Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2018/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2018

THÔNG TƯ

BAN HÀNH HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀ PHÂN CÔNG THU THẬP, TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU THỐNG KÊ QUỐC GIA VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật chuyển giao công nghệ ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thống kê;

Căn cứ Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học và công nghệ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học và công nghệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác thống kê ngành khoa học và công nghệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ

1. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ là tập hợp những chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình và kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu của đất nước; làm cơ sở trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ từng thời kỳ; đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê về khoa học và công nghệ của các tổ chức, cá nhân.

2. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ gồm:

a) Danh mục chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nội dung chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ tổ chức xây dựng chế độ báo cáo thống kê ngành khoa học và công nghệ, chương trình điều tra thống kê khoa học và công nghệ ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia trình Bộ trưởng ký ban hành; tổng hợp thông tin các chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học và công nghệ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và các chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này trình cấp có thẩm quyền công bố; theo dõi, hướng dẫn, báo cáo tình hình thực hiện Thông tư này.

b) Các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học và công nghệ theo phân công tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và các chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; gửi kết quả thông tin thống kê thu thập được về Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia để tổng hợp.

2. Các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ thống kê khoa học và công nghệ căn cứ vào chỉ tiêu thống kê về khoa học và công nghệ trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin thống kê khoa học và công nghệ; gửi kết quả thông tin thống kê thu thập được về Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp.

3. Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thu thập, tổng hợp thông tin thống kê khoa học và công nghệ trên địa bàn, cung cấp cho các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công chịu trách nhiệm thu thập thông tin thống kê khoa học và công nghệ.

4. Các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin để phục vụ tính toán các chỉ tiêu thống kê khoa học và công nghệ.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.

3. Thông tư số 14/2015/TT-BKHCN ngày 19 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

4. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư Pháp);
- Công báo, Website Chính phủ; Website Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Lưu: VT, TTKHCN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2018/TT-BKHCN ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

TT

Mã số

Nhóm, tên chỉ tiêu

01. CƠ SỞ HẠ TẦNG CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1

0101

Giá trị tài sản cố định của các tổ chức khoa học và công nghệ

2

0102

Diện tích đất và trụ sở làm việc của các tổ chức khoa học và công nghệ

3

0103

Số khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

02. NHÂN LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

4

0201

Số người làm việc trong ngành khoa học và công nghệ

5

0202

Số cán bộ nghiên cứu

03. TÀI CHÍNH CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

6

0301

Tổng chi quốc gia cho hoạt động khoa học và công nghệ

7

0302

Chi cho hoạt động khoa học và công nghệ

04. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ

8

0401

Số nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt mới

9

0402

Số nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu

10

0403

Số nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đưa vào ứng dụng

11

0404

Số nhiệm vụ khoa học và công nghệ đăng ký kết quả thực hiện

12

0405

Số người được đào tạo thông qua nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

05. HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

13

0501

Số nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ

14

0502

Số điều ước, thỏa thuận quốc tế về khoa học và công nghệ được ký kết

15

0503

Số đoàn ra về khoa học và công nghệ

16

0504

Số đoàn vào về khoa học và công nghệ

17

0505

Số người Việt Nam định cư ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam

06. ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

18

0601

Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo

19

0602

Chi cho đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

20

0603

Số doanh nghiệp khoa học và công nghệ

21

0604

Số doanh nghiệp có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

22

0605

Số doanh nghiệp có bộ phận nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

23

0606

Số hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được đăng ký và cấp phép

24

0607

Số hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện

25

0608

Tổng giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ

26

0609

Số tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

27

0610

Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp

28

0611

Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ

29

0612

Số dự án đầu tư được thẩm định công nghệ

07. SỞ HỮU TRÍ TUỆ

30

0701

Số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam

31

0702

Số văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp tại Việt Nam

32

0703

Số đơn đăng ký quốc tế đối tượng sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân trong nước

33

0704

Số chủ thể trong nước được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Việt Nam

34

0705

Số hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đã đăng ký

08. CÔNG BỐ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

35

0801

Số bài báo của Việt Nam công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ

36

0802

Số lượt trích dẫn của các bài báo khoa học và công nghệ của Việt Nam

09. TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG VÀ CHẤT LƯỢNG

37

0901

Số tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được công bố

38

0902

Số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) được ban hành

39

0903

Số quy chuẩn kỹ thuật địa phương

40

0904

Số mẫu phương tiện đo được phê duyệt

41

0905

Số tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường

42

0906

Số phương tiện đo, chuẩn đo lường được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

43

0907

Số giấy chứng nhận về hệ thống quản lý cấp cho tổ chức, doanh nghiệp

44

0908

Số doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng mã vạch

45

0909

Số phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn được công nhận

46

0910

Số doanh nghiệp, tổ chức đạt giải thưởng chất lượng quốc gia

47

0911

Số tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký lĩnh vực hoạt động

10. NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ, AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN

48

1001

Số người hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

49

1002

Số cơ sở, cá nhân tiến hành công việc bức xạ

50

1003

Số nhân viên bức xạ

51

1004

Số thiết bị bức xạ

52

1005

Số nguồn phóng xạ

53

1006

Số giấy phép tiến hành công việc bức xạ được cấp

PHỤ LỤC II

NỘI DUNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2018/TT-BKHCN ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

01. CƠ SỞ HẠ TẦNG CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

0101. Giá trị tài sản cố định của các tổ chức khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tài sản cố định (TSCĐ) bao gồm tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình của tổ chức, có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên và có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên cho một tài sản.

Giá trị TSCĐ được tính đối với các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Đối với các tổ chức KH&CN, để nhận biết và tính giá trị TSCĐ đặc thù, nguyên giá TSCĐ và giá trị hao mòn lũy kế thì áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý, tính toán hao mòn TSCĐ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước([1]).

Giá trị TSCĐ được thống kê bao gồm:

- Nguyên giá TSCĐ;

- Giá trị hao mòn lũy kế;

- Giá trị còn lại của TSCĐ.

Giá trị hao mòn lũy kế là tổng số tiền đã trích khấu hao các loại TSCĐ của tổ chức tính đến thời điểm 31/12 năm thống kê (năm n). Quy định cách tính như sau:

Số hao mòn TSCĐ tính đến năm (n)

Số hao mòn TSCĐ đã tính đến năm (n-1)

+

Số hao mòn + TSCĐ tăng trong năm (n)

-

Số hao mòn TSCĐ giảm trong năm (n)

Giá trị còn lại của TSCĐ là hiệu số giữa nguyên giá của TSCĐ và tổng số khấu hao lũy kế (hoặc giá trị hao mòn lũy kế) của TSCĐ tính đến thời điểm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Loại hình tổ chức;

- Thẩm quyền thành lập (cấp quản lý);

- Loại tài sản cố định;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng đăng ký hoạt động KH&CN (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0102. Diện tích đất và trụ sở làm việc của các tổ chức khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Diện tích đất của tổ chức KH&CN là tổng diện tích đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Diện tích trụ sở làm việc của tổ chức KH&CN là tổng diện tích nhà, bao gồm nhà làm việc, phòng thí nghiệm, phòng học, giảng đường, nhà kho, nhà hội trường, nhà xưởng, nhà công vụ,... phục vụ hoạt động của tổ chức KH&CN.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Thẩm quyền thành lập (cấp quản lý);

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

- Hiện trạng sử dụng đất và trụ sở làm việc.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra tiềm lực KH&CN của các tổ chức KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng đăng ký hoạt động KH&CN; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0103. Số khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

1. Khái niệm, phương pháp tính

Khu công nghệ cao là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao([2]).

Khu công nghệ thông tin tập trung là khu tập trung các hoạt động nghiên cứu - phát triển, đào tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp và các hoạt động khác liên quan đến công nghệ thông tin([3]).

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ: chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp. Chức năng cơ bản của khu nông nghiệp công nghệ cao: Nghiên cứu ứng dụng; thử nghiệm; trình diễn công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực; sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó 3 chức năng: sản xuất, thử nghiệm, trình diễn mang tính phổ biến, 2 chức năng còn lại tùy đặc điểm của từng khu.

Số khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tổng số khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tại thời điểm 31/12 của năm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Lĩnh vực KH&CN;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Hồ sơ hành chính của Vụ Công nghệ cao.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Vụ Công nghệ cao;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

02. NHÂN LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

0201. Số người làm việc trong ngành khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Người làm việc trong ngành KH&CN là người lao động của đơn vị được thống kê thuộc ngành KH&CN hiện có tại thời điểm 31/12 năm thống kê do cơ sở/cơ quan/đơn vị trả công, trả lương gồm: người lao động thuộc biên chế, người lao động hợp đồng dài hạn, lao động kiêm nhiệm. Đối với một số lao động đến thời điểm điều tra đang nghỉ thai sản, ốm đau hoặc đi làm cho đơn vị khác theo những hợp đồng phụ nhưng vẫn được hưởng lương hoặc một phần lương của đơn vị thì vẫn được tính trong tổng số lao động của đơn vị.

Các đơn vị thuộc ngành KH&CN bao gồm:

- Các tổ chức KH&CN theo quy định tại Luật KH&CN;

- Các đơn vị quản lý về KH&CN thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lao động thuộc biên chế là các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được tuyển dụng chính thức làm việc trong các cơ quan, tổ chức thuộc ngành KH&CN.

Lao động hợp đồng dài hạn gồm các lao động có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

Số người làm việc trong ngành KH&CN là những lao động làm việc trong ngành KH&CN mà đơn vị báo cáo quản lý, sử dụng và trả lương, bao gồm cả lao động thuộc biên chế đã được tuyển dụng chính thức và lao động hợp đồng dài hạn, lao động kiêm nhiệm.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Loại hình tổ chức;

- Lĩnh vực KH&CN;

- Trình độ chuyên môn;

- Chức danh (giáo sư/phó giáo sư);

- Tình trạng tuyển dụng (biên chế/hợp đồng);

- Giới tính;

- Dân tộc;

- Độ tuổi;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN); Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu Tư); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0202. Số cán bộ nghiên cứu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Cán bộ nghiên cứu là người có trình độ từ cao đẳng trở lên trực tiếp tham gia và dành tối thiểu 10% thời gian vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc các khu vực hoạt động sau:

Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và hình thức khác;

- Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo quy định của Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp;

- Tổ chức dịch vụ KH&CN được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức khác;

- Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác;

- Doanh nghiệp.

Số cán bộ nghiên cứu quy đổi tương đương toàn thời gian (Full time equivalent-FTE) là số cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên trực tiếp tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được quy đổi sang tương đương toàn thời gian dựa trên mức độ sử dụng thời gian dành cho nghiên cứu và phát triển trong năm thống kê.

Một FTE là một người dùng toàn bộ (100%) thời gian làm việc của mình cho hoạt động NC&PT trong 1 năm.

Như vậy số người chỉ dành một phần thời gian cho hoạt động NC&PT phải được tính quy đổi theo số người dành toàn bộ thời gian cho NC&PT([4]).

Để tính số lượng quy đổi, cần phải biết số người dành một phần thời gian và số tỷ lệ thời gian mà từng người dành cho NC&PT. Nếu một người dành 30% thời gian cho hoạt động NC&PT và dành thời gian còn lại cho hoạt động khác (như dạy học, quản lý hành chính ở trường đại học; hướng dẫn sinh viên) người đó chỉ được coi là tương đương 0,3 FTE. Tương tự, một cán bộ NC&PT được tuyển dụng toàn thời gian (full-time R&D worker) nhưng chỉ làm việc 6 tháng cho đơn vị NC&PT thì người cán bộ này chỉ được tính tương đương 0,5 FTE.

Ví dụ, có 3 cán bộ nghiên cứu trong đó 1 người dành 50% thời gian cho hoạt động NC&PT (người này được tính là 0,5 FTE), 2 người còn lại mỗi người chỉ dành 25% thời gian cho hoạt động NC&PT (hai người này, mỗi người được tính là 0,25 FTE). Như vậy nếu cộng thời gian dành cho nghiên cứu của cả 3 người là 100%, tương đương 1 người dành toàn bộ thời gian hoặc bằng 1 FTE (0,5 FTE + 0,25 FTE + 0,25 FTE = 1 FTE). Như vậy trong trường hợp này, 3 cán bộ nghiên cứu theo đầu người chỉ tương đương với 1 cán bộ nghiên cứu theo FTE.

Để tính được Số người hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy đổi tương đương toàn thời gian (FTE) cần xác định được hệ số sử dụng thời gian cho NC&PT của mỗi nhóm người hoạt động NC&PT.

Công thức tính như sau:

Số người hoạt động NC&PT (FTE)

=

Số người hoạt động NC&PT khu vực tổ chức NC&PT X hệ số quy đổi

+

Số người hoạt động NC&PT khu vực đại học X hệ số quy đổi

+

Số người hoạt động NC&PT khu vực doanh nghiệp X hệ số quy đổi

+

(tương tự, theo khu vực hoạt động)....

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ([5]) cho thấy Hệ số quy đổi của tổ chức NC&PT là 1; khu vực đại học là 0.25; khu vực doanh nghiệp là 0.7; khu vực hành chính sự nghiệp là 0.16; khu vực phi lợi nhuận là 0.36. Hệ số quy đổi có thể được thay đổi theo từng giai đoạn.

2. Phân tổ chủ yếu

- Trình độ chuyên môn;

- Khu vực hoạt động;

- Giới tính;

- Lĩnh vực KH&CN;

- Độ tuổi;

3. Kỳ công bố: 02 năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

03. TÀI CHÍNH CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

0301. Tổng chi quốc gia cho khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tổng chi quốc gia cho KH&CN (TCQG)([6]) (Gross National Expenditure on Science and Technology) là tổng các chi tiêu cho KH&CN (trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam) do các tổ chức hoặc cá nhân người Việt Nam cấp. TCQG không bao gồm những chi phí cho KH&CN thực hiện ở Việt Nam nhưng do nước ngoài cấp kinh phí.

TCQG được đo lường bằng cách cộng tổng các khoản chi của đơn vị được thống kê KH&CN (gọi tắt là chi tiêu nội bộ) trên lãnh thổ Việt Nam và của đơn vị được thống kê KH&CN của Việt Nam ở nước ngoài dưới 01 năm do các tổ chức hoặc cá nhân người Việt Nam tài trợ (không bao gồm các khoản thuê đơn vị ngoài thực hiện).

Công thức tính như sau:

TCQG = Σ IĐVFVN = Σ IĐVIVN&FVN + Σ IĐVOVN&FVN

trong đó:

- IĐVFVN: Chi tiêu nội bộ của đơn vị được thống kê KH&CN từ nguồn kinh phí do tổ chức, cá nhân Việt Nam cấp;

- IĐVIVN&FVN: Chi tiêu nội bộ của đơn vị được thống kê KH&CN trên lãnh thổ Việt Nam từ nguồn kinh phí do tổ chức, cá nhân Việt Nam cấp;

- IĐVOVN&FVN: Chi tiêu nội bộ của đơn vị được thống kê KH&CN ở ngoài lãnh thổ Việt Nam từ nguồn kinh phí do tổ chức, cá nhân Việt Nam cấp.

2. Phân tổ chủ yếu

- Nguồn cấp kinh phí;

- Khoản chi.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KH&CN); Bộ Tài chính; Tổng cục Thống kê và các đơn vị có liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0302. Chi cho khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chi cho KH&CN (Gross Expenditure on Science and Technology) là tổng chi tiêu nội bộ trên lãnh thổ Việt Nam trong một thời kỳ nhất định, bao gồm cả các chi tiêu cho KH&CN (hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN) trên lãnh thổ Việt Nam từ tất cả các nguồn, nhưng loại trừ chi phí cho KH&CN do tổ chức, cá nhân người Việt Nam đầu tư ở ngoài lãnh thổ Việt Nam (gọi là Tổng chi quốc nội cho KH&CN = TCQN).

TCQN được đo lường bằng cách cộng tổng các chi tiêu nội bộ của các đối tượng thực hiện chi cho hoạt động KH&CN (Chi tiêu nội bộ của: Tổ chức NC&PT; Cơ sở giáo dục đại học; Tổ chức dịch vụ KH&CN; Cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp khác; Doanh nghiệp và khu vực phi lợi nhuận). Công thức tính như sau:

TCQN = Σ IĐVIVN = Σ IĐVIVN&FVN + Σ IĐVIVN&FNN

trong đó:

- IĐVIVN: Chi tiêu nội bộ của đơn vị được thống kê KH&CN trên lãnh thổ Việt Nam;

- IĐVIVN&FVN: Chi tiêu nội bộ của đơn vị được thống kê KH&CN trên lãnh thổ Việt Nam từ nguồn kinh phí do tổ chức, cá nhân Việt Nam cấp;

- IĐVIVN&FNN: Chi tiêu nội bộ của đơn vị được thống kê KH&CN trên lãnh thổ Việt Nam từ nguồn kinh phí do tổ chức, cá nhân nước ngoài cấp.

2. Phân tổ chủ yếu

- Nguồn cấp kinh phí;

- Khoản chi;

- Lĩnh vực KH&CN;

- Khu vực thực hiện.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

- Điều tra tiềm lực KH&CN của các tổ chức KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KH&CN); Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê và các đơn vị có liên quan); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

04. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ

Nhiệm vụ KH&CN là những vấn đề KH&CN cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển KH&CN. Nhiệm vụ KH&CN được tổ chức dưới hình thức: đề tài, đề án, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng của tổ chức KH&CN và các hình thức khác([7]).

Đề tài KH&CN là nhiệm vụ KH&CN có nội dung chủ yếu là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn, bao gồm đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài nghiên cứu ứng dụng, đề tài triển khai thực nghiệm hoặc kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm([8]).

Đề án khoa học là nhiệm vụ KH&CN nhằm mục tiêu xác định cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật.

Dự án sản xuất thử nghiệm là nhiệm vụ KH&CN nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm để thử nghiệm các giải pháp, phương pháp, mô hình quản lý kinh tế - xã hội hoặc sản xuất thử ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.

Dự án KH&CN là nhiệm vụ KH&CN giải quyết các vấn đề KH&CN chủ yếu phục vụ việc sản xuất một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm trọng điểm, chủ lực có tác động nâng cao trình độ công nghệ của một ngành, một lĩnh vực và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được triển khai dưới hình thức đề tài KH&CN, dự án sản xuất thử nghiệm và dự án đầu tư KH&CN có mục tiêu, nội dung gắn kết hữu cơ, đồng bộ và được tiến hành trong một thời gian nhất định.

Nhiệm vụ KH&CN tiềm năng là đề tài KH&CN có tính ứng dụng cao và có triển vọng tạo ra, phát triển hướng nghiên cứu mới hoặc sản phẩm mới thuộc lĩnh vực KH&CN ưu tiên, trọng điểm quốc gia([9]).

Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt là đề tài KH&CN, đề án khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH&CN có quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư là đề tài KH&CN, dự án KH&CN hợp tác xây dựng, tổ chức thực hiện và đóng góp kinh phí giữa các tổ chức KH&CN Việt Nam với các đối tác nước ngoài theo thỏa thuận bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở do cơ quan có thẩm quyền quy định theo Luật KH&CN.

Nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh phải thực hiện theo hình thức đặt hàng.

0401. Số nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt mới

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt mới là số đề tài, đề án, dự án KH&CN được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới trong năm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cấp quản lý;

- Nguồn cấp kinh phí;

- Lĩnh vực KH&CN;

- Mục tiêu kinh tế-xã hội của nghiên cứu;

- Loại hình nghiên cứu;

- Khu vực thực hiện;

- Kinh phí;

- Hình thức tổ chức (đề tài/đề án/dự án).

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ KH&CN các ngành kinh tế-kỹ thuật, Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên, Vụ Công nghệ cao, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0402. Số nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu là số đề tài, đề án, dự án KH&CN đã được cơ quan quản lý KH&CN có thẩm quyền đánh giá nghiệm thu chính thức trong năm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cấp quản lý;

- Nguồn cấp kinh phí;

- Lĩnh vực KH&CN;

- Mục tiêu kinh tế-xã hội của nghiên cứu;

- Loại hình KH&CN;

- Khu vực thực hiện;

- Kinh phí;

- Hình thức tổ chức (đề tài/đề án/dự án);

- Xếp loại (đạt/không đạt).

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ KH&CN các ngành kinh tế-kỹ thuật, Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên, Vụ Công nghệ cao, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0403. Số nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đưa vào ứng dụng

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số nhiệm vụ KH&CN đã đưa vào ứng dụng là số đề tài, đề án, dự án KH&CN đã được tiếp nhận, chuyển giao, tổ chức ứng dụng, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sau khi được đánh giá, nghiệm thu.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cấp quản lý;

- Nguồn cấp kinh phí;

- Lĩnh vực KH&CN;

- Mục tiêu kinh tế-xã hội của nghiên cứu;

- Loại hình nghiên cứu;

- Khu vực thực hiện;

- Kinh phí;

- Hình thức tổ chức (đề tài/đề án/dự án).

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ KH&CN các ngành kinh tế-kỹ thuật, Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên, Vụ Công nghệ cao, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0404. Số nhiệm vụ khoa học và công nghệ đăng ký kết quả thực hiện

1. Khái niệm, phương pháp tính

Kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN được hiểu là tập hợp tài liệu về kết quả thu được từ hoạt động NC&PT của nhiệm vụ KH&CN, bao gồm: báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ; phụ lục tổng hợp các số liệu điều tra, khảo sát; bản đồ, bản vẽ, ảnh, tài liệu đa phương tiện; phần mềm([10]).

Đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN là việc tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN khai báo và giao nộp kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN([11]).

Số nhiệm vụ KH&CN đăng ký kết quả thực hiện là tổng số nhiệm vụ đã được cơ quan có thẩm quyền thực hiện đánh giá, nghiệm thu và đã đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cấp quản lý;

- Lĩnh vực KH&CN;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0405. Số người được đào tạo thông qua nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Người được đào tạo thông qua nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là người tham gia hoạt động NC&PT và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ về nội dung của nhiệm vụ trong năm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Trình độ đào tạo;

- Lĩnh vực đào tạo.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

05. HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

0501. Số nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN là đề tài/đề án/dự án KH&CN hợp tác xây dựng, tổ chức thực hiện và đóng góp kinh phí giữa các tổ chức KH&CN Việt Nam với các đối tác nước ngoài theo thỏa thuận bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

2. Phân tổ chủ yếu

- Nguồn cấp kinh phí (trong nước/nước ngoài);

- Lĩnh vực nghiên cứu;

- Hình thức hợp tác;

- Đối tác quốc tế;

- Cấp quản lý;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0502. Số điều ước, thỏa thuận quốc tế về khoa học và công nghệ được ký kết

1. Khái niệm, phương pháp tính

Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác([12]).

Thỏa thuận quốc tế được ký kết với tên gọi là Thỏa thuận, Bản ghi nhớ, Biên bản thỏa thuận, Biên bản trao đổi, Chương trình hợp tác, Kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác([13]) là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan Trung ương của tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với một hoặc nhiều bên ký kết nước ngoài, trừ các nội dung sau đây:

a) Hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;

b) Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tương trợ tư pháp;

c) Tham gia tổ chức quốc tế liên chính phủ;

d) Hỗ trợ phát triển chính thức thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam;

đ) Các vấn đề khác thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ theo quy định của pháp luật.

2. Phân tổ chủ yếu

- Lĩnh vực nghiên cứu;

- Đối tác quốc tế;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế; bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0503. Số đoàn ra về khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đoàn ra về KH&CN (Đoàn ra) là đoàn hoặc cá nhân cán bộ, công chức, viên chức được cử đi công tác nước ngoài để nghiên cứu, khảo sát, dự hội nghị/hội thảo về KH&CN hoặc giải quyết công việc liên quan đến hoạt động KH&CN.

Số đoàn ra được tính theo số đoàn được cử ra nước ngoài nghiên cứu, khảo sát, dự hội nghị/hội thảo hoặc giải quyết công việc liên quan đến hoạt động KH&CN bằng một quyết định hành chính của người có thẩm quyền.

2. Phân tổ chủ yếu

- Nguồn cấp kinh phí thực hiện;

- Nước đến nghiên cứu;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra Hội nhập quốc tế về KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0504. Số đoàn vào về khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đoàn vào về KH&CN (Đoàn vào) là đoàn của cơ quan, tổ chức nước ngoài và cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đến Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, dự hội nghị/hội thảo hoặc giải quyết công việc liên quan đến hoạt động KH&CN với các tổ chức, cơ quan của Việt Nam.

Đoàn vào là một lần đoàn quốc tế được mời vào nghiên cứu, khảo sát, dự hội nghị/hội thảo về KH&CN tại Việt Nam.

2. Phân tổ chủ yếu

- Nguồn cấp kinh phí thực hiện;

- Nước cử đến nghiên cứu;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra Hội nhập quốc tế về KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0505. Số người Việt Nam định cư ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam

1. Khái niệm, phương pháp tính

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động NC&PT ở Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài về làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở Việt Nam.

Chuyên gia nước ngoài hoạt động NC&PT tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài đến làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở cơ quan, tổ chức của Việt Nam.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình tổ chức;

- Giới tính;

- Trình độ chuyên môn;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Điều tra Hội nhập quốc tế về KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

06. ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

0601. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đổi mới sáng tạo (Innovation) là việc tạo ra một sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ), một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp tiếp thị (marketing) mới hoặc một phương pháp tổ chức và quản lý mới trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nơi làm việc hoặc trong quan hệ với bên ngoài([14]). Hoạt động đổi mới sáng tạo bao gồm mọi hoạt động NC&PT, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, giải pháp tổ chức và quản lý, giải pháp tiếp thị, tài chính, thương mại, v.v... thực tế dẫn đến hoặc nhằm dẫn đến việc đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo thường được hiểu bao gồm: đổi mới sản phẩm; đổi mới quy trình, công nghệ; đổi mới tiếp thị; đổi mới quản lý và tổ chức.

Đổi mới sản phẩm (Product innovation) là việc đưa ra một hàng hóa hoặc dịch vụ mới hoặc được cải tiến đáng kể cho người dùng, khách hàng. Điều này bao gồm việc cải tiến đáng kể đặc tính kỹ thuật, thành phần, vật liệu, phần mềm nhúng bên trong, sự thân thiện với người dùng hoặc những đặc tính chức năng khác.

Đổi mới quy trình, công nghệ (Process innovation) là việc thực hiện quá trình sản xuất hoặc phương pháp phân phối/thực hiện mới hoặc được cải tiến đáng kể. Điều này bao gồm sự thay đổi đáng kể về kỹ thuật, thiết bị và phần mềm.

Đổi mới tiếp thị (Marketing innovation) là việc thực hiện phương pháp tiếp thị, bao gồm cả sự thay đổi đáng kể về thiết kế hoặc bao gói sản phẩm, kênh phân phối sản phẩm, quảng bá hoặc định giá sản phẩm.

Đổi mới quản lý và tổ chức (Organisational innovation) là việc thực hiện một phương pháp quản lý, tổ chức mới của công ty/doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức nơi làm việc hoặc trong quan hệ với bên ngoài.

Doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp có thực hiện ít nhất một trong bốn loại hoạt động: đổi mới sản phẩm; đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; đổi mới tiếp thị; đổi mới tổ chức và quản lý trong kỳ báo cáo.

Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo là tỷ lệ % của số doanh nghiệp có thực hiện ít nhất một trong bốn loại hoạt động: đổi mới sản phẩm; đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; đổi mới tiếp thị; đổi mới tổ chức và quản lý trong tổng số doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Công thức tính như sau:

Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo

=

Số doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo x 100

Tổng số doanh nghiệp

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Loại hình đổi mới sáng tạo;

- Ngành kinh tế;

- Phương thức đổi mới sáng tạo;

- Mức độ đổi mới sáng tạo.

3. Kỳ công bố: 03 năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN); Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan (Bộ Tài chính); Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

0602. Chi cho đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chi cho đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là các chi tiêu cho các hoạt động phục vụ đổi mới sáng tạo, như: hoạt động NC&PT trong doanh nghiệp; mua kết quả NC&PT; mua sắm công nghệ, máy móc, thiết bị và phần mềm hoặc phần cứng máy tính mới; đào tạo, tập huấn về hoạt động đổi mới sáng tạo; giới thiệu sản phẩm, quy trình đổi mới.

Mua sắm công nghệ, máy móc, thiết bị và phần mềm hoặc phần cứng máy tính mới (từ vốn xây dựng cơ bản; từ vốn đầu tư bổ sung thêm không qua xây dựng cơ bản, kể cả qua thuê tài chính; đầu tư nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ hiện tại...) để sản xuất ra sản phẩm theo quy trình công nghệ mới hoặc để cải tiến sản phẩm và quy trình công nghệ cũ.

Đào tạo, tập huấn về hoạt động đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp tổ chức đào tạo, tập huấn trong hoặc ngoài doanh nghiệp cho nhân lực của doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm của người lao động hay tuyển dụng thêm lao động mới có kỹ năng và kinh nghiệm phục vụ đổi mới sáng tạo.

Giới thiệu sản phẩm, quy trình đổi mới là hoạt động giới thiệu sản phẩm mới hoặc sản phẩm được cải tiến, bao gồm cả việc nghiên cứu thị trường và khởi động marketing; và các hoạt động đổi mới sáng tạo khác trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Loại chi.

3. Kỳ công bố: 03 năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN); Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan (Bộ Tài chính); Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

0603. Số doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp do các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Khoa học và Công nghệ([15]).

Hoạt động chính của doanh nghiệp KH&CN là thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do doanh nghiệp được quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp; thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Doanh nghiệp KH&CN thực hiện sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật([16]).

Số doanh nghiệp KH&CN là số doanh nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Hình thức thành lập (thành lập mới; chuyển đổi; hình thành từ trường đại học; hình thành từ viện nghiên cứu);

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0604. Số doanh nghiệp có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Quỹ phát triển KH&CN là loại quỹ do doanh nghiệp thành lập để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

- Quy mô (% lợi nhuận trước thuế).

3. Kỳ công bố: 03 năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN.

0605. Số doanh nghiệp có bộ phận nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Bộ phận về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp là một viện, trung tâm, phòng, ban,... hoặc đơn thuần là một tổ, một bộ phận,... có chức năng chuyên về hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển sản phẩm mới, quy trình công nghệ mới hoặc nghiên cứu cải tiến về kỹ thuật những sản phẩm, quy trình công nghệ đang có.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Loại hình tổ chức;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: 03 năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN); Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan (Bộ Tài chính); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

0606. Số hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được đăng ký và cấp phép

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đăng ký chuyển giao công nghệ là việc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN đối với Hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập hoặc phần chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư, góp vốn bằng công nghệ, nhượng quyền thương mại, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, mua, bán máy móc, thiết bị kèm với đối tượng công nghệ chuyển giao hoặc chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:

- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

- Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

- Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký chuyển giao công nghệ là Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ.

Cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ là việc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Việc cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ thực hiện theo trình tự hai bước gồm:

- Chấp thuận chuyển giao công nghệ (Đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư đã được thẩm định, lấy ý kiến công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư thì không phải chấp thuận chuyển giao công nghệ);

- Cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ là Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Phân tổ chủ yếu

Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN); Sở KH&CN tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0607. Số hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện là số hợp đồng đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, bao gồm:

- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

- Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

- Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN([17]).

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Hình thức chuyển giao;

- Nguồn cấp kinh phí;

- Kinh phí;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ; Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0608. Tổng giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tổng giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ là tổng số tiền được ghi trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Hình thức chuyển giao;

- Nguồn cấp kinh phí;

- Kinh phí;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0609. Số tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Thị trường KH&CN là môi trường pháp lý, đầu tư và thương mại thúc đẩy quan hệ giao dịch, trao đổi, mua bán các sản phẩm, dịch vụ KH&CN được vận hành có sự định hướng, điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước.

Tổ chức trung gian của thị trường KH&CN là tổ chức được quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

Tổ chức trung gian của thị trường KH&CN có thể bao gồm:

- Sàn giao dịch công nghệ: là loại hình tổ chức trung gian có khả năng thực hiện tất cả các dịch vụ hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ từ chào mua, chào bán, giới thiệu, đại diện, đại lý, tư vấn, môi giới, hỗ trợ định giá, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đàm phán, ký kết, thực hiện giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ;

- Trung tâm giao dịch công nghệ: là loại hình tổ chức trung gian có khả năng thực hiện một số dịch vụ hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ trong phạm vi địa phương hoặc lĩnh vực nhất định;

- Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ: là loại hình tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN và các tổ chức khác có hoạt động tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ trong hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;

- Trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ là loại hình tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, người có quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ và các bên liên quan trong việc xác định giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;

- Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo là loại hình tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quy trình quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh; tiếp thu, làm chủ công nghệ; quản trị, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ; quản trị hoạt động đổi mới sáng tạo;

- Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN là loại hình tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoàn thiện, ứng dụng, thương mại hóa công nghệ; xây dựng mô hình kinh doanh, huy động vốn đầu tư và các hoạt động khác thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Tổ chức trung gian có thể được thành lập dưới các hình thức sàn, trung tâm, văn phòng, phòng, vườn ươm và các hình thức khác.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Loại hình;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0610. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm do công nghệ cao tạo ra, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường([18]).

Sản phẩm ứng dụng công nghệ cao là sản phẩm được tạo ra do ứng dụng công nghệ cao.

Giá trị sản xuất công nghiệp là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp tạo ra dưới dạng hàng hóa và dịch vụ trong thời gian nhất định, thường là 01 năm. Giá trị sản xuất công nghiệp bao gồm: Giá trị của nguyên vật liệu, năng lượng, phụ tùng thay thế, chi phí dịch vụ sản xuất, khấu hao tài sản cố định, chi phí lao động, thuế sản xuất và giá trị thặng dư tạo ra trong cấu thành giá trị sản phẩm công nghiệp.

Nhóm sản phẩm xác định Giá trị sản xuất công nghiệp:

Theo cách tính hiện nay của Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam được tính bằng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, bao gồm giá trị tăng thêm của:

- Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (được gọi là khu vực 1);

- Công nghiệp và xây dựng (khu vực 2);

- Dịch vụ (khu vực 3).

Với chỉ tiêu đặt ra liên quan tới Giá trị sản xuất công nghiệp thì các tính toán sẽ tập trung ở khu vực 2.

Theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp được chia thành 4 nhóm ngành cấp 1 như sau:

- Khai khoáng;

- Công nghiệp chế biến, chế tạo;

- Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước & điều hòa không khí;

- Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.

Theo hệ thống thống kê mã 8 số do Tổng cục Thống kê quy định, 4 nhóm ngành cấp 1 của công nghiệp được chia thành tổng cộng 3082 nhóm sản phẩm. Mỗi nhóm sản phẩm được mã hóa bởi 8 chữ số và sắp xếp phân theo từng phân ngành cụ thể. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra là cần xác định trong số 3082 nhóm sản phẩm nêu trên đâu là sản phẩm CNC và ứng dụng công nghệ cao để tiến hành tính toán.

Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao (CNC) và ứng dụng CNC trong giá trị sản xuất công nghiệp là chỉ tiêu tương đối thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm giữa tổng giá trị sản phẩm CNC và ứng dụng CNC trong 01 năm trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp của năm đó.

Công thức tính:

T (%)

=

(X1 + X2) x 100%

X

Trong đó:

- T là tỷ trọng giá trị sản phẩm CNC và ứng dụng CNC trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp của năm báo cáo;

- X là tổng giá trị sản xuất công nghiệp của năm báo cáo;

- X1 là tổng giá trị sản phẩm CNC của năm báo cáo;

- X2 là tổng giá trị sản phẩm ứng dụng CNC của năm báo cáo;

Sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC được lựa chọn trong số 3082 nhóm sản phẩm ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng([19])

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Ngành công nghiệp.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra Doanh nghiệp.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Vụ Công nghệ cao;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0611. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Giá trị giao dịch của thị trường KH&CN là giá trị trao đổi thực tế của công nghệ giữa hai hoặc nhiều đối tượng.

2. Phân tổ chủ yếu

- Khu vực hoạt động;

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Trong nước/ngoài nước;

- Nước và vùng lãnh thổ;

- Xuất khẩu/Nhập khẩu (trong đó có công nghệ cao).

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Hồ sơ hành chính của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Tổng cục Hải quan; Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính); Ngân hàng nhà nước Việt Nam; bộ, ngành có liên quan.

0612. Số dự án đầu tư được thẩm định công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

Thẩm định công nghệ các dự án đầu tư là quá trình xem xét, đánh giá sự phù hợp của công nghệ đã nêu trong dự án so với mục tiêu và nội dung của dự án đầu tư trên cơ sở các chủ trương, chính sách, quy hoạch của Nhà nước tại thời điểm thẩm định dự án. Thẩm định công nghệ dự án đầu tư bao gồm:

a) Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư:

(i) Dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

(ii) Dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao;

(iii) Dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

b) Trong giai đoạn quyết định đầu tư:

(i) Dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

(ii) Dự án đầu tư xây theo quy định của pháp luật về xây dựng;

(iii) Dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Nước đầu tư;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ.

07. SỞ HỮU TRÍ TUỆ

0701. Số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam

1. Khái niệm, phương pháp tính

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí), nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh([20]).

Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam là đơn do tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình đơn;

- Quốc tịch người nộp đơn;

- Tỉnh/thành phố của người nộp đơn tại Việt Nam.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Sở hữu trí tuệ;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0702. Số văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp tại Việt Nam

1. Khái niệm, phương pháp tính

Văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp tại Việt Nam là văn bản do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp gồm:

- Bằng độc quyền sáng chế;

- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích;

- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;

- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;

- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình văn bằng;

- Quốc tịch chủ văn bằng;

- Tỉnh/thành phố của chủ văn bằng tại Việt Nam.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Sở hữu trí tuệ;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0703. Số đơn đăng ký quốc tế đối tượng sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân trong nước

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đơn đăng ký quốc tế đối tượng sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân trong nước là đơn do tổ chức, cá nhân thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp thông qua Cục Sở hữu trí tuệ nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại ít nhất một quốc gia ngoài Việt Nam.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình đơn;

- Nước nhận đơn.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Sở hữu trí tuệ;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0704. Số chủ thể trong nước được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Việt Nam

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chủ thể trong nước được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Việt Nam là tổ chức, cá nhân thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại chủ thể (cá nhân/doanh nghiệp);

- Loại hình văn bằng.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Sở hữu trí tuệ;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0705. Số hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đã đăng ký

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp bao gồm chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản([21]).

Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

Số hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đã đăng ký là số lượng các hợp đồng hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN có thẩm quyền.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình văn bằng;

- Quốc tịch bên giao;

- Quốc tịch bên nhận.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Sở hữu trí tuệ;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

08. CÔNG BỐ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

0801. Số bài báo của Việt Nam công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Bài báo của Việt Nam công bố trên tạp chí KH&CN là bài báo đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được công bố trên các tạp chí KH&CN trong nước và quốc tế mà có ít nhất một trong số các tác giả là công dân Việt Nam.

2. Phân tổ chủ yếu

- Lĩnh vực KH&CN;

- Quốc gia/Quốc tế;

- Tác giả độc lập/Đồng tác giả.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN;

- Cơ sở dữ liệu Web of Science/SCOPUS.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0802. Số lượt trích dẫn của các bài báo khoa học và công nghệ của Việt Nam

1. Khái niệm, phương pháp tính

Trích dẫn tài liệu tham khảo là việc chỉ ra nguồn tin của phần nội dung, ý tưởng, kết luận, đánh giá... của tác giả khác mà tác giả sử dụng để đưa vào trong bài báo của mình.

Bài báo KH&CN được trích dẫn là bài báo, tài liệu được tác giả khác sử dụng và trích dẫn vào trong bài báo của họ.

Số lượt được trích dẫn của bài báo KH&CN là tổng số các bài báo khác đã sử dụng (trích dẫn) bài báo đó làm tài liệu tham khảo trong một khoảng thời gian nhất định. Một bài báo được nhiều tác giả/bài báo khác trích dẫn được coi là bài báo quan trọng, có giá trị hoặc chất lượng cao.

2. Phân tổ chủ yếu

- Lĩnh vực KH&CN;

- Quốc gia/Quốc tế.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chỉ số trích dẫn SCI, SCIE của Web of Science ISI.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

09. TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG VÀ CHẤT LƯỢNG

0901. Số tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được công bố

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng([22]).

Tiêu chuẩn quốc gia là tiêu chuẩn do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng, Bộ KH&CN thẩm định, công bố theo trình tự, thủ tục quy định.

2. Phân tổ chủ yếu:

- Loại tiêu chuẩn;

- Lĩnh vực tiêu chuẩn.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Hồ sơ hành chính của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0902. Số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) được ban hành

1. Khái niệm, phương pháp tính

Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là quy chuẩn do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý. Bộ trưởng Bộ KH&CN tổ chức thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại quy chuẩn kỹ thuật;

- Lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật;

- Bộ/ngành ban hành.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Hồ sơ hành chính của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0903. Số quy chuẩn kỹ thuật địa phương

1. Khái niệm, phương pháp tính

Quy chuẩn kỹ thuật địa phương là quy chuẩn do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình đặc thù của địa phương và yêu cầu cụ thể về môi trường cho phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thủy văn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại quy chuẩn kỹ thuật;

- Lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Hồ sơ hành chính của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0904. Số mẫu phương tiện đo được phê duyệt

1. Khái niệm, phương pháp tính

Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.

Mẫu phương tiện đo là phương tiện đo được thử nghiệm, kiểm định tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định để phê duyệt đánh giá, xác nhận mẫu phương tiện đo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.

Phê duyệt mẫu phương tiện đo là hoạt động do cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền thực hiện để đánh giá, xác nhận mẫu phương tiện đo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.

Số mẫu phương tiện đo được phê duyệt là số mẫu phương tiện đo được phê duyệt theo quy định.

2. Phân tổ chủ yếu: Loại phương tiện đo.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Hồ sơ hành chính của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0905. Số tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường là tổ chức đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đo lường và quy định của pháp luật có liên quan, được cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền xem xét, đưa vào danh sách để tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phải đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định số 105/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Hồ sơ hành chính của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0906. Số phương tiện đo, chuẩn đo lường được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

1. Khái niệm, phương pháp tính

Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.

Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thực hiện, duy trì đơn vị đo của đại lượng đo và được dùng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.

Kiểm định là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.

Thử nghiệm là việc xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Số phương tiện đo được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm là tổng số phương tiện đo được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tại tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường theo quy định.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại phương tiện đo;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Hồ sơ hành chính của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0907. Số giấy chứng nhận về hệ thống quản lý cấp cho tổ chức, doanh nghiệp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Hệ thống quản lý là hệ thống để thiết lập chính sách và mục tiêu và để đạt được các mục tiêu đó. Một hệ thống quản lý của một tổ chức có thể bao gồm các hệ thống quản lý khác nhau, ví dụ như hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý tài chính, hay hệ thống quản lý môi trường.

Giấy chứng nhận về hệ thống quản lý là văn bản do một tổ chức độc lập có uy tín, có đầy đủ năng lực, thẩm quyền và được cấp phép để đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý (chất lượng hay môi trường) của tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng, tuân thủ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý qua đối chiếu với các tiêu chí đã lập ra.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hệ thống quản lý;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Hồ sơ hành chính của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

0908. Số doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng mã vạch

1. Khái niệm, phương pháp tính

Doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng mã số mã vạch là doanh nghiệp, tổ chức đã đăng ký và được cơ quan quản lý nhà nước về mã số mã vạch của Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cấp mã số doanh nghiệp GS1.

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Hồ sơ hành chính của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0909. Số phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn được công nhận

1. Khái niệm, phương pháp tính

Thử nghiệm là việc xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.

Phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn được công nhận là những phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, xác nhận đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đo lường và quy định của pháp luật có liên quan, được cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền xem xét, đưa vào danh sách để tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng dịch vụ hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

2. Phân tổ chủ yếu

- Lĩnh vực thử nghiệm, hiệu chuẩn;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Hồ sơ hành chính của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

- Đơn vị phối hợp: Văn phòng công nhận chất lượng.

0910. Số doanh nghiệp, tổ chức đạt giải thưởng chất lượng quốc gia

1. Khái niệm, phương pháp tính

Giải thưởng chất lượng quốc gia là hình thức tôn vinh, khen thưởng ở cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các tiêu chí của giải thưởng chất lượng quốc gia và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam ít nhất 3 năm([23]). Giải thưởng chất lượng quốc gia được xét tặng hàng năm.

Giải thưởng chất lượng quốc gia bao gồm: Giải vàng chất lượng quốc gia; Giải bạc chất lượng quốc gia.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình doanh nghiệp, tổ chức;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

- Hình thức giải thưởng.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Hồ sơ hành chính của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

0911. Số tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký lĩnh vực hoạt động

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đánh giá sự phù hợp là việc xác định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng([24]). Đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định.

Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng([25]).

Tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định của Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hóa và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố danh sách để tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn sử dụng dịch vụ đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước.

Tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký lĩnh vực hoạt động là tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp, đã đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ, quá trình, môi trường (sau đây gọi là đối tượng đánh giá sự phù hợp) chuyên ngành thuộc trách nhiệm, quản lý nhà nước của bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, và đưa vào Danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định theo quy định của pháp luật.

2. Phân tổ chủ yếu

- Lĩnh vực hoạt động chứng nhận;

- Lĩnh vực hoạt động thử nghiệm;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Hồ sơ hành chính của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

10. NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ, AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN

1001. Số người hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

1. Khái niệm, phương pháp tính

Người hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các cơ sở tiến hành công việc bức xạ, bao gồm:

- Người làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp hoặc liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

- Người làm việc tại các tổ chức KH&CN trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

- Người làm việc tại các đơn vị ứng dụng trực tiếp năng lượng nguyên tử hoặc tiến hành công việc bức xạ;

- Giảng viên, nghiên cứu viên tại các khoa, bộ môn về năng lượng nguyên tử tại các trường đại học.

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Loại hình kinh tế;

- Loại hình đào tạo;

- Lĩnh vực KH&CN;

- Lĩnh vực hoạt động;

- Ngành kinh tế;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN;

- Số liệu điều tra thống kê về nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục Năng lượng nguyên tử;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

1002. Số tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ là các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động theo quy định tại Điều 18 Luật năng lượng nguyên tử.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Ngành kinh tế;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

1003. Số nhân viên bức xạ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Nhân viên bức xạ là người làm việc trực tiếp với bức xạ, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và nắm vững quy định của pháp luật về an toàn bức xạ.

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Loại hình kinh tế;

- Ngành kinh tế;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

1004. Số thiết bị bức xạ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Thiết bị bức xạ là những thiết bị chuyên dụng cho hoạt động, ứng dụng bức xạ như thiết bị bức xạ có gắn nguồn phóng xạ hoặc thiết bị phát tia X, đảm bảo quy định tiêu chuẩn của pháp luật về an toàn bức xạ.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Ngành kinh tế;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

1005. Số nguồn phóng xạ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số nguồn phóng xạ là số lượng nguồn phóng xạ đã được cấp giấy phép sử dụng trong một công việc bức xạ.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Ngành kinh tế;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia; bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

1006. Số giấy phép tiến hành công việc bức xạ được cấp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Giấy phép tiến hành công việc bức xạ được cấp là giấy phép được cấp cho tổ chức, cá nhân có đầy đủ các điều kiện để tiến hành công việc bức xạ.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Ngành kinh tế;

- Bộ/ngành;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Đơn vị chủ trì: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;

- Đơn vị phối hợp: Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN); bộ, ngành có liên quan; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

PHỤ LỤC III

PHÂN CÔNG THU THẬP, TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU THỐNG KÊ QUỐC GIA VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2018/TT-BKHCN ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

STT

Mã số

Nhóm, tên chỉ tiêu

Phân tổ chủ yếu

Kỳ công bố

Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

1

1401

Số tổ chức khoa học và công nghệ

- Loại hình kinh tế.

- Loại hình tổ chức.

- Lĩnh vực KH&CN.

- Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

- Thẩm quyền thành lập.

- Đăng ký hoạt động.

Năm

Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng đăng ký hoạt động KH&CN; Sở KH&CN các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương

2

1402

Số người trong các tổ chức khoa học và công nghệ

- Giới tính.

- Dân tộc.

- Loại hình tổ chức.

- Lĩnh vực KH&CN

- Lĩnh vực đào tạo.

- Trình độ chuyên môn.

- Chức danh (giáo sư/phó giáo sư).

- Quốc tịch.

- Độ tuổi.

- Bộ, ngành.

- Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Năm

Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Vụ Tổ chức cán bộ; Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương

3

1403

Số người hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

- Vị trí hoạt động.

- Trình độ chuyên môn.

- Giới tính.

- Khu vực hoạt động.

- Lĩnh vực KH&CN.

- Dân tộc

02 năm

Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

4

1404

Số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ

- Lĩnh vực kỹ thuật.

- Khu vực hoạt động.

- Quốc tịch chủ văn bằng.

- Loại văn bằng.

Năm

Cục Sở hữu trí tuệ

Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

5

1405

Chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị

- Ngành kinh tế.

- Loại hình kinh tế.

- Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Năm

Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ

Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

6

1407

Chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

- Nguồn cấp kinh phí.

- Loại hình nghiên cứu.

- Khu vực hoạt động.

- Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

02 năm

Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia



[1] Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, tính toán hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước.

[2] Luật công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008

[3] Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp thông tin tập trung

[4] OECD (2015), Frascati Manual 2015: Guidelines for Collecting and Reporting Data on Research and Experimental Development, The Measurement of Scientific, Technological and Innovation Activities, OECD Publishing, Paris. DOI: http://dx.doi.org/10.1787/9789264239012-en

[5] Đề tài (2014): Nghiên cứu và ứng dụng phương pháp luận của OECD trong việc xác định chỉ tiêu nhân lực toàn thời tương đương (FTE), Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia.

[6] Tổng chi quốc gia cho KH&CN hay còn được gọi là Tổng đầu tư xã hội cho KH&CN.

[7] Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013

[8] Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ

[9] Thông tư số 40/2014/TT-BKHCN ngày 18/12/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ

[10] Thông tư 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN.

[11] Thông tư 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN.

[12] Luật điều ước quốc tế ngày 9 tháng 4 năm 2016.

[13] Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế ngày 30 tháng 4 năm 2007

[14] OECD, 2005. Oslo Manual: Guidelines for collecting and Interpreting innovation data. Third edition.

[15] Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013.

[16] Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN.

[17] Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ ngày 19 tháng 6 năm 2017

[18] Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008.

[19] Danh mục sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC xác định dựa trên Bảng phân loại công nghiệp chuẩn quốc tế ISIC Revision 3 của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) và OECD; tham khảo danh mục Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 và Quyết định số 13/2017/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ

[20] Khoản 4 Điều 4 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ngày 19 tháng 6 năm 2009

[21] Luật sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005

[22] Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006.

[23] Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng, sản phẩm, hàng hóa

[24] Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006.

[25] Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03/2018/TT-BKHCN về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 03/2018/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/05/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học Công nghệ
  • Người ký: Trần Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 789 đến số 790
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản