Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 08/2009/TT-NHNN hướng dẫn về mạng lưới hoạt động của Tổ chức tài chính quy mô nhỏ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Địa bàn hoạt động

Tổ chức tài chính quy mô nhỏ được mở các chi nhánh trong và ngoài phạm vi tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức tài chính quy mô nhỏ đặt trụ sở chính.

Chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ chỉ được hoạt động trong phạm vi địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt chi nhánh.

Điều 7. Điều kiện mở chi nhánh

1. Đối với tổ chức tài chính quy mô nhỏ có nhu cầu được mở chi nhánh trên cơ sở chuyển đổi chi nhánh hiện có, căn cứ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động tổ chức tài chính quy mô nhỏ, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chấp thuận đề nghị mở chi nhánh khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Chi nhánh có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động (trụ sở, két quỹ an toàn,…);

b) Chi nhánh hiện có đang hoạt động có hiệu quả; Chi nhánh có quy trình hoạt động (quy trình nhận tiền gửi, cho vay, thu nợ,…) rõ ràng; Tỷ lệ tổng dư nợ vay của những khách hàng có nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay của chi nhánh (PAR) dưới 5%; Trưởng chi nhánh hoặc người quản lý chi nhánh có ít nhất 2 năm kinh nghiệm về tài chính quy mô nhỏ;

c) Tổ chức tài chính quy mô nhỏ có quy định nội bộ rõ ràng và hệ thống thông tin quản lý để đảm bảo khả năng kiểm soát hiệu quả của trụ sở chính đối với chi nhánh;

d) Số chi nhánh tổ chức tài chính quy mô nhỏ được mở phải đảm bảo:

1,5 tỷ đồng * N < C

Trong đó:

- C là vốn điều lệ của tổ chức tài chính quy mô nhỏ (tính bằng đồng Việt Nam);

- N là tổng số chi nhánh đề nghị mở tại các tỉnh, thành phố.

2. Trong vòng một năm kể từ ngày khai trương hoạt động, tổ chức tài chính quy mô nhỏ có dưới 2 chi nhánh được mở thêm chi nhánh nhưng tổng số chi nhánh tối đa không quá 2 chi nhánh và khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có kế hoạch kinh doanh khả thi trong 2 năm đầu hoạt động;

b) Tổ chức tài chính quy mô nhỏ có quy định nội bộ rõ ràng và hệ thống thông tin quản lý để đảm bảo khả năng kiểm soát hiệu quả của trụ sở chính đối với chi nhánh.

3. Sau một năm kể từ ngày khai trương hoạt động, tổ chức tài chính quy mô nhỏ được mở chi nhánh khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có kế hoạch kinh doanh khả thi trong 2 năm đầu hoạt động;

b) Hoạt động kinh doanh có lãi trong năm liền kề và có thu nhập lớn hơn chi phí cho tới tháng liền kề thời điểm đề nghị mở chi nhánh;

c) Không vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động tài chính quy mô nhỏ và các quy định khác của pháp luật trong thời gian 01 năm tính đến thời điểm đề nghị mở chi nhánh; Có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 15% trở lên tại thời điểm đề nghị mở chi nhánh;

d) Có bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu quả;

e) Có quy định nội bộ rõ ràng và hệ thống thông tin quản lý để đảm bảo khả năng kiểm soát hiệu quả của trụ sở chính đối với chi nhánh.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị mở chi nhánh

1. Hồ sơ đề nghị mở chi nhánh gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) nơi tổ chức tài chính quy mô nhỏ đặt trụ sở chính gồm:

a) Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc mở chi nhánh;

b) Văn bản của Tổng Giám đốc (Giám đốc) đề nghị mở chi nhánh theo phụ lục số 01 (đính kèm);

c) Đề án mở chi nhánh, trong đó nêu sự cần thiết, tên gọi, địa điểm, nội dung, phạm vi hoạt động, dự kiến cơ cấu tổ chức, nhân sự chủ chốt và kế hoạch kinh doanh khả thi trong 2 năm đầu hoạt động;

d) Báo cáo hiện trạng hệ thống thông tin quản lý của tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

e) Các quy định nội bộ quản lý mạng lưới tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

g) Báo cáo về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại thời điểm lập hồ sơ đề nghị mở chi nhánh;

h) Ý kiến bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi tổ chức tài chính quy mô nhỏ dự định đặt trụ sở chi nhánh.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tổ chức tài chính quy mô nhỏ có nhu cầu mở chi nhánh theo quy định tại Điều 7 khoản 1 Thông tư này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận đề nghị mở mạng lưới của tổ chức tài chính quy mô nhỏ căn cứ trên hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động tổ chức tài chính quy mô nhỏ và các tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7 khoản 1 Thông tư này.

Điều 9. Trình tự mở chi nhánh

1. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 khoản 1 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tài chính quy mô nhỏ đặt trụ sở chính gửi hồ sơ và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việc tổ chức tài chính quy mô nhỏ đáp ứng các điều kiện mở chi nhánh và có ý kiến nêu rõ đồng ý hoặc không đồng ý việc mở chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ; trường hợp không đồng ý, nêu rõ lý do.

2. Trong thời hạn ba mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi tổ chức tài chính quy mô nhỏ đặt trụ sở chính quy định tại Điều 9 khoản 1 Thông tư này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận đề nghị mở chi nhánh theo phụ lục số 04 (đính kèm); trường hợp không chấp thuận, có văn bản nêu rõ lý do hoặc các yêu cầu (nếu có) để được chấp thuận.

Điều 10. Khai trương hoạt động chi nhánh

1. Trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải khai trương hoạt động chi nhánh.

Chi nhánh khai trương hoạt động khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động (trụ sở, hệ thống thông tin quản lý, kho/két quỹ an toàn,…);

c) Có nhân sự đủ năng lực đáp ứng yêu cầu điều hành, tối thiểu là người đứng đầu chi nhánh.

2. Trước ngày khai trương hoạt động của chi nhánh mười lăm ngày làm việc, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải đăng báo trung ương hoặc địa phương nơi đặt chi nhánh bằng tiếng Việt 03 số liên tiếp; có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước Trung ương; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tài chính quy mô nhỏ mở chi nhánh) báo cáo việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này kèm bản sao đăng ký kinh doanh (có chứng thực), bản chụp nội dung đăng báo.

3. Trường hợp tổ chức tài chính quy mô nhỏ có nhu cầu gia hạn thời hạn khai trương hoạt động chi nhánh quy định tại Điều 10 khoản 1 Thông tư này, trước ngày hết thời hạn khai trương hoạt động hai mươi ngày làm việc, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải có văn bản đề nghị gia hạn thời hạn khai trương hoạt động chi nhánh gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn.

Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị gia hạn thời hạn khai trương hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận đề nghị gia hạn thời hạn khai trương hoạt động chi nhánh; trường hợp không chấp thuận, có văn bản nêu rõ lý do.

Thời gian gia hạn thời hạn khai trương hoạt động chi nhánh tối đa không quá sáu tháng.

4. Kết thúc thời hạn khai trương hoạt động hoặc thời gian gia hạn thời hạn khai trương hoạt động, chi nhánh không khai trương hoạt động, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước không còn giá trị.

Điều 11. Thay đổi địa điểm chi nhánh

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét chấp thuận đề nghị thay đổi địa điểm chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ trên địa bàn của tỉnh, thành phố.

2. Hồ sơ của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đề nghị thay đổi địa điểm của chi nhánh gồm:

a) Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thay đổi địa điểm đặt chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ;

b) Văn bản của Tổng Giám đốc (Giám đốc) hoặc người được uỷ quyền đề nghị thay đổi địa điểm chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ, trong đó nêu rõ lý do thay đổi;

c) Trường hợp thay đổi địa điểm sang tỉnh, thành phố khác, hồ sơ đề nghị phải có ý kiến bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi tổ chức tài chính quy mô nhỏ dự định đặt trụ sở chi nhánh;

d) Các tài liệu khác (nếu cần) nhằm làm rõ các nội dung nêu tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này.

Hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này thay thế cho quy định về hồ sơ đề nghị thay đổi địa điểm chi nhánh nêu tại Khoản 57 điểm 57.3 Thông tư số 02/2008/TT-NHNN ngày 02/04/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Hồ sơ đề nghị thay đổi địa điểm đặt chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ gửi về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ (trường hợp thay đổi địa điểm trong phạm vi địa giới tỉnh, thành phố) hoặc gửi về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (trường hợp thay đổi địa điểm sang tỉnh, thành phố khác).

4. Trong thời hạn ba mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thay đổi địa điểm chi nhánh theo quy định tại khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ (trường hợp thay đổi địa điểm trong phạm vi địa giới tỉnh, thành phố) hoặc Ngân hàng Nhà nước Trung ương (trường hợp thay đổi địa điểm sang tỉnh, thành phố khác) xem xét chấp thuận việc thay đổi địa điểm chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ; trường hợp không chấp thuận, có văn bản trả lời nêu rõ lý do không chấp thuận.

5. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải:

a) Thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Thông báo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi đặt chi nhánh;

c) Đăng báo trung ương hoặc địa phương nơi đặt chi nhánh bằng tiếng Việt trong ba số liên tiếp về việc thay đổi địa điểm;

d) Gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ (trường hợp thay đổi địa điểm trong phạm vi địa giới tỉnh, thành phố) hoặc Ngân hàng Nhà nước Trung ương (trường hợp thay đổi địa điểm sang tỉnh, thành phố khác) bản sao đăng ký kinh doanh (có chứng thực) và bản chụp nội dung đăng báo trước ngày chi nhánh hoạt động theo địa chỉ mới.

6. Chi nhánh chỉ được hoạt động tại địa điểm mới khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 10 khoản 1 điểm b Thông tư này.

Điều 12. Thay đổi tên chi nhánh

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt chi nhánh xác nhận đăng ký việc đổi tên của chi nhánh trên địa bàn.

2. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải có văn bản đăng ký việc thay đổi tên gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố theo Phụ lục số 02 (đính kèm).

3. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký của tổ chức tài chính quy mô nhỏ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản xác nhận đăng ký thay đổi tên chi nhánh theo Phụ lục số 05 (đính kèm).

4. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc đổi tên chi nhánh.

Điều 13. Mở, thay đổi tên và/hoặc địa điểm, chấm dứt hoạt động phòng giao dịch

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt chi nhánh xác nhận đăng ký việc mở, thay đổi tên và/hoặc địa điểm, chấm dứt hoạt động phòng giao dịch của tổ chức tài chính quy mô nhỏ trên địa bàn.

2. Phòng giao dịch chỉ được mở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức tài chính quy mô nhỏ đặt chi nhánh.

3. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ xem xét, quyết định việc mở phòng giao dịch (bao gồm cả mở trên cơ sở chuyển đổi từ địa điểm giao dịch đã có) khi có đủ các điều kiện sau:

a) Có đủ cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động của phòng giao dịch;

b) Có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động của phòng giao dịch;

c) Có quy định nội bộ bằng văn bản quản lý hoạt động của phòng giao dịch đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

4. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải có văn bản đăng ký việc mở, thay đổi tên và/hoặc địa điểm, chấm dứt hoạt động phòng giao dịch gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố theo Phụ lục số 03 (đính kèm).

Riêng đối với trường hợp mở/chấm dứt hoạt động phòng giao dịch, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố văn bản đăng ký kèm Nghị quyết của Hội đồng quản trị liên quan đến việc mở/chấm dứt hoạt động phòng giao dịch.

5. Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tài chính quy mô nhỏ được uỷ quyền cho người đứng đầu chi nhánh ký văn bản đăng ký gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

6. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký của tổ chức tài chính quy mô nhỏ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản xác nhận đăng ký mở, thay đổi tên và/hoặc địa điểm, chấm dứt hoạt động phòng giao dịch theo Phụ lục số 06 kèm theo Thông tư này.

7. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và khai trương hoạt động phòng giao dịch trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được văn bản xác nhận đăng ký của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

8. Trường hợp tổ chức tài chính quy mô nhỏ chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải thực hiện các thủ tục pháp lý chấm dứt hoạt động phòng giao dịch theo quy định của pháp luật sau khi nhận được văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và phải có trách nhiệm công bố công khai việc chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch. Chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ nơi phòng giao dịch trực thuộc có trách nhiệm tiếp quản toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của phòng giao dịch sau khi phòng giao dịch chấm dứt hoạt động.

Điều 14. Chấm dứt hoạt động chi nhánh

1. Chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ chấm dứt hoạt động trong một trong các trường hợp sau:

a) Tự nguyện chấm dứt hoạt động;

b) Bắt buộc chấm dứt hoạt động;

c) Đương nhiên chấm dứt hoạt động.

2. Tổ chức tài chính quy mô nhỏ chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chi nhánh chấm dứt hoạt động.

Điều 15. Tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh

1. Hồ sơ tự nguyện chấm dứt hoạt động của chi nhánh tổ chức tài chính quy mô nhỏ gửi Ngân hàng Nhà nước Trung ương, bao gồm:

a) Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh;

b) Văn bản của Tổng Giám đốc (Giám đốc) đề nghị chấm dứt hoạt động của chi nhánh, trong đó nêu rõ lý do, tên và địa chỉ của chi nhánh chấm dứt hoạt động;

c) Phương án giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ của chi nhánh chấm dứt hoạt động.

2. Trong thời hạn ba mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 15 khoản 1 Thông tư này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận đề nghị chấm dứt hoạt động chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ; trường hợp không chấp thuận, có văn bản nêu rõ lý do hoặc các yêu cầu (nếu có) để chấm dứt hoạt động.

3. Trong thời gian ba mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải ra quyết định chấm dứt hoạt động của chi nhánh và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.

4. Quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh của Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của chi nhánh được chấm dứt hoạt động;

b) Lý do chấm dứt hoạt động của chi nhánh;

c) Ngày chấm dứt hoạt động của chi nhánh;

d) Trách nhiệm của tổ chức tài chính quy mô nhỏ về quyền lợi và nghĩa vụ đối với khách hàng của chi nhánh chấm dứt hoạt động;

e) Các nội dung liên quan khác.

Điều 16. Bắt buộc chấm dứt hoạt động chi nhánh

1. Chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ bị bắt buộc chấm dứt hoạt động theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp xét thấy cần thiết để đảm bảo an toàn và lành mạnh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

2. Trong trường hợp quy định tại Điều 16 khoản 1 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tài chính quy mô nhỏ chấm dứt hoạt động chi nhánh.

3. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải:

a) Trình Ngân hàng Nhà nước phương án giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ đối với khách hàng của chi nhánh;

b) Ban hành quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh; Quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải có các nội dung theo quy định tại Điều 15 khoản 4 Thông tư này;

c) Thực hiện các thủ tục pháp lý chấm dứt hoạt động chi nhánh theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Đương nhiên chấm dứt hoạt động chi nhánh

1. Chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ đương nhiên chấm dứt hoạt động trong trường hợp tổ chức tài chính quy mô nhỏ chấm dứt hoạt động.

2. Hồ sơ, trình tự và thủ tục đương nhiên chấm dứt hoạt động chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ thực hiện theo quy định của pháp luật về chấm dứt hoạt động tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Điều 18. Công bố chấm dứt hoạt động chi nhánh

1. Quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải được:

a) Gửi Ngân hàng Nhà nước Trung ương;

b) Gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi chi nhánh chấm dứt hoạt động và nơi tổ chức tài chính quy mô nhỏ đặt trụ sở chính;

c) Niêm yết công khai tại địa điểm của chi nhánh chấm dứt hoạt động.

2. Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày Quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh của tổ chức tài chính quy mô nhỏ có hiệu lực, tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải đăng báo trung ương và địa phương 03 số liên tiếp thông báo về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh.

Thông tư 08/2009/TT-NHNN hướng dẫn về mạng lưới hoạt động của Tổ chức tài chính quy mô nhỏ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 08/2009/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/04/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 255 đến số 256
  • Ngày hiệu lực: 12/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH