Chương 1 Thông tư 02/2012/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Chương trình) được phê duyệt tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện và tham gia Chương trình.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Văn phòng điều phối các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo), do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động.
2. Chương trình thành phần: Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
3. Bộ chủ trì tổ chức xây dựng và triển khai Chương trình thành phần (sau đây viết tắt là Bộ chủ trì Chương trình thành phần): Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; Bộ Công Thương chủ trì Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4. Ban chủ nhiệm Chương trình thành phần do Bộ trưởng Bộ chủ trì Chương trình thành phần quyết định thành lập, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của Chương trình thành phần. Ban chủ nhiệm Chương trình thành phần có bộ máy giúp việc và được bảo đảm các điều kiện về kinh phí, phương tiện làm việc, các chế độ khác theo quy định hiện hành.
5. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ của Chương trình là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện việc xây dựng, triển khai nhiệm vụ của Chương trình (sau đây viết tắt là tổ chức chủ trì).
Điều 3. Nhiệm vụ của Chương trình
1. Nhiệm vụ của Chương trình bao gồm: đề án công nghệ cao, dự án công nghệ cao, nhiệm vụ chung của Chương trình.
2. Đề án công nghệ cao (sau đây gọi tắt là đề án) là tập hợp các đề tài, dự án, nhiệm vụ nhằm thực hiện nội dung được xác định trong Chương trình.
3. Dự án công nghệ cao (sau đây viết tắt là dự án) bao gồm:
a) Dự án phát triển công nghệ cao là dự án có hoạt động nghiên cứu làm chủ, phát triển công nghệ cao bao gồm: đề tài nghiên cứu thích nghi, làm chủ công nghệ nhập khẩu, công nghệ được chuyển giao, hoàn thiện công nghệ, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, tạo ra công nghệ mới; dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm; nhiệm vụ hỗ trợ khoa học và công nghệ. Nhiệm vụ hỗ trợ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn.
b) Dự án ứng dụng công nghệ cao là dự án có hoạt động triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm và đầu tư sản xuất sản phẩm trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ.
c) Dự án sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao là dự án có hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, sản xuất thử nghiệm, đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao, kinh doanh thử nghiệm.
d) Dự án xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao bao gồm: dự án xây dựng và phát triển cơ sở nghiên cứu công nghệ cao; dự án xây dựng và phát triển cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; dự án xây dựng và phát triển phòng thí nghiệm công nghệ cao; dự án xây dựng cơ sở hỗ trợ cho phát triển sản phẩm công nghệ cao; dự án hình thành trung tâm chuyển giao công nghệ; dự án xây dựng và nâng cấp tạp chí chuyên ngành; dự án xây dựng hệ thống thông tin về ứng dụng, sản xuất, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
d) Dự án phát triển nhân lực công nghệ cao bao gồm: dự án hình thành tập thể nghiên cứu khoa học mạnh về lĩnh vực công nghệ cao; dự án bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho lãnh đạo chủ chốt của dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao; dự án bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ nghiên cứu của dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao; dự án hỗ trợ sinh viên thực hiện nghiên cứu và thực tập tại tổ chức hoạt động về lĩnh vực công nghệ cao; dự án hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài tham gia hợp tác thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; dự án huy động chuyên gia tình nguyện nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động công nghệ cao tại cơ sở công nghệ cao của Việt Nam; dự án phát triển cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ quốc tế.
4. Nhiệm vụ chung của Chương trình là nhiệm vụ nhằm triển khai giải pháp thực hiện Chương trình được nêu tại Khoản III, Điều 1 và nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương được nêu tại điểm 4, Khoản IV, Điều 1 Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Nguyên tắc chung lựa chọn đề án, dự án
1. Công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được tạo ra từ đề án, dự án phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
b) Có tính mới, có trình độ sáng tạo và khả năng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ để đóng góp cho việc nâng cao trình độ và tiềm lực công nghệ cao của Việt Nam;
c) Có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đạt tiêu chuẩn tiên tiến trong khu vực và thế giới; được kiểm định tại cơ sở đo kiểm có uy tín trong nước, khu vực và quốc tế; tuân thủ tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
2. Mục tiêu của đề án, dự án phải rõ ràng, được định lượng và phải có tác động quan trọng tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, đất nước, khu vực. Thị trường và giá trị của công nghệ, sản phẩm được tạo ra từ đề án, dự án phải đủ lớn.
3. Đề án, dự án phải có báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kế hoạch hoạt động, trong đó tổ chức chủ trì đề án, dự án phải có năng lực hoặc huy động nguồn lực từ bên ngoài để bảo đảm tài chính, quản lý, công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý và những yếu tố quan trọng khác cho việc thực hiện thành công đề án, dự án.
4. Tổ chức chủ trì dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao phải cam kết đầu tư bằng nguồn vốn tự có của tổ chức chủ trì cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hằng năm của dự án và số lao động có bằng đại học trở lên trực tiếp tham gia thực hiện nghiên cứu và phát triển cho dự án tại Việt Nam phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động của dự án. Đối với tổ chức chủ trì là doanh nghiệp thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao phải thành lập và sử dụng nguồn vốn đầu tư cho dự án từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của công nghiệp.
5. Khuyến khích đề án, dự án tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao có mức độ sáng tạo cao trên cơ sở làm chủ công nghệ nguồn, có tiềm năng thương mại hóa và tiêu thụ lớn trên thị trường, thuộc một số lĩnh vực công nghệ có ý nghĩa then chốt, hoặc công nghệ, sản phẩm chủ lực của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Điều 5. Mã số Chương trình, nhiệm vụ của Chương trình
1. Mã số Chương trình: CNC;
2. Mã số đề án công nghệ cao: CNC.XX.ĐA/YY;
3. Mã số dự án phát triển công nghệ cao: CNC.XX.DAPT/YY;
4. Mã số dự án ứng dụng công nghệ cao: CNC.XX.DAUD/YY;
5. Mã số dự án sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao: CNC.XX.DASX/YY;
6. Mã số dự án xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao: CNC.XX.DAHT/YY;
7. Mã số dự án phát triển nhân lực công nghệ cao: CNC.XX.DANL/YY;
8. Mã số nhiệm vụ chung của Chương trình: CNC.XX.NVC/YY.
Trong đó:
- XX là số thứ tự nhiệm vụ của Chương trình;
- ĐA là ký hiệu đề án công nghệ cao;
- DAPT là ký hiệu dự án phát triển công nghệ cao;
- DAUD là ký hiệu dự án ứng dụng công nghệ cao;
- DASX là ký hiệu dự án sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao;
- DAHT là ký hiệu dự án xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao;
- DANL là ký hiệu dự án phát triển nhân lực công nghệ cao;
- NVC là ký hiệu nhiệm vụ chung của Chương trình;
- YY là số biểu thị năm bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của Chương trình.
Thông tư 02/2012/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 4. Nguyên tắc chung lựa chọn đề án, dự án
- Điều 5. Mã số Chương trình, nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 6. Tiêu chí dự án phát triển công nghệ cao
- Điều 7. Tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao
- Điều 8. Tiêu chí dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao
- Điều 9. Tiêu chí dự án xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao
- Điều 10. Tiêu chí dự án phát triển nhân lực công nghệ cao
- Điều 11. Tổ chức thực hiện Chương trình
- Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
- Điều 13. Trách nhiệm của Bộ chủ trì Chương trình thành phần
- Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức chủ trì
- Điều 15. Quản lý nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 16. Xác định nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 17. Thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 18. Hợp đồng giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 19. Bổ sung, điều chỉnh nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 20. Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 21. Sửa đổi, chấm dứt hợp đồng
- Điều 22. Chế độ báo cáo
- Điều 23. Đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 24. Thanh lý hợp đồng và khai thác kết quả nhiệm vụ của Chương trình
- Điều 25. Xử lý tài sản
- Điều 26. Kinh phí thực hiện Chương trình
- Điều 27. Thông tin và cơ sở dữ liệu của Chương trình