Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định trình tự, thủ tục, nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm (sau đây gọi tắt là hàng hóa) nhập khẩu vào Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trách nhiệm và quyền hạn của các bên có liên quan;

2. Danh mục hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này được quy định tại Phụ lục 1;

3. Thông tư này không điều chỉnh các nội dung, quy định liên quan đến hoạt động kiểm dịch thực vật;

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 3. Những hàng hóa nhập khẩu không thuộc diện phải kiểm tra ATTP:

1. Hàng hóa mang theo người để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu;

2. Hàng hóa trong túi ngoại giao, túi lãnh sự;

3. Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu;

4. Hàng hóa gửi kho ngoại quan;

5. Hàng hóa là mẫu thử nghiệm, nghiên cứu.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lô hàng nhập khẩu: Là lượng hàng hóa nhập khẩu được đăng ký kiểm tra một lần;

2. Lô hàng kiểm tra: Là lượng hàng hóa cùng loại, của cùng một cơ sở sản xuất được đăng ký kiểm tra một lần;

3. Vi phạm nghiêm trọng quy định ATTP: Hàng hóa bị phát hiện có chứa tác nhân gây hại sức khỏe, tính mạng con người;

4. Tần suất lấy mẫu lô hàng: Là số lần thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm đối với các lô hàng kiểm tra nhập khẩu.

Điều 5. Yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu

1. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Sản xuất tại quốc gia được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm ATTP hàng hóa theo quy định của Việt Nam;

b) Bao gói hoặc chứa đựng trong các phương tiện phù hợp; ghi nhãn, bao gồm các thông tin: tên hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; mã số (nếu có) và các thông tin khác (bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ tiếng Việt) theo quy định;

c) Kiểm tra và chứng nhận ATTP theo quy định tại Chương III của Thông tư này.

2. Hàng hóa nhập khẩu có chứa thành phần biến đổi gen, hoặc được chiếu xạ, hoặc được sản xuất theo công nghệ mới:

a) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp theo quy định tại Thông tư 63/2010/TT-BNNPTNT.

3. Hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa quy định tại khoản 2, Điều này) đã qua chế biến bao gói sẵn nhập khẩu, trước khi lưu thông:

a) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;

b) Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định hiện hành.

Điều 6. Hình thức và chỉ tiêu kiểm tra

1. Kiểm tra lô hàng: Các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra thông tin về nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra ngoại quan (bao gói, ghi nhãn). Trình tự, thủ tục kiểm tra ATTP lô hàng nhập khẩu được quy định tại Chương III của Thông tư này.

2. Kiểm tra tại nước xuất khẩu: Kiểm tra thực tế hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm và điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất hàng hóa của nước xuất khẩu. Hình thức này được xem xét áp dụng trong trường hợp phát hiện nước xuất khẩu có nhiều cơ sở sản xuất có lô hàng vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP (từ 3 cơ sở sản xuất/năm trở lên).

3. Các chỉ tiêu về ATTP phải kiểm nghiệm căn cứ vào lịch sử tuân thủ quy định của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; tình hình thực tế về nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất, nước sản xuất; tình hình thực tế lô hàng và hồ sơ kèm theo; đồng thời dựa trên Danh mục các chỉ tiêu ATTP và mức giới hạn tối đa cho phép theo quy định hiện hành của Việt Nam.

Điều 7. Căn cứ kiểm tra

1. Các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, quy định quốc tế về ATTP.

2. Trường hợp Việt Nam có ký kết Hiệp định, thỏa thuận song phương về ATTP với nước xuất khẩu thì tuân thủ theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết

Điều 8. Cơ quan kiểm tra, giám sát

1. Cơ quan kiểm tra tại cửa khẩu hoặc nơi tập kết: Các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật hoặc được Cục Bảo vệ thực vật ủy quyền.

2. Cơ quan kiểm tra giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường: Các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ.

3. Cơ quan kiểm tra ATTP tại nước xuất khẩu: Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan có liên quan.

Điều 9. Phí, lệ phí và kinh phí triển khai kiểm tra, giám sát về ATTP.

1. Cơ quan kiểm tra thực hiện thu phí, lệ phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

2. Kinh phí đi kiểm tra tại nước xuất khẩu do ngân sách nhà nước cấp. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật dự trù kinh phí đi kiểm tra tại nước xuất khẩu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Kinh phí kiểm tra giám sát sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường do ngân sách nhà nước cấp trong khuôn khổ chương trình giám sát được quy định tại Thông tư số 05/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/01/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường hoặc từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 13/2011/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/03/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 165 đến số 166
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH