Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 02/2021/TT-BKHCN quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương II

TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI, ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, GIẢI THỂ CÁC TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÔNG LẬP

Điều 5. Tiêu chí phân loại tổ chức khoa học và công nghệ công lập

1. Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ

a) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập phục vụ quản lý nhà nước

Tại điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức có chức năng nghiên cứu ứng dụng phục vụ một trong các nhiệm vụ sau: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và định mức kinh tế-kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

b) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu

Tại điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức có chức năng, nhiệm vụ cung cấp ít nhất một dịch vụ trong Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu về khoa học và công nghệ hoặc Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.

c) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập phục vụ công ích của nhà nước

Tại điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức có một trong các chức năng, nhiệm vụ sau:

c1) Thực hiện nghiên cứu cơ bản theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ. Thực hiện một số nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ (nếu có) không trùng với quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

c2) Thực hiện nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ không trùng với quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

2. Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính

Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Cụ thể:

a) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

b) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;

c) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

d) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Điều 6. Điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Đáp ứng đồng thời các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 4 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP và quy định về số lượng người làm việc tối thiểu tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Điều 7. Điều kiện sắp xếp, kiện toàn các tổ chức khoa học và công nghệ công lập dưới hình thức sáp nhập

1. Tổ chức bị sáp nhập

Không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Tổ chức nhận sáp nhập

a) Đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư này.

b) Ngoài ra tổ chức nhận sáp nhập cần đáp ứng các yêu cầu sau:

b1) Có chức năng, nhiệm vụ, hoặc đã được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bị sáp nhập hoặc có lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ tương đồng với tổ chức bị sáp nhập;

b2) Có năng lực tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các tổ chức bị sáp nhập;

b3) Có phương án tiếp tục hoạt động với chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp kiện toàn tổ chức bảo đảm chất lượng, hiệu quả được cáp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Mức độ tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập sau sáp nhập

a) Sáp nhập các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Tổ chức khoa học và công nghệ công lập sau sáp nhập phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính cao nhất của các tổ chức thực hiện sáp nhập tại thời điểm bắt đầu tiến hành hoạt động sáp nhập.

b) Sáp nhập các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 5 Thông tư này

Mức độ tự chủ về tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập sau sáp nhập thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

c) Sáp nhập các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư này với các tổ chức thuộc quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 5 Thông tư này

Tổ chức khoa học và công nghệ công lập sau sáp nhập phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính cao nhất của các tổ chức thực hiện sáp nhập tại thời điểm bắt đầu tiến hành hoạt động sáp nhập.

Điều 8. Điều kiện sắp xếp, kiện toàn các tổ chức khoa học và công nghệ công lập dưới hình thức hợp nhất

1. Tổ chức được hợp nhất

Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xem xét hợp nhất khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

a) Không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập quy định tại Điều 6 Thông tư này.

b) Có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc trùng lặp, chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức khác.

c) Có mức độ tự chủ gần tương đồng. Không hợp nhất các tổ chức có mức độ tự chủ quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư này với các tổ chức có mức độ tự chủ quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

2. Tổ chức hình thành sau quá trình hợp nhất

a) Có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm duy trì chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức được hợp nhất.

b) Đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư này.

3. Mức độ tự chủ của tổ chức hình thành sau quá trình hợp nhất

a) Hợp nhất các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 5 Thông tư này

Tổ chức hình thành sau quá trình hợp nhất phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính cao nhất của các tổ chức được hợp nhất tại thời điểm bắt đầu tiến hành hoạt động hợp nhất.

b) Hợp nhất các tổ chức khoa học và công nghệ công lập có mức độ tự chủ thuộc quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 5 Thông tư này

Mức độ tự chủ về tài chính của tổ chức hình thành sau quá trình hợp nhất thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 9. Điều kiện và yêu cầu khi thực hiện giải thể tổ chức khoa học và công nghệ công lập

1. Tổ chức bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP.

b) Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

c) Không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập quy định tại Điều 6 Thông tư này.

d) Ba năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền; hoặc bị đánh giá hoạt động không hiệu quả trong 3 năm liên tiếp tại báo cáo đánh do tổ chức đánh giá độc lập thực hiện đánh giá theo quy định tại Điều 18 Luật Khoa học và công nghệ và Thông tư số 18/2019/TT-BKHCN ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đánh giá hoạt động và chất lượng dịch vụ của tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

2. Yêu cầu khi thực hiện giải thể tổ chức khoa học và công nghệ công lập: tổ chức chỉ thực hiện giải thể sau khi phương án bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư 02/2021/TT-BKHCN quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 02/2021/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/03/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 551 đến số 552
  • Ngày hiệu lực: 25/04/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra