTNT ngày / /2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT, kính đề nghị Ủy ban nhân dân huyện (tên huyện)…xem xét, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững như sau:
1. Họ và tên chủ rừng: ……….(Ghi rõ họ và tên chủ rừng hoặc người đại diện nhóm hộ, tổ hợp tác)
2. Địa chỉ: …………..;
3. Số CCCD:………………..; Ngày cấp:……./……./…….;
4. Hồ sơ gửi kèm:
- Phương án quản lý rừng bền vững;
- Các loại bản đồ, gồm:……………………………………………………........................
Kính đề nghị Ủy ban nhân dân huyện (tên huyện)…… xem xét, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững./.
| Chủ rừng hoặc người đại diện nhóm hộ, |
PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
(áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc nhóm hộ, tổ hợp tác xây dựng phương án quản lý rừng bền vững)
MỞ ĐẦU
Chương I
CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ TÀI LIỆU SỬ DỤNG
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
Các văn bản liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp của chủ rừng, nhóm hộ, tổ hợp tác.
II. TÀI LIỆU SỬ DỤNG
Nêu các tài liệu, số liệu, thông tin, bản đồ sử dụng cho việc lập kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững.
Chương II
ĐẶC ĐIỂM HIỆN TRẠNG CỦA CHỦ RỪNG
I. ĐẶC ĐIỂM CỦA CHỦ RỪNG
1. Loại hình chủ rừng:
Hộ gia đình/cá nhân/cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác.
2. Cơ cấu tổ chức
Mô tả mô hình tổ chức nhóm hộ/cộng đồng và nhiệm vụ của các thành phần trong nhóm, tổ hợp tác gồm:
- Nhóm hộ/cộng đồng, tổ hợp tác: Mô tả các thành phần và hình thức liên kết các thành viên gồm: các chủ rừng, cơ sở khai thác vận chuyển gỗ, cơ sở chế biến gỗ, vườn ươm…(nếu có) để thực hiện quản lý rừng bền vững, vai trò và nhiệm vụ của từng thành phần trong nhóm.
- Trưởng nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác: Vai trò và nhiệm vụ của trưởng nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác.
- Ban quản lý nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác: Mô tả Ban quản lý nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác, gồm: thành phần, vai trò và nhiệm vụ của từng thành phần tham gia trong Ban quản lý nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác (theo quy mô và nhu cầu, nhóm/tổ hợp tác có thể mời đại diện chính quyền, các ban, ngành của huyện, xã nơi các chủ rừng liên kết thành nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác và các thành viên khác là cơ sở chế biến có nhu cầu liên kết với nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác để thực hiện quản lý rừng bền vững, hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững).
3. Quy mô, diện tích rừng, đất lâm nghiệp của các thành viên tham gia nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác
- Số lượng thành viên tham gia;
- Diện tích của từng thành viên nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác, gồm: diện tích loại rừng, dự kiến diện tích rừng trồng sẽ tham gia cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, diện tích loại trừ (diện tích rừng tự nhiên, diện tích các khu vực có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, giải trí, tín ngưỡng, hành lang ven sông, suối và khu vực có các loài động thực vật trong danh lục cần được bảo vệ); tổng hợp từ Biểu 08 vào Biểu 01.
Biểu 01: Tổng hợp diện tích rừng của các nhóm hộ/cộng đồng/tổ hợp tác phân theo xã, huyện....tỉnh...
Tên xã | Tổng diện tích (ha) | Diện tích loại trừ (ha) | Dự kiến diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (ha) |
(1) | (2=3+4) | (3) | (4) |
Nhóm hộ/cộng đồng/tổ hợp tác: xã A | |||
......... | |||
Tổng |
II. HIỆN TRẠNG TÀI NGUYÊN RỪNG
1. Diện tích và trữ lượng rừng
Nêu hiện trạng rừng của chủ rừng, các thành viên tự nguyện tham gia nhóm/cộng đồng/tổ hợp tác:
- Tổng diện tích rừng: .... ha, trong đó:
+ Rừng đặc dụng….ha (rừng tự nhiên….ha, rừng trồng….ha);
+ Rừng phòng hộ …ha (rừng tự nhiên…ha, rừng trồng…ha);
+ Rừng sản xuất…ha (rừng tự nhiên…ha, rừng trồng…ha);
- Trữ lượng rừng trồng phân theo loài cây và cấp tuổi: …. m3, trong đó:
+ Keo lai: … m3/tuổi…:
+ Keo tai tượng: … m3/tuổi…:
+ Bạch đàn: … m3/tuổi…:
- Lâm sản ngoài gỗ (bao gồm cây dược liệu):
+ Loài cây:…………; Diện tích:…………………; Sản lượng:……….
…………………………………..
2. Tài nguyên đa dạng sinh học
Tổng hợp, đánh giá danh lục các loài động, thực vật rừng thuộc phạm vi quản lý của chủ rừng hoặc nhóm hộ/tổ hợp tác theo Biểu 02 và Biểu 03:
Biểu 02: Danh lục các loài thực vật rừng
TT | Tên Loài | Địa điểm | Số lượng, mật độ cây |
1 | Lim xanh (kể cả tên địa phương nếu có) | khoảnh…., tiểu khu…., xã……., huyện……. | Ví dụ: ít, trung bình, nhiều |
... | ..... | ...... | ..... |
... | ..... | ...... | ..... |
... | ..... | ...... | ..... |
Biểu 03: Danh lục các loài động vật rừng
TT | Tên Loài | Địa Điểm | Ghi Chú |
1 | Sóc (kể cả tên địa phương nếu có) | Tiểu khu ...., xã ...., huyện ..... | Ví dụ: ít, trung bình, nhiều |
... | ..... | ...... | ..... |
... | ..... | ...... | ..... |
... | ..... | ...... | ..... |
Chương III
MỤC TIÊU VÀ KẾ HOẠCH QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
I. MỤC TIÊU QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
1. Mục tiêu chung: Thiết lập được khu rừng của chủ rừng hoặc nhóm hộ/tổ hợp tác để thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế: Thu nhập…….triệu đồng/ha/năm; …..
b) Về xã hội: Tạo việc làm cho bao người lao động, gắn với xóa đói, giảm nghèo;……
c) Về môi trường: Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có….ha, trồng mới các loại rừng….ha;........
3. Thời gian thực hiện kế hoạch quản lý: Từ năm …. đến năm …..
II. KẾ HOẠCH QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
1. Kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng
Nêu diện tích, loại rừng hiện có của chủ rừng hoặc nhóm hộ cần được bảo vệ; biện pháp kỹ thuật cho các hoạt động phòng trừ sâu bệnh, phòng cháy và chữa cháy rừng.
…………………………………………………………………………..
2. Kế hoạch phát triển rừng tự nhiên (nếu có)
- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên:……..ha;
- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung:……..ha;
- Làm giàu rừng:…..ha;
- Nuôi dưỡng rừng:…..ha.
- ……………………….
3. Kế hoạch sản xuất cây giống (nếu có)
Xác định địa điểm, diện tích vườn ươm cây giống; dự kiến loài cây, số lượng cây sản xuất trung bình/năm.
4. Kế hoạch trồng rừng
Nêu các biện pháp kỹ thuật trồng rừng bảo đảm quản lý rừng bền vững từ khâu xử lý thực bì, làm đất, trồng rừng…vv và tổng hợp Kế hoạch trồng rừng vào Biểu 04:
Biểu 04: Kế hoạch trồng rừng
TT | Loài cây | Năm trồng | Mật độ trồng (cây/ha) | Diện tích (ha) | Địa điểm |
I. RỪNG ĐẶC DỤNG (nếu có): | …… | ||||
1 | Kim giao +… | 2024 | 1650 | 100 | Xã, tiểu khu, khoảnh, lô |
2 | .... | …... | …. | …. | …… |
II. RỪNG PHÒNG HỘ (nếu có): | …… |
| |||
1 | Lát hoa +… | ||||
2 | ……… | …… | |||
III. RỪNG SẢN XUẤT | |||||
1 | Keo lai .. | ||||
2 | …. | ||||
Tổng (I+II+III): | ...... |
5. Kế hoạch chăm sóc rừng trồng
Nêu các biện pháp kỹ thuật chăm sóc rừng: làm cỏ, vun xới gốc, phát luỗng dây leo, bón phân …vv và tổng hợp Kế hoạch chăm sóc rừng vào Biểu 05:
Biểu 05: Kế hoạch chăm sóc rừng trồng
Hoạt động chăm sóc rừng | Diện tích chăm sóc (ha) | |||||
Năm.. | Năm.. | Năm.. | Năm.. | Năm.. | Năm.. | |
1. Rừng đặc dụng: | … | … | … | … | … | … |
- Năm 1/Kim giao+… | ||||||
.......... | ||||||
2. Rừng phòng hộ: | … | … | … | … | … | … |
- Năm 1/Lát hoa+… |
|
|
|
|
|
|
………… |
|
|
|
|
|
|
3. Rừng sản xuất: | ||||||
- Năm 1/Keo lai +.. |
|
|
|
|
|
|
……. |
|
|
|
|
|
|
Tổng (1+2+3): |
|
|
|
|
|
|
6. Kế hoạch phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu
Xác định địa điểm, diện tích, loài cây trồng; kế hoạch trồng, chăm sóc cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu.
……………………………………………………………………………
7. Kế hoạch khai thác gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ
Xác định địa điểm, diện tích, sản lượng, loài cây khai thác, các biện pháp kỹ thuật khai thác tác động thấp bảo đảm quản lý rừng bền vững và tổng hợp vào Biểu 06:
Biểu 06: Kế hoạch khai thác gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ
Năm khai thác | Diện tích (ha) | Sản lượng khai thác (m3;tấn;cây) | Địa điểm khai thác | Loài cây/năm trồng rừng |
I. KHAI THÁC GỖ RỪNG TRỒNG | ||||
2024 | 100 | 1.500 | Xã..tiểu khu ... | Keo tai tượng/2016 |
...... | ..... | ..... | ....... | ...... |
Tổng: |
|
|
|
|
II. KHAI THÁC LÂM SẢN NGOÀI GỖ, DƯỢC LIỆU | ||||
2024 | 100 | 200 (tấn) | Song, mây | |
….. | ||||
Tổng |
|
|
|
|
8. Kế hoạch hoạt động du lịch sinh thái (chỉ áp dụng đối với chủ rừng hoặc nhóm hộ, tổ hợp tác có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái)
a) Hiện trạng, tiềm năng du lịch và các loại sản phẩm du lịch sinh thái;
b) Xác định các khu vực, địa điểm, diện tích, loại hình tổ chức du lịch sinh thái;
- Địa điểm: nêu tên các địa điểm tổ chức du lịch sinh thái.
- Xác định loại hình tổ chức thực hiện, gồm: tự tổ chức; liên kết hợp tác với các tổ chức, cá nhân và cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái;
- Tổng hợp các loại hình, diện tích các địa điểm, khu vực tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái vào Biểu số 07 và được thể hiện trên bản đồ phương án quản lý rừng bền vững:
…………………………………………………………………………….............................
…………………………………………………………………………….............................
…………………………………………………………………………….............................
Biểu 07: Tổng hợp diện tích các khu vực tổ chức hoạt động du lịch sinh thái
Loại hình tổ chức | Địa điểm/khu vực | Diện tích, loại rừng (ha) |
Ghi chú | |||
Tổng | Đặc dụng | Phòng hộ | Sản xuất | |||
1. Tự tổ chức | Lô, khoảnh, tiểu khu (tên địa danh nếu có) | 15 | - | - | 15 | Rừng trồng |
2. Liên kết hợp tác | …. | ….. | … | .. | … | …. |
3. Cho thuê môi trường rừng | …. | ….. | … | .. | … | …. |
Tổng cộng (1+2+3) | 15 | … | .. | 15 |
|
9. Kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên nhóm
- Bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, sâu bệnh hại rừng; bảo tồn đa dạng sinh học;
- Quy trình kỹ thuật sản xuất cây con; Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác rừng tác động thấp;
- Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững;
- An toàn lao động và bảo hộ lao động;
- Sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật an toàn;
- Thu gom, xử lý các loại chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;
- Du lịch sinh thái…………………………………………………………
10. Dự kiến kinh phí và nguồn vốn thực hiện kế hoạch
……………………………………………………………………………
III. HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG ÁN
1. Hiệu quả về kinh tế:……………………………………………….
2. Hiệu quả về môi trường:………………………………………….
3. Hiệu quả về xã hội:………………………………………………..
Chương IV
TỔ CHỨC VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đại diện nhóm
2. Ban quản lý nhóm
3. Thành viên nhóm
II. THEO DÕI ĐÁNH GIÁ, GIÁM SÁT
Nội dung theo dõi đánh giá, giám sát bao gồm:
- Giám sát, đánh giá định kỳ đối với thành viên nhóm.
- Giám sát nhà thầu.
- Giám sát, đánh giá kế hoạch thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN (nêu các giải pháp thực hiện phương án quản lý rừng bền vững)
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
1. Kết luận
2. Khuyến nghị
Biểu số 08. Tổng hợp danh sách
Chủ rừng hoặc nhóm hộ, tổ hợp tác tham gia phương án quản lý rừng bền vững huyện ............. tỉnh.............
TT | Xã | Thôn, ấp | Chủ rừng | Tiểu khu, khoảnh | Lô | Diện tích (ha) | R. Đặc dụng (ha) | R. Phòng hộ (ha) | R. Sản xuất (ha) | |||
R. Tự nhiên | Rừng Trồng | R. Tự nhiên | Rừng Trồng | R. Tự nhiên | Rừng Trồng | |||||||
I. NHÓM HỘ/TỔ HỢP TÁC/CỘNG ĐỒNG A |
|
| ||||||||||
1 | Thượng Hiền | Trung Quý | Nguyễn Văn A |
|
| 21,0 | 1,5 | 2,0 | 1,5 | 11,0 | 3,0 | 2,0 |
1; 09 | 2; 4 | 3,5 | 1,5 | 2,0 | ||||||||
12; 03 | 11; 20 | 12,5 | 1,5 | 11,0 | ||||||||
22; 02 | 8; 7 | 5,0 | 3,0 | 2,0 | ||||||||
2 | ....... | ...... | ..... | ........ | .... | ..... | .... | ..... | ..... | ....... | ….. | …… |
Tổng: | ...... | ..... | ........ | .... | ..... | .... | ..... | ..... | ....... | ….. | …. | |
II. NHÓM HỘ /TỔ HỢP TÁC/CỘNG ĐỒNG B |
|
| ||||||||||
1 | ....... | ...... | ..... | ........ | .... | ..... | .... | ..... | ..... | ....... | ….. | ….. |
Tổng | ||||||||||||
Tổng cộng (I+II) | ..... | ..... | ........ | .... | ..... | .... | ..... | ..... | ....... |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-UBND | ……., ngày tháng năm 20….. |
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN ………………..
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017;
Căn cứ... (các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lâm nghiệp, quy định về quản lý rừng bền vững và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan);
Xét Báo cáo kết quả thẩm định số /BC…., ngày…/…/20…của cơ quan thẩm định;
Theo Đơn đề nghị phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, ngày .../…/20…của…(tên chủ rừng, người đại diện cộng đồng dân cư, nhóm hộ, tổ hợp tác),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng (nhóm hộ, tổ hợp tác) có hoạt động du lịch sinh thái với những nội dung sau:
1. Tên phương án: Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 20…- 20…
2. Tên chủ rừng/người đại diện cộng đồng dân cư/nhóm hộ/tổ hợp tác:
3. Địa chỉ: ………………………………………………………………….;
4. Quy mô, diện tích rừng, đất lâm nghiệp: (của chủ rừng hoặc nhóm hộ/tổ hợp tác)
5. Hiện trạng tài nguyên rừng
a) Diện tích và trữ lượng rừng
b) Tài nguyên đa dạng sinh học
6. Mục tiêu Phương án
a) Mục tiêu chung:
b) Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu kinh tế:
- Mục tiêu xã hội:
- Mục tiêu môi trường:
7. Những nội dung chính thực hiện phương án
a) Kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng.
b) Kế hoạch phát triển rừng tự nhiên.
c) Kế hoạch sản xuất cây giống.
d) Kế hoạch trồng rừng.
đ) Kế hoạch chăm sóc rừng.
e) Kế hoạch phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu.
g) Kế hoạch khai thác gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu.
h) Kế hoạch hoạt động du lịch sinh thái.
i) Kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên nhóm.
k) Dự kiến kinh phí và nguồn vốn thực hiện.
………………………………………………………………………….....................................
8. Giải pháp thực hiện
...........................................................................................................................................
(Chi tiết tại Phương án quản lý rừng bền vững và bản đồ kèm theo)
Điều 2. Tổ chức thực hiện phương án
1. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý có liên quan:…………………...........................
2. Trách nhiệm của chủ rừng:……………………..............................................................
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng các phòng:……..; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ rừng có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
(tên xã)…., ngày …. tháng ……. năm 202…
Điều chỉnh Phương án quản lý rừng bền vững
(Chỉ áp dụng đối với chủ rừng hoặc nhóm hộ, tổ hợp tác có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái)
Kính gửi: Ủy ban nhân dân huyện (tên huyện)………
Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững; Thông tư số /2023/TT-BNNPTNT ngày…/…./2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT;
Căn cứ... (các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lâm nghiệp và các văn bản của cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh diện tích rừng, đất lâm nghiệp, cơ chế, chính sách mới ban hành có liên quan đến việc đề nghị điều chỉnh phương án);
Kính đề nghị Ủy ban nhân dân huyện (tên huyện)…xem xét, điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững như sau:
1. Họ và tên chủ rừng: ……….(Ghi rõ họ và tên chủ rừng hoặc người đại diện nhóm hộ, tổ hợp tác)
2. Địa chỉ: …………..;
3. Số CCCD:………………..; Ngày cấp:……./……./…….;
4. Hồ sơ gửi kèm:
- Phương án quản lý rừng bền vững (được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung);
- Các loại bản đồ, gồm:…………....(được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung);
(Tại mục 4 nêu trên, chủ rừng phải giải trình cơ sở pháp lý, thực tiễn đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ các nội dung có liên quan).
Kính đề nghị Ủy ban nhân dân huyện (tên huyện)…… xem xét, phê duyệt điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững./.
| Chủ rừng hoặc người đại diện nhóm hộ, |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-UBND | ……, ngày……tháng……năm 20….. |
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN ………………..
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017;
Căn cứ... (các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lâm nghiệp, quy định về quản lý rừng bền vững và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan);
Xét Báo cáo kết quả thẩm định số /BC…., ngày…/…/20…của cơ quan thẩm định;
Theo Đơn đề nghị điều chỉnh Phương án quản lý rừng bền vững ngày…./…/20…của (tên chủ rừng hoặc tên người đại diện cộng đồng dân cư, nhóm hộ, tổ hợp tác),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày…./…./20… của Ủy ban nhân dân huyện……về Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng (nhóm hộ, tổ hợp tác) có hoạt động du lịch sinh thái
1. Sửa đổi, bổ sung điểm….khoản….Điều 1 như sau:
“……………………………………….................................………………………………………”
2. Sửa đổi, bổ sung điểm….khoản….Điều 2 như sau:
“………………………………………..................................………………………………………”
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Quyết định số …./QĐ-UBND ngày.../…/20… của Ủy ban nhân dân huyện…về Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng (nhóm hộ, tổ hợp tác) có hoạt động du lịch sinh thái (nếu có).
1. Thay thế từ, cụm từ …. bằng ….. tại điểm…khoản ….Điều ….
………………………………………………………………………………..............................
2. Bãi bỏ từ, cụm từ… tại hoặc điểm…khoản…Điều…của Quyết định số ……./QĐ-UBND ngày…./…./20… của Ủy ban nhân dân huyện……về Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng (nhóm hộ, tổ hợp tác) có hoạt động du lịch sinh thái.
……………………………………............................……………………………………………
(Chi tiết tại Phương án quản lý rừng bền vững và bản đồ được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kèm theo
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng các phòng:……..; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ rừng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN |
((Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững)
Tờ trình về việc phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững | |
Báo cáo kết quả thẩm định (phê duyệt/điều chỉnh) Phương án quản lý rừng bền vững | |
Quyết định Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững | |
Tờ trình đề nghị điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững | |
Quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số…/QĐ-…. ngày…/…/20.. của…. (cơ quan có thẩm quyền) phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững |
CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /TTr- | ……., ngày tháng năm 20….. |
Về việc phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững
Kính gửi: ………………… (1)………………………
Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững (QLRBV); Thông tư số /2023/TT-BNNPTNT ngày / /2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT, (Tên chủ rừng) kính trình ……(1)………xem xét, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững như sau:
1. Tên Phương án: Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 20…- 20…
2. Tên chủ rừng:
3. Địa chỉ:
4. Hiện trạng đất đai, tài nguyên rừng (nêu tóm tắt nội dung).
5. Mục tiêu Phương án: (nêu tóm tắt các mục tiêu).
6. Những nội dung chính thực hiện phương án (Kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, bảo tồn, sản xuất, kinh doanh; nhu cầu, nguồn vốn đầu tư; hiệu quả của phương án (nêu tóm tắt nội dung).
7. Dự kiến nhu cầu và nguồn vốn thực hiện phương án (nêu tóm tắt nội dung).
8. Giải pháp và tổ chức thực hiện Phương án (nêu tóm tắt nội dung).
(Có phương án quản lý rừng bền vững và bản đồ kèm theo)
Chủ rừng (tên chủ rừng) kính trình……(1)…… xem xét, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững./.
| Chủ rừng |
Ghi chú: (1) cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng.
TÊN (BỘ/UBND TỈNH/HUYỆN)…. ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /BC-…. | ……., ngày tháng năm 20….. |
Kết quả thẩm định phê duyệt/điều chỉnh Phương án quản lý rừng bền vững
Kính gửi: (Tên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt/điều chỉnh phương án QLRBV)
Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững; Thông tư số /202../TT-BNNPTNT ngày / /202… của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT;
Căn cứ Quyết định số …… ngày …… tháng .... năm ... của cơ quan/cấp (Tên cơ quan/cấp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định) về thành lập Hội đồng thẩm định (phê duyệt/điều chỉnh) phương án quản lý rừng bền vững của (Tên chủ rừng ……….) (nếu có);
Cơ quan (Tên cơ quan thẩm định) hoặc Hội đồng thẩm định (phê duyệt/điều chỉnh) phương án quản lý rừng bền vững của (Tên chủ rừng …………. ) đã tổ chức thẩm định hoặc lấy ý kiến phương án quản lý rừng bền vững tại Văn bản số ………ngày…./…./202….và báo cáo kết quả thẩm định như sau:
Phần thứ nhất
TÀI LIỆU THẨM ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH
I. HỒ SƠ THẨM ĐỊNH
1. Tờ trình (hoặc Đơn đề nghị) của chủ rừng trình Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt/điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững.
2. Phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng đề nghị phê duyệt/hoặc Phương án quản lý rừng bền vững được đề nghị điều chỉnh.
3. Các loại bản đồ kèm theo phương án quản lý rừng bền vững đề nghị phê duyệt /hoặc các loại bản đồ kèm theo phương án quản lý rừng bền vững được đề nghị điều chỉnh.
II. CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ THẨM ĐỊNH
1. Luật Lâm nghiệp.
2. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp.
3. Các văn bản liên quan khác (nếu có).
III. TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH
1. Đơn vị chủ trì thẩm định:
2. Đơn vị phối hợp thẩm định:
3. Các thành viên trong Hội đồng thẩm định (nếu có):
4. Hình thức thẩm định: Tổ chức họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản hoặc áp dụng cả hai hình thức (nếu cần thiết).
Phần thứ hai
Ý KIẾN THẨM ĐỊNH (PHÊ DUYỆT/ĐIỀU CHỈNH) PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
I. THÔNG TIN CHUNG PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
1. Tên phương án:
2. Tên chủ rừng:
3. Địa chỉ:
4. Thời gian thực hiện:
5. Các thông tin khác (nếu có):
II. TỔNG HỢP Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA CÁC ĐƠN VỊ PHỐI HỢP/THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH
Tổng hợp ý kiến của các đơn vị phối hợp/thành viên hội đồng thẩm định (phê duyệt/điều chỉnh) phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp.
III. Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA CƠ QUAN/HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH
Việc thẩm định (phê duyệt/điều chỉnh) phương án quản lý rừng bền vững phải phù hợp với các quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp.
Các ý kiến khác (nếu có).
…………………………………………….
(Trong từng trường hợp cụ thể Cơ quan/Hội đồng thẩm định có thể bổ sung hoặc điều chỉnh các nội dung thẩm định (phê duyệt/điều chỉnh) phương án quản lý rừng bền vững bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Lâm nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp).
IV. KẾT LUẬN
1. Phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng đạt yêu cầu để trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững.
(Có dự thảo Quyết định phê duyệt hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng kèm theo)
2. Phương án quản lý rừng bền vững hoặc phương án quản lý rừng bền vững (được điều chỉnh) của chủ rừng chưa đạt yêu cầu đề nghị chủ rừng bổ sung, chỉnh lý các nội dung sau (nêu rõ lý do):
………………………………………………………………………………………………….
Trên đây là ý kiến thẩm định (phê duyệt/điều chỉnh) của (Cơ quan thẩm định/ Hội đồng thẩm định) về Phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng (Tên chủ rừng) đề nghị (cơ quan có thẩm quyền phê duyệt/điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững) xem xét quyết định phê duyệt/điều chỉnh phương án (nếu đạt yêu cầu) hoặc không phê duyệt (nếu chưa đạt yêu cầu).
| ĐẠI DIỆN CƠ QUAN THẨM ĐỊNH |
CƠ QUAN PHÊ DUYỆT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-…. | ……., ngày tháng năm 20….. |
Về việc Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của (Tên chủ rừng)
(áp dụng đối với chủ rừng là tổ chức)
CƠ QUAN PHÊ DUYỆT
Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017;
Căn cứ văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của cơ quan phê duyệt (áp dụng đối với Quyết định của các Bộ, ngành);
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (áp dụng đối với Quyết định của UBND cấp tỉnh);
Căn cứ……….(áp dụng đối với Quyết định của các chủ rừng là tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, doanh nghiệp FDI trường hợp tự phê duyệt);
Căn cứ... (các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lâm nghiệp, quy định về quản lý rừng bền vững và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan);
Xét Báo cáo kết quả thẩm định số …. /BC-…., ngày…/…/20…của cơ quan thẩm định;
Theo đề nghị tại Tờ trình số…./TTr- ngày…./…/20…của….(tên chủ rừng) về phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững của (tên chủ rừng), với những nội dung sau:
1. Tên Phương án: Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 20…- 20…
2. Tên chủ rừng:
3. Địa chỉ:
4. Hiện trạng đất đai, tài nguyên rừng
a) Hiện trạng đất đai
b) Hiện trạng tài nguyên rừng
5. Mục tiêu Phương án
a) Mục tiêu chung:
b) Mục tiêu cụ thể:
- Mục tiêu kinh tế:
- Mục tiêu xã hội:
- Mục tiêu môi trường:
6. Những nội dung chính thực hiện phương án
a) Kế hoạch sử dụng đất
b) Kế hoạch khoản bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư
c) Kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học
- Kế hoạch bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học:……………..
- Kế hoạch phát triển rừng:……………..
- Kế hoạch khai thác lâm sản:………………
………………………………………………………………………………
d) Nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, đào tạo nguồn nhân lực
đ) Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
e) Sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp
g) Xây dựng hạ tầng phục vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng
h) Hoạt động dịch vụ cho cộng đồng
i) Hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, thuê môi trường rừng
k) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng
l) Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, điều tra, kiểm kê rừng
m) Chế biến, thương mại lâm sản
n) Kế hoạch khác…...
………………………………………………………………………………..
7. Dự kiến nhu cầu và nguồn vốn thực hiện
Dự kiến tổng vốn:……………….tỷ đồng, trong đó:
a) Vốn hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước:…………
b) Vốn tự có:……………
c) Vốn liên doanh, liên kết và các nguồn vốn hợp pháp khác:………….
8. Giải pháp thực hiện
a) Giải pháp tổ chức quản lý, sử dụng đất.
b) Giải pháp tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
c) Giải pháp về khoa học công nghệ.
d) Các giải pháp khác…..
(Chi tiết tại Phương án quản lý rừng bền vững và bản đồ kèm theo)
Điều 2. Tổ chức thực hiện phương án
1. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý có liên quan:…………………
2. Trách nhiệm của chủ rừng:……………………
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng (Bộ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố hoặc…), Cục trưởng (Vụ trưởng) các Vụ: (tên các Cục, Vụ, đơn vị) hoặc Giám đốc các Sở:….., Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ rừng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CƠ QUAN PHÊ DUYỆT |
CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /TTr- | ……., ngày tháng năm 20….. |
Về việc điều chỉnh Phương án quản lý rừng bền vững
Kính gửi: ………………… (1)………………………
Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững; Thông tư số /2023/TT-BNNPTNT ngày / /2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT;
Căn cứ... (các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lâm nghiệp và các văn bản của cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh diện tích rừng, đất lâm nghiệp, cơ chế, chính sách mới ban hành có liên quan đến việc đề nghị điều chỉnh phương án);
Chủ rừng (Tên chủ rừng) kính trình ……(1)………xem xét, điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững như sau:
1. Điều chỉnh hiện trạng đất đai, tài nguyên rừng (nêu tóm tắt nội dung nếu có).
2. Điều chỉnh mục tiêu Phương án: (nêu tóm tắt các mục tiêu nếu có).
3. Điều chỉnh những nội dung thực hiện phương án (nêu tóm tắt nội dung nếu có).
4. Điều chỉnh dự kiến nhu cầu và nguồn vốn thực hiện phương án (nếu có)
5. Điều chỉnh giải pháp và tổ chức thực hiện Phương án (nêu tóm tắt nội dung nếu có).
…………………………………………………………………………………………
(Tại các Mục từ 1 đến 5…. nêu trên, chủ rừng phải giải trình cơ sở pháp lý, thực tiễn (khoa học nếu có) đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ các nội dung có liên quan).
(Có phương án quản lý rừng bền vững và bản đồ được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kèm theo)
Chủ rừng (Tên chủ rừng) kính trình……(1)…… xem xét, điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững./.
| Chủ rừng |
Ghi chú: (1) cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng.
CƠ QUAN PHÊ DUYỆT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-…. | ……., ngày tháng năm 20….. |
Về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số /QĐ-… ngày.. /../20.. của (Tên cơ quan phê duyệt) về Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của (Tên chủ rừng)
(áp dụng đối với chủ rừng là tổ chức)
CƠ QUAN PHÊ DUYỆT
Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017;
Căn cứ văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của cơ quan phê duyệt (áp dụng đối với Quyết định của các Bộ, ngành);
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (áp dụng đối với Quyết định của UBND cấp tỉnh);
Căn cứ……….(áp dụng đối với Quyết định của các chủ rừng là tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, doanh nghiệp FDI trường hợp tự phê duyệt);
Căn cứ... (các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lâm nghiệp, quy định về quản lý rừng bền vững và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan);
Xét Báo cáo kết quả thẩm định số…… /BC…., ngày…/…/20…của cơ quan thẩm định;
Theo đề nghị tại Tờ trình số…./TTr- ngày…./…/20…của….(tên chủ rừng) về điều chỉnh Phương án quản lý rừng bền vững,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Điều chỉnh chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số /QĐ-…. ngày …/…/20…của (Tên cơ quan phê duyệt) về Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của (Tên chủ rừng)
1. Sửa đổi, bổ sung điểm …khoản…Điều 1 như sau:
“………………………………………………………………………………...”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản…Điều 2 như sau:
“………………………………………………………………………………...”
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Quyết định số /QĐ-…. ngày …/…/20…của (Tên cơ quan phê duyệt) về Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của (Tên chủ rừng) - (nếu có).
1. Thay thế …… bằng ….. tại điểm …khoản ….Điều ….
……………………………………………………………………………………......................
2. Thay thế Biểu số….Phụ lục….bằng Biểu số….Phụ lục….ban hành kèm theo quyết định này.
…………………………………………………………………………………….....................
3. Bãi bỏ từ, cụm từ ….. tại hoặc điểm…khoản…Điều…của Quyết định số /QĐ-…. ngày …/…/20…của (Tên cơ quan phê duyệt) về Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của (Tên chủ rừng).
…………………………………………………………………………………….....................
(Chi tiết tại Phương án quản lý rừng bền vững và bản đồ được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kèm theo)
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng (Bộ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố hoặc….), Cục trưởng (Vụ trưởng) các Vụ: (tên các Cục, Vụ, đơn vị) hoặc Giám đốc các Sở:….., Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ rừng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CƠ QUAN PHÊ DUYỆT |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững)
Thống kê dân sinh, kinh tế - xã hội | |
Hiện trạng các công trình hạ tầng về giao thông | |
Thống kê hiện trạng sử dụng đất của chủ rừng theo đơn vị hành chính cấp xã | |
Thống kê hiện trạng rừng năm 20… | |
Thống kê trữ lượng các loại rừng năm 20… | |
Danh lục các loài thực vật rừng chủ yếu | |
Danh lục các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm | |
Danh lục các loài động vật rừng chủ yếu | |
Danh lục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm | |
Tổng hợp kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 20..- 20… | |
Tổng hợp kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 20..- 20.. | |
Tổng hợp kế hoạch khai thác lâm sản giai đoạn 20..- 20… | |
Tổng hợp kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 20..- 20… | |
Kết quả sản xuất, kinh doanh của chủ rừng |
Mẫu số 01. THỐNG KÊ DÂN SINH, KINH TẾ - XÃ HỘI
(Thống kê các xã liên quan đến lâm phận của chủ rừng đến ngày 31/12/20… )
Tên chủ rừng:…………………………………………………………………………………….
STT | Đơn vị hành chính | Tổng số hộ | Nhân khẩu | Lao động | Diện tích canh tác bình quân (ha/người) | Thu nhập bình quân (1000 đồng/người) | ||||||||
Tổng | Kinh | DT khác | Tổng | Nam | Nữ | Tổng | Nông nghiệp | Lâm nghiệp | Tổng | Nông nghiệp | Lâm nghiệp | |||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) | (11) | (12) | (13) | (14) | (15) |
1 | Xã A: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Xã B: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| … |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 02. HIỆN TRẠNG CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG VỀ GIAO THÔNG
Tên chủ rừng:………………………………………..
STT | Loại đường | Tên tuyến đường | Số hiệu tuyến (nếu có) | Cấp đường | Chiều dài (km) | Mô tả đánh giá |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) |
1 | Liên xã | |||||
2 | Liên huyện | |||||
… | ||||||
Quốc lộ | ||||||
Tổng |
Mẫu số 03: THỐNG KÊ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT CỦA CHỦ RỪNG THEO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ
(Đến ngày 31/12/20.…)
Tên chủ rừng:………………………………………………………………………………………...
Thứ tự | LOẠI ĐẤT | Mã | Tổng diện tích đất của chủ rừng | Hiện trạng sử dụng đất của chủ rừng theo đơn vị hành chính cấp xã | |||||||||
Xã A | Xã B | Xã C | Xã D | Xã Đ | … | ….. | ….. | …. | Ghi chú | ||||
(1) | (2) | (3) | (4)=(5) +….+ (13) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) | (11) | (12) | (13) | (14) |
I | Tổng diện tích đất của chủ rừng quản lý |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Đất nông nghiệp | NNP |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1 | Đất sản xuất nông nghiệp | SXN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1.1 | Đất trồng cây hàng năm | CHN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1.1.1 | Đất trồng lúa | LUA |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1.1.2 | Đất trồng cây hàng năm khác | HNK |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1.2 | Đất trồng cây lâu năm | CLN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2 | Đất lâm nghiệp | LNP |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2.1 | Đất rừng sản xuất | RSX |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2.2 | Đất rừng phòng hộ | RPH |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2.3 | Đất rừng đặc dụng | RDD |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.3 | Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.4 | Đất làm muối | LMU |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.5 | Đất nông nghiệp khác | NKH |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Đất phi nông nghiệp | PNN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1 | Đất ở | OCT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1.1 | Đất ở tại nông thôn | ONT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1.2 | Đất ở tại đô thị | ODT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2 | Đất chuyên dùng | CDG |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2.1 | Đất xây dựng trụ sở cơ quan | TSC |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2.2 | Đất quốc phòng | CQP |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2.3 | Đất an ninh | CAN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2.4 | Đất xây dựng công trình sự nghiệp | DSN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2.5 | Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp | CSK |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2.6 | Đất có mục đích công cộng | CCC |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Đất cơ sở tôn giáo | TON |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.4 | Đất cơ sở tín ngưỡng | TIN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.5 | Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng | NTD |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.6 | Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối | SON |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.7 | Đất có mặt nước chuyên dùng | MNC |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.8 | Đất phi nông nghiệp khác | PNK |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Đất chưa sử dụng | CSD |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3.1 | Đất bằng chưa sử dụng | BCS |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3.2 | Đất đồi núi chưa sử dụng | DCS |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Núi đá không có rừng cây | NCS |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II | Đất có mặt nước ven biển (quan sát) | MVB |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Đất mặt nước ven biển nuôi trồng thủy sản | MVT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Đất mặt nước ven biển có rừng | MVR |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Đất mặt nước ven biển có mục đích khác | MVK |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 04. THỐNG KÊ HIỆN TRẠNG RỪNG NĂM 20....
Tên chủ rừng:………………………………………………………………………
Đơn vị tính: ha
TT | Phân loại rừng | Mã | Tổng | Rừng đặc dụng | Rừng phòng hộ | Rừng sản xuất | Ghi chú (rừng ngoài 3 loại rừng) | ||||||||||
Cộng | Vườn quốc gia | Khu dự trữ thiên nhiên | Khu bảo tồn loài - sinh cảnh | Khu bảo vệ cảnh quan | Khu NC, TNKH, vườn TVQG, rừng giống QG | Cộng | Đầu nguồn | Rừng bảo vệ nguồn nước | Rừng phòng hộ biên giới | Rừng chắn gió, chắn cát | Rừng chắn sóng, lấn biển | ||||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) | (11) | (12) | (13) | (14) | (15) | (16) | (17) | (18) |
I | RỪNG PHÂN THEO NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH | 1100 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Rừng tự nhiên | 1110 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng nguyên sinh | 1111 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng thứ sinh | 1112 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Rừng trồng | 1120 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Trồng mới trên đất chưa có rừng | 1121 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Trồng lại sau khi khai thác rừng trồng đã có | 1122 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Tái sinh tự nhiên từ rừng trồng đã khai.thác | 1123 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II | RỪNG PHÂN THEO ĐIỀU KIỆN LẬP ĐỊA | 1200 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Rừng trên núi đất | 1210 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Rừng trên núi đá | 1220 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Rừng trên đất ngập nước | 1230 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng ngập mặn | 1231 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng trên đất phèn | 1232 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng ngập nước ngọt | 1233 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Rừng trên cát | 1240 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III | RỪNG PHÂN THEO LOÀI CÂY | 1300 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Rừng gỗ tự nhiên | 1310 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng gỗ lá rộng TX hoặc nửa rụng lá | 1311 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Rừng gỗ lá rộng rụng lá | 1312 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
| - Rừng gỗ lá kim | 1313 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng gỗ hỗn giao lá rộng và lá kim | 1313 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Rừng tre nứa | 1320 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nứa | 1321 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Vầu | 1322 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Tre/luồng | 1323 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Lồ ô | 1324 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Các loài khác | 1325 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa | 1330 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Gỗ là chính | 1331 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Tre nứa là chính | 1332 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Rừng cau dừa | 1340 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
IV | RỪNG GỖ TỰ NHIÊN PHÂN THEO TRỮ LƯỢNG | 1400 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Rừng giàu | 1410 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Rừng trung bình | 1420 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Rừng nghèo | 1430 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Rừng nghèo kiệt | 1440 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 | Rừng chưa có trữ lượng | 1450 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
V | DIỆN TÍCH CHƯA THÀNH RỪNG | 2000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Diện tích trồng chưa thành rừng | 2010 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Diện tích khoanh nuôi tái sinh | 2020 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Diện tích khác | 2030 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 05. THỐNG KÊ TRỮ LƯỢNG CÁC LOẠI RỪNG NĂM 20….
Tên chủ rừng:……………………………………………………
Đơn vị tính: (gỗ: m3/ha; tre, nứa: 1000 cây/ha)
TT | Phân loại rừng | Mã | Tổng | Rừng đặc dụng | Rừng phòng hộ | Rừng sản xuất | Ghi chú (rừng ngoài 3 loại rừng) | ||||||||||
Cộng | Vườn quốc gia | Khu dự trữ thiên nhiên | Khu bảo tồn loài - sinh cảnh | Khu bảo vệ cảnh quan | Khu NC, TNKH, vườn TVQG, rừng giống QG | Cộng | Đầu nguồn | Rừng bảo vệ nguồn nước | Rừng phòng hộ biên giới | Rừng chắn gió, chắn cát | Rừng chắn sóng, lấn biển | ||||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) | (11) | (12) | (13) | (14) | (15) | (16) | (17) | (18) |
I | RỪNG PHÂN THEO NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH | 1100 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Rừng tự nhiên | 1110 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng nguyên sinh | 1111 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng thứ sinh | 1112 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Rừng trồng | 1120 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Trồng mới trên đất chưa có rừng | 1121 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Trồng lại sau khi khai thác rừng trồng đã có | 1122 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Tái sinh tự nhiên từ rừng trồng đã khai.thác | 1123 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II | RỪNG PHÂN THEO ĐIỀU KIỆN LẬP ĐỊA | 1200 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Rừng trên núi đất | 1210 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Rừng trên núi đá | 1220 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Rừng trên đất ngập nước | 1230 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng ngập mặn | 1231 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng trên đất phèn | 1232 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng ngập nước ngọt | 1233 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Rừng trên cát | 1240 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III | RỪNG PHÂN THEO LOÀI CÂY | 1300 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Rừng gỗ tự nhiên | 1310 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng gỗ lá rộng TX hoặc nửa rụng lá | 1311 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Rừng gỗ lá rộng rụng lá | 1312 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
| - Rừng gỗ lá kim | 1313 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Rừng gỗ hỗn giao lá rộng và lá kim | 1313 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Rừng tre nứa | 1320 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Nứa | 1321 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Vầu | 1322 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Tre/luồng | 1323 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Lồ ô | 1324 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Các loài khác | 1325 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa | 1330 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Gỗ là chính | 1331 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Tre nứa là chính | 1332 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Rừng cau dừa | 1340 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
IV | RỪNG GỖ TỰ NHIÊN PHÂN THEO TRỮ LƯỢNG | 1400 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Rừng giàu | 1410 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Rừng trung bình | 1420 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Rừng nghèo | 1430 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Rừng nghèo kiệt | 1440 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 | Rừng chưa có trữ lượng | 1450 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 06. DANH LỤC CÁC LOÀI THỰC VẬT RỪNG CHỦ YẾU
Tên chủ rừng:……………………………………………………
TT | Họ | Loài | Ghi chú | ||
Tên Việt Nam | Tên Khoa học | Tên Việt Nam | Tên Khoa học | ||
1 | |||||
2 | |||||
… | |||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 07. DANH LỤC CÁC LOÀI THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Tên chủ rừng:…………………………………………………………
TT | Tên khoa học loài cây | Tên Việt Nam | Địa điểm phân bố | Theo quy định của: | |||
IUCN | SĐVN | NĐCP | CITES | ||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 08. DANH MỤC CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT RỪNG CHỦ YẾU
Tên chủ rừng:……………………………………………………
TT | Họ | Loài | Ghi chú | ||
Tên Việt Nam | Tên Khoa học | Tên Việt Nam | Tên Khoa học | ||
1 | Ví dụ: ít, trung bình, nhiều. | ||||
2 | |||||
… | |||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 09. DANH MỤC CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Tên chủ rừng:……………………………………………………
TT | Tên khoa học loài động vật rừng | Tên Việt Nam | Địa điểm phân bố | Theo quy định của: | |||
IUCN | SĐVN | NĐCP | CITES | ||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: SĐVN: Sách đỏ Việt Nam; NĐCP: Nghị định của Chính phủ
Mẫu số 10. TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT GIAI ĐOẠN 20..- 20…
Tên chủ rừng:…………………………………………………………………………
Thứ tự | LOẠI ĐẤT | Mã | Hiện trạng tổng diện tích đất của chủ rừng năm 202… | Tổng hợp Kế hoạch sử dụng đất 5 năm của chủ rừng giai đoạn 202..-202.. | |||||
Giai đoạn 202…- 202.. | Ghi chú | ||||||||
|
|
|
| Năm … | Năm ….. | Năm …. | Năm …. | Năm …. | |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) |
I | Tổng diện tích đất của chủ rừng quản lý |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Đất nông nghiệp | NNP |
|
|
|
|
|
|
|
1.1 | Đất sản xuất nông nghiệp | SXN |
|
|
|
|
|
|
|
1.1.1 | Đất trồng cây hàng năm | CHN |
|
|
|
|
|
|
|
1.1.1.1 | Đất trồng lúa | LUA |
|
|
|
|
|
|
|
1.1.1.2 | Đất trồng cây hàng năm khác | HNK |
|
|
|
|
|
|
|
1.1.2 | Đất trồng cây lâu năm | CLN |
|
|
|
|
|
|
|
1.2 | Đất lâm nghiệp | LNP |
|
|
|
|
|
|
|
1.2.1 | Đất rừng sản xuất | RSX |
|
|
|
|
|
|
|
1.2.2 | Đất rừng phòng hộ | RPH |
|
|
|
|
|
|
|
1.2.3 | Đất rừng đặc dụng | RDD |
|
|
|
|
|
|
|
1.3 | Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
|
|
|
|
|
|
|
1.4 | Đất làm muối | LMU |
|
|
|
|
|
|
|
1.5 | Đất nông nghiệp khác | NKH |
|
|
|
|
|
|
|
2 | Đất phi nông nghiệp | PNN |
|
|
|
|
|
|
|
2.1 | Đất ở | OCT |
|
|
|
|
|
|
|
2.1.1 | Đất ở tại nông thôn | ONT |
|
|
|
|
|
|
|
2.1.2 | Đất ở tại đô thị | ODT |
|
|
|
|
|
|
|
2.2 | Đất chuyên dùng | CDG |
|
|
|
|
|
|
|
2.2.1 | Đất xây dựng trụ sở cơ quan | TSC |
|
|
|
|
|
|
|
2.2.2 | Đất quốc phòng | CQP |
|
|
|
|
|
|
|
2.2.3 | Đất an ninh | CAN |
|
|
|
|
|
|
|
2.2.4 | Đất xây dựng công trình sự nghiệp | DSN |
|
|
|
|
|
|
|
2.2.5 | Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp | CSK |
|
|
|
|
|
|
|
2.2.6 | Đất có mục đích công cộng | CCC |
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Đất cơ sở tôn giáo | TON |
|
|
|
|
|
|
|
2.4 | Đất cơ sở tín ngưỡng | TIN |
|
|
|
|
|
|
|
2.5 | Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng | NTD |
|
|
|
|
|
|
|
2.6 | Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối | SON |
|
|
|
|
|
|
|
2.7 | Đất có mặt nước chuyên dùng | MNC |
|
|
|
|
|
|
|
2.8 | Đất phi nông nghiệp khác | PNK |
|
|
|
|
|
|
|
3 | Đất chưa sử dụng | CSD |
|
|
|
|
|
|
|
3.1 | Đất bằng chưa sử dụng | BCS |
|
|
|
|
|
|
|
3.2 | Đất đồi núi chưa sử dụng | DCS |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Núi đá không có rừng cây | NCS |
|
|
|
|
|
|
|
II | Đất có mặt nước ven biển (quan sát) | MVB |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Đất mặt nước ven biển nuôi trồng thủy sản | MVT |
|
|
|
|
|
|
|
2 | Đất mặt nước ven biển có rừng | MVR |
|
|
|
|
|
|
|
3 | Đất mặt nước ven biển có mục đích khác | MVK |
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 11. TỔNG HỢP KẾ HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 20..- 20…
Tên chủ rừng:……………………………………………………
Đơn vị tính: ha
| HẠNG MỤC | Tổng cộng | Rừng đặc dụng | Rừng phòng hộ | Rừng sản xuất | Ghi chú | |||||||||
Cộng | Năm… | … | …. | Cộng | Năm… | … | …. | Cộng | Năm… | … | …. | ||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) | (11) | (12) | (13) | (14) | (15) | (16) |
I | BẢO VỆ RỪNG HIỆN CÓ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1. Bảo vệ rừng tự nhiên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 2. Bảo vệ rừng trồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II | PHÁT TRIỂN RỪNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 2. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3. Nuôi dưỡng rừng tự nhiên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 4. Làm giàu rừng tự nhiên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 5. Trồng rừng mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 6. Trồng lại rừng sau khai thác |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 7. Chăm sóc rừng trồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| a) Chăm sóc rừng trồng năm 1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| b) Chăm sóc rừng trồng năm 2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| c) Chăm sóc rừng trồng năm 3 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 8……………. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III | CẤP CHỨNG CHỈ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1. Rừng tự nhiên (ha) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 2. Rừng trồng (ha) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 12. TỔNG HỢP KẾ HOẠCH KHAI THÁC LÂM SẢN GIAI ĐOẠN 20..- 20…
Tên chủ rừng:……………………………………………………
Đơn vị tính: m3; 1000 cây, tấn
| HẠNG MỤC | Tổng cộng | Rừng đặc dụng | Rừng phòng hộ | Rừng sản xuất | Ghi chú | |||||||||
Cộng | Năm.. | … | …. | Cộng | Năm… | … | …. | Cộng | Năm… | … | …. | ||||
(1) | (2) |
| (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) | (11) | (12) | (13) | (14) | (15) | (16) |
I | KHAI THÁC RỪNG TỰ NHIÊN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1. Khai thác chính |
| Không áp dụng | Không áp dụng | Chưa áp dụng |
| |||||||||
| - Diện tích (ha) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản lượng (m3) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 2. Khai thác tận thu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3. Khai thác tận dụng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II | KHAI THÁC RỪNG TRỒNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1. Khai thác rừng trồng |
| Chỉ áp dụng rừng trồng thực nghiệm, nghiên cứu khoa học | Theo quy chế quản lý rừng (% diện tích được khai thác) |
|
|
|
|
| ||||||
| - Diện tích (ha) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản lượng (m3) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 2. Khai thác tận thu |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3. Khai thác tận dụng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III | KHAI THÁC LÂM SẢN NGOÀI GỖ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1. Tre, nứa, vầu, lồ ô… | ||||||||||||||
- Diện tích (ha) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
| - Sản lượng (1.000 cây) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 2. Song, mây (Tấn) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 3. Nhựa thông (Tấn) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| …………………….. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 13. TỔNG HỢP KẾ HOẠCH XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG GIAI ĐOẠN 20..- 20…
Tên chủ rừng:……………………………………………………
Đơn vị tính: m2; trạm, km, cái
| HẠNG MỤC | Tổng cộng | Rừng đặc dụng | Rừng phòng hộ | Rừng sản xuất | Ghi chú | |||||||||
Cộng | Năm… | … | …. | Cộng | Năm… | … | …. | Cộng | Năm… | … | …. | ||||
(1) | (2) |
| (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) | (11) | (12) | (13) | (14) | (15) | (16) |
1 | Chòi canh lửa rừng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a | Xây dựng mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Số lượng (chòi) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Diện tích (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
b | Sửa chữa, cải tạo nâng cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Số lượng (chòi) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Diện tích (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Trạm bảo vệ rừng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a | Xây dựng mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Số lượng (Trạm) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Diện tích (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
b | Sửa chữa, cải tạo nâng cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Số lượng (Trạm) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Diện tích (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Đường ranh cản lửa |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a | Băng trắng (km) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Xây dựng mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tu bổ, nâng cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
b | Băng xanh (km) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Xây dựng mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tu bổ, nâng cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Biển báo cấp độ nguy cơ cháy rừng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Xây dựng mới (cái) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Sửa chữa, cải tạo nâng cấp (cái) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 | Đường lâm nghiệp, vận xuất, vận chuyển |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Xây dựng mới (km) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sửa chữa, nâng cấp (km) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
6 | Nhà làm việc (m2) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Xây dựng mới |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sửa chữa, nâng cấp |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7 | Nhiệm vụ khác ….. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Mẫu số 14. KẾT QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA CHỦ RỪNG
Tên chủ rừng:……………………………………………………
Đơn vị tính: nghìn đồng
Chỉ tiêu | Mã | Năm 20.. | Năm 20.. | Năm 20… | Trung bình 3 năm |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | |
1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ | 01 | ||||
2. Các khoản giảm trừ doanh thu | 02 | ||||
3. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (10 = 01 - 02) | 10 | ||||
4. Giá vốn hàng bán | 11 | ||||
5. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (20 = 10 - 11) | 20 |
|
| ||
6. Doanh thu hoạt động tài chính | 21 | ||||
7. Chi phí tài chính | 22 | ||||
- Trong đó: Chi phí lãi vay | 23 | ||||
8. Chi phí bán hàng | 24 | ||||
9. Chi phí quản lý doanh nghiệp | 25 | ||||
10. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh | 30 | ||||
{30 = 20 + (21 - 22) - (24 + 25)} | |||||
11. Thu nhập khác | 31 | ||||
12. Chi phí khác | 32 |
|
| ||
13. Lợi nhuận khác (40 = 31 - 32) | 40 |
|
| ||
14. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế | 50 |
|
| ||
(50 = 30 + 40) | |||||
15. Chi phí thuế TNDN hiện hành | 51 |
|
| ||
16. Chi phí thuế TNDN hoàn lại | 52 |
|
| ||
17. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp | 60 |
|
| ||
(60 = 50 - 51 - 52) | |||||
18. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (*) | 70 |
|
|
|
Ghi chú: (*) Chỉ tiêu này chỉ áp dụng đối với chủ rừng là công ty cổ phần.
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững)
CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /BC- | ……., ngày tháng năm 20….. |
KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
Kính gửi:………………………(1)………………………………..
Thực hiện Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững; Thông tư số /202../TT-BNNPTNT ngày / /202… của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT;
Chủ rừng (Tên chủ rừng) Báo cáo …(1)… kết quả thực hiện phương án quản lý rừng bền vững năm 20…, như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
STT | Chi tiết | Kế hoạch | Kết quả/ tỷ lệ đạt/ đánh giá |
I | Hiệu quả môi trường |
|
|
1 | Tổng diện tích rừng được quản lý (ha) | ||
- | Diện tích rừng tự nhiên | ||
- | Diện tích rừng trồng | ||
2 | Độ che phủ rừng (%) | ||
3 | Bảo tồn đa dạng sinh học | ||
- | Số loài thực vật rừng | ||
- | Số loài động vật rừng | ||
4 | Diện tích khu rừng có tầm quan trọng về sinh thái (ha) | ||
5 | Phòng chống xói mòn, sạt lở đất (ha) | ||
6 | Sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật | ||
7 | Thu gom, xử lý rác thải | ||
…. | ……………….. | ||
II | Hiệu quả xã hội |
|
|
1 | Lao động có việc làm và có thu nhập ổn định | ||
2 | Số hộ gia đình được nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng | ||
3 | Giá trị lâm sản ngoài gỗ người dân được hưởng lợi | ||
- | Gỗ làm nhà, làm đồ gia dụng | ||
- | Lâm sản ngoài gỗ tre nứa | ||
- | ... | ||
4 | Phúc lợi xã hội được xây dựng, hoặc sửa chữa, nâng cấp | ||
- | Trạm y tế | ||
- | Trường mẫu giáo/nhà trẻ | ||
- | Nhà sinh hoạt cộng đồng | ||
… | … | ||
III | Hiệu quả kinh tế |
|
|
1 | Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng | ||
2 | Khối lượng sản phẩm gỗ chế biến (chủ rừng sản xuất) | ||
3 | Khối lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ (chủ rừng sản xuất) | ||
4 | Tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả | ||
5 | Doanh thu và lợi nhuận (chủ rừng sản xuất) | ||
.. | ………………………… |
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG THEO TIÊU CHÍ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
STT | Nội dung | Kế hoạch | Kết quả/ tỷ lệ đạt/ đánh giá |
1 | Thực hiện kế hoạch quản lý bảo vệ rừng | ||
- | Kế hoạch bảo vệ rừng | ||
- | Kế hoạch khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên | ||
- | Kế hoạch khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung | ||
- | Kế hoạch nuôi dưỡng rừng tự nhiên | ||
- | Kế hoạch làm giàu rừng | ||
- | Kế hoạch trồng rừng | ||
- | Kế hoạch khai thác gỗ rừng trồng | ||
- | Kế hoạch khai thác lâm sản ngoài gỗ | ||
- | Kế hoạch sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp (rừng phòng hộ, rừng sản xuất) | ||
- | Kế hoạch tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí | ||
- | Kế hoạch chế biến, tiêu thụ gỗ, sản phẩm gỗ (chủ rừng sản xuất) | ||
- | Kế hoạch hạ tầng giao thông. | ||
- | Kế hoạch cung cấp dịch vụ môi trường rừng | ||
- | … | ||
2 | Thực hiện quy chế khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ | ||
3 | Thực hiện quy trình, quy phạm khai thác (phù hợp với chủ rừng) | ||
- | Xây dựng đường; bãi gỗ | ||
- | Quản lý các khu rừng có giá trị về sinh thái | ||
- | Gốc chặt đúng tiêu chuẩn | ||
- | Khai thác đúng cây bài chặt | ||
- | Số lượng cây đổ gãy | ||
- | Vệ sinh rừng sau khai thác | ||
- | … | ||
4 | Sản lượng khai thác rừng trồng so với kế hoạch | ||
5 | Chuyển đổi giữa các loại rừng và chuyển sang mục đích khác | ||
6 | Sử dụng các chế phẩm sinh học | ||
7 | Hóa chất sử dụng trong quản lý bảo vệ rừng | ||
8 | Tăng trưởng, tái sinh rừng | ||
9 | Những thay đổi của hệ động, thực vật rừng | ||
10 | Những tác động môi trường và xã hội của hoạt động lâm nghiệp | ||
11 | ……….. | ||
... | |||
|
Đánh giá chung kết quả đạt được: …… (và thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân)………….
……………………………………………………………………………………….....................
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
……………………………………………………………………………………..…...................
……………………………………………………………………………………..…...................
Chủ rừng (Tên chủ rừng) Báo cáo ………………………...(1)…………….……. ….............
………………………………….........………………………………………………............…./.
| Chủ rừng |
Ghi chú (1): Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị chủ quản (nếu có) hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- 1Quyết định 609/QĐ-BTNMT về phê duyệt Kế hoạch năm 2020 thực hiện dự án “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2Công văn 4721/BNN-TCLN năm 2020 về thực hiện xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 2930/BTC-QLN năm 2022 về Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1 (KfW9.1) sử dụng vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức do Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 1473/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Phục hồi và quản lý rừng bền vững khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam (KfW9) giai đoạn 1, tỉnh Phú Yên” sử dụng vốn ODA của Đức do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp
- 2Luật Lâm nghiệp 2017
- 3Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
- 4Quyết định 609/QĐ-BTNMT về phê duyệt Kế hoạch năm 2020 thực hiện dự án “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5Công văn 4721/BNN-TCLN năm 2020 về thực hiện xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Công văn 2930/BTC-QLN năm 2022 về Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1 (KfW9.1) sử dụng vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức do Bộ Tài chính ban hành
- 7Quyết định 1473/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Phục hồi và quản lý rừng bền vững khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam (KfW9) giai đoạn 1, tỉnh Phú Yên” sử dụng vốn ODA của Đức do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 105/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 9Kế hoạch 222/KH-UBND năm 2023 phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024
Thông tư 13/2023/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý rừng bền vững do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 13/2023/TT-BNNPTNT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/11/2023
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Quốc Trị
- Ngày công báo: 31/12/2023
- Số công báo: Từ số 1361 đến số 1362
- Ngày hiệu lực: 01/02/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực