Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" kèm theo Quyết định 167/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” quy định tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là “Chương trình 167”), bao gồm: nguyên tắc đo lường, đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững; tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng kết quả của tổ chức đo lường đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững thông qua bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững; nội dung, cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững; xây dựng, tổng hợp kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình 167.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững;

b) Tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững;

c) Bộ, cơ quan trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và các đơn vị thuộc, trực thuộc; các tổ chức hiệp hội được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động của Chương trình 167;

d) Tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh doanh bền vững.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Kinh doanh bền vững là các mô hình kinh doanh quy định tại Chương trình 167, bao gồm:

a) Mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh doanh trong đó các công đoạn xây dựng chiến lược, tầm nhìn doanh nghiệp, hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo quy định tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường; và thực hiện một hoặc nhiều biện pháp để đạt được tiêu chí, kinh tế tuần hoàn theo quy định tại Điều 138 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

b) Mô hình kinh doanh bao trùm là mô hình kinh doanh huy động người thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó, người thu nhập thấp có thể tham gia với vai trò là nhà cung ứng, khách hàng, nhà phân phối hay có thể là người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra các giá trị chia sẻ;

c) Mô hình kinh doanh phát triển bền vững theo khung môi trường, xã hội và quản trị (sau đây gọi tắt là Mô hình kinh doanh áp dụng ESG) là mô hình kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo hài hoà các yếu tố bền vững về các mặt kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản trị.

2. Doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp kinh doanh bền vững) là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nhưng không bao gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 11 Điều 14 Luật Doanh nghiệp và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b Điều 23 Luật Đầu tư; và áp dụng một trong các mô hình kinh doanh bền vững quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân kinh doanh bền vững (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững) là doanh nghiệp kinh doanh bền vững theo quy định tại khoản 2 Điều này và đáp ứng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 80/2021/NĐ-CP) và khoản 3 Điều 3 Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT).

4. Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững là tập hợp các tiêu chí được cụ thể hóa và lượng hóa theo thang điểm, trọng số để đánh giá mức độ áp dụng mô hình kinh doanh bền vững trong doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi tắt là bộ công cụ).

5. Đo lường, đánh giá, công nhận (sau đây gọi tắt là đánh giá) doanh nghiệp kinh doanh bền vững là việc sử dụng bộ công cụ để đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo từng mức độ áp dụng mô hình kinh doanh bền vững.

6. Tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững theo quy định tại điểm b khoản 2 Mục I của Chương trình 167, bao gồm:

a) Cơ quan, đơn vị, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc, trực thuộc các cơ quan, đơn vị này;

b) Tổ chức hiệp hội được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động của Chương trình 167 (sau đây gọi tắt là tổ chức hiệp hội) gồm các tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù quy định tại Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù, được ngân sách nhà nước bảo đảm hoặc hỗ trợ để triển khai nhiệm vụ theo quy định hiện hành và có chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp;

c) Viện nghiên cứu, trường đại học, đơn vị sự nghiệp không thuộc điểm a, b khoản 6 Điều này; doanh nghiệp; tổ chức khác có tư cách pháp nhân không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b khoản này.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Nguyên tắc đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá mức độ áp dụng mô hình kinh doanh bền vững trong doanh nghiệp:

a) Việc đánh giá mức độ áp dụng mô hình kinh doanh bền vững trong doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc tự nguyện;

b) Tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững sử dụng bộ công cụ đã được đăng tải trên Cổng thông tin doanh nghiệp tại địa chỉ http://business.gov.vn hoặc tự nghiên cứu xây dựng bộ công cụ đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư này để thực hiện đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Các doanh nghiệp được đánh giá đạt từ 50% tổng số điểm trở lên của bộ công cụ được hỗ trợ các nội dung theo quy định tại Điều 13, 14 Thông tư này.

2. Căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong năm, tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững theo nguyên tắc sau:

a) Doanh nghiệp kinh doanh bền vững đăng ký nhu cầu trước được hỗ trợ trước;

b) Doanh nghiệp kinh doanh bền vững do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp kinh doanh bền vững sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp kinh doanh bền vững là doanh nghiệp xã hội theo quy định của pháp luật được hỗ trợ trước.

3. Việc triển khai các hoạt động hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư này và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình 167 (sau đây gọi tắt là Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn Chương trình 167).

4. Việc triển khai các hoạt động hỗ trợ từ nguồn kinh phí đóng góp, tài trợ thực hiện theo thỏa thuận với nhà tài trợ, bên tham gia đóng góp kinh phí (trường hợp có thỏa thuận), hoặc theo quy định của tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững (trường hợp không có thoả thuận). Cơ chế thực hiện (quy trình, thủ tục, nội dung và chi phí thực hiện, trách nhiệm của các bên liên quan) và việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đóng góp, tài trợ phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" kèm theo Quyết định 167/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 13/2023/TT-BKHĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/12/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Duy Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1335 đến số 1336
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH