Chương 2 Thông tư 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng do Bộ Công thương ban hành
Điều 5. Điều kiện để chỉ định Tổ chức thử nghiệm
1. Tổ chức thử nghiệm độc lập có đủ năng lực nằm trong hệ thống VILAS, được công nhận theo tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025 hoặc các Tổ chức thử nghiệm nước ngoài đã được công nhận bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thoả ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC).
2. Tổ chức thử nghiệm chưa được công nhận theo tiêu chuẩn của hệ thống VILAS, TCVN ISO/IEC 17025 nhưng có đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị bao gồm:
a) Có nhân viên thử nghiệm được đào tạo đúng chuyên ngành kỹ thuật đối với phương tiện, thiết bị thử nghiệm;
b) Có thiết bị thí nghiệm đảm bảo hoạt động tốt, được bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn đúng theo quy định và đủ độ chính xác để thực hiện các chỉ tiêu thử nghiệm;
c) Có đầy đủ các trang thiết bị phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn thử nghiệm;
d) Có đầy đủ các quy trình, hướng dẫn công việc thử nghiệm;
đ) Có lập và lưu trữ các hồ sơ cần thiết: hồ sơ đào tạo nhân viên thử nghiệm; hồ sơ theo dõi việc kiểm định, hiệu chuẩn; hồ sơ bảo trì và bảo dưỡng thiết bị thử nghiệm; hồ sơ kết quả hoạt động thử nghiệm (nếu có).
Điều 6. Trình tự thủ tục chỉ định Tổ chức thử nghiệm
1. Tổ chức thử nghiệm muốn tham gia hoạt động thử nghiệm để dán nhãn phải lập hồ sơ đăng ký gửi về Tổng cục Năng lượng.
2. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo Thông tư 08/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 Hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp.
b) Giấy đăng ký chỉ định tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng theo mẫu tại Phụ lục 1;
c) Danh sách thử nghiệm viên của tổ chức thử nghiệm đăng ký chỉ định theo mẫu tại Phụ lục 2;
d) Danh mục các tài liệu, tiêu chuẩn, quy trình phục vụ thử nghiệm theo mẫu tại Phụ lục 3;
đ) Phiếu, báo cáo thử nghiệm;
e) Các tài liệu, chứng chỉ làm bằng chứng (nếu có);
g) Kết quả hoạt động thử nghiệm trong một năm gần nhất (nếu có).
3. Trong thời hạn không quá hai mươi ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Tổng cục Năng lượng tổ chức xem xét hồ sơ, thực hiện đánh giá năng lực thực tế tại cơ sở để trình Bộ Công Thương quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm. Hiệu lực quyết định chỉ định không quá 03 (ba) năm.
Trường hợp từ chối việc chỉ định, Tổng cục Năng lượng thông báo lý do từ chối bằng văn bản cho tổ chức thử nghiệm.
4. Ít nhất ba tháng trước khi quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm hết hiệu lực, nếu có nhu cầu, tổ chức thử nghiệm phải thực hiện thủ tục đăng ký lại và gửi hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
5. Trường hợp thay đổi, bổ sung phạm vi, lĩnh vực được chỉ định Tổ chức thử nghiệm được chỉ định phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung (đăng ký mới) và gửi hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 7. Công nhận kết quả thử nghiệm của các tổ chức nước ngoài
Kết quả thử nghiệm phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng ở nước ngoài chỉ được chấp nhận trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện dưới đây:
1. Tổ chức thử nghiệm có yếu tố nước ngoài phải là tổ chức độc lập được công nhận theo chuẩn mực ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thoả ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC).
2. Tổ chức thử nghiệm có yếu tố nước ngoài phải đăng ký chỉ định với Tổng cục Năng lượng theo trình tự, thủ tục quy định tại
3. Hồ sơ đăng ký chỉ định gồm:
a) Bản sao giấy chứng nhận tư cách pháp nhân hoặc giấy tờ tương tự;
b) Giấy đăng ký chỉ định tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng theo mẫu tại Phụ lục 1;
c) Danh sách thử nghiệm viên của tổ chức thử nghiệm đăng ký chỉ định theo mẫu tại Phụ lục 2;
d) Danh mục các tài liệu, tiêu chuẩn, quy trình phục vụ thử nghiệm theo mẫu tại Phụ lục 3;
đ) Phiếu hoặc báo cáo thử nghiệm;
e) Chứng chỉ công nhận của tổ chức công nhận (nếu có);
g) Kết quả hoạt động thử nghiệm trong một năm gần nhất (nếu có).
Tài liệu trong hồ sơ phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng.
4. Các phép thử phải phù hợp với phương pháp thử quy định trong các TCVN và quy định tương ứng khác.
Thông tư 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng do Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 07/2012/TT-BCT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 04/04/2012
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Hoàng Quốc Vượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 329 đến số 330
- Ngày hiệu lực: 19/05/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc và phương thức chứng nhận dán nhãn cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng
- Điều 5. Điều kiện để chỉ định Tổ chức thử nghiệm
- Điều 6. Trình tự thủ tục chỉ định Tổ chức thử nghiệm
- Điều 7. Công nhận kết quả thử nghiệm của các tổ chức nước ngoài
- Điều 8. Trình tự thủ tục đánh giá và cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng
- Điều 9. Sử dụng nhãn năng lượng
- Điều 10. Chứng nhận lại