Chương 3 Thông tư 13/2012/TT-BYT hướng dẫn công tác gây mê - hồi sức do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 7. Chức năng và nhiệm vụ của khoa gây mê - hồi sức
1. Chức năng:
Khoa gây mê - hồi sức là khoa lâm sàng, có chức năng thực hiện công tác gây mê - hồi sức trước, trong, sau phẫu thuật và một số thủ thuật đối với người bệnh theo đúng quy định chuyên môn kỹ thuật được quy định tại Thông tư này.
2. Nhiệm vụ:
a) Thực hiện quy trình chuyên môn gây mê - hồi sức đã được người có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đào tạo, tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế về lĩnh vực gây mê - hồi sức;
c) Tham gia quản lý kinh tế y tế trong đơn vị;
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công.
Điều 8. Nhiệm vụ của các bộ phận trong khoa gây mê - hồi sức
1. Hành chính:
a) Theo dõi, thống kê, tổng hợp, báo cáo về các hoạt động chuyên môn;
b) Theo dõi, thống kê, tổng hợp, báo cáo về cấp phát, sử dụng trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc và hóa chất;
c) Theo dõi nhân lực và các công tác hành chính khác tại khoa.
2. Khám trước gây mê:
a) Khám trước gây mê để chuẩn bị người bệnh trước khi phẫu thuật, thủ thuật;
b) Khám trước gây mê do bác sỹ gây mê - hồi sức thực hiện tại bộ phận khám trước gây mê hoặc tại khu phẫu thuật hoặc tại khoa có người bệnh phải phẫu thuật, thủ thuật tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tình trạng bệnh lý của người bệnh;
c) Khám trước gây mê được thực hiện trong khoảng thời gian từ 01 đến 07 ngày trước khi người bệnh được phẫu thuật, thủ thuật (trừ trường hợp cấp cứu);
d) Bác sỹ khám trước gây mê có quyền yêu cầu bổ sung xét nghiệm hoặc tổ chức hội chẩn và phải ghi chép đầy đủ vào hồ sơ bệnh án để thực hiện;
đ) Bác sỹ khám trước gây mê có trách nhiệm thông báo và thảo luận với người thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, người sẽ thực hiện gây mê - hồi sức về các nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra liên quan đến gây mê - hồi sức; giải thích về nguy cơ và lợi ích liên quan đến gây mê - hồi sức cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh trước khi ký giấy đồng ý gây mê - hồi sức, phẫu thuật hoặc thủ thuật.
3. Phẫu thuật:
a) Chuẩn bị nhân lực, bàn phẫu thuật, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế tiêu hao đầy đủ và sẵn sàng để thực hiện phẫu thuật, thủ thuật cho người bệnh;
b) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ bệnh án, tình trạng người bệnh và các điều kiện chuẩn bị bắt buộc để bảo đảm đúng người bệnh và xác định đúng vị trí giải phẫu cần phẫu thuật, thủ thuật;
c) Thực hiện các phương pháp gây mê - hồi sức phù hợp với phẫu thuật, thủ thuật với sự tham gia của bác sỹ gây mê - hồi sức và các điều dưỡng viên gây mê - hồi sức, điều dưỡng viên bộ phận phẫu thuật và các nhân viên khác theo yêu cầu của bác sỹ gây mê - hồi sức;
d) Thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.
4. Hồi tỉnh:
a) Tiếp nhận và đánh giá tình trạng của người bệnh;
b) Xử trí, điều trị tích cực để giúp người bệnh mau chóng hồi tỉnh;
c) Điều trị chống đau sau phẫu thuật, thủ thuật;
d) Theo dõi, phát hiện, xử trí biến chứng, bất thường nếu có đối với người bệnh;
đ) Đánh giá tình trạng người bệnh để chuyển về bộ phận hồi sức ngoại khoa hoặc chuyển đến các khoa liên quan khác.
5. Hồi sức ngoại khoa:
a) Tiếp nhận người bệnh từ bộ phận hồi tỉnh hoặc từ các bộ phận khác chuyển đến;
b) Theo dõi, chẩn đoán, điều trị tích cực và chăm sóc toàn diện người bệnh;
c) Đánh giá tình trạng người bệnh để chuyển về khoa lâm sàng hoặc bộ phận khác hoặc chuyển viện, xuất viện.
6. Chống đau:
a) Khám, tư vấn, xử trí chống đau cho người bệnh trước phẫu thuật, sau phẫu thuật và các trường hợp đau cấp và mạn tính sau mổ khác;
b) Trước khi thực hiện kỹ thuật chống đau phải thông báo, giải thích cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh về kỹ thuật, phương pháp chống đau sẽ thực hiện;
c) Theo dõi, xử trí các biến chứng, tác dụng không mong muốn nếu có của phương pháp, kỹ thuật chống đau.
7. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ quy định nêu trên, các bộ phận của khoa gây mê - hồi sức phải thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của trưởng khoa.
Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của trưởng khoa gây mê - hồi sức
Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng khoa, trưởng khoa lâm sàng theo quy định và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:
1. Quản lý điều hành hoạt động của khoa gây mê - hồi sức; tổ chức cho các bộ phận cấu thành của khoa phối hợp làm việc một cách có hiệu quả, bảo đảm chất lượng và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về hoạt động của khoa;
2. Xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng nhân lực, trang thiết bị, thuốc và vật tư tiêu hao của khoa để trình người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.
3. Phân công bác sỹ gây mê - hồi sức, điều dưỡng viên và các nhân viên khác tham gia kíp phẫu thuật;
4. Tổ chức theo dõi, chăm sóc người bệnh từ khi tiếp nhận đến khi bàn giao về khoa lâm sàng;
5. Báo cáo kết quả hoạt động của khoa gây mê - hồi sức theo quy định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
6. Tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và an toàn lao động.
7. Thực hiện công tác quản lý chất lượng tại khoa và tham gia công tác quản lý chất lượng bệnh viện.
Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của bác sỹ gây mê - hồi sức
Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung theo sự phân công của trưởng khoa, tại mỗi bộ phận bác sĩ có chức năng, nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Nhiệm vụ của bác sĩ tại bộ phận khám trước gây mê:
a) Khám trước gây mê theo quy trình, đánh giá và đưa ra phác đồ gây mê cho người bệnh;
b) Ghi chép đầy đủ các nội dung theo mẫu phiếu khám trước gây mê và đính kèm theo hồ sơ bệnh án của người bệnh;
c) Yêu cầu phẫu thuật viên cho tạm hoãn phẫu thuật, thủ thuật khi chưa đủ điều kiện an toàn cho người bệnh và phải được ghi tại hồ sơ bệnh án. Nếu không thống nhất được với phẫu thuật viên, phải báo cáo cho trưởng khoa giải quyết;
d) Giải thích phương pháp gây mê cho người bệnh, hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh cách chuẩn bị, thực hiện các yêu cầu trước gây mê;
đ) Tham gia sinh hoạt và nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức chuyên môn, tham gia công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và cấp cứu ngoại viện khi được phân công.
2. Nhiệm vụ của bác sĩ tại khu phẫu thuật:
a) Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về chuyên môn gây mê - hồi sức theo sự phân công của trưởng khoa;
b) Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn hoặc có tai biến xảy ra phải kịp thời báo cáo trưởng khoa;
c) Đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở các bác sỹ, điều dưỡng viên, các nhân viên y tế và các đối tượng khác (nếu được bác sĩ tại khu phẫu thuật cho phép) có mặt trong phòng mổ; bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng mổ;
d) Kiểm tra người bệnh, hồ sơ bệnh án gây mê - hồi sức trước và sau phẫu thuật; các tài liệu phải được ghi đầy đủ, chính xác và trung thực;
đ) Luôn có mặt khi gây mê - hồi sức cho người bệnh, trừ trường hợp đã có bác sỹ gây mê - hồi sức khác thay thế sau khi đã bàn giao đầy đủ;
e) Phối hợp chặt chẽ với các khoa và người thực hiện phẫu thuật, thủ thuật có liên quan để hoàn thành tốt công việc, thực hiện kế hoạch phẫu thuật, theo dõi và chăm sóc người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật;
g) Tham gia duyệt phẫu thuật, thủ thuật, khám và chuẩn bị người bệnh trước gây mê để đánh giá, giải thích, có thể bổ sung các xét nghiệm hoặc điều trị, mời hội chẩn nếu cần, lập kế hoạch gây mê - hồi sức;
h) Khám lại người bệnh tại khoa phòng trong thời gian từ 01-07 ngày trước khi phẫu thuật, thủ thuật theo kế hoạch. Thực hiện khám trước, trong hoặc sau phẫu thuật cấp cứu tùy thuộc tính chất khẩn cấp của can thiệp ngoại khoa;
i) Phân công, giám sát các hoạt động chuyên môn của điều dưỡng viên gây mê - hồi sức;
k) Kiểm tra lại các phương tiện và thuốc gây mê - hồi sức mà điều dưỡng viên gây mê - hồi sức đã chuẩn bị trước đó. Phải tự kiểm tra lại hồ sơ bệnh án về tên tuổi, vị trí phẫu thuật của người bệnh. Thực hiện các kỹ thuật khó như mở khí quản, dẫn lưu màng phổi, chọc tĩnh mạch trung tâm, gây tê vùng, đặt nội khí quản tiên lượng khó;
l) Kiểm tra trước khi truyền máu và chế phẩm máu theo quy định tại Quy chế truyền máu ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-BYT ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
m) Một bác sỹ gây mê - hồi sức cùng một thời điểm chịu trách nhiệm gây mê - hồi sức tối đa 02 (hai) bàn mổ liền kề nhau với điều kiện sẵn sàng can thiệp lúc cần thiết và điều dưỡng viên gây mê - hồi sức luôn có mặt để theo dõi người bệnh. Các trường hợp đặc biệt cần phụ trách cùng một lúc nhiều hơn 02 (hai) bàn mổ thì phải được sự nhất trí và chịu trách nhiệm của trưởng khoa gây mê - hồi sức;
n) Trong trường hợp xảy ra biến chứng, tai biến nặng phải báo cáo Trưởng khoa và tập trung chi viện, giúp đỡ lẫn nhau về nhân lực, phương tiện và thuốc;
o) Trong trường hợp cần xử trí cấp cứu có thể phối hợp với bác sỹ phẫu thuật, điều dưỡng viên gây mê - hồi sức thực hiện y lệnh trực tiếp trong phòng phẫu thuật, sau đó phải ghi chép đầy đủ vào hồ sơ bệnh án theo quy định;
p) Chịu trách nhiệm về gây mê - hồi sức cho đến khi người bệnh hết tác dụng của phương pháp gây mê và của thuốc an thần, gây mê, gây tê. Chịu trách nhiệm về y lệnh chuyển người bệnh ra khỏi phòng mổ, từ bộ phận hồi tỉnh chuyển về bộ phận hồi sức ngoại khoa, khoa phòng khác hay xuất viện. Khi người bệnh có nguy cơ cao (tuần hoàn không ổn định, suy hô hấp, đang hỗ trợ hô hấp qua ống nội khí quản hay qua ống mở khí quản, đang dùng thuốc vận mạch hoặc tình trạng nặng khác) phải bố trí nhân lực có đủ trình độ chuyên môn phối hợp vận chuyển người bệnh để kịp thời xử trí.
3. Nhiệm vụ của bác sĩ tại bộ phận hồi tỉnh:
a) Tiếp nhận và đánh giá tình trạng người bệnh vừa chuyển đến để có chỉ định phù hợp;
b) Thực hiện các kỹ thuật, phương pháp chống đau cho người bệnh;
c) Theo dõi, phát hiện, xử trí biến chứng và bất thường đối với người bệnh;
d) Chỉ đạo điều dưỡng viên phòng hồi tỉnh thực hiện các y lệnh điều trị và chăm sóc người bệnh;
đ) Xác định người bệnh đủ điều kiện để ra quyết định chuyển về bộ phận hồi sức ngoại khoa, khoa nội trú, điều trị ngoại trú hoặc xuất viện;
e) Phối hợp cùng bác sỹ khác để xử trí người bệnh nặng cần hồi sức lưu lại bộ phận hồi tỉnh.
4. Nhiệm vụ của bác sĩ tại bộ phận hồi sức ngoại khoa:
a) Phối hợp với các bộ phận khác để quyết định việc tiếp nhận và chuyển người bệnh;
b) Theo dõi, chẩn đoán, điều trị và thực hiện các thủ thuật chuyên khoa theo đúng quy định;
c) Báo cáo, xin ý kiến trưởng khoa trong các trường hợp đặc biệt, cần mời hội chẩn để có quyết định xử trí phù hợp;
d) Bàn giao người bệnh và y lệnh giữa các ca làm việc phải đầy đủ, chính xác và có sổ bàn giao, ghi chép hồ sơ và kiểm tra hồ sơ bệnh án trước khi chuyển người bệnh hay cho xuất viện.
5. Nhiệm vụ của bác sĩ tại bộ phận chống đau
a) Khám, tư vấn chống đau cho người bệnh trước và sau khi phẫu thuật;
b) Thông báo, giải thích cho người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh hoặc cả hai về kỹ thuật, phương pháp sẽ thực hiện;
c) Tổ chức thực hiện các biện pháp chống đau;
d) Giám sát kết quả thực hiện;
đ) Theo dõi, xử trí các biến chứng, tác dụng không mong muốn của phương pháp chống đau.
Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của điều dưỡng viên trưởng của khoa gây mê - hồi sức
Nhiệm vụ và quyền hạn của điều dưỡng trưởng khoa được thực hiện theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư số 07/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện.
Điều 12. Nhiệm vụ và quyền hạn của điều dưỡng viên gây mê - hồi sức và hộ lý
Nhiệm vụ và quyền hạn điều dưỡng Gây mê - Hồi sức và hộ lý được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ Y tế hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện; Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV ngày 22 tháng 4 năm 2005 của Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức y tế, điều dưỡng; Thông tư số 23/2009/TT-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Bộ Y tế Ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức kỹ thuật y học. Ngoài ra, điều dưỡng viên gây mê - hồi sức và hộ lý có một số nhiệm vụ và quyền hạn đặc thù cụ thể như sau:
1. Điều dưỡng gây mê - hồi sức tại bộ phận khám trước gây mê:
a) Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cho bác sĩ khám trước gây mê;
b) Sau khi kết thúc khám trước gây mê, phải bổ sung đầy đủ vật tư tiêu hao theo số lượng quy định, bảo quản dụng cụ, nhận và bàn giao đầy đủ, ghi chép rõ ràng trong sổ sách.
2. Điều dưỡng viên gây mê - hồi sức tại bộ phận phẫu thuật
a) Điều dưỡng viên gây mê - hồi sức được thực hiện một số nhiệm vụ của bác sỹ gây mê - hồi sức nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện, phù hợp với khả năng chuyên môn, được sự chấp nhận và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở đề nghị của trưởng khoa. Điều dưỡng viên gây mê - hồi sức chỉ thực hiện một số nhiệm vụ của bác sỹ gây mê - hồi sức khi ở khoa chưa có bác sỹ gây mê - hồi sức.
b) Chịu sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của bác sỹ gây mê - hồi sức;
c) Thông báo cho bác sỹ gây mê - hồi sức và điều dưỡng viên trưởng của khoa khi có vấn đề cần giải quyết;
d) Chuẩn bị thuốc, phương tiện gây mê - hồi sức, kiểm tra tên, tuổi người bệnh và vị trí phẫu thuật, lập đường truyền ngoại vi, lấy máu xét nghiệm, kiểm tra nhóm máu, theo dõi người bệnh, ghi chép theo biểu mẫu gây mê - hồi sức và các tài liệu khác liên quan đến trường hợp phẫu thuật, thủ thuật;
đ) Kiểm tra trước khi truyền máu và chế phẩm máu theo quy định tại Quy chế truyền máu ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-BYT ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
e) Trong trường hợp cấp cứu mà không có hoặc chưa có bác sỹ gây mê - hồi sức, điều dưỡng viên gây mê - hồi sức phải thực hiện ngay các biện pháp hồi sức cần thiết, đồng thời nhanh chóng yêu cầu bác sĩ và đồng nghiệp hỗ trợ;
g) Thực hiện y lệnh trực tiếp và ghi chép lại đầy đủ vào hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu của bác sỹ trong cuộc phẫu thuật;
h) Mỗi điều dưỡng viên gây mê - hồi sức chỉ được phụ giúp một bàn mổ trong cùng một thời điểm hoặc phụ giúp thêm 01 bàn mổ khác trong trường hợp thiếu nhân lực và phải được bác sỹ gây mê - hồi sức cùng kíp phẫu thuật, thủ thuật cho phép.
3. Điều dưỡng viên làm nhiệm vụ dụng cụ và điều dưỡng viên làm nhiệm vụ vòng ngoài:
a) Nhiệm vụ chung:
- Chuẩn bị và kiểm tra các dụng cụ, phương tiện thiết bị, thuốc đáp ứng cho mỗi cuộc phẫu thuật;
- Kiểm tra xác định lại người bệnh, bệnh án, loại phẫu thuật, vị trí phẫu thuật và chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật;
- Kết hợp chặt chẽ việc kiểm đếm gạc, kim chỉ và dụng cụ phẫu thuật trước và sau khi phẫu thuật đối với mỗi ca phẫu thuật để tránh bỏ sót dị vật trong cơ thể người bệnh. Biên bản kiểm đếm phải lưu trong hồ sơ bệnh án và phải có chữ ký của phẫu thuật viên chính, điều dưỡng viên làm nhiệm vụ dụng cụ và điều dưỡng viên làm nhiệm vụ vòng ngoài;
- Thực hiện băng vết mổ và vệ sinh cho người bệnh sau phẫu thuật, thủ thuật.
b) Điều dưỡng viên làm nhiệm vụ dụng cụ:
- Giúp phẫu thuật viên thực hiện cuộc phẫu thuật, chuẩn bị và sắp xếp dụng cụ đầy đủ, đưa dụng cụ cho phẫu thuật viên đúng động tác và phù hợp các thời điểm của cuộc phẫu thuật;
- Xử lý dụng cụ phẫu thuật, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao đã sử dụng cho ca phẫu thuật theo quy định của bộ phận phẫu thuật;
- Không tự ý bỏ ra ngoài khi chưa được sự đồng ý của phẫu thuật viên.
c) Điều dưỡng viên làm nhiệm vụ vòng ngoài:
- Phối hợp cùng các kíp phẫu thuật để đặt tư thế người bệnh, đặt bản tiếp đất của dao điện, bảo vệ điểm tỳ đè của người bệnh;
- Bổ sung dụng cụ phẫu thuật, vật tư tiêu hao và các phương tiện khác dùng cho phẫu thuật;
- Hỗ trợ kíp phẫu thuật và kíp gây mê - hồi sức điều khiển các dụng cụ như dao điện, máy hút, máy nội soi, máy chống rung;
- Ghi chép đầy đủ, chính xác các vật tư tiêu hao dùng cho phẫu thuật cũng như số lượng tồn dư, số lượng hư hỏng;
- Giúp vận chuyển người bệnh sang giường hoặc cáng;
- Lĩnh máu hoặc chế phẩm máu khi được yêu cầu, khi lĩnh về phải bàn giao trực tiếp cho điều dưỡng viên hoặc bác sỹ gây mê - hồi sức đã yêu cầu.
4. Điều dưỡng tại bộ phận hồi tỉnh:
a) Theo dõi người bệnh, phát hiện và xử lý cấp cứu bước đầu những biến chứng của người bệnh trong phạm vi cho phép, chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, trang thiết bị, vật tư tiêu hao để sẵn sàng tiếp đón người bệnh sau phẫu thuật;
b) Phụ giúp bác sĩ gây mê - hồi sức trong thăm khám và điều trị người bệnh tại bộ phận hồi tỉnh;
c) Đánh giá tình trạng người bệnh theo các thang điểm quy định;
d) Theo dõi và ghi chép đầy đủ, chính xác, trung thực diễn biến của người bệnh, việc thực hiện y lệnh vào bảng theo dõi và hồ sơ cho điều dưỡng viên.
5. Điều dưỡng viên bộ phận hồi sức ngoại khoa:
a) Tiếp nhận, theo dõi người bệnh, phát hiện và xử lý cấp cứu bước đầu những biến chứng của người bệnh trong phạm vi cho phép, chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, trang thiết bị, vật tư tiêu hao để sẵn sàng tiếp đón người bệnh sau phẫu thuật;
b) Theo dõi và ghi chép đầy đủ, chính xác, trung thực diễn biến của người bệnh, việc thực hiện y lệnh vào bảng theo dõi và hồ sơ dành cho điều dưỡng;
c) Báo cáo ngay cho bác sỹ và điều dưỡng viên trưởng khi người bệnh có diễn biến bất thường hoặc có khó khăn trong việc thực hiện y lệnh, chăm sóc người bệnh;
d) Chuẩn bị và cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh theo chỉ định của bác sỹ và tuân thủ kế hoạch chăm sóc điều dưỡng đã thiết lập.
6. Điều dưỡng viên gây mê - hồi sức tại bộ phận chống đau:
Theo dõi, đánh giá hiệu quả giảm đau trên người bệnh, khi có diễn biến bất thường cần báo cáo ngay với bác sỹ để xử trí.
7. Hộ lý:
a) Thực hiện quy định vệ sinh, vô khuẩn của khoa gây mê - hồi sức theo quy chế kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện;
b) Vệ sinh khoa phòng và ngoại cảnh của khoa gây mê - hồi sức theo sự phân công;
c) Quản lý đồ vải;
d) Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định.
Thông tư 13/2012/TT-BYT hướng dẫn công tác gây mê - hồi sức do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Điều 4. Cơ cấu tổ chức
- Điều 5. Các chức danh chuyên môn thực hiện việc gây mê - hồi sức
- Điều 6. Bố trí nhân lực
- Điều 7. Chức năng và nhiệm vụ của khoa gây mê - hồi sức
- Điều 8. Nhiệm vụ của các bộ phận trong khoa gây mê - hồi sức
- Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của trưởng khoa gây mê - hồi sức
- Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của bác sỹ gây mê - hồi sức
- Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của điều dưỡng viên trưởng của khoa gây mê - hồi sức
- Điều 12. Nhiệm vụ và quyền hạn của điều dưỡng viên gây mê - hồi sức và hộ lý
- Điều 15. Phối hợp với các khoa hệ ngoại
- Điều 16. Phối hợp với các khoa liên quan trong bệnh viện
- Điều 17. Phối hợp vận chuyển, cấp cứu ngoại viện