Điều 3 Thông tư 127/2013/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Trong Thông tư này một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, gồm: Xe ô tô, máy kéo và các loại xe được cấp biển tương tự như ô tô (gọi chung ô tô); xe máy. Trong đó:
- Xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) là xe ô tô con chở người, không bao gồm xe lam.
- Xe máy, gồm: xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
2. Các thành phố, thị xã quy định tại Thông tư này được xác định theo địa giới hành chính nhà nước, cụ thể như sau:
- Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc trung ương khác bao gồm tất cả các quận, huyện trực thuộc thành phố không phân biệt nội thành hay ngoại thành, đô thị hay nông thôn.
- Thành phố trực thuộc tỉnh, các thị xã bao gồm tất cả các phường, xã thuộc thành phố, thị xã không phân biệt là phường nội thành, nội thị hay xã ngoại thành, ngoại thị.
3. Cấp mới giấy đăng ký và biển số chỉ áp dụng đối với các phương tiện giao thông đăng ký lần đầu tại Việt Nam (kể cả các phương tiện giao thông đã qua sử dụng hay đã đăng ký tại nước ngoài) theo quy định của Bộ Công an.
4. Cấp lại giấy đăng ký hoặc biển số áp dụng đối với trường hợp mất giấy đăng ký hoặc biển số; đổi lại giấy đăng ký hoặc biển số áp dụng đối với các trường hợp cải tạo, thay đổi màu sơn phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hoặc rách, hư hỏng giấy đăng ký xe, hư hỏng, mờ biển số xe.
5. Khu vực: Khu vực I gồm thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; khu vực II gồm các thành phố trực thuộc trung ương (trừ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), các thành phố trực thuộc tỉnh và các thị xã; khu vực III gồm các khu vực khác ngoài khu vực I và khu vực II nêu trên.