Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP

Số: 02 /2007/TT- BTP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2007

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT LUẬT SƯ, NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LUẬT SƯ

Căn cứ Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư;
Căn cứ Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định số 28/2007/NĐ-CP như sau:

I. VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ LUẬT SƯ

1. Cơ sở đào tạo nghề luật sư bao gồm Học viện tư pháp thuộc Bộ Tư pháp và cơ sở đào tạo nghề luật sư do Tổ chức luật sư toàn quốc thành lập.

Cơ sở đào tạo nghề luật sư phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có số lượng giáo viên tối thiểu 1 giáo viên/20 học viên;

Giáo viên đào tạo nghề luật sư là luật sư có ít nhất 5 năm hành nghề luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành; có uy tín nghề nghiệp, khả năng sư phạm, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

Giáo viên đào tạo nghề luật sư bao gồm giáo viên cơ hữu và giáo viên kiêm nhiệm;

b) Có đội ngũ cán bộ quản lý bao gồm Giám đốc, cán bộ phụ trách về tổ chức, đào tạo, hành chính, quản trị;

c) Có chương trình đào tạo nghề luật sư, giáo trình giảng dạy phù hợp với chương trình khung do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành;

d) Có trường sở ổn định, có đủ khả năng về tài chính và các điều kiện vật chất khác bảo đảm quy mô đào tạo tối thiểu 200 học viên/khoá.

2. Hồ sơ thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư gồm có:

a) Giấy đề nghị thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư;

b) Đề án thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư, trong đó giải trình cụ thể về nguồn giáo viên, cán bộ quản lý, quy mô đào tạo, địa điểm trường sở, nguồn tài chính;

c) Sơ yếu lý lịch của Giám đốc cơ sở đào tạo nghề luật sư;

d) Danh sách kèm theo sơ yếu lý lịch của các giáo viên; đối với giáo viên kiêm nhiệm thì phải có cam kết bằng văn bản về việc tham gia giảng dạy cho cơ sở đào tạo nghề luật sư đó;

đ) Chương trình đào tạo nghề luật sư và giáo trình dự kiến áp dụng;

e) Văn bản xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc văn bản thoả thuận của cơ quan có thẩm quyền về quyền sử dụng đất lâu dài để xây dựng trường hoặc hợp đồng thuê nhà, đất (tối thiểu là 5 năm);

g) Văn bản của cơ quan tài chính có thẩm quyền xác nhận khả năng tài chính của tổ chức đề nghị thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư.

3. Hồ sơ thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư được gửi đến Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét cấp Giấy phép thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Vụ Bổ trợ tư pháp có nhiệm vụ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư.

4. Cơ sở đào tạo nghề luật sư do Tổ chức luật sư toàn quốc thành lập có tư cách pháp nhân; hoạt động theo quy định của pháp luật áp dụng đối với cơ sở ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

5. Vụ Bổ trợ tư pháp chủ trì phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ, Học viện tư pháp xây dựng chương trình khung đào tạo nghề luật sư trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

6. Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp muốn được công nhận ở Việt Nam thì phải có hồ sơ gửi Bộ Tư pháp.

Hồ sơ công nhận Giấy chứng nhận đào tạo nghề luật sư gồm có:

a) Giấy đề nghị công nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư;

b) Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư kèm theo chương trình đào tạo nghề luật sư.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định công nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

II. THỦ TỤC THU HỒI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư nếu luật sư thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư.

2. Trong trường hợp xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định kỷ luật, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi luật sư bị xử lý kỷ luật có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong trường hợp phát hiện luật sư thuộc một trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi luật sư đó là thành viên có trách nhiệm báo cáo và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư đó.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư được gửi cho người bị thu hồi Chứng chỉ, Đoàn luật sư nơi người đó đã là thành viên, Tổ chức luật sư toàn quốc, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và Sở Tư pháp của địa phương nơi có Đoàn luật sư mà người đó đã là thành viên.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Bộ Tư pháp đăng báo Pháp luật Việt Nam trong ba số liên tiếp về việc thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Tổ chức luật sư toàn quốc thu hồi Thẻ luật sư của người bị thu hồi Chứng chỉ. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm thu lại Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư của người đó.

4. Người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư phải chấm dứt hoạt động hành nghề luật sư kể từ ngày quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực.

III. QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP ĐỐI VỚI LUẬT SƯ

1. Chứng chỉ hành nghề luật sư được cấp theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 tiếp tục có hiệu lực theo quy định của Luật Luật sư.

2. Luật sư tập sự theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 được tiếp tục tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư; không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

Trong trường hợp luật sư tập sự theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 đang thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng thì phải giao lại vụ, việc đó cho luật sư hướng dẫn; trong trường hợp khách hàng không đồng ý thì tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư hướng dẫn hành nghề và khách hàng thoả thuận giải quyết.

3. Thời gian đã tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 được tính vào thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư.

4. Thẻ luật sư tập sự được cấp theo Pháp lệnh luật sư năm 2001 không còn giá trị. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm thu hồi Thẻ luật sư tập sự.

5. Luật sư tập sự theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 đang tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề luật sư ở địa phương khác với địa phương nơi có Đoàn luật sư mà mình đã gia nhập được tiếp tục tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư đó, nhưng phải đăng ký việc tập sự theo quy định của Luật Luật sư tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi tổ chức hành nghề luật sư mà mình đang tập sự đăng ký hoạt động. Khi đăng ký việc tập sự, người tập sự hành nghề luật sư phải chuyển hồ sơ gốc từ Đoàn luật sư nơi đã gia nhập đến Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự.

6. Trong thời gian tổ chức luật sư toàn quốc chưa được thành lập, việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện theo quy định của Quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư ban hành kèm theo Quyết định số 667/2004/QĐ-BPT ngày 08 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

7. Trong thời gian tổ chức luật sư toàn quốc chưa được thành lập, việc cấp Thẻ luật sư do Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thực hiện theo mẫu thống nhất của Bộ Tư pháp.

IV. QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP ĐỐI VỚI TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

1. Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Công ty luật hợp danh, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập, Chi nhánh Công ty luật hợp danh được cấp theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 tiếp tục có hiệu lực theo quy định của Luật Luật sư.

Trong trường hợp Công ty luật hợp danh đăng ký hoạt động theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 muốn thực hiện dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng thì phải có đơn đề nghị bổ sung lĩnh vực hành nghề kèm theo Giấy đăng ký hoạt động đã được cấp gửi Sở Tư pháp nơi đã đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Sở Tư pháp cấp lại Giấy đăng ký hoạt động cho Công ty luật hợp danh theo quy định của Luật Luật sư.

2. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Luật Luật sư có hiệu lực, Văn phòng luật sư do một số luật sư thành lập theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 phải thực hiện thủ tục chuyển đổi sang hình thức Công ty luật hợp danh theo quy định của Luật Luật sư tại Sở Tư pháp nơi đã đăng ký hoạt động; nếu không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động.

Hồ sơ chuyển đổi gồm có:

a) Giấy đề nghị chuyển đổi;

b) Dự thảo Điều lệ của Công ty luật hợp danh;

c) Danh sách thành viên;

d) Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Công ty luật hợp danh.

Công ty luật hợp danh được lựa chọn sử dụng tên cũ của Văn phòng luật sư đã chuyển đổi hoặc tên mới. Công ty luật hợp danh được hưởng các quyền của Văn phòng luật sư đã chuyển đổi và có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ mà Văn phòng luật sư đã chuyển đổi chưa thực hiện xong.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Công ty luật hợp danh phải có giấy đề nghị chuyển đổi Chi nhánh của Văn phòng luật sư thành Chi nhánh của Công ty luật hợp danh gửi Sở Tư pháp nơi Chi nhánh đăng ký hoạt động; kèm theo giấy đề nghị là Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh Văn phòng luật sư, bản sao Giấy đăng ký hoạt động của Công ty luật hợp danh. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy đề nghị chuyển đổi Chi nhánh, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Chi nhánh của Công ty luật hợp danh theo quy định của Luật Luật sư.

3. Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh đăng ký hoạt động theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 muốn chuyển đổi sang hình thức Công ty luật trách nhiệm hữu hạn thì phải chấm dứt hoạt động và làm thủ tục đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Luật sư. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn được sử dụng tên của Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh đã chấm dứt hoạt động.

4. Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân được đánh số như sau:

Hai chữ số đầu là mã tỉnh (Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này); hai chữ số tiếp theo là mã của hình thức hành nghề luật sư (Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này); bốn chữ số tiếp theo là số thứ tự đăng ký dùng chung cho các loại hình tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Số thứ tự của Giấy đăng ký hoạt động, Giấy đăng ký hành nghề cấp theo quy định của Luật Luật sư được ghi tiếp theo số thứ tự đăng ký cuối cùng của Giấy đăng ký đã cấp theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001. Đối với trường hợp chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại các khoản 2 và 3 của mục này, thì số thứ tự đã đăng ký của Văn phòng luật sư, Công ty luật được giữ lại khi cấp Giấy đăng ký hoạt động mới.

V. QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP ĐỐI VỚI TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI, LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

1. Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, Chi nhánh của Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài được cấp theo quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục có hiệu lực theo quy định của Luật Luật sư.

2. Số đăng ký của Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam cấp theo quy định của Luật Luật sư được ghi tiếp theo số đăng ký cuối cùng của Giấy đăng ký đã cấp theo quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

VI. QUY ĐỊNH CHUYỂN ĐỔI ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, TỔ CHỨC KINH DOANH DỊCH VỤ PHÁP LÝ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP

1. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Luật Luật sư có hiệu lực thi hành, tổ chức có đăng ký kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chấm dứt kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp; nếu muốn tiếp tục thực hiện dịch vụ pháp lý thì phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo một trong các hình thức tổ chức hành nghề luật sư được quy định tại Luật Luật sư.

2. Cá nhân kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp muốn tiếp tục thực hiện dịch vụ pháp lý thì phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư, gia nhập một Đoàn luật sư và hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư.

VII. QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP ĐỐI VỚI ĐOÀN LUẬT SƯ

1. Đoàn luật sư được thành lập theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 tiếp tục hoạt động theo quy định của Luật Luật sư.

2. Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư được bầu theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Luật sư cho đến khi Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật mới được bầu theo quy định của Luật Luật sư.

VIII. KIỂM TRA, THANH TRA VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ

1. Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư theo thẩm quyền.

2. Định kỳ mỗi năm một lần, Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư tại địa phương. Thời gian và nội dung kiểm tra định kỳ phải được thông báo cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 7 ngày trước khi tiến hành kiểm tra.

Sở Tư pháp có thể thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Nội dung kiểm tra bao gồm:

a) Kiểm tra về tổ chức và hoạt động hành nghề của các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

b) Kiểm tra việc tuân theo quy định của pháp luật đối với các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;

c) Kiểm tra việc tuân theo quy định của pháp luật trong hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.

4. Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tư pháp thực hiện thanh tra về tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật về thanh tra.

IX. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Sở Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động luật sư tại địa phương (theo mẫu số TP-LS 11 và mẫu số TP-LS 20). Báo cáo 6 tháng tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 được gửi trước ngày 15/7; báo cáo năm tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 được gửi trước ngày 15/01 năm sau.

Ngoài báo cáo định kỳ, Sở Tư pháp báo cáo về tổ chức và hoạt động luật sư tại địa phương theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

2. Sở Tư pháp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức, hoạt động luật sư tại địa phương.

X. BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ NÀY CÁC MẪU GIẤY TỜ SAU ĐÂY:

1. Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư (mẫu TP-LS-01);

2. Sơ yếu lý lịch (mẫu TP-LS-02);

3. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên (mẫu TP-LS-03);

4. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của Công ty luật hợp danh, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (mẫu TP-LS-04);

5. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư (mẫu TP-LS-05);

6. Giấy đề nghị đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân (mẫu TP-LS-06);

7. Giấy đăng ký hoạt động Văn phòng luật sư, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên (mẫu TP-LS-07);

8. Giấy đăng ký hoạt động Công ty luật hợp danh, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (mẫu TP-LS-08);

9. Giấy đăng ký hoạt động Chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư (mẫu TP-LS-09);

10. Giấy đăng ký hành nghề của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân (mẫu TP-LS-10);

11. Báo cáo của Sở Tư pháp về tổ chức, hoạt động hành nghề luật sư tại địa phương (mẫu TP-LS-11);

12. Đơn đề nghị thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (mẫu TP-LS-12);

13. Đơn đề nghị thành lập Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh tại Việt Nam (mẫu TP-LS-13);

14. Đơn đề nghị cấp giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài (mẫu TP-LS-14);

15. Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam (mẫu TP-LS-15);

16. Giấy đăng ký hoạt động Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài tại Việt Nam (mẫu TP-LS-16);

17. Giấy đăng ký hoạt động Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh tại Việt Nam (mẫu TP-LS-17);

18. Giấy đăng ký hoạt động Chi nhánh của Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (mẫu TP-LS-18);

19. Báo cáo về tổ chức và hoạt động của Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (mẫu TP-LS-19);

20. Báo cáo của Sở Tư pháp về hoạt động hành nghề của Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài, luật sư nước ngoài tại địa phương (mẫu TP-LS-20).

XI. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp để kịp thời giải quyết.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, ngành liên quan;
- Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao;
- Toà án Nhân dân Tối cao;
- Hội luật gia Việt Nam;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Đoàn luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Bộ Tư pháp tại TPHCM;
- Ban Xây dựng pháp luật (VPCP);
- Cục Kiểm tra văn bản (BTP);
- Công báo; Website Chính phủ;
- Lưu: VT, Vụ BTTP

BỘ TRƯỞNG




Uông Chu Lưu

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

PHỤ LỤC 1

MÃ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Kèm theo Thông tư số: 02/2007/TT-BTP ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tư pháp)


Mã số

Tỉnh, TP

trực thuộc TW

01

Hà Nội

02

Hải Phòng

03

Hà Tây

04

Hải Dương

05

Hưng Yên

06

Hà Nam

07

Nam Định

08

Thái Bình

09

Ninh Bình

10

Hà Giang

11

Cao Bằng

12

Lào Cai

13

Bắc Cạn

14

Lạng Sơn

15

Tuyên Quang

16

Yên Bái

17

Thái Nguyên

18

Phú Thọ

19

Vĩnh Phúc

20

Bắc Giang

21

Bắc Ninh

22

Quảng Ninh

23

Điện Biên

24

Sơn La

25

Hòa Bình

26

Thanh Hóa

27

Nghệ An

28

Hà Tĩnh

29

Quảng Bình

30

Quảng Trị

31

Thừa Thiên Huế

32

Đà Nẵng

Mã số

Tỉnh, TP

trực thuộc TW

33

Quảng Nam

34

Quảng Ngãi

35

Bình Định

36

Phú Yên

37

Khánh Hòa

38

Kon Tum

39

Gia Lai

40

Đaklak

41

Thành phố Hồ Chí Minh

42

Lâm Đồng

43

Ninh Thuận

44

Bình Phước

45

Tây Ninh

46

Bình Dương

47

Đồng Nai

48

Bình Thuận

49

Bà Rịa - Vũng Tàu

50

Long An

51

Đồng Tháp

52

An Giang

53

Tiền Giang

54

Vĩnh Long

55

Bến Tre

56

Kiên Giang

57

Cần Thơ

58

Trà Vinh

59

Sóc Trăng

60

Bạc Liêu

61

Cà Mau

62

Lai Châu

63

ĐakNông

64

Hậu Giang


PHỤ LỤC 2

MÃ CỦA HÌNH THỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
(Kèm theo Thông tư số: 02/2007/TT-BTP ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tư pháp)

Mã số

Hình thức hành nghề luật sư

01

Văn phòng luật sư

02

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên

03

Công ty luật hợp danh

04

Chi nhánh Văn phòng luật sư

05

Chi nhánh Công ty luật hợp danh

06

Chi nhánh Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên

07

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

08

Chi nhánh Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

09

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2007/TT- BTP hướng dẫn Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn Luật Luật sư do Bộ Tư Pháp ban hành

  • Số hiệu: 02/2007/TT-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/04/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Uông Chu Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 428 đến số 429
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản