Chương 2 Thông tư 108/2013/TT-BTC quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Mục 1. Lập và phê duyệt kế hoạch xây dựng định mức
Điều 8. Lập, phê duyệt kế hoạch hàng năm về xây dựng định mức
1. Các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm lập kế hoạch hàng năm về xây dựng định mức của Bộ, ngành mình, đề nghị Bộ Tài chính phê duyệt.
2. Căn cứ để lập kế hoạch xây dựng định mức
a) Danh mục hàng dự trữ quốc gia được Chính phủ giao trực tiếp quản lý;
b) Yêu cầu công tác quản lý dự trữ quốc gia của các Bộ, ngành; kế hoạch phát triển danh mục hàng dự trự trữ quốc gia hàng năm và điều kiện phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam;
c) Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
3. Việc phê duyệt, thực hiện và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng định mức hàng năm
Trước năm kế hoạch, các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia căn cứ nhu cầu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thay thế định mức cho năm sau, lập kế hoạch xây dựng định mức năm kế hoạch báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt (phụ lục kèm theo). Nội dung của kế hoạch xây dựng định mức hàng năm bao gồm:
a) Tên định mức;
b) Cơ quan, tổ chức đề nghị;
c) Đối tượng thực hiện;
d) Mục đích xây dựng;
đ) Loại hình định mức;
e) Quy định định mức;
f) Phương thức thực hiện và tài liệu làm căn cứ xây dựng định mức;
g) Tổ chức biên soạn;
h) Tiến độ thực hiện;
i) Dự kiến kinh phí thực hiện.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia của các Bộ, ngành, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt và thông báo đến các Bộ, ngành liên quan.
4. Thực hiện kế hoạch xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật hàng năm: Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; định kỳ sáu tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng định mức.
Điều 9. Điều chỉnh kế hoạch xây dựng định mức
1. Trong quá trình triển khai kế hoạch hàng năm, căn cứ yêu cầu thực tế công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật các Bộ, ngành có văn bản đề nghị điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bao gồm: Tiến độ, đối tượng, nội dung, kinh phí, bổ sung hoặc rút khỏi kế hoạch.
2. Trường hợp do yêu cầu cần thiết của quản lý nhà nước, việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hàng năm được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Mục 2. Xây dựng, thẩm định, ban hành định mức
Điều 10. Căn cứ xây dựng định mức
1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính ban hành và các tài liệu kỹ thuật khác (nếu có).
2. Định mức đã ban hành còn phù hợp với thực tế nhưng hết thời hiệu sử dụng (nếu có).
3. Số liệu thống kê tình hình thực hiện định mức: Đối với các mặt hàng chưa có định mức dựa vào thống kê chi phí thực hiện công tác nhập, bảo quản, xuất và hao hụt hàng dự trữ quốc gia của 3 năm trước liền kề và các tài liệu cần thiết do đơn vị trực tiếp thực hiện cung cấp; các tài liệu, báo cáo kiểm tra của tổ chức thẩm tra định mức kinh tế - kỹ thuật.
4. Tình hình hoạt động thực tế theo đặc thù về địa lý, kinh tế của từng vùng, miền, đơn vị dự trữ nhà nước; các điều kiện giao nhận, vận chuyển (đối với định mức phí nhập, xuất), bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia và cơ sở vật chất (kho tàng, trang thiết bị bảo quản), những tiến bộ về khoa học công nghệ.
Điều 11. Phương pháp xây dựng định mức
Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về từng mặt hàng để vận dụng một hoặc đồng thời các phương pháp sau:
1. Phương pháp thống kê tổng hợp: Dựa vào số liệu thống kê hàng năm hoặc trong các kỳ báo cáo (số liệu thống kê phải đảm bảo cơ sở pháp lý, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt); dựa vào kinh nghiệm hoặc các thông số so sánh để xây dựng định mức.
2. Phương pháp phân tích thực nghiệm: Dựa trên cơ sở triển khai khảo sát, thực nghiệm công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia của đơn vị dự trữ nhà nước theo từng quy trình nội dung công việc: nhập kho, bảo quản, xuất kho để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức, kết hợp với kết quả trong phòng thí nghiệm để xây dựng định mức.
3. Phương pháp so sánh: Là phương pháp xem xét các chỉ tiêu phân tích bằng cách dựa trên việc so sánh số liệu với một chỉ tiêu cơ sở, số liệu thực hiện định mức qua các năm; điều kiện để so sánh phù hợp về yếu tố không gian, thời gian, cùng nội dung kinh tế, đơn vị đo lường, phương pháp tính toán.
Điều 12. Nội dung xây dựng định mức
1. Xây dựng danh mục nội dung của một định mức: Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia để thực hiện mô tả từng nội dung công việc, từng bước công việc; tổng hợp tiêu hao vật tư, nhân công liên quan đến việc nhập, bảo quản, xuất với số lượng danh mục định mức cần thiết theo từng nội dung công việc; lập biểu tổng hợp.
2. Xây dựng định mức hao hụt hàng dự trữ quốc gia phải căn cứ vào kết quả của 2 phương pháp:
a) Số liệu thống kê về tỷ lệ hao hụt trong vòng 3 năm liền kề (phương pháp thống kê tổng hợp) dựa trên báo cáo quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Số liệu nghiên cứu, thực nghiệm về tỷ lệ hao hụt trong từng trường hợp cụ thể (phương pháp phân tích thực nghiệm): Phải có biên bản tổ chức thẩm định, thẩm tra định mức xác định số liệu nghiên cứu thực nghiệm và có xác nhận của cấp có thẩm quyền.
Đối với định mức hao hụt hàng dự trữ quốc gia chỉ xác định một chỉ tiêu lượng hàng hao hụt tính theo tỷ lệ % so với khối lượng ban đầu.
3. Xác định các yếu tố chất lượng, tiêu chuẩn, quy cách của danh mục định mức.
4. Đơn giá và trị giá bằng tiền của danh mục định mức: Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá thì áp dụng theo giá quy định của Nhà nước. Đối với hàng hóa, dịch vụ Nhà nước chưa quy định giá thì thực hiện theo giá cả thị trường tại thời gian và địa điểm nhất định do đơn vị thẩm định giá hoặc cơ quan vật giá tài chính địa phương xác định.
5. Thời gian có hiệu lực của định mức: Tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi loại định mức (định mức nhập, bảo quản, xuất và định mức hao hụt) và sự biến động về giá, phương pháp, công nghệ bảo quản mà quy định cụ thể về thời gian hiệu lực của loại định mức đó.
Điều 13. Quy trình xây dựng định mức
Quy trình, Hồ sơ xây dựng định mức trình cấp có thẩm quyền xét duyệt, ban hành theo các bước sau:
1. Bước 1: Bộ, ngành chỉ định cơ quan chuyên môn xây dựng dự thảo định mức.
2. Bước 2: Xây dựng dự thảo định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia; lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan; hoàn chỉnh dự thảo.
3. Bước 3: Bộ, ngành tổ chức thẩm tra định mức kinh tế - kỹ thuật, hoàn chỉnh dự thảo và có Công văn đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, ban hành định mức; hồ sơ gửi kèm gồm:
a) Dự thảo Thông tư ban hành định mức kèm theo thuyết minh;
b) Biên bản thẩm tra định mức ngành;
c) Bản sao tài liệu gốc được sử dụng làm căn cứ để xây dựng dự thảo và các tài liệu khác;
d) Bảng tổng hợp đơn giá vật tư, nhân công cần thiết để xây dựng định mức.
4. Bước 4: Thẩm định định mức.
Bộ Tài chính giao Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện các công việc sau:
a) Tiếp nhận hồ sơ xây dựng định mức của các Bộ ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia;
b) Xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Điều 10, 11, 12 và từ bước 1 đến bước 3
c) Tổ chức thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia theo quy định;
d) Trên cơ sở kết quả thẩm định định mức, tiến hành thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét ban hành thông tư.
5. Bước 5: Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia.
Mục 3. Quản lý định mức và kinh phí xây dựng, quản lý định mức
Điều 14. Báo cáo, kiểm tra thực hiện định mức
1. Chế độ báo cáo thực hiện định mức
a) Báo cáo định kỳ hàng năm: Hàng năm, trước ngày 31/01 các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập báo cáo tình hình thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật năm trước gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) với các nội dung: định mức được giao; tình hình thực hiện định mức; chênh lệch định mức (tăng hoặc giảm nếu có); lý do chênh lệch và có đề nghị (nếu có).
b) Báo cáo đột xuất: Trường hợp cá biệt theo yêu cầu quản lý, cơ quan quản lý dự trữ nhà nước chuyên trách, Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ, đơn vị dự trữ nhà nước báo cáo đột xuất tình hình thực hiện định mức lên các cấp có thẩm quyền.
2. Kiểm tra công tác quản lý định mức
a) Các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chủ động, thường xuyên kiểm tra các đơn vị dự trữ nhà nước trực thuộc về việc tổ chức thực hiện xây dựng, ban hành và quản lý định mức trong phạm vi hàng dự trữ được phân công;
b) Hàng năm Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) định kỳ kiểm tra thực hiện xây dựng, ban hành, thực hiện quản lý định mức của đơn vị quản lý hàng dự trữ quốc gia do các Bộ, ngành, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực;
c) Xuất phát từ nhu cầu quản lý cụ thể, các cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia cấp trên có thể đột xuất kiểm tra tình hình thực hiện định mức tại các cơ quan, đơn vị dự trữ nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý.
Điều 15. Kinh phí xây dựng, quản lý định mức
1. Kinh phí xây dựng, quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành quản hàng dự trữ quốc gia.
2. Nội dung chi
a) Tổ chức khảo sát, thí nghiệm trong quá trình xây dựng định mức;
b) Chi phí mua vật tư, mẫu phục vụ cho xây dựng định mức;
c) Tổ chức thu thập thông tin điều tra chọn mẫu; xử lý, tổng hợp số liệu thống kê phục vụ cho quá trình xây dựng định mức;
d) Xin ý kiến chuyên gia trong quá trình xây dựng định mức;
e) Tổ chức các cuộc họp về định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia;
g) Kinh phí thuê tư vấn trong trường hợp đơn vị được giao quản lý hàng dự trữ quốc gia không đủ năng lực xây dựng định mức;
h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện và quản lý định mức của các đơn vị Dự trữ Nhà nước.
3. Mức chi
a) Đối với những khoản chi đã có quy định mức chi thì thực hiện theo chế độ quy định hiện hành;
b) Đối với những khoản chi chưa có định mức chi thì Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định mức chi, đồng thời chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Thông tư 108/2013/TT-BTC quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Giá trị pháp lý của định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia
- Điều 4. Phân loại định mức
- Điều 5. Nguyên tắc xây dựng, ban hành định mức
- Điều 6. Tổ chức thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật
- Điều 7. Tổ chức thẩm tra định mức kinh tế - kỹ thuật
- Điều 8. Lập, phê duyệt kế hoạch hàng năm về xây dựng định mức
- Điều 9. Điều chỉnh kế hoạch xây dựng định mức