Chương 4 Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 102/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Điều 12. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về việc tuyển và quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn.
2. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng lao động Việt Nam cho nhà thầu.
3. Chấp thuận những vị trí công việc mà người sử dụng lao động được tuyển người lao động nước ngoài; giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và thông báo việc chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đến từng người sử dụng lao động.
4. Quyết định việc cho phép nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào từng vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật lao động Việt Nam và hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động cho các doanh nghiệp, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu và người lao động nước ngoài trên địa bàn.
2. Tổ chức thực hiện việc giới thiệu, cung ứng lao động cho người sử dụng lao động hoặc nhà thầu theo quy định của pháp luật.
3. Tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài vào từng vị trí công việc tại địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận và thông báo bằng văn bản về từng vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng người sử dụng lao động theo chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Khi nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động phải vào sổ theo dõi theo Mẫu số 12 ban hành kèm theo Thông tư này và có giấy biên nhận trao cho người sử dụng lao động. Trong giấy biên nhận phải ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ; những giấy tờ có trong hồ sơ và thời hạn trả lời. Lưu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động theo quy định của pháp luật.
5. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam của người sử dụng lao động trên địa bàn.
6. Thực hiện việc thu hồi giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP.
7. Báo cáo định kỳ:
a) Trước ngày 05 hằng tháng thông báo cho Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình cấp giấy phép lao động theo Mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Báo cáo theo quý tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về người lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh, thành phố theo Mẫu số 14 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 10 tháng đầu tiên của quý tiếp theo.
c) Định kỳ 6 tháng, trước ngày 15 tháng 7 và hằng năm, trước ngày 15 tháng 01 của năm kế tiếp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý theo Mẫu số 15 ban hành kèm theo Thông tư này.
8. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Điều 14. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
2. Hướng dẫn, cung cấp cho người lao động nước ngoài các quy định của pháp luật Việt Nam về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
3. Làm các thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng được cử, điều động hoặc biệt phái làm việc toàn bộ thời gian tại một tỉnh, thành phố khác với tỉnh, thành phố nơi người lao động nước ngoài đang làm việc hoặc làm vị trí công việc khác cho người sử dụng lao động thì thực hiện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Mục 3 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP.
4. Nộp lệ phí cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện đầy đủ hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức theo quy định của pháp luật; gửi văn bản thông báo về việc ký kết hợp đồng lao động kèm theo bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đã cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.
6. Quản lý hồ sơ và thường xuyên cập nhật, bổ sung các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức.
7. Quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức.
8. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thu lại giấy phép lao động đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP của người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp trực tiếp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cấp giấy phép lao động đó. Trường hợp không thu lại được giấy phép lao động thì phải báo cáo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
9. Báo cáo theo quý tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đóng trụ sở chính, thực hiện dự án, thực hiện gói thầu về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo Mẫu số 16 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 05 tháng đầu tiên của quý tiếp theo.
10. Người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cơ sở khác của người sử dụng lao động đó ở trong và ngoài tỉnh, thành phố với thời hạn ít nhất 10 ngày trong 01 tháng hoặc ít nhất 30 ngày cộng dồn trong 01 năm thì người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản về thời gian làm việc, vị trí công việc của người lao động nước ngoài đến làm việc tại tỉnh, thành phố và kèm theo bản sao giấy phép lao động đã được cấp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài đến làm việc.
Điều 15. Trách nhiệm của chủ đầu tư
1. Tổ chức giám sát, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng nội dung đã cam kết trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài khi thực hiện hợp đồng.
2. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhà thầu thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật; theo dõi và quản lý người lao động nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam; báo cáo theo quý tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài của các nhà thầu theo Mẫu số 16 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 05 tháng đầu tiên của quý tiếp theo.
Điều 16. Trách nhiệm của người lao động nước ngoài
1. Nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chuẩn bị các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động.
2. Thực hiện quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và các quy định khác có liên quan.
3. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày người lao động nước ngoài bị thu hồi giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP thì người lao động nước ngoài phải nộp lại giấy phép lao động đó cho người sử dụng lao động.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2014.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 31/2011/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ và Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
3. Người sử dụng lao động đã đăng ký nhu cầu tuyển và sử dụng người lao động nước ngoài năm 2014 theo quy định tại Khoản 7 Điều 19 của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung và Khoản 10 Điều 14 của Thông tư số 31/2011/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 01 tháng 11 năm 2013 thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, thẩm định và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn, bổ sung kịp thời./.
Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 102/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- Điều 3. Nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài
- Điều 4. Nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu
- Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
- Điều 6. Giấy phép lao động
- Điều 7. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động
- Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động
- Điều 9. Thời hạn của giấy phép lao động được cấp, cấp lại
- Điều 10. Văn bản trả lời không cấp giấy phép lao động, không cấp lại giấy phép lao động
- Điều 11. Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động