Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Thông tư 07/2021/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật thu nhận và xử lý dữ liệu ảnh số từ tàu bay không người lái phục vụ xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Mục 3. Quy định về thu nhận và xử lý dữ liệu

Điều 10. Quy trình thu nhận và xử lý dữ liệu

Quy trình thu nhận và xử lý dữ liệu từ UAV gồm các bước theo sơ đồ sau:

Điều 11. Công tác chuẩn bị

1. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ cụ thể về thu nhận và xử lý dữ liệu ảnh số từ tàu bay không người lái phục vụ xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, tiến hành khảo sát để lập Thiết kế kỹ thuật - dự toán và triển khai thi công, bao gồm các nội dung sau:

a) Khảo sát các điều kiện về địa hình, địa vật, khí tượng liên quan đến công tác bay chụp và xử lý dữ liệu UAV. Khảo sát, ước tính khối lượng khu vực bề mặt địa hình bị che khuất bởi thực phủ dày hoặc các công trình không thể xác định độ cao bằng phương pháp thu nhận ảnh từ UAV với diện tích từ 6cm2 trở lên theo tỷ lệ bản đồ cần thành lập, phải áp dụng giải pháp đo vẽ bổ sung ngoại nghiệp độ cao địa hình;

b) Lựa chọn khu vực nơi cất và hạ cánh UAV đảm bảo an toàn, tránh các khu vực có chướng ngại vật hàng không chiều cao lớn ảnh hưởng đến việc cất và hạ cánh.

2. Lập hồ sơ đề nghị cấp phép bay theo quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ.

Điều 12. Thiết kế bay chụp

1. Căn cứ vào phạm vi, hình dạng, đặc điểm địa hình của khu bay và thiết bị UAV sử dụng, tiến hành xác định các phân khu bay để đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức bay và bố trí các trạm cố định.

2. Việc thiết kế tuyến bay UAV được thực hiện theo nguyên tắc phải phủ kín khu bay, đảm bảo độ chính xác và tiết kiệm kinh phí nhất.

3. Trên cơ sở ranh giới khu bay, độ phân giải mặt đất của ảnh, độ phủ dọc và độ phủ ngang của ảnh, hướng bay, các thông số chụp ảnh của máy ảnh, các thông số kỹ thuật của UAV, tiến hành xác định độ cao bay và các tuyến bay cụ thể cho từng phân khu bay.

4. Phạm vi bay chụp của mỗi phân khu phải đảm bảo phủ chờm ra ngoài đường biên của phân khu bay tối thiểu bằng độ rộng của một tuyến bay.

5. Căn cứ theo phạm vi, hình dạng, điều kiện địa hình, điều kiện khí tượng của từng phân khu bay để lựa chọn hướng bay sao cho thời gian bay là ngắn nhất.

6. Sản phẩm thiết kế tuyến bay thể hiện trên nền bản đồ địa hình có tỷ lệ phù hợp, với các nội dung sau: ranh giới phân khu bay, các tuyến bay, độ phủ, các thông số bay chụp.

Điều 13. Đo nối trạm cố định, điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra

1. Bố trí và đo nối tọa độ, độ cao trạm cố định

a) Trạm cố định ưu tiên bố trí ở trung tâm phân khu bay ở vị trí thông thoáng đủ điều kiện thu nhận tín hiệu GNSS, cách ranh giới của phân khu bay chụp không lớn hơn 10km;

b) Các điểm trạm cố định được đặt trên các mốc đã có sẵn hoặc được đánh dấu bằng cọc gỗ hoặc đinh sắt có đánh dấu sơn ở thực địa và phải đảm bảo tồn tại trong suốt thời gian thi công và kiểm tra nghiệm thu;

c) Tọa độ và độ cao của các điểm trạm cố định được xác định bằng phương pháp toàn đạc điện tử hoặc công nghệ GNSS với độ chính xác tương đương lưới đo vẽ cấp 1; quy trình đo đạc, xử lý dữ liệu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT. Trường hợp các phương pháp trên không đáp ứng được yêu cầu độ chính xác về độ cao thì phải áp dụng phương pháp thủy chuẩn hình học để xác định độ cao;

d) Trường hợp phân khu bay có các trạm định vị vệ tinh quốc gia thì được phép sử dụng các trạm này làm trạm cố định để phục vụ quá trình bay chụp thu nhận dữ liệu.

2. Bố trí và đo nối điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra

a) Trong mỗi phân khu bay phải bố trí tối thiểu 5 điểm khống chế ảnh mặt phẳng và độ cao, ưu tiên bố trí vào các góc phân khu; đối với phân khu bay lớn phải đảm bảo mật độ tối thiểu 1 điểm/1km2; đối với các phân khu bay hình tuyến bố trí các điểm khống chế ảnh không thẳng hàng dọc theo hai bên tuyến, đảm bảo mật độ tối thiểu 1 điểm/1km chiều dài;

b) Trong mỗi phân khu bay phải bố trí tối thiểu 2 điểm kiểm tra mặt phẳng, độ cao và đảm bảo mật độ 1 điểm/5km2 rải đều trong phân khu và xa các điểm khống chế ảnh; đối với phân khu bay có hình dạng phức tạp cần bố trí thêm các điểm kiểm tra ở các góc; đối với các phân khu bay hình tuyến, số lượng điểm kiểm tra phải đảm bảo mật độ tối thiểu 1 điểm/3 km chiều dài;

c) Các điểm khống chế ảnh và điểm kiểm tra phải được chọn tại các địa vật rõ nét hoặc các đối tượng có độ tương phản cao so với bề mặt xung quanh như: điểm giao nhau của các đối tượng hình tuyến hoặc điểm địa vật độc lập, các vạch sơn trên mặt đường giao thông…. Các đối tượng được chọn phải có độ rộng tối thiểu là 3 GSD, trường hợp độ rộng lớn hơn 10 GSD phải chọn vào vị trí góc (nếu rõ nét) hoặc tại điểm giao nhau giữa đường trung tâm của đối tượng này với đường biên của đối tượng kia. Vị trí chọn điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra theo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Thông tư này;

d) Trường hợp trong phân khu bay không có địa vật, đối tượng rõ nét thì phải đánh dấu vị trí điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra bằng các tiêu khống chế trước khi bay chụp. Tiêu khống chế cần thiết kế ở dạng hình ┼, hình hoặc hình chữ T, chữ L. Tiêu khống chế phải có độ rộng tối thiểu 3 GSD, độ dài tối thiểu 5 GSD. Hình dạng tiêu khống chế bố trí ngoài thực địa theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Thông tư này;

đ) Điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra phải được đánh dấu bằng cọc gỗ, đinh sắt hoặc đánh dấu sơn ở thực địa, đảm bảo tồn tại trong thời gian thi công và kiểm tra nghiệm thu;

e) Sau khi xác định vị trí điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra phải vẽ sơ đồ và chụp ảnh tại thực địa để dễ nhận biết trong quá trình xử lý dữ liệu. Tại mỗi vị trí các điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra phải thực hiện chụp tối thiểu 04 ảnh theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc để đảm bảo nhìn bao quát được toàn bộ xung quanh vị trí điểm;

g) Tọa độ và độ cao của điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra được xác định bằng phương pháp toàn đạc điện tử hoặc công nghệ GNSS với độ chính xác tương đương lưới đo vẽ cấp 2; quy trình đo đạc, xử lý dữ liệu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT. Trường hợp các phương pháp trên không đáp ứng được yêu cầu độ chính xác về độ cao thì phải áp dụng phương pháp thủy chuẩn hình học để xác định độ cao.

Điều 14. Tổ chức bay chụp ảnh

1. Bay chụp ảnh UAV

a) Liên hệ với cơ quan quản lý tại địa phương theo phép bay đã được cấp để đăng ký sử dụng UAV; thống nhất về khu vực, thời gian bay, độ cao bay theo phép bay;

b) Trước khi bay phải thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của UAV, máy chụp ảnh, GNSS, thiết bị điều khiển mặt đất và các thiết bị khác kèm theo;

c) Thực hiện bay chụp ảnh theo đúng mục đích, đúng khu vực và thời gian được cấp phép bay; trong suốt quá trình bay chụp phải giám sát hoạt động của UAV và các thiết bị. Trường hợp điều kiện thời tiết không đảm bảo hoặc một trong các thiết bị có liên quan đến thu nhận dữ liệu khi bay chụp hoạt động không ổn định phải dừng bay và điều khiển UAV về vị trí xuất phát;

d) Sau mỗi ca bay phải thực hiện sao lưu dữ liệu vào thiết bị lưu trữ trên máy tính và kiểm tra, đánh giá sơ bộ dữ liệu.

2. Đo GNSS tại trạm cố định

a) Sử dụng máy thu GNSS đa tần số, thu tín hiệu 1 giây trong suốt quá trình bay chụp;

b) Máy thu GNSS phải được bật trước khi bay tối thiểu 5 phút và tắt máy thu GNSS sau khi UAV hạ cánh 5 phút;

c) Chiều cao ăng-ten máy thu GNSS tại trạm cố định được đo độc lập 3 lần bằng thước thép, đọc số đến mm vào thời điểm bắt đầu bay, giữa ca bay và trước khi kết thúc ca bay.

Điều 15. Xử lý dữ liệu sau bay chụp

1. Sao lưu dữ liệu ảnh gốc từ máy ảnh, dữ liệu đo GNSS từ trạm cố định và dữ liệu thu GNSS từ UAV.

2. Tính toán xác định tọa độ tâm chụp và các nguyên tố định hướng ảnh từ dữ liệu đo GNSS của trạm cố định và dữ liệu thu nhận GNSS từ UAV.

3. Kiểm tra chất lượng dữ liệu sau bay chụp

a) Kiểm tra khái quát các điều kiện bay chụp như tốc độ máy bay, cấp độ gió, thời gian chụp so với thiết kế, chất lượng dữ liệu thu GNSS;

b) Kiểm tra độ chờm ảnh ra biên các phân khu bay so với thiết kế, các khu vực bay hở, sót;

c) Kiểm tra độ phủ dọc, độ phủ ngang của ảnh chụp so với thiết kế; độ phủ dọc, độ phủ ngang của ảnh chụp không được nhỏ hơn 5% so với thiết kế;

d) Kiểm tra chất lượng ảnh chụp, đánh giá chất lượng hình ảnh thông qua độ rõ nét hình ảnh, độ tương phản, điều kiện ánh sáng, bóng nắng, bóng mây che khuất; đánh giá chất lượng hình ảnh tại khu vực có bố trí các điểm khống chế ảnh và điểm kiểm tra.

4. Trường hợp phạm vi bay, chất lượng ảnh chụp không đạt yêu cầu phải tiến hành bay bù.

Điều 16. Bình sai khối ảnh

1. Tạo lập môi trường làm việc (lập project) để bình sai khối ảnh. Mỗi khối ảnh được tạo lập từ một hoặc nhiều phân khu bay. Trong mỗi project thiết lập cơ sở toán học, nhập dữ liệu ảnh gốc, tọa độ tâm chụp, tọa độ, độ cao các điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra và thông số máy ảnh.

2. Bình sai khối ảnh:

a) Chọn, đo tất cả điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra có xuất hiện trên các tấm ảnh;

b) Tiến hành liên kết, bình sai khối ảnh. Quá trình liên kết, bình sai khối ảnh phải sử dụng tối đa số lượng ảnh có trong khối ảnh.

3. Đánh giá chất lượng bình sai khối ảnh

Sau khi bình sai khối ảnh, phải kiểm tra sai số các nguyên tố định hướng trong của máy ảnh, sai số tại các điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra và thỏa mãn các yêu cầu sau:

a) Sai số các nguyên tố định hướng trong của máy ảnh phải ổn định: sai số tọa độ điểm chính ảnh không được vượt quá 1/2 giá trị pixel, sai số tiêu cự không được vượt quá 5%;

b) Sai số trung phương vị trí mặt phẳng và độ cao của các điểm khống chế ảnh ngoại nghiệp sau bình sai khối ảnh phải bảo đảm về mặt phẳng không vượt quá 0,2 mm tính theo tỷ lệ bản đồ, về độ cao không vượt quá 1/5 khoảng cao đều đường bình độ cơ bản; sai số giới hạn không vượt quá 2 lần sai số trung phương;

c) Số chênh giữa tọa độ, độ cao tại các điểm kiểm tra sau bình sai so với tọa độ, độ cao đo ngoại nghiệp không được phép vượt quá 0,3 mm theo tỷ lệ bản đồ về mặt phẳng và 1/4 khoảng cao đều đường bình độ cơ bản về độ cao.

Điều 17. Tạo đám mây điểm

1. Khi kết quả bình sai khối ảnh đạt yêu cầu, tiến hành tạo đám mây điểm dày đặc từ kết quả khối ảnh đã được tính toán bình sai theo kích thước không nhỏ hơn độ phân giải của ảnh gốc. Rà soát, loại bỏ các điểm có giá trị độ cao đột biến so với khu vực xung quanh.

2. Trường hợp có nhiều khối ảnh, phải thực hiện tiếp biên đám mây điểm giữa các khối ảnh liền kề. Sai số tiếp biên không được vượt quá 0,3 mm tính theo tỷ lệ bản đồ về mặt phẳng và 1/4 khoảng cao đều đường bình độ cơ bản về độ cao của bản đồ cần thành lập.

Điều 18. Thành lập mô hình số bề mặt

Sử dụng đám mây điểm để tạo lập mô hình số bề mặt cho khu bay. Thiết lập kích thước ô lưới của DSM theo tỷ lệ bản đồ cần thành lập được quy định tại Bảng 2 của Thông tư này. Biên tập, cắt mô hình số bề mặt theo dạng hình chữ nhật phủ chờm 1cm ra ngoài khung trong của mảnh bản đồ cần thành lập.

Điều 19. Thành lập bình đồ ảnh

1. Sử dụng mô hình số bề mặt và ảnh gốc để thành lập bình đồ ảnh theo khối ảnh với độ phân giải ảnh quy định tại Bảng 4 của Thông tư này. Bình đồ ảnh phải đảm bảo tông ảnh đồng đều, độ tương phản trung bình.

2. Độ chính xác của bình đồ ảnh tại vị trí các điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra ngoại nghiệp phải đảm bảo sai số về mặt phẳng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

3. Tiếp biên giữa các khối ảnh liền kề theo địa vật cùng tên trên bình đồ ảnh phải đảm bảo sai số về mặt phẳng không được vượt quá 0,5 mm theo tỷ lệ bản đồ cần thành lập.

4. Cắt, chia mảnh bình đồ ảnh theo dạng hình chữ nhật phủ chờm 1cm ra ngoài khung trong của mảnh bản đồ cần thành lập.

Điều 20. Thành lập mô hình số độ cao

1. Thành lập DEM gồm các nội dung công việc sau:

a) Sử dụng dữ liệu đám mây điểm, bình đồ ảnh tiến hành phân loại, khoanh vùng địa hình, địa vật, thực phủ, mặt nước, xác định các khu vực phải đo vẽ bổ sung ngoại nghiệp độ cao địa hình do không thể xác định bằng phương pháp thu nhận ảnh từ UAV với diện tích từ 6cm2 trở lên theo tỷ lệ bản đồ cần thành lập;

b) Đối với các khu vực phải đo vẽ bổ sung ngoại nghiệp độ cao địa hình, việc đo vẽ chi tiết địa hình được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT;

c) Xác định bề mặt mặt đất, tiến hành lọc bỏ các đối tượng nằm phía trên mặt đất từ dữ liệu đám mây điểm;

d) Thực hiện nội suy độ cao mặt đất tại các khu vực đã được lọc bỏ từ các điểm độ cao xung quanh; tạo DEM sơ bộ cho toàn bộ khu bay;

đ) Sử dụng bình đồ ảnh, DSM, dữ liệu số hóa mặt nước, dữ liệu đo vẽ bổ sung ngoại nghiệp độ cao địa hình tiến hành chuẩn hóa, hiệu chỉnh DEM sơ bộ; tạo DEM cho toàn bộ khu bay.

2. Mô hình số độ cao sau khi được chuẩn hóa, tạo lập tiến hành thực hiện biên tập, cắt theo hình chữ nhật chờm phủ 1cm ra ngoài khung trong của mảnh bản đồ.

3. Sản phẩm DEM sau khi tạo lập phải được đơn vị thi công kiểm tra, đánh giá chất lượng theo quy định sau:

a) Kiểm tra, đánh giá độ chính xác, độ phù hợp giữa DEM với bình đồ ảnh và các dữ liệu phân loại, lọc điểm, mức độ kiểm tra 100% số mảnh của khu bay;

b) Đo kiểm tra, đánh giá độ chính xác về độ cao của DEM tại thực địa với mức độ 3% số mảnh của khu bay.

Điều 21. Kiểm tra, đóng gói sản phẩm

1. Công tác kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ. Nội dung và mức kiểm tra sản phẩm DEM thực hiện theo quy định tại mục II.2.3 Phụ lục 1a của Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT đối với sản phẩm DTM.

2. Đóng gói sản phẩm

a) Các sản phẩm DSM, DEM đóng gói theo mảnh bản đồ kèm siêu dữ liệu;

b) Bình đồ ảnh đóng gói theo mảnh bản đồ, các sản phẩm khác đóng gói theo khu bay.

3. Giao nộp dữ liệu, sản phẩm sau:

a) Dữ liệu và thành quả đo đạc điểm trạm cố định, điểm khống chế ảnh, điểm kiểm tra;

b) Dữ liệu GNSS trên UAV, dữ liệu ảnh gốc, kết quả tính tọa độ tâm chụp, các thông số kiểm định máy ảnh sau bình sai khối ảnh;

c) Dữ liệu đám mây điểm, mô hình số bề mặt, mô hình số độ cao, bình đồ ảnh;

d) Báo cáo tổng kết kỹ thuật;

đ) Các sản phẩm khác (nếu có) phải được quy định cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư 07/2021/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật thu nhận và xử lý dữ liệu ảnh số từ tàu bay không người lái phục vụ xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 07/2021/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Phương Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra