Chương 2 Thông tư 02/2009/TT-BGTVT về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành
KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 3. Căn cứ để kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Căn cứ để kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là kiểm tra) bao gồm:
1. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;
2. Hồ sơ thiết kế hoặc hồ sơ kỹ thuật.
Việc kiểm tra bao gồm các loại hình sau:
1. Kiểm tra sản phẩm nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp;
2. Kiểm tra sản phẩm hoán cải, phục hồi;
3. Kiểm tra định kỳ phương tiện;
4. Kiểm tra bất thường.
Hồ sơ thiết kế do cơ sở thiết kế hoặc cơ sở sản xuất có đủ điều kiện thiết kế theo quy định lập thành 03 bộ gửi tới các cơ quan đăng kiểm để thẩm định. Hồ sơ thiết kế được quy định như sau:
1. Đối với phương tiện sản xuất, lắp ráp, hồ sơ thiết kế gồm có:
a) Bản vẽ kỹ thuật:
- Bản vẽ tổng thể của phương tiện;
- Bản vẽ lắp đặt tổng thành, hệ thống;
- Bản vẽ và thông số kỹ thuật của tổng thành, hệ thống sản xuất trong nước;
- Bản thông số kỹ thuật của tổng thành, hệ thống nhập khẩu.
b) Bản thuyết minh, tính toán:
- Thuyết minh đặc tính kỹ thuật cơ bản của phương tiện;
- Tính toán động lực học: tính êm dịu vận hành, tính an toàn chống lật và chống trật bánh;
- Tính toán sức kéo (áp dụng đối với đầu máy, toa xe động lực hoặc phương tiện động lực khác);
- Tính toán kiểm nghiệm sức bền của bệ xe, thân toa xe và giá xe của đầu máy hoặc phương tiện động lực;
- Tính toán kiểm nghiệm hãm.
2. Đối với tổng thành sản xuất, lắp ráp, hồ sơ thiết kế gồm có:
a) Bản vẽ tổng thể của sản phẩm;
b) Bản thuyết minh đặc tính kỹ thuật của sản phẩm.
3. Đối với phương tiện hoán cải, hồ sơ thiết kế gồm có:
a) Bản vẽ tổng thể của phương tiện trước và sau hoán cải;
b) Tài liệu kỹ thuật của tổng thành, hệ thống được sử dụng để hoán cải;
c) Bản thuyết minh, tính toán liên quan đến nội dung hoán cải.
1. Việc thẩm định hồ sơ thiết kế được thực hiện đối với các sản phẩm trước khi sản xuất, lắp ráp lần đầu hoặc hoán cải.
2. Thẩm định thiết kế là việc xem xét, đối chiếu các nội dung của hồ sơ thiết kế sản phẩm với các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Việc thẩm định thiết kế được thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp phải kéo dài thời gian thẩm định do yêu cầu bổ sung hồ sơ thiết kế thì cơ quan đăng kiểm phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở thiết kế hoặc cơ sở sản xuất.
3. Sau khi thẩm định, hồ sơ thiết kế được chuyển tới cơ sở thiết kế hoặc cơ sở sản xuất, chủ phương tiện và lưu trữ tại cơ quan đăng kiểm.
Điều 7. Kiểm tra sản phẩm sản xuất, lắp ráp
1. Hồ sơ kỹ thuật sử dụng trong quá trình kiểm tra bao gồm:
a) Hồ sơ thiết kế của sản phẩm đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định;
b) Chứng chỉ chất lượng (đối với sản phẩm yêu cầu phải có chứng chỉ chất lượng) hoặc tài liệu kỹ thuật liên quan của tổng thành, hệ thống được sử dụng để sản xuất, lắp ráp sản phẩm;
c) Hồ sơ kiểm tra và nghiệm thu sản phẩm của cơ sở sản xuất.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Đối với phương tiện: kiểm tra theo nội dung quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này;
b) Đối với tổng thành: kiểm tra theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và đối chiếu các thông số kỹ thuật với hồ sơ thiết kế đã thẩm định.
3. Phương thức kiểm tra:
a) Đối với phương tiện: kiểm tra từng phương tiện;
b) Đối với tổng thành: kiểm tra một sản phẩm bất kỳ của lô sản phẩm.
Điều 8. Kiểm tra phương tiện hoán cải
1. Hồ sơ kỹ thuật sử dụng trong quá trình kiểm tra bao gồm:
a) Hồ sơ thiết kế hoán cải phương tiện đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định;
b) Chứng chỉ chất lượng (đối với sản phẩm yêu cầu phải có chứng chỉ chất lượng) hoặc tài liệu kỹ thuật liên quan của tổng thành, hệ thống được sử dụng để hoán cải phương tiện;
c) Hồ sơ kiểm tra và nghiệm thu phương tiện của cơ sở sản xuất.
2. Nội dung kiểm tra bao gồm xem xét, đánh giá chất lượng phương tiện hoán cải theo các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và hồ sơ thiết kế hoán cải đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định.
3. Phương thức kiểm tra: kiểm tra từng phương tiện
Điều 9. Kiểm tra phương tiện nhập khẩu
1. Hồ sơ kỹ thuật sử dụng trong quá trình kiểm tra bao gồm:
a) Thỏa thuận kỹ thuật của hợp đồng nhập khẩu;
b) Tài liệu giới thiệu đặc tính kỹ thuật của phương tiện;
c) Chứng chỉ chất lượng xuất xưởng hợp thức của nhà sản xuất hoặc của tổ chức kiểm tra chất lượng có thẩm quyền của nước ngoài được Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận.
2. Nội dung kiểm tra
Kiểm tra theo nội dung quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.
3. Phương thức kiểm tra
Kiểm tra từng phương tiện
Điều 10. Kiểm tra định kỳ đối với phương tiện
1. Thời điểm kiểm tra đối với phương tiện hoạt động trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
Kiểm tra định kỳ được thực hiện cùng với thời điểm phương tiện đưa vào sửa chữa định kỳ, cụ thể như sau:
a) Thời hạn kiểm tra lần đầu đối với phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới: kiểm tra định kỳ được thực hiện cùng thời điểm phương tiện đưa vào sửa chữa lần đầu cấp 2, cấp 3 (đối với đầu máy, phương tiện chuyên dùng) và cấp niên tu (đối với toa xe);
b) Đối với phương tiện đang khai thác:
- Đầu máy, toa xe động lực là kỳ sửa chữa cấp đại tu, cấp ky, cấp 2 và cấp 3;
- Toa xe là kỳ sửa chữa cấp đại tu và cấp niên tu;
- Phương tiện chuyên dùng được thực hiện theo chu kỳ 12 tháng.
2. Thời điểm kiểm tra đối với phương tiện hoạt động trên đường sắt chuyên dùng có nối ray và không nối ray với đường sắt quốc gia được thực hiện theo chu kỳ:
a) Đối với phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới: kiểm tra định kỳ lần đầu là 30 tháng tình từ thời điểm kiểm tra nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới;
b) Đối với phương tiện đang khai thác: chu kỳ kiểm tra là 18 tháng.
3. Hồ sơ kỹ thuật sử dụng trong quá trình kiểm tra bao gồm:
a) Lý lịch kỹ thuật của phương tiện;
b) Hồ sơ kiểm tra và nghiệm thu phương tiện của cơ sở sản xuất.
4. Nội dung kiểm tra theo quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.
Kiểm tra bất thường được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phương tiện bị tai nạn hoặc khi có khiếu nại về chất lượng sản phẩm.
Điều 12. Cấp và sử dụng giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
1. Việc cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được thực hiện như sau:
a) Sản phẩm được kiểm tra theo quy định tại Điều 4 của Quy định này và hồ sơ thiết kế được thẩm định, nếu thỏa mãn các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành thì cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận) theo mẫu tương ứng tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này;
b) Sau khi kết thúc kiểm tra, việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện trong thời gian không quá một ngày đối với phương tiện kiểm tra định kỳ, 03 ngày đối với phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải.
2. Việc sử dụng giấy chứng nhận được thực hiện như sau:
a) Giấy chứng nhận tổng thành sản xuất, lắp ráp được cấp cho cơ sở sản xuất để cho phép sử dụng, lắp ráp trên phương tiện;
b) Giấy chứng nhận cấp cho phương tiện được sử dụng để làm thủ tục đăng ký và lưu hành phương tiện;
c) Chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm bảo quản giấy chứng nhận và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc sửa chữa, tẩy xóa giấy chứng nhận đã được cấp.
3. Hiệu lực của giấy chứng nhận và việc thu hồi giấy chứng nhận:
a) Giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho phương tiện sẽ tự mất hiệu lực sau khi phương tiện bị tai nạn gây hư hỏng nặng các tổng thành hệ thống và phương tiện không đảm bảo an toàn khi tiếp tục vận hành;
b) Cơ quan đăng kiểm thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận khi chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện không thực hiện đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình kỹ thuật hiện hành trong bảo dưỡng, sửa chữa và khai thác phương tiện;
4. Cơ quan đăng kiểm lưu trữ hồ sơ đăng kiểm trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận.
Thông tư 02/2009/TT-BGTVT về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 02/2009/TT-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 03/04/2009
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 209 đến số 210
- Ngày hiệu lực: 18/05/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 3. Căn cứ để kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
- Điều 4. Loại hình kiểm tra
- Điều 5. Hồ sơ thiết kế
- Điều 6. Thẩm định thiết kế
- Điều 7. Kiểm tra sản phẩm sản xuất, lắp ráp
- Điều 8. Kiểm tra phương tiện hoán cải
- Điều 9. Kiểm tra phương tiện nhập khẩu
- Điều 10. Kiểm tra định kỳ đối với phương tiện
- Điều 11. Kiểm tra bất thường
- Điều 12. Cấp và sử dụng giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường