Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2017/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TRÌNH SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ VÀ SỬ DỤNG KẾT QUẢ THU ĐƯỢC TỪ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ LÀM CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của các cơ quan, tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các cơ quan, tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Các cơ quan quản lý đường bộ, bao gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ, Chi cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông vận tải.

2. Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đường bộ, bao gồm Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường bộ.

3. Các tổ chức được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm thiết bị cân hoặc bộ cân (sau đây gọi chung là thiết bị cân) kiểm tra tải trọng xe cơ giới và thiết bị ghi hình.

2. Thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe là hệ thống bàn cân và các thiết bị kỹ thuật phụ trợ khác bảo đảm cho việc cân kiểm tra tải trọng xe.

3. Thiết bị ghi hình là máy chụp ảnh, máy ghi hình động (camera).

4. Trạm kiểm tra tải trọng xe (sau đây gọi là Trạm kiểm tra) là nơi cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đường bộ thực hiện việc thu thập, phân tích, đánh giá tác động của tải trọng xe, khổ giới hạn xe đến an toàn cầu, đường bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép (kể cả xe chở hàng vượt quá trọng tải cho phép ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) tham gia giao thông trên đường bộ và xe bánh xích lưu hành trên đường bộ.

5. Bộ phận cân kiểm tra tải trọng xe (sau đây gọi là bộ phận cân) thuộc tổ chức được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được giao quản lý, sử dụng thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe.

6. Lực lượng chức năng là những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được phép thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc ngành Giao thông vận tải.

7. Người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

8. Cân một (01) cấp cân là bộ cân gồm có các loại cân xách tay, cân lưu động, cân động tốc độ cao, cân động tốc độ thấp.

9. Cân hai (02) cấp cân là bộ cân được thiết kế đồng bộ, gồm thiết bị cân sơ cấp và thiết bị cân thứ cấp.

Chương II

CÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ

Điều 4. Cơ quan quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải và Thanh tra Sở Giao thông vận tải.

2. Tổ chức được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 5. Đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và giao nhiệm vụ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm:

a) Trạm kiểm tra tải trọng xe;

b) Đội nghiệp vụ thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Đội Thanh tra - An toàn thuộc Cục Quản lý đường bộ;

c) Bộ phận cân thuộc tổ chức được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Giao nhiệm vụ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:

a) Cơ quan quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Điều 4 Thông tư này có văn bản giao cho đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó phải nêu rõ đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng; loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; thời gian sử dụng; phạm vi và trách nhiệm quản lý, sử dụng;

b) Đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đúng nhiệm vụ được cơ quan quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giao và quy định của pháp luật.

Điều 6. Yêu cầu và trách nhiệm đối với người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Người sử dụng thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe

a) Là thanh tra viên, công chức thanh tra, công chức thuộc các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đường bộ; nhân viên thuộc các cơ quan quản lý đường bộ và các tổ chức được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trường hợp nhân viên thuộc các cơ quan quản lý đường bộ và các tổ chức được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không là công chức, viên chức thì phải được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Hiểu biết các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, quy trình, nghiệp vụ liên quan đến kiểm tra tải trọng xe, các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính, quy trình vận hành và bảo trì thiết bị; sử dụng thành thạo thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe;

c) Có trình độ B về tin học trở lên đối với người sử dụng hệ thống máy tính điều khiển hệ thống thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe.

2. Người sử dụng thiết bị ghi hình

a) Đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Hiểu biết các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

3. Người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ có liên quan.

4. Khi thực hiện nhiệm vụ, người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải mặc trang phục của cơ quan, đơn vị; đeo thẻ tên, chức danh của cơ quan, đơn vị quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

5. Trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

a) Quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đúng quy trình, quy định của pháp luật;

b) Sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đúng mục đích theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Điều 7. Yêu cầu về phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải đáp ứng yêu cầu và sử dụng đúng nguyên tắc theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 79 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

2. Đối với thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe

a) Phải được kiểm định theo quy định của pháp luật; bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn;

b) Trước khi đưa vào sử dụng phải được cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư nghiệm thu đủ điều kiện theo quy định;

c) Được kết nối với phần mềm giám sát, quản lý tập trung dữ liệu tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

3. Đối với thiết bị ghi hình

a) Thiết bị ghi hình khi chụp hình ảnh thực tế phải bảo đảm hình ảnh có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây và địa điểm chụp hình;

b) Thiết bị ghi hình ảnh động (camera) khi ghi, thu hình ảnh thực tế, clip hình ảnh phải bảo đảm có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, địa điểm ghi, thu hình ảnh, clip;

c) Trường hợp thiết bị ghi hình không có chức năng xác định địa điểm thì trong phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình phải ghi rõ địa điểm ghi hình.

4. Kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng phiếu cân kiểm tra tải trọng xe hoặc phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình.

5. Thông tin, dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 8. Phiếu cân kiểm tra tải trọng xe và phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình

1. Phiếu cân kiểm tra tải trọng xe (sau đây viết tắt là phiếu cân)

a) Phiếu cân ghi kết quả từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe, có chữ ký và họ tên của người sử dụng thiết bị cân, góc trái phía trên của phiếu có dấu treo của đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe;

b) Phiếu cân gồm các thông tin cơ bản sau: tên lái xe, tên chủ xe hoặc đơn vị vận tải, tên Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu xe; thông tin ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe (biển số xe, loại xe, số trục, khối lượng bản thân, khối lượng hàng hóa chuyên chở, khối lượng kéo theo, chiều dài cơ sở, kích thước bao, kích thước thùng chở hàng); thông tin về tải trọng trục, tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ); kết quả và kết luận đo lường kiểm tra.

2. Phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình

a) Phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình phải kèm bản ảnh hoặc clip ghi hình, có chữ ký và họ tên của người sử dụng thiết bị ghi hình, góc trái phía trên của phiếu có dấu treo của đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng thiết bị ghi hình;

b) Phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình gồm các thông tin cơ bản sau: Tên của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm (nếu xác minh được); tên phương tiện; hành vi vi phạm; địa điểm, thời gian vi phạm.

3. Quản lý phiếu cân kiểm tra tải trọng xe và phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình

a) Đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có trách nhiệm mở sổ theo dõi việc sử dụng phiếu cân kiểm tra tải trọng xe và phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình;

b) Phiếu cân kiểm tra tải trọng xe và phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình kèm bản ảnh hoặc clip ghi hình được lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính;

c) Tổng cục Đường bộ Việt Nam quy định cụ thể mẫu phiếu cân kiểm tra tải trọng xe, mẫu phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình và mẫu sổ theo dõi việc sử dụng phiếu cân kiểm tra tải trọng xe và phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình.

Chương III

QUY TRÌNH CÂN KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE VÀ SỬ DỤNG KẾT QUẢ THU ĐƯỢC TỪ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ

Điều 9. Quy trình cân và sử dụng kết quả cân có 02 cấp cân tại Trạm kiểm tra tải trọng

1. Quy trình cân sơ cấp

a) Các xe thuộc đối tượng bị cân kiểm tra khi đến Trạm kiểm tra tải trọng xe phải tuân thủ hướng dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ hoặc nhân viên hướng dẫn, điều tiết giao thông, đi đúng làn đường hoặc phần đường dành riêng để thiết bị cân sơ cấp kiểm tra tải trọng và kích thước; trong vùng đặt thiết bị cân chỉ cho từng xe vào để tránh làm sai lệch kết quả kiểm tra;

b) Hệ thống cân sẽ tự động nhận dạng biển số xe, xác định các thông số kỹ thuật của xe, đo lường về tải trọng và kích thước của xe, thông báo kết quả đo lường. Nếu không có dấu hiệu vi phạm, xe hòa nhập vào dòng xe chung, tiếp tục hành trình. Nếu xe có dấu hiệu vi phạm thì thực hiện quy trình cân thứ cấp.

2. Quy trình cân thứ cấp

a) Khi hệ thống đo lường sơ cấp phát hiện, thông báo xe có dấu hiệu vi phạm, hệ thống báo hiệu tự động hoặc người sử dụng thiết bị cân chỉ dẫn xe đi vào lối dành riêng để tiến hành đo lường thứ cấp, kiểm tra về tải trọng và kích thước xe;

b) Lực lượng chức năng yêu cầu lái xe xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến lái xe và xe, kiểm tra đối chiếu và chuyển giấy tờ cho người sử dụng thiết bị cân để nhập thông tin vào phiếu cân trên máy tính; hướng dẫn lái xe về tốc độ, vị trí đo lường, phát hiệu lệnh cho lái xe điều khiển xe vào vị trí đo lường thứ cấp; trường hợp xe có vi phạm thì hướng dẫn xe vào vị trí xử lý.

3. Người sử dụng thiết bị cân in và ký vào phiếu cân kiểm tra tải trọng xe, chuyển cho lực lượng chức năng để lập biên bản vi phạm hành chính; việc giao, nhận phiếu cân kiểm tra tải trọng xe được ghi chép vào sổ theo dõi và ký nhận.

4. Lực lượng chức năng tiếp nhận phiếu cân kiểm tra tải trọng xe, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

5. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định, lực lượng chức năng yêu cầu lái xe hoặc chủ xe tự hạ phần hàng quá tải, tự dỡ phần hàng quá khổ; trường hợp xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng mà phương tiện vận chuyển không đáp ứng về tải trọng và khổ giới hạn theo quy định, lực lượng chức năng yêu cầu lái xe, chủ xe bố trí phương tiện đáp ứng về tải trọng và khổ giới hạn theo quy định.

Điều 10. Quy trình cân và sử dụng kết quả cân có 01 cấp cân

1. Quy trình cân và sử dụng kết quả cân kiểm tra tải trọng xe của hệ thống cân động ở tốc độ cao hoặc cân động ở tốc độ thấp

a) Các xe thuộc đối tượng cân kiểm tra khi đến Trạm kiểm tra tải trọng xe phải tuân thủ hướng dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ hoặc nhân viên hướng dẫn, điều tiết giao thông, đi đúng làn đường hoặc phần đường dành riêng để đo lường kiểm tra tải trọng và kích thước xe; trong vùng đặt thiết bị cân chỉ cho từng xe vào để tránh làm sai lệch kết quả kiểm tra;

b) Hệ thống cân sẽ tự động nhận dạng biển số xe, xác định các thông số kỹ thuật của xe, đo lường kiểm tra về tải trọng và kích thước của xe, thông báo kết quả đo lường. Trường hợp không có dấu hiệu vi phạm, xe hòa nhập vào dòng xe chung, tiếp tục hành trình. Trường hợp vi phạm, hệ thống báo hiệu tự động hoặc người sử dụng thiết bị cân chỉ dẫn xe vào vị trí xử lý;

c) Lực lượng chức năng yêu cầu lái xe xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến lái xe và xe để kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và thực hiện các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 9 Thông tư này.

2. Quy trình cân và sử dụng kết quả cân kiểm tra tải trọng xe của cân xách tay và cân kiểm tra tải trọng xe lưu động

a) Lực lượng chức năng dừng phương tiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ theo quy định của pháp luật, hướng dẫn xe vào cân kiểm tra tải trọng;

b) Thực hiện các nội dung quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 9 Thông tư này. Trường hợp người sử dụng thiết bị cân thuộc cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đường bộ, thực hiện các nội dung theo quy định tại điểm b khoản 2, khoản 5 Điều 9 Thông tư này.

Điều 11. Quy trình cân kiểm tra tải trọng xe tại bộ phận cân thuộc tổ chức được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

2. Hệ thống cân sẽ tự động nhận dạng biển số xe, xác định các thông số kỹ thuật của xe, kiểm tra về tải trọng và kích thước của xe, thông báo kết quả kiểm tra. Trường hợp không có dấu hiệu vi phạm, xe hòa nhập vào dòng xe chung, tiếp tục hành trình. Trường hợp vi phạm ở mức bị xử phạt, hệ thống báo hiệu tự động hoặc người sử dụng thiết bị cân chỉ dẫn xe vào lối dành riêng để thực hiện các quy trình cân theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư này.

3. Người sử dụng thiết bị cân in, ký và ghi rõ họ tên vào phiếu cân kiểm tra tải trọng xe, thông báo cho lái xe hoặc chủ xe biết hành vi vi phạm và việc tự hạ phần hàng quá tải, tự dỡ phần hàng quá khổ; bộ phận cân thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng đến bàn giao phiếu cân kiểm tra tải trọng xe để tiếp nhận, xử lý tiếp theo quy định.

4. Trường hợp lái xe hoặc chủ xe không có mặt tại nơi cân kiểm tra tải trọng xe, người sử dụng thiết bị cân in và ký vào phiếu cân kiểm tra tải trọng xe theo quy định. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày cân, bộ phận cân phải chuyển cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải nơi đặt cân để tiếp nhận, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Cơ quan tiếp nhận, sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để làm căn cứ xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

1. Thanh tra Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn địa phương (đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng).

2. Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ được tiếp nhận, sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên đường bộ trong phạm vi cả nước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe

1. Đối với kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe tại Trạm kiểm tra tải trọng xe: Lực lượng chức năng tiếp nhận phiếu cân, xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

2. Đối với kết quả thu được từ cân xách tay và cân kiểm tra tải trọng xe lưu động: Lực lượng chức năng sử dụng kết quả thu được để làm căn cứ xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

3. Đối với kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe của bộ phận cân:

a) Trường hợp lái xe hoặc chủ xe vi phạm còn ở hiện trường, bộ phận cân thông báo ngay cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải nơi đặt cân cử người có thẩm quyền tiếp nhận phiếu cân, xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;

b) Trường hợp lái xe hoặc chủ xe vi phạm không còn ở hiện trường, bộ phận cân chuyển phiếu cân cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải nơi đặt cân theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này. Sau khi nhận được phiếu cân, Thanh tra Sở Giao thông vận tải xác định vi phạm hành chính, thông báo cho lái xe hoặc chủ xe về hành vi vi phạm (nếu có) và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

4. Người tiếp nhận phiếu cân kiểm tra tải trọng xe là người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

5. Việc giao, nhận phiếu cân kiểm tra tải trọng xe phải được ghi chép vào sổ theo dõi và ký nhận.

6. Bộ phận cân và lực lượng chức năng quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này thiết lập, duy trì thường xuyên số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử để thông tin kịp thời vụ việc vi phạm.

Điều 14. Trình tự sử dụng kết quả thu được từ thiết bị ghi hình

1. Các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông và bảo vệ công trình giao thông được ghi hình ảnh từ thiết bị ghi hình của tổ chức quản lý, sử dụng thiết bị ghi hình sẽ được chuyển cho lực lượng chức năng có thẩm quyền để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Người sử dụng thiết bị ghi hình có trách nhiệm trích in hình ảnh vi phạm kèm theo phiếu xác nhận kết quả vi phạm, chuyển cho lực lượng chức năng để làm căn cứ xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

3. Trình tự giao, nhận hình ảnh vi phạm kèm phiếu xác nhận kết quả

a) Trường hợp có lực lượng chức năng tại hiện trường vi phạm, hình ảnh vi phạm kèm phiếu xác nhận kết quả được chuyển ngay cho lực lượng chức năng để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;

b) Trường hợp không có lực lượng chức năng tại hiện trường vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn ở hiện trường, người sử dụng thiết bị ghi hình thông báo ngay cho lực lượng chức năng cử người có thẩm quyền kịp thời đến tiếp nhận hình ảnh vi phạm kèm phiếu xác nhận kết quả để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;

c) Trường hợp không có lực lượng chức năng tại hiện trường vi phạm và tổ chức, cá nhân vi phạm không còn ở hiện trường, trong thời gian 03 ngày kể từ ngày phát hiện, ghi nhận được hình ảnh vi phạm, người sử dụng thiết bị ghi hình thực hiện chuyển hình ảnh vi phạm kèm phiếu xác nhận kết quả cho lực lượng chức năng. Sau khi nhận được hình ảnh vi phạm và phiếu xác nhận kết quả, lực lượng chức năng thông báo cho tổ chức, cá nhân vi phạm về hành vi vi phạm, yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;

d) Việc giao, nhận hình ảnh vi phạm kèm phiếu xác nhận kết quả phải được ghi chép vào sổ theo dõi và ký nhận.

4. Người tiếp nhận phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình là người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

5. Đối với những hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của lực lượng thanh tra ngành Giao thông vận tải thì lực lượng thanh tra ngành Giao thông vận tải có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm cho lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt theo quy định pháp luật.

Điều 15. Khiếu nại trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền được biết thông tin vi phạm thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

2. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

CHƯƠNG IV

TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam

1. Triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Xây dựng chương trình, tổ chức tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

3. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

4. Tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải định kỳ hàng quý, đột xuất việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

5. Hướng dẫn Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ và đơn vị được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ biểu mẫu và nội dung báo cáo việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định tại Thông tư này.

Điều 17. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ, Thanh tra Sở Giao thông vận tải

1. Bố trí người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu theo quy định.

2. Quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị để phát hiện vi phạm về tải trọng xe, trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm hiệu quả, đúng pháp luật.

3. Phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Tổ chức việc tiếp nhận, sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư này và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

5. Báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam định kỳ hàng quý, đột xuất về việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định.

Điều 18. Trách nhiệm của tổ chức được giao khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Phân công rõ nhiệm vụ, bố trí người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bảo đảm tiêu chuẩn; phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức tập huấn cho người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Kết nối với phần mềm giám sát, quản lý tập trung dữ liệu tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; chuyển thông tin thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến lực lượng chức năng theo quy định.

3. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả cân kiểm tra tải trọng xe và hình ảnh thu được từ thiết bị ghi hình cung cấp cho lực lượng chức năng sử dụng làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; có trách nhiệm bảo mật các thông tin liên quan đến người vi phạm theo quy định.

4. Phối hợp với người có thẩm quyền tiếp nhận, xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong việc giải quyết khiếu nại trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

5. Báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam định kỳ hàng quý, đột xuất về việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định.

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2017.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06/2017/TT-BGTVT quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 06/2017/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/02/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Trương Quang Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 195 đến số 196
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản