Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/TT-BNV(C13)

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 08/TT-BNV (C13) NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 1995 QUY ĐỊNH MẪU, VIỆC KHẮC, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CON DẤU CỦA CÁC CẤP, ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH CÔNG AN

Căn cứ điểm 4 điều 9 Nghị định số 62/CP ngày 22/9/1993 của Chính phủ quy định việc quản lý và sử dụng con dấu;
Để việc quản lý, sử dụng con dấu của các cấp, đơn vị trong ngành Công an chặt chẽ, thống nhất, Bộ nội vụ quy định và hướng dẫn mẫu, việc khắc, sử dụng và quản lý con dấu của các cấp, đơn vị thuộc ngành Công an như sau.

I. NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN VÀ PHẠM VI CÁC CẤP, ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH CÔNG AN ĐƯỢC SỬ DỤNG CON DẤU RIÊNG.

1. Các cấp, đơn vị Công an trong diện được dùng con dấu có hình Công an hiệu.

a - Các cấp Công an:

- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

- Công an thị trấn, Công an phường, Công an xã.

b - Các đơn vị trực thuộc cấu thành cấp Công an:

- Tổng cục thuộc Bộ nội vụ.

- Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Viện, cơ quan Điều tra, Thanh tra Bộ nội vụ.

- Trường Đại học công an, Trường cao đẳng, Trung học Công an.

- Trại giam, Trại tạm giam, Trường giáo dưỡng, Cơ sở giáo dục.

- Báo Công an Nhân dân, Tạp chí Công an Nhân dân, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 30-4

- Công an khu Chế xuất.

- Trung đoàn, Tiểu đoàn cảnh sát Bảo Vệ, Cảnh Sát giao thông trật tự.

- Đồn Công an.

- Đội Cảnh sát cơ động, Đội cảnh sát đặc nhiệm, Trạm Công an.

c - Loại con dấu thu nhỏ và con dấu nổi của một số cấp và đơn vị Công an để đóng vào Giấy chứng minh nhân dân; Giấy chứng nhận công an nhân dân và Bằng lái xe.

2 - Bộ Trưởng Bộ nội vụ quyết định cho phép việc sử dụng, thu hồi con dấu của các cấp, đơn vị trong ngành Công an quy định tại điểm 1 kể trên.

3 - Các tổ chức đơn vị được sử dụng con dấu không có hình Công an hiệu.

a - Các đơn vị kinh tế của ngành Công an ( thuộc Bộ nội vụ và Công an địa phương).

b - Các đơn vị chuyên môn, sự nghiệp trực thuộc Bộ, Tổng Cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Viện, Trường và Công an cấp tỉnh, thành phố (như Ban công tác thanh niên, Ban công tác Phụ Nữ, Nhà Điều Dưỡng, Nhà In sự nghiệp, Bệnh xá, Câu lạc bộ Công an hưu trí...).

II- MẪU CÁC LOẠI CON DẤU:

Mẫu con dấu bao gồm: Hình thể, kích thước, đường chỉ và nội dung con dấu:

1. Hình thể: con dấu của các cấp, đơn vị thuộc ngành Công an là hình tròn (trừ một số đơn vị kinh tế theo quy định tại Thông tư 05/TT-BNV của Bộ nội vụ ngày 6/6/1994).

2. Kích thước:

a. Loại con dấu có hình Công an hiệu:

- Các cấp, đơn vị Công an:

+ Con dấu Tổng cục, Thanh tra bộ có đường kính 37 mm.

+ Con dấu Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Viện và con dấu cơ quan Điều tra thuộc Tổng cục; con dấu của trường Đại học công an; con dấu Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường kính 36 mm.

+ Con dấu các trường Cao đẳng, Trung học Công an, Trại giam, Trại tạm giam, Trường giáo dưỡng, Cơ sở giáo dục thuộc Tổng cục, Vụ, Cục có đường kính 35 mm.

+ Con dấu của Báo Công an Nhân dân, Tạp chí Công an Nhân dân, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Bệnh viện 19-8, Bệnh viện 30-4 có đường kính 35 mm.

+ Con dấu Công an quận, huyện, thị xã và tương đương có đường kính 34 mm.

+ Con dấu các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW (cấp phòng hoặc tương đương): Phòng Cảnh sát giao thông, Công an khu Chế xuất, Trại giam, Trại tạm giam, cơ quan Cảnh sát điều tra, cơ quan an ninh điều tra, Thanh tra; con dấu của Trung đoàn, Tiểu đoàn Cảnh sát có đường kính 34mm.

- Con dấu Công an Cửa khẩu, Công an thị trấn, Công an phường, Công an xã, Đồn Công an có đường kính 32 mm.

- Con dấu của Đội Cảnh sát cơ động, Đội cảnh sát đặc nhiệm, Trạm cảnh sát, Trạm Công an... có đường kính 30 mm.

- Loại con dấu ướt hoặc dấu nổi thu nhỏ:

+ Dấu ướt có đường kính 23 mm.

+ Dấu nổi có đường kính 21 mm.

b - Loại con dấu không có hình Công an hiệu:

- Con dấu của các đơn vị kinh tế thuộc ngành Công an thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/TT-BVN ngày 6/6/1994 của Bộ nội vụ.

- Con dấu của các đơn vị chuyên môn, sự nghiệp thuộc Bộ, Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các Vụ, Cục:

+ Ban Công Tác Thanh Niên, Ban Công Tác Phụ Nữ Bộ có đường kính 34 mm.

+ Ban Công Tác Thanh Niên, Ban Công Tác Phụ Nữ Tổng Cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục có đường kính 32 mm.

+ Nhà Điều Dưỡng, Nhà in Sự Nghiệp... có đường kính 32 mm.

- Con dấu các đơn vị chuyên môn, sự nghiệp thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Ban Công Tác Thanh Niên, Ban Công Tác Phụ Nữ có đường kính 32 mm.

+ Bệnh Xá có đường kính 30 mm.

3 - Đường chỉ: Con dấu của các cấp, đơn vị Công an có 2 đường chỉ; đường chỉ ngoài gồm 2 đường tròn sát nhau, đường tròn ngoài nét đậm, đường tròn trong nét nhỏ; đường chỉ trong là một đường tròn nét nhỏ. Khoảng cách giữa 2 đường chỉ của các con dấu như sau:

- Loại có đường kính 35 mm, 36 mm, 37 mm khoảng cách là 5 mm.

- Loại có đường kính 30 mm, 32 mm, 34 mm khoảng cách là 4 mm.

4 - Nội dung con dấu:

a - Biểu tượng khắc trong con dấu của các cấp, đơn vị trong ngành Công an nói tại điểm 1 phần I là hình Công an hiệu. Biểu tượng được khắc ở giữa con dấu và có một đường tròn bao quanh là đường chỉ trong con dấu.

Riêng con dấu của cơ quan an ninh điều tra khắc biểu tượng an Ninh hiệu, con dấu của cơ quan Cảnh sát điều tra khắc biểu tượng Cảnh sát hiệu.

b - Nội dung con dấu có hình Công an hiệu:

- Các con dấu nói ở điểm a và điểm b (gạch đầu dòng 1 và 2) của điểm 1 phần I trong Thông tư này khắc:

+ Vành ngoài phía trên: Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có 2 ngôi sao nhỏ ở đầu và cuối dòng chữ này.

+ Vành ngoài phía dưới khắc: Tên đơn vị dùng dấu. Nếu đơn vị có cơ quan quản lý cấp trên thì khắc thêm tên cơ quan quản lý trước tên đơn vị dùng dấu.

( Xem phần I bản phụ lục, mẫu số 1)

- Các loại con dấu nói ở điểm b (các gạch đầu dòng còn lại) mục 1 phần I trong Thông tư này khắc:

+ Vành ngoài phía trên khắc tên cấp hoặc đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp, có 2 ngôi sao nhỏ ở đầu và cuối dòng chữ này.

+ Vành ngoài phía dưới khắc tên đơn vị dùng dấu. Nếu đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý trực tiếp (Tổng cục, Bộ tư lệnh, Vụ, Cục hoặc Công an tỉnh, thành phố) thì khắc thêm cả tên cơ quan quản lý trực tiếp trước tên cơ quan dùng dấu.

(Xem bản phụ lục I bản phụ lục mẫu số 2, số 3)

c - Loại con dấu không có hình Công an hiệu:

- Các đơn vị chuyên môn, sự nghiệp thuộc Bộ:

+ Vành ngoài khắc: Bộ nội vụ có 1 ngôi sao nhỏ ở đầu và cuối dòng chữ này.

+ Giữa dấu khắc tên đơn vị dùng dấu.

- Các đơn vị chuyên môn sự nghiệp thuộc Tổng Cục, Bộ Tư lệnh Cảnh Vệ, Vụ, Cục, Viện, Trường:

+ Vành ngoài phía trên khắc tên Bộ nội vụ hoặc tên Tổng Cục, có 2 ngôi sao nhỏ ở đầu và cuối dòng chữ này.

+ Vành ngoài phía dưới khắc tên Vụ, Cục... quản lý cấp trên.

+ Giữa dấu khắc tên đơn vị dùng dấu.

- Các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Xung quanh vành ngoài con dấu khắc tên Công an tỉnh, thành phố, có 1 ngôi sao nhỏ ở đầu và cuối dòng chữ này.

+ Giữa dấu khắc tên đơn vị dùng dấu.

( Xem phần II bản phụ lục, mẫu số 5)

III. THỦ TỤC KHẮC DẤU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CON DẤU.

1. Thủ tục khắc dấu:

a - Công văn đề nghị khắc dấu kèm theo quyết định thành lập tổ chức và cho phép sử dụng con dấu của cấp có thẩm quyền (Quy định tại mục 2 phần I của Thông tư này)

b - Giấy giới thiệu và xuất trình giấy CMND hoặc giấy chứng nhận CAND của người được cử đi khắc dấu.

c - Đối với Công an tỉnh, thành phố, Công an quận, huyện, và phường, xã đương nhiên được giải quyết khắc dấu, chỉ cần có công văn kèm theo quyết định chung, không cần quyết định của từng đơn vị (trừ trường hợp đơn vị mới thành lập sau khi đã có quyết định chung)

2. Thủ tục khắc lại con dấu: Các trường hợp con dấu đang dùng bị mất, bị mòn, bị hỏng hoặc các đơn vị thay đổi tên gọi thì được khắc lại con dấu.

a - Đối với trường hợp bị mất con dấu: Đơn vị phải lập biên bản ngay sau khi phát hiện bị mất con dấu, có kế hoạch truy tìm và báo cáo ngay lên Công an cấp trên quản lý trực tiếp về việc mất con dấu và các công việc đã làm sau khi con dấu bị mất, đồng thời đề xuất làm thủ tục khắc lại con dấu.

- Trường hợp sau khi thông báo mất con dấu mà tìm lại được cũng không được phép sử dụng lại Con dấu đó và phải nộp lại cho cơ quan Công an nơi cấp giấy phép khắc dấu.

b - Đối với con dấu bị mòn, hỏng:

+ Ở địa phương: Đơn vị dùng con dấu giửi công văn về Công an tỉnh, thành phố (PX13, PC13) nêu rõ tình trạng mòn, hỏng và đề nghị khắc lại con dấu.

+ Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ: Đơn vị dùng dấu có công văn đề nghị và cử cán bộ trực tiếp liên hệ với Tổng Cục CSND (C13) để làm thủ tục khắc lại con dấu.

- Con dấu của các đơn vị đổi tên: Khi đơn vị đang sử dụng con dấu mà có quyết định đổi tên đơn vị (sáp nhập, chia tách, đổi tên khác) thì đơn vị đó có công văn đề nghị kèm theo quyết định thành lập đơn vị mới hoặc đổi tên gửi PC13 hoặc C13 để làm thủ tục khắc lại con dấu.

3 - Bảo quản sử dụng con dấu:

- Con dấu chỉ được đóng lên các văn bản, giấy tờ sau khi đã có chữ ký của cán bộ có thẩm quyền (cấp trưởng, cấp phó cơ quan đơn vị hoặc cấp dưới trực tiếp do thủ trưởng uỷ nhiệm).

- Con dấu phải được bảo quản cẩn thận, đựng trong hòm, tủ có khoá. Phải giao cho cán bộ có nghiệp vụ về văn thư giữ và dóng dấu. Khi đóng dấu phải rõ ràng ngay ngắn và đóng lên 1/3 chữ ký về bên trái, phải chải sạch mặt con dấu để đóng được rõ nét.

- Nghiêm cấm việc đóng dấu khống chỉ, đóng dấu sẵn trên giấy trắng hoặc đóng lên các văn bản có chữ ký của người không có thẩm quyền ký.

4 - Mực in dấu: Tất cả các con dấu của các cấp, đơn vị trong ngành Công an đều sử dụng mực dấu màu đỏ.

IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1- Cục C13 Tổng Cục CSND có trách nhiệm:

a- Làm thủ tục cấp giấy phép khắc dấu, đăng ký lưu chiểu mẫu dấu và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho các cấp, đơn vị Công an thuộc cơ quan Bộ, đồng thời có trách nhiệm kiểm tra việc quản lý sử dụng và bảo quản con dấu của các đơn vị này.

b - Giải quyết thủ tục cấp giấy phép cho Công an các địa phương khắc các loại con dấu có hình Công an hiệu, An Ninh hiệu, Cảnh Sát hiệu tại cơ sở khắc dấu của Bộ nội vụ. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc đăng ký lưu chiểu mẫu con dấu và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho các cấp, đơn vị này trước khi sử dụng.

2 - Kể từ ngày 1/4/1996 tất cả các cấp, đơn vị thuộc ngành Công an đều sử dụng con dấu mới thống nhất theo mẫu quy định và hướng dẫn tại Thông tư này. Các con dấu theo mẫu cũ đều không có giá trị và phải thu hồi.

Trong thời gian chưa khắc đổi dấu theo mẫu mới, các con dấu theo mẫu cũ vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng. Sau khi thông báo sử dụng con dấu mới phải nộp lại con dấu cũ cho PC13 hoặc C13 (nơi đã đăng ký và lưu chiểu mẫu con dấu).

3 - Khi cấp có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động hoặc giải thể, sáp nhập các đơn vị, tổ chức trong quyết định phải ghi rõ việc thu hồi con dấu đang sử dụng. Sau khi thu hồi phải nộp lại con dấu cho cơ quan Công an nơi đăng ký lưu chiểu mẫu con dấu.

4 - Thủ trưởng các Tổng Cục, Bộ Tư lệnh, các Vụ, Cục, Viện, Trường, Giám Đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch kiểm tra tình hình quản lý sử dụng con dấu của các cấp, các đơn vị thuộc mình quản lý và tổ chức triển khai thực hiện việc khắc đổi lại hoặc khắc con dấu mới để sử dụng kịp thời gian qui dịnh.

5 - Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 01/TT - BNV ngày 2/1/1980 của Bộ nội vụ quy định về mẫu, việc khắc, quản lý và sử dụng con dấu trong ngành Công an. Các văn bản khác hướng dẫn về việc quản lý và sử dụng con dấu trong ngành Công an trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Tổng Cục CSND (C13) hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

Bùi Thiện Ngộ

(Đã ký)

BẢN PHỤ LỤC MẪU DẤU

( Kèm theo Thông tư này số: 08 ngày 21/11/1995 )

I- LOẠI CON DẤU CÓ HÌNH CÔNG AN HIỆU:

MẪU SỐ 1

1- Con dấu các Tổng cục, Thanh tra Bộ có đường kính 37mm.

2- Con dấu Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, các Cục, Vụ, Viện, cơ quan điều tra CA Tỉnh, TP thuộc TW có đường kính 36 mm.

3- Con dấu Công an cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đường kính 34 mm.

4- Con dấu Công an cấp phường, xã, thị trấn có đường kính 32 mm.

5- Con dấu các trường Đại học Công an có đường kính 36 mm.

MẪU SỐ 2.

MẪU SỐ 3.

6- Con dấu Trường Trung học, Cao đẳng, Bệnh viện, trung tâm nuôi dạy và sử dụng chó nghiệp vụ, báo CAND, tạp chí CA... trực thuộc các Tổng Cục, Vụ, Cục có đường kính 35 mm.

7- Con dấu của các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh, Thành phố trực thuộc TW, trại cải tạo, cơ quan điều tra, thanh tra; Đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn cảnh sát bảo vệ độc lập có đường kính 34 mm.

8- Con dấu của Công an cửa khẩu, Đồn Công an... có đường kính 32 mm

9- Con đấu đội cảnh sát cơ động, đội đặc nhiệm, trạm Cảnh sát, trạm công an có đường kính 30 mm.

10- Loại con dấu thu nhỏ để đóng vào CMND, giấy CN Công an nhân dân và đóng vào bằng lái xe có đường kính: Dấu ướt 23 mm, dấu nổi 21 mm.

MẪU SỐ 4.

II- LOẠI CON DẤU KHÔNG CÓ HÌNH CÔNG AN HIỆU:

MẪU SỐ 5

11- Con dấu các đơn vị chuyên môn, sự nghiệp thuộc Bộ có đường kính 34 mm.

12- Con dấu các đơn vị chuyên môn, sự nghiệp thuộc Tổng Cục, Vụ, Cục có đường kính 32 mm.

13- Con dấu các đơn vị chuyên môn, sự nghiệp thuộc Công an Tỉnh, TP trực thuộc TW có đường kính 32 mm và 30 mm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08/TT-BNV(C13) năm 1995 quy định mẫu, việc khắc, sử dụng và quản lý con dấu của các cấp, đơn vị trong Ngành Công an do Bộ nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 08/TT-BNV(C13)
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/11/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Bùi Thiện Ngộ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/11/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản