Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7376/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2020

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG PHÙNG ĐỨC TIẾN TẠI HỘI NGHỊ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CẢNG CÁ, KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN

Ngày 24 tháng 9 năm 2020 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa; đại diện Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính; đại diện Cục Cứu hộ Cứu nạn - Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Vụ Kế hoạch); lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá các tỉnh, thành phố ven biển; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL).

Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thủy sản về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản thời gian vừa qua, phương hướng và giải pháp trong thời gian tới; các báo cáo tham luận và ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận như sau:

Thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ: cơ sở hạ tầng nghề cá đã được đầu tư nâng cấp, số lượng tàu cá có công suất lớn, trang bị hiện đại tăng cao, công tác quản lý cảng cá, bảo đảm an toàn cho tàu cá được cải thiện, kết quả này đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của ngành khai thác thủy sản trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập để thực hiện dịch vụ hậu cần cho khai thác thủy sản và đáp ứng việc quản lý tàu cá, tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu. Trong thời gian tới để thực hiện tốt các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

1. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu và đảm bảo quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản và thực tiễn.

- Tăng cường các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy hoạch; tập trung đầu tư xây dựng có trọng điểm các công trình hạ tầng cảng cá. Xem xét đầu tư một số cảng cá chuyên dụng hoặc phân khu chức năng tại các cảng cá, thực hiện thí điểm chợ đấu giá thủy sản để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm khai thác.

- Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để hoàn thành dứt điểm các dự án trọng điểm, cấp thiết như: Cảng cá động lực thuộc các Trung tâm nghề cá lớn; cảng cá loại I; khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng...Đề xuất bổ sung nguồn vốn đầu tư từ vốn Trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực thủy sản trong đó ưu tiên các dự án đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; xây dựng danh mục các dự án tiềm năng đầu tư theo hình thức PPP và ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

- Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và các nhiệm vụ được giao theo Luật Thủy sản 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tại các địa phương.

- Đẩy nhanh thực hiện Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II, tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời cho ngư dân hoạt động trên biển.

- Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định trong quản lý tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả.

- Triển khai công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ cho đăng kiểm viên tàu cá; thực hiện kiểm tra công tác thực hiện đăng kiểm tàu cá tại các địa phương và đề xuất biện pháp xử lý nghiêm đối với các đăng kiểm viên, tổ chức đăng kiểm tàu cá có vi phạm trong quá trình thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá.

2. Đối với UBND các tỉnh, thành phố ven biển

- Rà soát, bổ sung đầu tư, nâng cấp các cảng cá đã được xây dựng để đáp ứng đủ các điều kiện theo Luật Thủy sản và Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Khẩn trương thực hiện công bố mở cảng cá theo quy định, kịp thời đưa cảng cá vào hoạt động để tiếp nhận tàu cá cập cảng, thực hiện công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chống khai thác IUU; chịu trách nhiệm khi việc chậm công bố mở cảng tại địa phương làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngư dân, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.

- Kiện toàn công tác quản lý cảng cá để tăng cường năng lực thực thi cho tổ chức quản lý cảng cá trong thực hiện các nhiệm vụ theo Luật Thủy sản 2017 và các yêu cầu nhiệm vụ mới; Đảm bảo khai thác hiệu quả các công trình đã được đầu tư xây dựng;

- Rà soát mô hình tổ chức quản lý hoạt động của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất về mặt chuyên môn, nghiệp vụ và theo quy định của pháp luật để phát huy vai trò của tổ chức quản lý cảng cá trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản;

- Bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy định; bố trí kinh phí duy tu, nạo vét luồng của các cảng cá, khu neo đậu để tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo an toàn cho tàu cá khi ra, vào cảng cá, khu neo đậu;

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển cho ngư dân nhằm trang bị và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi hoạt động trên biển cũng như hướng dẫn cho ngư dân quy trình xử lý, giải quyết hậu quả khi xảy ra tai nạn, sự cố;

- Chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra tàu cá tại địa phương; đào tạo, bồi dưỡng đăng kiểm viên tàu cá, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm tàu cá; hạn chế tối đa việc sử dụng máy bộ, máy cũ lắp trên các tàu cá; yêu cầu ngư dân trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn cho tàu cá và người làm việc trên tàu cá theo quy định;

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho ngư dân các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất trên biển theo các mô hình liên kết, tổ đội để nâng cao hiệu quả kinh tế và kịp thời hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra;

- Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tàu cá cố tình vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá; Chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan phối hợp với Bộ đội Biên phòng để kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết không cho các tàu cá chưa trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn ra khơi hoạt động.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (để b/c);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển;
- Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Vụ Kế hoạch (để t/h);
- Sở NN&PTNT, CCTS, BQL cảng cá các tỉnh, thành phố ven biển (để th/h);
- Lưu: VT, VP.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Lê Văn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 7376/TB-BNN-VP năm 2020 về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 7376/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 26/10/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản