Chương 3 Thông tư 12/2015/TT-BKHCN quy định về phân tích an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
TIÊU CHÍ CHẤP NHẬN ĐỐI VỚI PHÂN TÍCH AN TOÀN
Điều 11. Yêu cầu về việc thiết lập tiêu chí chấp nhận
1. Tiêu chí chấp nhận phải được thiết lập cho toàn bộ các trạng thái vận hành và điều kiện sự cố. Các tiêu chí này phải bảo đảm duy trì đủ mức độ bảo vệ theo chiều sâu, bảo đảm không gây ra mức nguy hại không chấp nhận được đối với con người, môi trường.
2. Tiêu chí chấp nhận được thiết lập dựa trên các yếu tố sau đây:
a) Đặc điểm sự kiện khởi phát giả định, đặc biệt là tần suất xảy ra;
b) Loại công nghệ lò phản ứng;
c) Các điều kiện thực tế của nhà máy, đặc biệt là khả năng tự cấp điện;
d) Phạm vi và các điều kiện áp dụng của mỗi tiêu chí. Áp dụng tiêu chí nghiêm ngặt hơn đối với sự kiện có tần suất xảy ra lớn hơn.
3. Tiêu chí chấp nhận cho mỗi trạng thái vận hành hoặc điều kiện sự cố bao gồm:
a) Tiêu chí chung liên quan tới hậu quả phát tán phóng xạ;
b) Tiêu chí cụ thể liên quan tới tính toàn vẹn của các lớp bảo vệ chống phát tán phóng xạ bao gồm viên nhiên liệu, vỏ thanh nhiên liệu, biên chịu áp chất làm mát lò phản ứng và boong-ke lò.
Điều 12. Tiêu chí chấp nhận đối với phân tích an toàn tất định về hậu quả của phát tán phóng xạ
1. Liều bức xạ đối với nhân viên nhà máy và dân chúng tại các trạng thái vận hành trong suốt vòng đời nhà máy phải tuân thủ nguyên lý ALARA. Giới hạn liều đối với một người dân phải nhỏ hơn 1 mSv/năm.
2. Tất cả các sự cố trong cơ sở thiết kế không được gây ra tác động đáng kể về phóng xạ tại địa điểm hoặc ngoài địa điểm và không cần đến bất kỳ biện pháp ứng phó nào ngoài địa điểm. Giới hạn liều đối với người dân do sự cố trong cơ sở thiết kế (không tính tới việc hấp thụ chất phóng xạ qua đường ăn uống) phải nhỏ hơn 5 mSv/năm.
3. Sự cố ngoài cơ sở thiết kế có thể dẫn tới phát tán lượng lớn phóng xạ ra môi trường phải được loại trừ trong thực tế. Với các sự cố ngoài cơ sở thiết kế khác, phải có các biện pháp hạn chế phát tán sau khoảng thời gian và trong phạm vi nhất định để có đủ thời gian triển khai các biện pháp bảo vệ dân chúng.
4. Việc phát tán chất phóng xạ từ sự cố nghiêm trọng không được phép gây ra các hậu quả sau:
a) Gây tổn thương bức xạ cấp tính tới sức khỏe của dân chúng trong khu vực lân cận NMĐHN;
b) Hạn chế việc sử dụng đất và nước trong thời gian dài trên diện rộng;
c) Phát tán Cs-137 ra ngoài môi trường vượt quá 30 TBq;
d) Sau ba tháng kể từ thời điểm xảy ra sự cố, tổ hợp các đồng vị phóng xạ khác đồng vị của Cesi lắng đọng gây ra nguy hại lớn hơn nguy hại do phát tán Cesi với giới hạn được đề cập tại điểm c khoản này.
Điều 13. Tiêu chí chấp nhận chung đối với phân tích an toàn tất định
1. Các đặc tính của thiết kế, khả năng kích hoạt tự động của hệ thống an toàn kết hợp với hành động cần thiết của nhân viên vận hành phải đủ hiệu quả để bảo đảm:
a) Không làm nghiêm trọng hơn trạng thái của nhà máy;
b) Không làm phát sinh thêm sai hỏng đơn;
c) Không làm mất khả năng vận hành của hệ thống an toàn hoặc tính năng an toàn cần thiết để giảm thiểu hậu quả của sự cố.
2. Hệ thống được sử dụng để giảm thiểu hậu quả sự kiện phải có khả năng chịu tải cực đại, ứng suất và điều kiện môi trường tương ứng với sự kiện được phân tích.
3. Áp suất trong các hệ thống ở vòng sơ cấp và thứ cấp phải không vượt quá giới hạn thiết kế đối với từng trạng thái nhất định của nhà máy.
4. Sự kiện khởi phát giả định có thể dẫn đến hư hại lớp vỏ của một số thanh nhiên liệu nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chí chấp nhận về hậu quả của phát tán phóng xạ quy định tại
5. Với tất cả các sự cố trong cơ sở thiết kế, phải duy trì dạng hình học của vùng hoạt, đáp ứng khả năng làm mát vùng hoạt.
6. Sự cố trong cơ sở thiết kế không được phép gây ra nhiệt độ, áp suất, chênh lệch áp suất hoặc các tải khác tác động tới boong-ke lò vượt quá giá trị được sử dụng làm cơ sở thiết kế.
Điều 14. Tiêu chí chấp nhận cụ thể đối với phân tích an toàn tất định
1. Xác định các tiêu chí chấp nhận cụ thể để bảo đảm đủ độ dự trữ an toàn, bảo đảm tính toàn vẹn của các lớp ngăn chặn phát tán phóng xạ. Xem xét áp dụng các tiêu chí chấp nhận cụ thể sau:
a) Tiêu chí liên quan tới tính toàn vẹn của cấu trúc viên nhiên liệu bao gồm: nhiệt độ cực đại trong viên nhiên liệu, giá trị cực đại của enthalpi nhiên liệu trung bình theo bán kính (cùng với sự phụ thuộc của chúng vào độ sâu cháy và thành phần nhiên liệu);
b) Tiêu chí liên quan tới tính toàn vẹn của lớp vỏ thanh nhiên liệu bao gồm: giá trị cực tiểu của tỉ số rời khỏi sôi bọt (DNBR) (đối với lò nước áp lực) hoặc tỉ số công suất tới hạn (CPR) (đối với lò nước sôi), giá trị cực đại của nhiệt độ lớp vỏ thanh nhiên liệu, giá trị cực đại mức ô-xi hóa cục bộ lớp vỏ thanh nhiên liệu;
c) Tiêu chí liên quan tới tính toàn vẹn của vùng hoạt lò phản ứng bao gồm: mức độ dưới tới hạn, lượng hydro cực đại sinh ra do ô-xi hóa lớp vỏ thanh nhiên liệu, số lượng cực đại các thanh nhiên liệu và bó nhiên liệu bị hư hỏng;
d) Tiêu chí chấp nhận liên quan tới tính toàn vẹn của hệ thống làm mát (vòng sơ cấp) lò phản ứng bao gồm: nhiệt độ và áp suất cực đại của chất làm mát; thay đổi nhiệt độ, áp suất và ứng suất gây ra tại biên chịu áp chất làm mát lò phản ứng; không xảy ra nút, gãy giòn hoặc dẻo do khuyết tật giả định trong thùng lò phản ứng;
đ) Tiêu chí chấp nhận liên quan tới tính toàn vẹn của vòng thứ cấp bao gồm: nhiệt độ và áp suất cực đại, thay đổi áp suất và nhiệt độ của chất công tác trong các thiết bị thuộc vòng thứ cấp;
e) Tiêu chí chấp nhận liên quan tới tính toàn vẹn của boong-ke lò và giới hạn sự phát tán chất phóng xạ ra môi trường bao gồm: áp suất và nhiệt độ cực đại và cực tiểu bên trong boong-ke lò, chênh lệch áp suất cực đại giữa hai lóp boong-ke lò (trường hợp thiết kế boong-ke hai lớp vách), mức độ rò rỉ, nồng độ khí dễ cháy, nổ, thông số về điều kiện môi trường chấp nhận được đối với hoạt động của các hệ thống.
2. Đối với sự kiện khởi phát giả định xảy ra trong khi dừng lò hoặc trường hợp dẫn tới việc suy giảm tính nguyên vẹn của các lớp bảo vệ, phải áp dụng tiêu chí chấp nhận nghiêm ngặt hơn nhằm không để xảy ra phơi trần bó nhiên liệu.
Điều 15. Tiêu chí chấp nhận đối với phân tích an toàn xác suất
1. Đối với phân tích an toàn xác suất mức 1, tổng tần suất gây nóng chảy vùng hoạt phải nhỏ hơn 10-5/lò.năm.
2. Đối với phân tích an toàn xác suất mức 2, tổng tần suất gây phát tán lượng phóng xạ Cs-137 lớn hơn 30 TBq ra môi trường phải nhỏ hơn 10-6/lò.năm.
Thông tư 12/2015/TT-BKHCN quy định về phân tích an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- Điều 4. Phạm vi áp dụng phân tích an toàn
- Điều 5. Phân tích an toàn trong thiết kế NMĐHN
- Điều 6. Kết quả của phân tích an toàn tất định và an toàn xác suất
- Điều 7. Yêu cầu riêng đối với phân tích an toàn tất định
- Điều 8. Phân tích độ bất định và phân tích độ nhạy
- Điều 9. Chương trình tính toán trong phân tích an toàn
- Điều 10. Sử dụng kinh nghiệm vận hành trong phân tích an toàn
- Điều 11. Yêu cầu về việc thiết lập tiêu chí chấp nhận
- Điều 12. Tiêu chí chấp nhận đối với phân tích an toàn tất định về hậu quả của phát tán phóng xạ
- Điều 13. Tiêu chí chấp nhận chung đối với phân tích an toàn tất định
- Điều 14. Tiêu chí chấp nhận cụ thể đối với phân tích an toàn tất định
- Điều 15. Tiêu chí chấp nhận đối với phân tích an toàn xác suất