Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 263/TB-BNN-VP | Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI CUỘC HỌP BAN ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CÔNG NGHỆ SINH HỌC NÔNG NGHIỆP, THỦY SẢN
Ngày 16 tháng 01 năm 2012, Bộ trưởng Cao Đức Phát - Trưởng Ban điều hành “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” và “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020” (gọi chung là Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản) đã chủ trì cuộc họp Ban điều hành đánh giá hoạt động của Chương trình năm 2011, triển khai kế hoạch năm 2012. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban điều hành Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản và đại diện các Vụ có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi nghe Chánh Văn phòng thường trực Ban điều hành Chương trình báo cáo kết quả hoạt động năm 2011, kế hoạch triển khai năm 2012, đề xuất kế hoạch giai đoạn 2012-2015 của Chương trình và ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận:
1. Trong năm 2011 Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản đã triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2006 và Quyết định số 97/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020” và đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên các sản phẩm, công nghệ tạo ra còn chưa bắt kịp với xu thế phát triển cũng như trình độ của công nghệ sinh học trong khu vực và trên thế giới.
2. Năm 2012, để Chương trình triển khai đảm bảo tiến độ và hiệu quả, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
2.1. Đào tạo nguồn nhân lực
- Rà soát đánh giá hiệu quả việc đào tạo sau đại học ở nước ngoài, số lượng học viên đã đào tạo, đã tốt nghiệp, tỷ lệ học viên sau khi tốt nghiệp về Việt Nam làm việc; tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch được giao.
- Đánh giá hiệu quả đào tạo kỹ thuật viên, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ với trình độ công nghệ cao để có thể tham gia triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học;
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế, tạo môi trường để thu hút nguồn nhân lực.
2.2. Nghiên cứu và phát triển công nghệ
- Tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc triển khai các đề tài, dự án đảm bảo có sản phẩm cụ thể đáp ứng mục tiêu của Chương trình. Rà soát lại các đề tài, dự án nghiên cứu thuộc Chương trình, tập trung ưu tiên cho các đề tài có sản phẩm cụ thể ứng dụng thực tiễn sản xuất, có hàm lượng Công nghệ sinh học cao (nhất là có ứng dụng chỉ thị phân tử, công nghệ gen). Triển khai các nhiệm vụ về finger printing;
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế đặt hàng cho các doanh nghiệp để có sản phẩm đi vào cuộc sống nhanh hơn;
- Tiếp tục đẩy nhanh công tác ứng dụng cây trồng biến đổi gen vào sản xuất, xây dựng các văn bản tạo hành lang pháp lý, động lực thị trường mới để thúc đẩy công nghệ đi vào thực tiễn sản xuất;
- Rà soát các nhiệm vụ về nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học, nâng cao hàm lượng công nghệ sinh học và tính ứng dụng trong thực tiễn sản xuất;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tiến tới hình thành công nghệ nhân giống ở quy mô công nghiệp.
2.3. Đầu tư trang thiết bị
- Đánh giá lại hiệu quả đầu tư trang thiết bị. Nghiên cứu ưu tiên đầu tư tập trung, có trọng điểm, bao gồm cả các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học;
- Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ sở vật chất để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học có hiệu quả vào sản xuất.
2.4. Thông tin tuyên truyền
- Đẩy mạnh công tác truyền thông (phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm …) về công nghệ sinh học nói chung và cây trồng biến đổi gen nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức trong xã hội.
Văn phòng thường trực Ban điều hành Chương trình có nhiệm vụ tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động của Chương trình với các thành viên Ban điều hành.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 11/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 97/2007/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- 3Thông báo 4112/TB-BNN-VP kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại cuộc họp Ban điều hành Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Thông báo 263/TB-BNN-VP kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại cuộc họp Ban điều hành Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 263/TB-BNN-VP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 02/02/2012
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Minh Nhạn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra