Hệ thống pháp luật

Điều 8 Thông tư 12/2014/TT-BKHCN về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Điều 8. Tuyển chọn tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư

1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố công khai danh mục nhiệm vụ Nghị định thư đặt hàng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ. Để tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư, các tổ chức khoa học và công nghệ tìm kiếm đối tác nước ngoài, hợp tác xây dựng thuyết minh nhiệm vụ Nghị định thư và gửi hồ sơ về Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời hạn quy định.

2. Nguyên tắc tuyển chọn, điều kiện tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c và đ Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 của Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN.

3. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn nhiệm vụ Nghị định thư

a) Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn gồm các tài liệu sau:

- Thuyết minh nhiệm vụ Nghị định thư được xây dựng theo Mẫu 3 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì;

- Văn bản cam kết của tổ chức đăng ký chủ trì và cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm về năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư theo Mẫu 4.1 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

- Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, của tổ chức đăng ký chủ trì theo Mẫu 4.2 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

- Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và các cá nhân đăng ký thực hiện chính nhiệm vụ Nghị định thư theo Mẫu 4.3 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

- Tóm tắt về cơ quan đối tác nước ngoài, hoạt động khoa học và công nghệ; hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ với Việt Nam; lý lịch khoa học của các chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư;

- Bản sao thỏa thuận giữa tổ chức đăng ký chủ trì với đối tác nước ngoài về các nội dung chính; dự kiến kế hoạch thực hiện; nguyên tắc chia sẻ kết quả nghiên cứu nhiệm vụ Nghị định thư và nguồn lực thực hiện.

- Kết quả đánh giá hoạt động hàng năm của tổ chức đăng ký chủ trì.

b) Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn gồm 01 bộ hồ sơ gốc (có dấu và chữ ký trực tiếp) trình bày và in trên khổ giấy A4, sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001, cỡ chữ 14 và 01 bản điện tử của hồ sơ ghi trên đĩa quang (dạng PDF, không đặt mật khẩu) được đóng gói trong túi hồ sơ có niêm phong và bên ngoài ghi rõ:

- Tên nhiệm vụ Nghị định thư;

- Tên, địa chỉ liên hệ của tổ chức đăng ký chủ trì và đối tác nước ngoài;

- Họ tên của cá nhân đăng ký chủ nhiệm nhiệm vụ Nghị định thư;

- Danh sách các thành viên chính đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư (họ tên, năm sinh, đơn vị công tác);

- Danh mục tài liệu có trong hồ sơ.

4. Việc mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN. Hồ sơ hợp lệ được đưa vào xem xét, đánh giá là hồ sơ được chuẩn bị theo đúng các biểu mẫu và đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này.

Kết quả mở hồ sơ được ghi thành Biên bản theo Mẫu 4.4 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư (sau đây gọi tắt là Hội đồng tuyển chọn). Một Hội đồng tuyển chọn có thể tư vấn cho một hoặc một số nhiệm vụ Nghị định thư trong trường hợp có nhiều nhiệm vụ cùng lĩnh vực.

6. Tài liệu làm việc của Hội đồng tuyển chọn:

a) Kết quả tra cứu thông tin về chủ nhiệm và nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan từ cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ;

b) Danh mục nhiệm vụ Nghị định thư đặt hàng đã được phê duyệt;

c) Bản sao hồ sơ đăng ký tuyển chọn;

d) Phiếu đánh giá tuyển chọn nhiệm vụ Nghị định thư theo Mẫu 4.5 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Thành phần, nguyên tắc làm việc, trách nhiệm và trình tự làm việc của Hội đồng tuyển chọn được thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 8, Điều 10, Khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN.

8. Nội dung làm việc của Hội đồng tuyển chọn

a) Chấm điểm cho từng hồ sơ theo Phiếu đánh giá thực hiện theo Mẫu 4.5. Phiếu đánh giá hợp lệ là phiếu được thực hiện theo đúng quy định. Hội đồng chấm tối đa 100 điểm theo các tiêu chí đánh giá và thang điểm như sau:

- Giá trị khoa học, tối đa 40 điểm;

- Giá trị hợp tác quốc tế, tối đa 30 điểm;

- Giá trị kết quả, tính khả thi và tính ứng dụng, tối đa 30 điểm.

b) Hội đồng bầu ban kiểm phiếu gồm 03 người là ủy viên của hội đồng, trong đó có trưởng ban kiểm phiếu và 02 thành viên. Ban kiểm phiếu tổng hợp kết quả Phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng theo Mẫu 4.6 quy định tại Phụ lục ban hành theo Thông tư này và xếp hạng các hồ sơ được đánh giá theo tổng số điểm trung bình từ cao xuống thấp và các điều kiện sau đây:

- Hồ sơ đạt yêu cầu có tổng số điểm trung bình của các tiêu chí phải đạt tối thiểu 70/100 điểm; trong đó không có tiêu chí nào 1/3 số thành viên Hội đồng có mặt đánh giá không điểm (0 điểm); điểm giá trị hợp tác quốc tế phải đạt tối thiểu 20/30 điểm; điểm giá trị khoa học phải đạt tối thiểu 30/40 điểm;

- Đối với các hồ sơ có tổng số điểm trung bình bằng nhau, hồ sơ có điểm giá trị hợp tác quốc tế cao hơn sẽ được xếp hạng ưu tiên hơn. Trong trường hợp hồ sơ có tổng số điểm trung bình bằng nhau, điểm giá trị hợp tác quốc tế bằng nhau thì hồ sơ được Chủ tịch hội đồng cho điểm cao hơn (hoặc Phó chủ tịch hội đồng chủ trì cho điểm cao hơn, trong trường hợp chủ tịch hội đồng vắng mặt) được ưu tiên xếp hạng.

c) Hội đồng thông qua Biên bản phiên họp theo Mẫu 4.7 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, kiến nghị tổ chức khoa học và công nghệ trúng tuyển thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư. Hội đồng kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Thuyết minh nhiệm vụ Nghị định thư; các sản phẩm khoa học và công nghệ chính với chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương ứng phải đạt; đối tác nước ngoài; kinh phí và phương thức khoán chi (khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần) cho việc thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư;

d) Thủ trưởng đơn vị quản lý nhiệm vụ Nghị định thư rà soát trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng, xem xét các ý kiến tư vấn của Hội đồng đối với nhiệm vụ Nghị định thư.

Bộ Khoa học và Công nghệ có thể lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trong nước, nước ngoài hoặc thành lập hội đồng tuyển chọn khác.

Việc lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập thực hiện theo quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN.

đ) Trên cơ sở kết luận của Hội đồng tuyển chọn và kết quả rà soát, đề nghị của đơn vị quản lý nhiệm vụ Nghị định thư hoặc ý kiến của các chuyên gia tư vấn độc lập, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo nhiệm vụ Nghị định thư được tuyển chọn, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ và đối tác nước ngoài tới các tổ chức chủ trì trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc kể từ khi kết thúc phiên họp của Hội đồng.

Thông tư 12/2014/TT-BKHCN về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 12/2014/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/05/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 665 đến số 666
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra