Chương 2 Thông tư 04/2024/TT-BTNMT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Mục 1. NGUYÊN TẮC, HÌNH THỨC KIỂM TRA
1. Tuân thủ theo pháp luật; dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; kịp thời, chính xác.
2. Thực hiện theo kế hoạch kiểm tra; theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.
3. Có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, thời gian và đối tượng với hoạt động thanh tra, kiểm tra cùng lĩnh vực; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra.
Điều 6. Hình thức và nội dung kiểm tra
1. Kiểm tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt. Kế hoạch kiểm tra bao gồm kế hoạch kiểm tra của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế và kế hoạch kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau:
a) Có chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên nước qua thông tin, số liệu quan trắc, giám sát, báo cáo của tổ chức, cá nhân, gồm: thông tin, dữ liệu quan trắc, giám sát từ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; hệ thống theo dõi, vận hành hồ chứa của cơ quan quản lý; báo cáo định kỳ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân; thông tin số liệu thu được trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, thăm dò nước dưới đất và hồ sơ kê khai, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hoặc trong quá trình tiếp nhận kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các nguồn thông tin khác của cơ quan quản lý có liên quan;
c) Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân;
d) Phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các phương tiện truyền thông, thông tin và các nguồn thông tin khác.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều này xác định nội dung kiểm tra trong kế hoạch kiểm tra hằng năm phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước.
Mục 2. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN KIỂM TRA
Điều 7. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra
1. Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ) chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng kế hoạch kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước, tổng hợp vào kế hoạch kiểm tra hằng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Trên cơ sở kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều này, Thanh tra Bộ, Cục Quản lý tài nguyên nước thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kết quả kiểm tra. Khi có căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này, việc tiến hành kiểm tra đột xuất được thực hiện như sau:
a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 6 của Thông tư này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Bộ hoặc Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc thành lập đoàn kiểm tra đột xuất;
b) Đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 Điều 6 của Thông tư này, Cục Quản lý tài nguyên nước xem xét, quyết định việc thành lập đoàn kiểm tra đột xuất và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tùy thuộc vào mức độ của dấu hiệu vi phạm, để đảm bảo ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu tác hại, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, Cục Quản lý tài nguyên nước gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đối tượng cần kiểm tra đột xuất, tổ chức thực hiện kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra về Cục Quản lý tài nguyên nước.
2. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Căn cứ yêu cầu thực tế và nhu cầu quản lý, quyết định xây dựng nội dung kiểm tra về tài nguyên nước trong kế hoạch kiểm tra hằng năm của Bộ và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp;
b) Chỉ đạo đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước trên cơ sở kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt theo quy định; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước trong phạm vi quản lý.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra trên địa bàn tỉnh hoặc phân cấp, ủy quyền ban hành kế hoạch kiểm tra của đơn vị trực thuộc theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; chỉ đạo thực hiện kiểm tra trên cơ sở kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt theo quy định và thực hiện kiểm tra đột xuất.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra theo kế hoạch được ban hành hoặc kiểm tra đột xuất; thực hiện kiểm tra đột xuất theo đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước và báo cáo kết quả về Cục Quản lý tài nguyên nước.
Điều 8. Rà soát, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong việc thực hiện kiểm tra
Hằng năm, khi tiến hành hoạt động kiểm tra theo quy định của Thông tư này, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, các cơ quan được giao kiểm tra phối hợp để xử lý theo quy định, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm tra. Chồng chéo, trùng lặp được xử lý theo nguyên tắc sau đây:
1. Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra thì cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra.
2. Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường với hoạt động kiểm tra của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra.
3. Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm tra của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế với hoạt động kiểm tra của địa phương thì các Bộ tổ chức kiểm tra.
Mục 3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN MỘT CUỘC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ KẾT QUẢ KIỂM TRA
Điều 9. Trình tự thực hiện một cuộc kiểm tra
Trình tự tiến hành một cuộc kiểm tra tương ứng với một quyết định kiểm tra được quy định như sau:
1. Chuẩn bị kiểm tra.
2. Tiến hành kiểm tra trực tiếp.
3. Kết thúc cuộc kiểm tra.
1. Thu thập, rà soát, làm rõ các thông tin của đối tượng được kiểm tra về tình hình hoạt động, địa điểm, việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước, tình hình thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền và việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra (nếu có).
2. Ban hành quyết định kiểm tra:
a) Căn cứ kế hoạch kiểm tra hoặc căn cứ vào các quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này, người có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra xem xét, ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân;
b) Quyết định kiểm tra gồm các nội dung chính sau: đối tượng được kiểm tra, nội dung kiểm tra; hình thức kiểm tra; thời hạn kiểm tra; thành phần đoàn kiểm tra; nhiệm vụ của đoàn kiểm tra. Quyết định kiểm tra theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Thời hạn kiểm tra đối với 01 cuộc kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.
3. Lập kế hoạch tiến hành kiểm tra:
a) Căn cứ quyết định kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra lập kế hoạch tiến hành kiểm tra, trình người ra quyết định kiểm tra phê duyệt trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định được ban hành đối với kiểm tra theo kế hoạch, không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày quyết định được ban hành đối với kiểm tra đột xuất;
b) Kế hoạch tiến hành kiểm tra theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này, gồm các nội dung sau: mục đích, yêu cầu, đối tượng được kiểm tra, nội dung kiểm tra, thời kỳ kiểm tra, thời hạn kiểm tra, địa điểm, phương pháp kiểm tra, tổ chức thực hiện kiểm tra.
4. Trưởng đoàn kiểm tra có văn bản yêu cầu đối tượng kiểm tra chuẩn bị báo cáo về nội dung kiểm tra theo đề cương gửi đoàn kiểm tra trước khi công bố quyết định kiểm tra. Đề cương yêu cầu đối tượng được kiểm tra báo cáo gồm các nội dung chính sau: các thông tin chung về đối tượng được kiểm tra; khái quát thông tin của công trình khai thác tài nguyên nước; thông tin về việc thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của đối tượng được kiểm tra; danh mục hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra.
5. Trưởng đoàn kiểm tra có văn bản thông báo việc công bố quyết định kiểm tra gửi đối tượng được kiểm tra.
Điều 11. Tiến hành kiểm tra trực tiếp
1. Công bố quyết định kiểm tra:
a) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra công bố quyết định kiểm tra đến đối tượng được kiểm tra. Trường hợp cần thiết, trưởng đoàn kiểm tra Ủy quyền cho phó trưởng đoàn hoặc thành viên đoàn công bố quyết định kiểm tra.
Đối với kiểm tra đột xuất, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành kiểm tra ngay thì việc công bố quyết định kiểm tra có thể được thực hiện sau khi lập biên bản vi phạm đối với đối tượng được kiểm tra;
b) Thành phần tham dự buổi công bố quyết định kiểm tra bao gồm: đoàn kiểm tra; đối tượng được kiểm tra; đại diện chính quyền địa phương (nếu cần). Trường hợp đối tượng được kiểm tra vắng mặt thì trưởng đoàn kiểm tra hoặc người được ủy quyền lập biên bản có xác nhận của đại diện chính quyền địa phương nơi kiểm tra và tiếp tục thực hiện cuộc kiểm tra;
c) Nội dung buổi công bố bao gồm: trưởng đoàn kiểm tra hoặc người được ủy quyền công bố quyết định kiểm tra; người đại diện theo pháp luật của đối tượng được kiểm tra báo cáo về những nội dung kiểm tra theo đề cương đoàn kiểm tra đã yêu cầu;
d) Việc công bố quyết định kiểm tra phải được lập thành biên bản, có chữ ký của đại điện đoàn kiểm tra và người đại diện theo pháp luật của đối tượng được kiểm tra. Biên bản theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Địa điểm công bố quyết định kiểm tra: tại nơi có công trình; tại trụ sở của đối tượng được kiểm tra; tại trụ sở cơ quan ban hành quyết định kiểm tra; địa điểm khác do trưởng đoàn kiểm tra quyết định kiểm tra quyết định.
2. Địa điểm, thời gian làm việc:
a) Đoàn kiểm tra làm việc tại địa điểm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;
b) Đoàn kiểm tra làm việc với đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong giờ hành chính. Trường hợp phải làm việc ngoài giờ hành chính thì trưởng đoàn kiểm tra quyết định về thời gian cụ thể sau khi đã trao đổi, thống nhất với đối tượng được kiểm tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
c) Địa điểm, thời gian làm việc của đoàn kiểm tra và việc thay đổi địa điểm, thời gian làm việc phải được thông báo trước đến đối tượng được kiểm tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Kiểm tra trực tiếp:
a) Kiểm tra trực tiếp để khảo sát hiện trường tại nơi có công trình khai thác tài nguyên nước, nơi có dấu hiệu vi phạm, tại trụ sở của đối tượng được kiểm tra; thu thập hồ sơ, tài liệu, các mẫu vật (nếu có) liên quan đến nội dung kiểm tra;
b) Việc kiểm tra trực tiếp được lập thành biên bản kiểm tra hiện trường theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Kiểm tra xác minh, làm rõ thông tin, tài liệu, số liệu thông qua việc rà soát, đối chiếu các quy định, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước; giải trình trực tiếp và cung cấp tài liệu bổ sung; giải trình bằng văn bản và cung cấp tài liệu bổ sung.
Trong trường hợp cần kiểm tra, xác minh sự việc hoặc làm rõ những vấn đề liên quan đến sự việc thì trưởng đoàn kiểm tra có thể mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc hoặc người làm chứng khác.
5. Xử lý tồn tại, vi phạm qua kiểm tra:
a) Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước thì trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra phải yêu cầu đối tượng được kiểm tra, đối tượng có liên quan chấm dứt ngay việc vi phạm. Hành vi vi phạm phải được nêu trong biên bản làm việc để làm căn cứ xử lý vi phạm và được lập theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thì trưởng đoàn kiểm tra phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc; chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (nếu có);
c) Đối với các trường hợp có tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, lĩnh vực có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vượt quá thẩm quyền, phạm vi của đoàn kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra xem xét báo cáo người ra quyết định kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật;
d) Kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước phải được cơ quan thực hiện kiểm tra cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.
6. Kết thúc thời hạn kiểm tra trực tiếp, trưởng đoàn kiểm tra thông báo cho đối tượng được kiểm tra về việc kết thúc kiểm tra trực tiếp theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 12. Gia hạn thời gian kiểm tra
1. Gia hạn thời gian kiểm tra khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Cần bổ sung, mở rộng đối tượng, nội dung, phạm vi kiểm tra;
b) Nội dung kiểm tra phức tạp, cần thêm thời gian để xác minh, làm rõ thông tin;
c) Cần thêm thời gian để giám định các mẫu vật (nếu có) liên quan đến nội dung kiểm tra;
d) Phát sinh những lý do bất khả kháng.
2. Gia hạn thời gian kiểm tra được thực hiện 01 lần và thời gian gia hạn không quá 10 ngày. Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Tạm dừng kiểm tra khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Có sự thay đổi trưởng đoàn hoặc thay đổi từ 02 thành viên của đoàn kiểm tra;
b) Đối tượng được kiểm tra có sự thay đổi về tư cách pháp nhân, người đại diện theo pháp luật và đối tượng được kiểm tra có văn bản đề nghị tạm dừng cuộc kiểm tra; trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng cuộc kiểm tra không quá 10 ngày kể từ ngày thông báo tạm dừng cuộc kiểm tra được ban hành.
2. Sau khi báo cáo với người ra quyết định kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra có thông báo đến đối tượng được kiểm tra về việc tạm dừng kiểm tra, hết thời hạn tạm dừng kiểm tra thì hoạt động kiểm tra tiếp tục được thực hiện.
Thông báo tạm dừng kiểm tra theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này và phải được gửi đến đối tượng được kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời gian tạm dừng kiểm tra không được tính vào thời hạn kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, người ra quyết định kiểm tra quyết định đình chỉ kiểm tra theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Thông tư này khi phát sinh một trong các trường hợp sau đây:
1. Đối tượng được kiểm tra không còn tồn tại.
2. Nội dung kiểm tra được cơ quan chức năng kết luận có thời kỳ thanh tra, kiểm tra trùng với thời kỳ kiểm tra tại quyết định kiểm tra.
3. Đối tượng được kiểm tra bị điều tra hình sự hoặc khởi tố hình sự.
4. Thủ trưởng cơ quan cấp trên có văn bản yêu cầu đình chỉ kiểm tra.
1. Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra trực tiếp, thành viên đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo với trưởng đoàn kiểm tra về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.
2. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của thành viên đoàn kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra trình người ra quyết định kiểm tra. Báo cáo kết quả kiểm tra theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của trưởng đoàn kiểm tra, người ra quyết định kiểm tra chỉ đạo xây dựng dự thảo thông báo kết quả kiểm tra. Thời gian xây dựng dự thảo thông báo kết quả kiểm tra là 20 ngày kể từ ngày người ra quyết định kiểm tra giao xây dựng dự thảo thông báo kết quả kiểm tra. Thông báo kết quả kiểm tra phải nêu rõ ưu điểm, tồn tại trong việc chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến nội dung kiểm tra; kết quả xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có); yêu cầu, kiến nghị đối với đối tượng được kiểm tra. Thông báo kết quả kiểm tra theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Người ra quyết định kiểm tra tổ chức lấy ý kiến về dự thảo thông báo kết quả kiểm tra bằng văn bản nếu cần thiết. Thời gian lấy ý kiến không được tính vào thời hạn kiểm tra.
5. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo thông báo kết quả kiểm tra, người ra quyết định kiểm tra ký ban hành thông báo kết quả kiểm tra.
Điều 16. Theo dõi, đôn đốc thực hiện thông báo kết quả kiểm tra
1. Cơ quan ban hành thông báo kết quả kiểm tra có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thông báo kết quả kiểm tra.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đối tượng được kiểm tra có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thông báo kết quả kiểm tra khi có đề nghị của cơ quan ban hành thông báo kết quả kiểm tra.
Mục 4. TRÁCH NHIỆM TRONG KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Trách nhiệm của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đảm bảo các quy định của Luật Tài nguyên nước và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm tra:
a) Căn cứ kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện kiểm tra xem xét đầy đủ căn cứ theo quy định của pháp luật khi ra quyết định kiểm tra; chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật và lãnh đạo cấp trên. Người ra quyết định kiểm tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đoàn kiểm tra thực hiện việc kiểm tra bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này, bảo đảm cuộc kiểm tra được thực hiện đúng pháp luật;
b) Trưởng đoàn kiểm tra, phó trưởng đoàn kiểm tra và thành viên đoàn kiểm tra phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và nội dung quyết định kiểm tra; chấp hành đúng chế độ thông tin, báo cáo, không được cung cấp cho người không có trách nhiệm các thông tin, tài liệu liên quan đến các nội dung, hoạt động kiểm tra; chủ động đánh giá tình hình, kịp thời báo cáo đề xuất đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; không lợi dụng việc kiểm tra để vụ lợi, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng được kiểm tra; giải thích để đối tượng được kiểm tra hiểu đúng và chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến việc kiểm tra khi có yêu cầu.
1. Đối tượng được kiểm tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra; báo cáo, giải trình theo quy định của pháp luật; thực hiện yêu cầu, kiến nghị của đoàn kiểm tra và người có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung kiểm tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, người có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra và có các quyền theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thông tư 04/2024/TT-BTNMT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Kinh phí thực hiện
- Điều 7. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra
- Điều 8. Rà soát, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong việc thực hiện kiểm tra
- Điều 9. Trình tự thực hiện một cuộc kiểm tra
- Điều 10. Chuẩn bị kiểm tra
- Điều 11. Tiến hành kiểm tra trực tiếp
- Điều 12. Gia hạn thời gian kiểm tra
- Điều 13. Tạm dừng kiểm tra
- Điều 14. Đình chỉ kiểm tra
- Điều 15. Kết thúc kiểm tra
- Điều 16. Theo dõi, đôn đốc thực hiện thông báo kết quả kiểm tra
- Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
- Điều 18. Trách nhiệm của đối tượng được kiểm tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung kiểm tra
- Điều 19. Nguyên tắc thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước
- Điều 20. Đối tượng thẩm định, nghiệm thu kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước
- Điều 21. Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước
- Điều 22. Hình thức thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước
- Điều 23. Trình tự, thời gian thẩm định, nghiệm thu
- Điều 24. Nội dung và phương pháp thẩm định, nghiệm thu
- Điều 25. Hồ sơ đề nghị thẩm định, nghiệm thu
- Điều 26. Nộp lưu trữ, cập nhật thông tin, kết quả thực hiện dự án vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia