Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 03/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

2. Đối với công tác cứu chữa, khắc phục hậu quả bão lũ, thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão, ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt và bảo trì công trình đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Quy trình bảo trì công trình đường sắt là tài liệu quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc bảo trì công trình đường sắt.

2. Bảo trì công trình đường sắt là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác sử dụng.

3. Kiểm tra công trình đường sắt là việc quan sát bằng trực quan hoặc bằng thiết bị chuyên dụng để đánh giá hiện trạng công trình nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, những hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình để có biện pháp xử lý kịp thời. Công tác kiểm tra công trình đường sắt bao gồm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.

4. Quan trắc công trình đường sắt là hoạt động theo dõi, đo đạc, ghi nhận sự biến đổi về hình học, biến dạng, chuyển dịch và các thông số kỹ thuật khác của công trình và môi trường xung quanh theo thời gian.

5. Kiểm định chất lượng công trình đường sắt là hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng hoặc đánh giá nguyên nhân hư hỏng, giá trị, thời gian sử dụng và các thông số kỹ thuật khác của bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình hoặc công trình đường sắt thông qua quan trắc, thí nghiệm kết hợp với việc tính toán, phân tích.

6. Bảo dưỡng công trình đường sắt là hoạt động theo dõi, chăm sóc, sửa chữa những hư hỏng nhỏ của công trình và thiết bị lắp đặt vào công trình, được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì công trình ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường và hạn chế phát sinh các hư hỏng công trình.

7. Sửa chữa công trình đường sắt là việc khắc phục, khôi phục, cải tạo hoặc thay thế những hư hỏng của bộ phận công trình, thiết bị, cấu kiện công trình hay toàn bộ công trình được phát hiện trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo sự làm việc bình thường, an toàn của công trình và an toàn giao thông vận tải đường sắt. Sửa chữa công trình đường sắt bao gồm sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất:

a) Sửa chữa định kỳ công trình đường sắt là sửa chữa hư hỏng hoặc cải tạo, thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ theo quy định của quy trình bảo trì và kế hoạch bảo trì được duyệt;

b) Sửa chữa đột xuất công trình đường sắt là sửa chữa được thực hiện khi bộ phận công trình, công trình bị hư hỏng do chịu các tác động đột xuất như gió, bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy và những tác động đột xuất khác hoặc khi bộ phận công trình, công trình có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, vận hành, khai thác công trình.

8. Nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt theo hợp đồng đặt hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

9. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là đơn vị được nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.

Thông tư 03/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 03/2021/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/02/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 459 đến số 460
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH